Sau khi Hàn Lâm Viện Thụy Điển tuyên bố không bình chọn Giải Nobel Văn Chương năm 2018, do một số thành viên rút lui hồi tháng 4, vì những tai tiếng liên quan đến ban tổ chức, Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương (tổ chức một lần duy nhất thay thế cho Giải Nobel Văn học năm nay) được một nhóm gồm 126 văn nghệ sĩ họp nhau lại cùng tạo dựng hồi tháng 7 vừa qua. Theo đó, nhà văn Kim Thúy (người Canada gốc Việt) ở Quebec là một trong 4 người được đề cử giải Văn chương này. Nhà văn Kim Thúy cho biết, chị hết sức bất ngờ và phấn khích khi hay tin được vào chung khảo. Bởi vì các nhà văn cùng vào chung khảo với chị đều là những biểu tượng văn hóa và cây viết gạo cội của thế giới là: Neil Gaiman đến từ Anh, Maryse Conde đến từ Pháp và Haruki Murakami đến từ Nhật Bản, trong khi chị chỉ mới bước vào nghề văn.
Theo thông tin từ Saigoneer.com, ban tổ chức Hội Văn Chương Mới (VCM) bao gồm Margaret Atwood từ Canada và J K Rowling đến từ Anh, đã đề cử một danh sách gồm 47 ứng cử viên. Hội sẽ bị giải thể vào cuối năm nay, trước khi giải thay thế Nobel Văn học được trao vào tháng 10 như giải chính thức.
Trong danh sách chung khảo, hội đồng Hội VCM đưa ra nhận định, Gaiman là “một ngôi sao thật sự trong cộng đồng giả tưởng”. Murakami, cái tên yêu thích của các nhà cái cho giải Nobel Văn học, là “một trong những tác giả, dịch giả nổi tiếng nhất của chúng tôi”. Còn lại là hai nhà văn nữ, tiểu thuyết gia Maryse Condé, với những tác phẩm nổi tiếng như Desirada và Segu là “một trong những tác giả Caribbea xuất sắc nhất”, và nhà văn người Canada gốc Việt Nam, Kim Thúy với những câu chuyện mang đậm màu sắc, hương vị Việt Nam.
Ngay khi vừa ra mắt, hội đồng VCM cho biết, tiêu chí giải của VCM là tìm kiếm nhà văn kể câu chuyện về “những con người trên khắp thế giới”, khác với giải Nobel là để tôn vinh “những tác phẩm xuất sắc nhất theo định hướng lý tưởng”. Hội VCM được thành lập để đảm bảo một giải văn chương quốc tế sẽ được trao năm 2018, nhưng cũng là để nhắc nhở rằng văn chương nên gắn liền với nền dân chủ, cởi mở, đồng cảm và tôn trọng. Trong thời điểm giá trị con người đang bị đặt dấu hỏi ngày một nhiều, văn học trở thành kháng lực của bất công và thờ ơ. Giờ đây, quan trọng hơn bao giờ hết, giải thưởng văn học lớn nhất thế giới cần phải được trao”. Giải Nobel Văn học hằng năm sẽ không được trao trong năm 2018. Năm tới, Viện Hàn lâm Thụy Điển lên kế hoạch sẽ công bố hai cái tên thắng cuộc.
Nhà văn Kim Thúy tên thật là Nguyễn An Tịnh (sinh năm 1968), sinh ra tại Sài Gòn. Năm 1979 khi lên 10, chị cùng gia đình định cư ở Canada. Hành trình của chị cũng là đề tài của cuốn tiểu thuyết Ru dày 140 trang bằng tiếng Pháp, xuất bản năm 2009. Năm 2010 tác phẩm này thắng giải văn học của Canada. Đây là tác phẩm văn học gây dấu ấn đáng kể cho cộng đồng người Canada gốc Việt trên văn đàn Canada. Ấn bản tiếng Anh ra mắt năm 2012 do Sheila Fischman chuyển ngữ. Phiên bản này được đề cử tranh giải Scotiabank Giller Prize 2012. Ngoài ra, cuốn tiểu thuyết này cũng được dịch ra tiếng Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, và Ý.
Các tác phẩm khác: À toi (2011) viết chung với Pascal Janovjak (người Pháp-Thụy Sĩ), Mãn (2013), Vi ( 2016), tên sách hai quyển này đồng thời là tên nhân vật chính trong truyện. Kim Thúy hiện sinh sống tại Longueuil, ngoại ô Montreal. Chị có bằng luật sư và ngữ học tại Université de Montréal. Trước đó, chị đã từng làm thợ may, phiên dịch, chủ hàng ăn ở bang Montreal, bình luận viên ẩm thực trên truyền hình và đài phát thanh Canada.
