Nhiều quan chức tỉnh Kon Tum sau khi được giao đất không qua đấu giá thì để đất hoang hóa, hoặc bán kiếm lợi từ chênh lệch giá đất.
Thanh tra Chính phủ vừa phát hiện tại Thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) xảy ra tình trạng giao đất vượt hạn mức so với quy định của tỉnh, phân lô theo hiện trạng dẫn đến diện tích các lô đất không đồng đều, làm cho thửa đất có diện tích nhỏ nhất là 229,75 m2 thửa lớn nhất với diện tích 444,85 m2 (quy hoạch chia lô tại Khu tái định cư Dự án Tuyến tránh Thành phố Kon Tum tại địa bàn xã Đăk Bla và Khu tái định cư Nam Đăk Bla, phường Lê Lợi); giao đất cho 43 trường hợp (Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla) không thuộc đối tượng tái định cư, nguy cơ thất thu ngân sách tối thiểu là 3.515,19 triệu đồng.
Việc giao đất không thông qua đấu giá cho các trường hợp không thuộc đối tượng tái định cư là sai, nhưng đây là những trường hợp gia đình có đất bị giải phóng mặt bằng ở địa bàn vùng kinh tế khó khăn. Xét tình hình thực tế nêu trên, việc thu thêm tiền của các trường hợp này là rất khó thực hiện nên Thanh tra Chính phủ không kiến nghị thu thêm tiền có nguy cơ thất thu, nhưng cần phải kiểm điểm, xử lý kỷ luật nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức cá nhân.
Cá biệt, tại huyện Đắk Hà, Thanh tra Chính phủ phát hiện có 85 trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đối với quỹ đất nhỏ, lẻ trong thời gian dài (tập trung tại thị trấn Đắk Hà, xã Ngọc Wang, xã Đăk Hring). Việc làm này, theo Thanh tra Chính phủ là vi phạm Điều 118, Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Thông tư số 30/2014/TT.
Đáng chú ý, trong 85 trường hợp này, Thanh tra Chính phủ phát hiện có một số công chức thuộc huyện Đắk Hà được giao diện tích lớn (ông Nguyễn Thanh Dương, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy được giao thửa đất số 28, tờ bản đồ số M, diện tích 651 m2; ông Phan Văn Cường, nguyên Phó Ban Kinh tế huyện Đăk Hà, nay là Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện được giao thửa 29 (A20), diện tích 180 m2) và nhiều trường hợp được giao đất để ở, nhưng thực tế không có nhu cầu này, nên khi kiểm tra thực địa, đất để hoang hóa hoặc chuyển nhượng đất để kiếm lời (trường hợp Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường có con là Phan Đức Toàn được giao 480 m2, hiện đã bán một phần diện tích là 200m2 cho ông Vũ Văn Quân với giá 280 triệu đồng, trong khi giá kê khai nộp thuế (thông báo nộp lệ phí trước bạn nhà đất ngày 26/8/2019 của Chi cục Thuế huyện Đắk Hà chỉ 60 triệu đồng)…
Trong số đó còn có những trường hợp là lãnh đạo hoặc người nhà lãnh đạo các cơ quan thuộc Huyện ủy Đắk Hà, UBND huyện Đắk Hà. Chưa kể có nhiều trường hợp được giao đất nhưng để trống không sử dụng hoặc chuyển nhượng thu chênh lệch.
Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ tạm tính tiền sử dụng đất của 13/85 trường hợp, thấy giá đất thấp hơn giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước mức tối thiểu là 885,86 triệu đồng.
Tại huyện Ngọc Hồi, qua báo cáo và xác minh 319 trường hợp (danh sách UBND huyện cung cấp), Thanh tra Chính phủ nhận thấy, việc UBND huyện giao đất cho các trường hợp (thuộc Công ty TNHH MTV 732, Binh đoàn 15) không thông qua đấu giá với tổng diện tích đất 7,079 ha tại thôn 2, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi là vi phạm Điều 118, Luật Đất đai năm 2013.
Tại huyện Kon Rẫy, UBND huyện này ban hành quyết định giao đất trồng cây hàng năm khác tại thôn 1, xã Tân Lập không thông qua đấu giá cho 2 hộ gia đình (hộ ông bà Trần Văn Út, Lê Thị Vi 288,4 m2 và hộ bà Đặng Thị Khanh 298,4 m2) và quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm khoản 2, Điều 12, Điều 52, Luật Đất đai năm 2013.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, hiện trạng 2 thửa đất còn để trống, nên cần phải hủy quyết định giao đất, thu hồi 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, bố trí quỹ đất nông nghiệp cho 2 hộ gia đình trên theo đúng quy định.
Theo baodautu.vn