Nhà sàn của người Hrê có kết cấu, kích cỡ khác nhau. Qua kiến trúc nhà ở, người ta có thể nhận biết được điều kiện kinh tế, cuộc sống của gia đình đó.
Thời xưa, con cái khi lớn lên, lấy vợ lấy chồng thường ở chung với cha mẹ bên vợ hoặc bên chồng, sau vài năm rồi mới ra ở riêng. Do đó, một ngôi nhà sàn dài thường có từ 2 – 3 thế hệ chung sống, thậm chí 4 thế hệ. Những gia đình giàu có thường có “người ở” (hpong/dhick) người ta làm nhà sàn dài hàng chục mét, có nhiều bếp để cho các cặp vợ chồng, con cái sinh hoạt, nấu nướng… (có khi ở chung nhà nhưng ăn riêng).
Trước đây, người Hrê lập làng, làm nhà ở thường gắn liền với cánh đồng ruộng của họ. Những gia đình ở với nhau cùng làng là những gia đình có đám ruộng ở gần làng của mình, ít nhất cũng được 1 – 2 đám. Người ta chọn vị trí làm nhà ở thường là gần đám ruộng của mình nhất để thuận tiện cho việc chăm sóc, canh giữ chim muông phá hoại mùa màng.
Dựng nhà ở nơi bằng phẳng hay nơi dốc, thì phía đầu nhà bố trí (enh/inh gâu) ở nơi đất thấp, phía chân (enh/inh zênh) ở nơi đất cao. Nếu dựng ở nơi bằng phẳng thì người ta dựa vào hướng cánh đồng ruộng gần nhất để làm phía đầu (phía có cửa sổ). Đặt cầu thang ở phía cửa chính (phía đất thấp). Cầu thang ở hai đầu hồi có thể đặt phía cửa chính (’mang) hoặc đối diện cửa phụ (’mock). Nóc nhà có hai mái chính (kôa) và hai mái phụ (’kup) lợp bằng cỏ tranh. Hai mái phụ ở hai đầu hồi thụt vào trong hai mái chính một tí, phía trên được nẹp khoảng 5 – 6 cây thanh tre dẹp giống như ở vách nhà phía đầu.
Trong các khâu làm nhà sàn, việc kết cấu các cột chính với cây kèo, cây trính lớn, buộc dây, nối các đoạn cây với nhau, cắt đuôi mái chính, mái phụ (mái hiên)… là những công việc quan trọng, nên được phân công những người khéo tay, có kinh nghiệm thực hiện.
Sàn nhà, phía đầu (enh gâu) cao hơn phía chân (enh zênh), chính giữa có cây ngăn từ đầu hồi bên này sang đầu hồi bên kia. Ngăn trên (enh gâu) là nơi sinh hoạt chính, nơi ngủ. Ngăn dưới (enh zênh) là nơi để các dụng cụ. Các loại nhà dù to hay nhỏ đều chỉ có một cửa chính (’mang). Mỗi bếp đều có một cửa sổ ở phía đầu (’mock gâu). Mỗi hàng cột chính (zrăng) đều có các cột phụ ở giữa (tano). Tất cả các thành phần nguyên vật liệu (trừ cỏ tranh, lõi cây ké) khi lấy đem về nhà đều được ngâm dưới ruộng hoặc ao hồ vài tháng, thậm chí cả năm để chống mối mọt ăn trước khi làm nhà.
Với nhà sàn của người Hrê, qua kiến trúc, ta có thể nhận biết mức độ giàu nghèo của gia chủ. Nhà của những người giàu có (ngai kan/ngai pajong) thường dài hàng chục mét, rộng khoảng 4 – 5m, cao từ mặt đất tới sàn nhà khoảng 1,5 – 2m. Hai mái chính và hai mái phụ lợp bằng tranh, có độ dày khoảng 30 – 40cm. Hai đầu mái chính có sừng làm bằng tranh hình chữ V. Mỗi bên có hàng chục cột chính (zrăng) và ở giữa có cột phụ (tano) được làm bằng lõi cây ké. Mỗi cột chính có 2 cây trính (hngang/hpang) và 2 cây kèo lớn (vadhêh kân). Nhà của người giàu thường có từ 5 – 7 bếp (tanuh), có hai đầu hồi (para hchiên, para hzôang).