Ru tác phẩm đầu tay của Kim Thúy, xuất bản năm 2009 lập tức trở thành sách bán chạy ở Pháp. Bản quyền sách tới nay đã được bán cho 25 quốc gia, bao gồm Trung Quốc và các nước nói tiếng Ả rập. Năm 2010, cuốn tiểu thuyết giành chiến thắng giải thưởng Governor General’s Awards và Prix du Grand Public Salon du livre de Montréal. Năm 2012, Ru lọt vào chung kết giải thưởng Scotiabank Giller Prize và Man Asian Literary Prize. Theo Nguyễn Vinh, nhà nghiên cứu Văn chương và Văn hóa tại Đại học McMaster University:
“Một từ đơn âm tiết, để chỉ điệu hát ru con trong tiếng Việt và chỉ một dòng chảy, dòng suối nhỏ trong tiếng Pháp, được lựa chọn kỹ càng để làm tựa đề cho quyển sách của cô, và từ Ru đã thành công trong việc định hình và bao quát tất cả những mảnh ghép khác nhau tạo nên câu chuyện kể trong Ru. Những chủ đề chính của tác phẩm Ru: chiến tranh và di cư, nghĩa vụ làm mẹ và gia đình, đấu tranh và hồi sinh; tất cả vang lên chỉ trong một từ “Ru”. Đó là điều mà Kim Thúy đã làm được chỉ với một từ, quả vậy chỉ với lượng ngôn từ ngắn ngủi thôi, đã tạo nên vẻ đẹp cho từ “ru” cũng như quyển tiểu thuyết mang tên nó”.
Cuốn sách thứ hai của Kim Thúy có tên tiếng Pháp “À toi” (Cho bạn), đã được xuất bản ở Québec, Canada, ra mắt độc giả vào tháng 9/2011, cũng nằm trong danh sách best-seller của Quebec liên tiếp bốn, năm tuần lễ, sau đó đã được mua bản quyền xuất bản tại Pháp, Rumani, Thụy Điển… Kim Thúy viết cuốn sách này cùng với Pascal Janovjak, một nhà văn người Thụy Sĩ mà chị gặp tại Monaco ở giải thưởng Literary Award “bởi vì cả hai đều vào chung kết.” Nếu “Ru” nói về việc cố gắng sống sót, thì “À toi” nói về học cách sống.
Kim Thúy nói: “Học cách sống vì khi mình đi sang một xứ khác, phải học lại một thứ ngôn ngữ khác, một văn hóa khác. Có những gia đình cha mẹ không biết ngoại ngữ, thì những đứa con lại cũng phải nhận lãnh thay vai trò của cha mẹ, để làm cầu nối cho cha mẹ với môi trường xung quanh. Mọi trật tự thông thường như đã bị đảo lộn. Và những đứa trẻ như Thúy đều phải bắt buộc cố gắng phải chạy để kịp lấy lại thời gian đã bị trễ. Mình không có sự lựa chọn cho sở thích, đam mê, nghề nghiệp nữa.
Từ việc đi ăn một cây kem cũng thấy rất tội lỗi, vì vừa mất thời gian, vừa tốn tiền trong khi cả gia đình khó khăn lắm mới kiếm được đồng tiền. Khi mãi chạy đua với thời gian như thế, chẳng có lúc nào để ngước lên nhìn bầu trời, nhìn thiên nhiên, mơ mộng… Đến khi bắt đầu hòa nhập được, lại phải học từ đầu cách giao tiếp các mối quan hệ xã hội, học ăn mà thưởng thức cái mình ăn. Học sống như thế đấy.”
Cuốn sách thứ ba có tựa “Mãn” thể hiện nét đẹp tuyệt vời, đẫm chất thơ lẫn trầm tư đầy xúc động dưới ngòi bút của Kim Thúy. Tờ La Presse nêu nhận định: “Với cuốn truyện này, Kim Thúy cho thấy chị không phải là người gây ngạc nhiên chỉ với một cuốn sách mà thôi.
