Nhiều lần bị cản trở vào canh tác trên đất đã trúng đấu giá dẫn đến phải thanh lý hợp đồng cho thuê, nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
TAND TP Cần Thơ vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là ông T. và bị đơn là ông C. do có kháng cáo của cả nguyên đơn, bị đơn và kháng nghị của VKSND TP Cần Thơ.
Kiện đòi bồi thường vì bị cản trở gieo lúa
Theo hồ sơ, đại diện ủy quyền của ông T. trình bày ngày 11-5-2018, Chi cục Thi hành án (THA) huyện Cờ Đỏ tổ chức bán đấu giá tài sản là hai quyền sử dụng đất gồm gần 500 m2 đất ở đô thị, gần 400 m2 đất trồng cây lâu năm và gần 26.500 m2 đất trồng lúa của vợ chồng bà D.
Cùng ngày này, ông T. ký hợp đồng mua bán tài sản với người có tài sản đấu giá là chi cục THA. UBND huyện Cờ Đỏ đã cấp hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T. vào đầu năm 2019.
Sau khi kiểm tra hiện trạng đất, chi cục THA giao đất cho ông T. Vào khoảng tháng 9 và tháng 10-2018, ông T. gieo lúa tại phần đất ruộng nhưng ông C. không cho gieo sạ và nhổ cọc, hủy hoại ranh đất (nhổ cọc đá). Ông T. đã báo chính quyền địa phương đến lập biên bản.
Đầu tháng 11-2018, ông T. cho người khác thuê thửa đất lúa với diện tích gần 26.500 m2, giá thuê là 80 triệu đồng, thời hạn thuê một năm. Ông đã nhận tiền thuê xong.
Giữa tháng 11-2018, người thuê canh tác thì bị ông C. ngăn cản nên giữa ông T. và người thuê thanh lý hợp đồng. Ông T. đã trả lại cho người thuê 80 triệu đồng tiền thuê.
Vì vậy, ông T. khởi kiện ra tòa, yêu cầu ông C. bồi thường 80 triệu đồng do có hành vi cản trở việc sản xuất, gây thiệt hại cho ông.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông T. yêu cầu ông C. bồi thường 200 triệu đồng, tương đương tiền thuê mỗi tháng 10 triệu đồng tính từ tháng 11-2018.
Đại diện ủy quyền của ông C. trình bày: Quá trìnhthi hành bản án dân sự năm 2016 của TAND huyện Cờ Đỏ, chi cục THA thông báo cho ông C. là kê biên bán đấu giá tài sản của vợ chồng bà D. để THA cho ông C.
Sau khi bán đấu giá tài sản thì chi cục THA chỉ giao cho ông C. 60 triệu đồng nên ông không đồng ý nhận, vì bản án tuyên khi nào ông C. nhận đủ 200 chỉ vàng thì mới giao trả đất cho vợ chồng bà D. Số tiền còn lại, chi cục THA thi hành cho ngân hàng…
Ông C. cho rằng mình thực hiện đúng bản án dân sự của TAND huyện Cờ Đỏ, không gây thiệt hại cho ông T. nên không đồng ý bồi thường.
Được tính thiệt hại từ ngày cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Xử sơ thẩm, TAND huyện Cờ Đỏ tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T., buộc ông C. phải bồi thường thiệt hại hơn 40 triệu đồng.
Sau đó ông T. kháng cáo, yêu cầu bồi thường tổng cộng 280 triệu đồng. Ông C. kháng cáo, đề nghị bác yêu cầu của ông T. VKSND TP Cần Thơ kháng nghị hủy án sơ thẩm.
Tại phiên phúc thẩm, ông T. giảm yêu cầu bồi thường xuống còn 80 triệu đồng. Đại diện VKS rút một phần kháng nghị, đề nghị tòa phúc thẩm bác kháng cáo, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
HĐXX phúc thẩm nhận định: Thiệt hại của ông T. là khoảng thời gian ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng bị ông C. cản trở nên ông không thực hiện được quyền cho thuê đất được quy định tại Điều 167 Luật Đất đai năm 2013.
Tính từ thời điểm tháng 1-2019, ông T. được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho nên phải tính từ thời gian này tương đương với thời gian mà ông T. cho thuê với hai mùa vụ đông xuân và thu đông. Theo biên bản xác minh ngày 21-9-2020 và quyết định của tòa sơ thẩm, mức thuê 2 triệu đồng/công tầm lớn là phù hợp.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông T. phát sinh thêm yêu cầu đòi ông C. phải trả thêm
200 triệu đồng trong 20 tháng, tính từ tháng 11-2018 không canh tác được do bị ông C. cản trở. Tuy nhiên, đơn và yêu cầu khởi kiện ban đầu của ông T. chỉ đòi 80 triệu đồng. Do đó, tại phiên tòa sơ thẩm, ông bổ sung yêu cầu trên là không đúng quy định nên cấp sơ thẩm không chấp nhận là đúng pháp luật.
Từ đó, tòa tuyên không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, không chấp nhận một phần kháng nghị của VKS, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc ông C. phải bồi thường cho ông T. hơn 40 triệu đồng.
Trúng đấu giá đất hơn 1,4 tỉ đồng Thửa đất lúa trên bắt nguồn từ hợp đồng cầm cố đất từ năm 2006 giữa ông C. và vợ chồng bà D. Tuy nhiên, bản án dân sự năm 2015 của TAND huyện Cờ Đỏ đã tuyên hủy hợp đồng do trái pháp luật, buộc vợ chồng bà D. trả lại cho ông C. 200 chỉ vàng 24K; buộc ông C. trả lại cho vợ chồng bà D. thửa đất lúa trên khi nhận đủ 200 chỉ vàng 24K. Năm 2016, chi cục THA ra quyết định THA theo yêu cầu của ông C. Sau đó, TAND huyện Cờ Đỏ thụ lý vụ án kinh doanh thương mại giữa ngân hàng và vợ chồng bà D. Năm 2017, tòa án buộc vợ chồng bà D. phải trả cả gốc và lãi cho ngân hàng hơn 1 tỉ đồng. Cuối tháng 2-2017, chi cục THA kê biên hai thửa đất của vợ chồng bà D. giao cho ông C. quản lý, canh tác. Sau đó, ngân hàng có đơn yêu cầu THA nên tháng 5-2018, chi cục THA ra quyết định THA. Các tài sản kê biên của vợ chồng bà D. được mang ra bán đấu giá, sau bốn lần giảm giá thì ông T. là người mua trúng đấu giá với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông C. không giao đất nên chi cục THA đã cưỡng chế, giao đất cho ông T. ký nhận xong. Ông C. khiếu nại việc cưỡng chế giao đất cho ông T. nhưng Chi cục THA huyện Cờ Đỏ và Cục THA TP Cần Thơ đã giải quyết bác khiếu nại. |
Nguyễn Ngọc Phương(T/h)