Vách phía đầu (enh gâu) kín hơn, được nẹp bằng các thanh gỗ tròn và lợp tranh, bên ngoài nẹp thanh tre dẹp theo chiều dọc khá dày. Vách phía chân (enh zênh) thưa hơn, được nẹp bằng thanh gỗ tròn có thanh tre dẹp đôi theo chiều dọc, bên trong có lớp tre được đập dập như sập sàn nhà hoặc tấm cót, buộc bằng dây mây chắc chắn. Các cửa chính (’mang), cửa phụ (’mock) và cửa sổ (’mock gâu) được làm bằng ván, có trang trí hoa văn. Nhà được chia làm hai phần: enh hchiên (phía trước) là phần của chủ hộ, enh hzôang (phía sau) là phần của con cái, người ở… Đầu hồi trước (para hchiên) là nơi sinh hoạt của đàn ông, những người lớn tuổi, nơi tiếp khách quý. Đầu hồi sau (para zôang) là nơi sinh hoạt của phụ nữ, trẻ em, nơi tiếp khách bình thường. Đây là loại nhà sàn dài của những gia đình giàu có thời xưa kia, sau này gần như không còn.
Đối với nhà của những người đủ ăn (ngai lăp kaq), về cơ bản thì giống nhà dài của những người giàu có, nhưng ngắn, hẹp hơn và thấp hơn. Hai mái chính và hai mái phụ lợp bằng tranh, độ dày khoảng 20 – 30cm. Mỗi bên có khoảng 12 – 14 cột chính và cột phụ được làm bằng lõi cây ké hoặc gỗ thường. Mỗi cột chính có 2 cây kèo lớn và 2 cây trính. Nhà này có từ 2 – 3 bếp. Có hai đầu hồi, mỗi bên đầu hồi có 2 – 3 cột chính. Các cửa chính, cửa phụ và cửa sổ được làm bằng ván hoặc bằng tre.
Nhà của những người nghèo túng (ngai pa), thì chiều dài khoảng 8 – 10m, rộng khoảng 3 – 4m, cao từ mặt đất tới sàn nhà khoảng hơn 1m. Mái chính và mái phụ lợp không dày, có hoặc không có sừng hình chữ V. Mỗi bên có khoảng 8 – 10 cột chính và cột phụ được làm bằng gỗ thường. Mỗi cột chính có 1 cây kèo lớn và 1 cây trính bằng gỗ hoặc bằng tre. Có 1 bếp, 1 đầu hồi (para hchiên). Các cửa chính, cửa phụ và cửa sổ được làm bằng tre hoặc gỗ tròn. Vách phía đầu và phía chân nẹp bằng thanh tre và tranh, phía bên ngoài có thanh tre dẹp nẹp theo chiều dọc, buộc bằng dây lạt.
Còn nhà của những người nghèo, neo đơn (ngai pa, hjô), thì dài khoảng 5 – 6m, rộng khoảng 3m, cao từ mặt đất tới sàn nhà khoảng hơn 0,5m. Hai đầu mái chính không có sừng hình chữ V. Mỗi bên có khoảng 3 – 5 cột chính. Có 1 bếp, 1 cửa chính, không có đầu hồi. Vách phía đầu và phía chân nẹp bằng thanh tre và tranh, phía bên ngoài có thanh tre dẹp nẹp theo chiều dọc, buộc bằng dây lạt.
Hiện nay, một số ít người đồng bào Hrê còn ở nhà sàn. Tuy nhiên, các nguyên vật liệu, kiến trúc không giống nhà sàn thời xưa. Như cột làm bằng bê tông, mái lợp bằng ngói, vách và sàn làm bằng ván…
Mỗi vùng có kiến trúc nhà sàn khác nhau
Cũng là người Hrê, nhưng nhà sàn ở mỗi vùng có điểm khác nhau. Như ở các xã Sơn Ba, Sơn Kỳ (Sơn Hà), vách trên to, dưới nhỏ; ở xã Ba Vinh, Ba Thành (Ba Tơ), cách buộc dây tinh tế hơn; còn vùng Ba Tô, Ba Dinh (Ba Tơ), hai đầu hồi hơi ngắn so với thân nhà…
Theo Báo Quảng Ngãi