Sau thành công lớn của cuốn Ru, cuốn sách bắt nguồn từ cuộc đời của chị, đã chứng tỏ là nhà văn cũng còn cả khả năng kể những câu chuyện của những thân phận khác: những cuộc sống lưu đầy, những gia đình, những đam mê, những hy sinh của họ.” Tờ The Huffington Post Quebec viết: “Từng câu một, Kim Thúy đã cho chúng ta khám phá ra Việt Nam qua lịch sử, ngôn ngữ, thực phẩm cùng với phong tục…Dẫn đến chúng ta những thân phận vừa bi đát vừa hạnh phúc của những di dân, Mãn cũng chứng tỏ Kim Thúy là một cây viết cực kỳ lãng mạn”.
Thật thú vị, vào năm 2017, Kim Thúy lại bất ngờ gây tiếng vang với “Le Secret des Vietnamiennes” (Việt Nam huyền bí). Đây không phải là tiểu thuyết mà là sách dạy nấu ăn. Trả lời báo chí lý do tại sao quyết định chuyển từ viết tiểu thuyết sang viết sách nấu ăn, Kim Thúy cho biết điều đó là hoàn toàn tự nhiên. Ẩm thực luôn đóng vai trò quan trọng trong các cuốn sách và trong cuộc sống của chị. Mong muốn của chị khi viết sách là giới thiệu các món ăn của Việt Nam tới người Canada. Chị nói: “Tôi muốn chia sẻ những điều tôi thấy đẹp hoặc khác biệt giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá Canada. Điều đó có thể khiến văn hóa của cả hai nước trở nên đẹp hơn”.
Theo Kim Thúy, ở Canada thường nhà văn viết bằng tiếng Pháp không sống được bằng nghề này. Chỉ Québec có độc giả tiếng Pháp, nhưng ở đây chỉ có khoảng bảy triệu dân. Một cuốn sách văn học best – seller thường chỉ bán được từ 3000 -5000 cuốn là đã nhiều.
Chị nói: “Tác giả nhận được khoảng 10% của giá bán, mà giá bán trung bình là 20 đô la. Như thế 3000 cuốn mới được 6000 đô, mà phải ba năm tác giả mới nhận được tính từ khi bắt đầu viết đến khi được xuất bản. Cứ nhìn như thế thì thấy nhà văn lấy gì mà sống, khi ở đất Canada này nhà cửa một tháng đã mất khoảng 1000 đôla rồi. Chỉ ngồi viết không thì chắc “cạp đất mà ăn” thôi”, nên rất ít người có thể sống bằng nghề này. Ở Việt Nam chắc cũng cùng một vấn đề như thế.”
Trả lời về quá khứ thăng trầm trên hành trình di cư, bắt đầu từ đầu và tập thích nghi, tập hòa nhập ở một vùng đất hoàn toàn mới mẻ, phải chăng là cái cớ cho sự ra đời tác phẩm văn học đầu tay của chị, Kim Thúy cho biết: “Việc được sống qua thử thách ấy với Thúy là một việc rất hên. Nhờ điều đó mà Thúy trở thành một người mạnh mẽ hơn rất nhiều, học hỏi được nhiều hơn rất nhiều.
Ví như nếu Thúy không trải nghiệm qua những điều đó, thì ngày hôm nay Thúy không thể vừa nói được tiếng Pháp, vừa tiếng Anh, vừa tiếng Việt. Nếu không trải qua chuyện đó, không có mình mạnh mẽ ngày hôm nay.”. Theo chị, mỗi một nhà văn đến và ở lại được trong lòng bạn đọc đều phải nhờ tài kể chuyện. Do đó, văn chương cũng như con người Kim Thúy, có ấn tượng đặc biệt với độc giả có lẽ là vì tinh thần vị tha, vì khả năng vượt qua mọi biên giới.
Đáng lưu ý, hồi còn làm cho công ty luật Stikeman, Kim Thúy có cơ hội về Việt Nam và làm việc ở đây từ 1996-2000. Thời gian này, Stikeman Elliott có hợp tác với Việt Nam trong một dự án do Canada tài trợ, với nhiều đối tác, nhưng đối tác quan trọng nhất là Tổ tư vấn của Thủ tướng chính phủ Việt Nam về các chính sách cải cách. Xa đất nước từ khi còn nhỏ xíu, được về làm việc ở Hà Nội, với Kim Thúy giống như đi tới một xứ sở khác.
Chị nói: “Mình quá vui thích vì nó cho mình thêm một cách nhìn mới. Nền văn hóa mới nào Thúy cũng thích hết, nhưng ở Việt Nam thì đặc biệt hơn vì là văn hóa của tiếng mẹ đẻ, Thúy có cơ hội hiểu rõ hơn về văn hóa của mình. Và vì hiểu nhiều hơn, tự nhiên cảm thấy mình giàu có hơn khi có được tới hai văn hóa. Nhờ mình có chút xíu tiếng Việt, nên mình học được nhanh hơn, và nhiều khi như mình nhớ lại, hiểu sâu hơn, cảm nhận sâu sắc hơn những điều mới biết qua đôi chút.
Ở nước ngoài mình chỉ có một cách nhìn của người nước ngoài, hay của những người Việt ở nước ngoài về Việt Nam – dù muốn dù không Thúy cũng không hẳn là 100% Việt Nam nữa rồi. Nhưng ở đây, được nhìn qua đôi mắt của chính mình, nghe được thêm không biết bao nhiêu người Việt nữa có cách nhìn rất khác nữa. Thế nên Thúy có cảm tưởng mình về mình nghe thấy cả trái tim đập của người Việt. Thúy kinh ngạc thấy tiếng Việt mình sao mà hay quá, sao dồi dào, phong phú đến thế. Rồi Thúy có cơ hội để hiểu hơn cả cách sống”.
Những ngày vừa qua, tại nhiều trường Đại học Hoa Kỳ, Đại sứ quán Canada tại Hoa Kỳ đã tổ chức các buổi chuyện trò, quảng bá tác phẩm của nhà văn Kim Thúy, tạo nên sự quan tâm của nhiều người. Câu chuyện của chị không chỉ là những là những vấn đề của người di dân, mà theo chị : “tôi cũng muốn quảng bá với tất cả mọi người theo dõi quan tâm đến vẻ đẹp của nền văn hóa Việt Nam. Bởi với tôi, Việt Nam giống như một sự khám phá trở lại…”.
Trong khi đó, vào ngày 15/9/2018, ban tổ chức giải VCM đã viết một thông báo trên Facebook của mình cho hay, nhà văn Haruki Murakami xin rút khỏi giải. Thông báo nêu rõ: “Trong Email gửi đến ban tổ chức giải thưởng mới, Haruki Murakami bày tỏ sự biết ơn được đề cử, coi đó là “một vinh dự lớn đối với tôi”. Murakami nói ông muốn tập trung vào công việc sáng tạo, tránh xa sự chú ý của truyền thông và đề nghị được rút khỏi danh sách đề cử. Cuối thư ông chúc giải thưởng mới sẽ thành công tốt đẹp”. Ban tổ chức lấy làm tiếc, nhưng tôn trọng quyết định của Haruki Murakami. Ba nhà văn ứng viên còn lại đều bày tỏ vui mừng được lọt vào danh sách chung khảo. Nhà văn Gaiman viết trên trang Tweet của mình: ‘Chiến thắng giải thưởng sẽ không làm tôi hạnh phúc bằng việc nằm trong danh sách rút gọn. Tôi cũng không cảm thấy đây là cuộc chiến với những người còn lại mà là niềm vinh dự’.
Giải “Nobel văn chương mới” sẽ được công bố tại Thư viện Công cộng Stockholm vào lúc 12h ngày 12/10/2018.
Nếu ai muốn tìm trong RU một câu chuyện có đủ đầu đủ đuôi với chi tiết rành mạch hẳn người ấy sẽ thất vọng. RU không là truyện trong nghĩa cổ điển của nó. RU chỉ là những thủ thỉ của người bạn ghé nhà chơi với ta trong vài hôm, cứ mỗi sinh hoạt hàng ngày giữa ta và người ấy thì người ấy nhớ một điều gì đấy và sẽ kể cho ta nghe. Câu chuyện không đầu không đuôi, không theo thứ tự thời gian, thậm chí có nhiều nhân vật ta không biết hắn đóng vai trò gì trong đời tác giả. Nhưng nghĩ lại, ta tìm biết hắn để làm gì chứ ? Cái quan trọng không phải căn cước, gốc gác hắn mà ý nghĩa sự có mặt của hắn trong phút đó, phút mà tác giả cho phép ta nhìn thấy hắn. Hắn cũng chẳng làm gì nhiều nhưng hắn hiện ra dưới nét phác họa của tác giả và ta cũng bắt chước nhìn hắn theo cách người viết (Đọc Ru của Kim Thúy/Đặng Túy) |
Trần Trung Sáng/VHVN