Giữa không gian thanh tịnh, nơi dãy núi Nầm thầm thì và gió ngàn rừng Trường Sơn thổi nhẹ qua từng hàng cây xanh mướt, Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm hiện lên trang nghiêm, sạch đẹp như một ngôi đền thiêng giữa lòng đất mẹ. Mỗi bậc đá, mỗi ngọn cỏ, mỗi nén nhang thơm như lặng lẽ kể lại câu chuyện của những người lính anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc. Không chỉ là nơi an nghỉ, Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm còn là miền tâm linh sâu lắng, nơi bao thế hệ cúi đầu tri ân và lặng lòng tưởng nhớ về thế hệ cha anh đã hy sinh giành lại độc lập cho dân tộc. Sự tôn nghiêm và thanh khiết ở đây không chỉ đến từ cảnh quan được chăm chút, mà còn bởi tấm lòng thành kính của những người còn sống dành cho những anh hùng vô danh đã hóa thân vào hồn thiêng sông núi của đất nước…
Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm tại xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (cũ) nay là xã Tứ Mỹ, tỉnh Hà Tĩnh
Được xây dựng từ năm 1978, trên một ngọn đồi thuộc quần thể của dãy núi Nầm, thuộc địa phận xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay sau khi sáp nhập thuộc xã Tứ Mỹ (Hà Tĩnh). Ở đây quang cảnh tuyệt đẹp, địa thế sơn thủy hữu tình, luôn toát lên nét tâm linh rất huyền bí, linh thiêng, nhưng lại rất gần gũi. Quang cảnh ấy, khi nhạc sĩ Trần Hoàn đến đây ông đã thể hiện tình cảm của mình thành ca khúc “Ơi con sông Ngàn Phố” và ông đã thốt lên: “Hương Sơn quê mình đó, có Nước Sốt, Cầu Treo/ Dãy núi Nầm cheo leo, quanh năm trầm mặc…”… Khi xây dựng, được gọi là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Nầm, sau đó thành tên gọi ngắn gọn là Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm. Hiện nay, có kế hoạch đến năm 2030 sẽ mở rộng qui mô nghĩa trang từ 22.000m2 lên khoảng 38.000 m², với tổng kinh phí dự kiến khoảng 150 tỷ đồng và đổi tên thành Nghĩa trang Liệt sĩ Việt – Lào Nầm.
Đường lên tượng đài Nghĩa trang
Hiện tại, nghĩa trang là nơi yên nghỉ của 1.256 liệt sĩ, trong đó 512 liệt sĩ có thông tin, còn lại 634 liệt sĩ vô danh chưa có thông tin. Các liệt sĩ đã có thông tin chủ yếu quê ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Còn những ngôi mộ vô danh đều là các chiến sĩ nhập ngũ từ 1967, 1968, 1969, 1970, có một số rất ít nhập ngũ 1979 tham gia ở chiến trường Campuchia đưa về. Những chiến sĩ nhập ngũ 1967, 1968, 1969, 1970 đến từ tất cả các tỉnh thành trên cả nước, như: Nghĩa Lộ, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng cho đến Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Nội.v.v… họ đi vào Miền Nam chiến đấu, đặc biệt là mặt trận Nam và Tây Lào đều có mặt yên nghỉ tại đây. Có 3 ngôi mộ tập thể được quy tập từ nước bạn Lào, trong đó một mộ tập thể chôn chung 73 liệt sĩ, một mộ chôn chung 30 liệt sĩ và một mộ 8 liệt sĩ.
Quang cảnh luôn sạch sẽ, ngăn nắp và mát mẻ
Khò ga, hương nến, chuẩn bị cho khách rất chu đáo
Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm thiết kế rất độc đáo trên một quả đồi tròn độc lập, tổng thể nghĩa trang hình cánh cung, bậc thang xung quanh quây tròn hướng lên đỉnh thành hình trụ, nhìn từ trên cao xuống nghĩa trang giống hình mai rùa. Lưng nghĩa trang tựa vào núi Nầm với những dãy thông xanh trùng điệp, phía trước nghĩa trang xa xa là con sông Ngàn Phố uốn lượn. Các hạng mục bao gồm: cổng chào, đường lên xuống, đài tưởng niệm, bia ghi công đức, hệ thống cây xanh, công trình thoát nước, nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà khách… đều rất qui củ. Từ năm 1999 đến 2023, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với phía bạn Lào quy tập gần 850 hài cốt liệt sĩ từ Lào về yên nghỉ. Mùa khô 2023 – 2024 đã quy tập thêm 11 liệt sĩ, trong đó có 2 hài cốt tại Viêng Chăn và 9 tại tỉnh Bolikhămxay (có 3 liệt sĩ đã được xác định danh tính).
Những phần mộ vô danh luôn được chăm sóc chu đáo
Vào các dịp Lễ, Tết và Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, nghĩa trang đón tiếp nhiều đoàn cán bộ, các gia đình thân nhân liệt sĩ, với hàng ngàn lượt người đến viếng thăm, dâng hương tri ân. Trước đây, các dịp lễ Phòng Văn hóa của huyện Hương Sơn tăng cường nhân lực để tiếp đón du khách. Còn nay sau sáp nhập xã Tứ Mỹ đã chủ động cắt cử, phân công cán bộ trực tiếp đến nghĩa trang đón tiếp các đoàn. Sáng ngày 23/7/2025 cũng là ca trực đầu tiên của cán bộ xã Tứ Mỹ, xã đã cử chị Phạm Thị Kim Anh, sinh 1988, hiện là chuyên viên Ban Xây dựng Đảng xã Tứ Mỹ (trước sáp nhập chị Kim Anh là Bí thư đoàn Mỹ Long) cùng chị Nguyễn Thị Thu Hiền, quê xã Sơn Thịnh (cũ), hiện là chuyên viên Phòng Kinh tế xã Tứ Mỹ thực hiện ca trực đầu tiên của xã và cũng là ca trực đầu tiên dịp 27/7 năm nay.
Anh Hồ Thanh Hải – người quản trang nhiệt huyết với công việc hàng ngày
Điều rất đặc biệt khi đến với Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm, đó là ở đây rất sạch, rất ngăn nắp, rất qui củ. Sạch đến mức có thể nói là: “Tìm được chút rác ở đây còn khó hơn cả mò kim dưới đáy biển”. Đồ lễ, bình hoa, nến hương đều rất ngăn nắp. Bên sảnh đài tưởng niệm luôn kê sẵn một chiếc bàn với đầy đủ hương trầm cho du khách sử dụng, có sẵn hai chiếc “khò ga” để dễ dàng châm hương, kể cả trời mưa gió khi sử dụng “khò ga” vẫn châm hương rất tốt. Chỉ riêng chuẩn bị sẵn hai chiếc “khò ga” thì hầu như cũng không ở nơi nào có được. Để có một nghĩa trang sạch đẹp và ngăn nắp như vậy trước hết phải nói đên công lao của anh Hồ Thanh Hải sinh 1973, nhà ở thôn Sinh Cờ, xã Sơn Châu (cũ) nay là xã Tứ Mỹ – người trông nom Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm.
Chị Phạm Kim Anh (bên phải) và chị Nguyễn Thị Thu Hiền (trái) cán bộ xã Tứ Mỹ trực đón khách nhân dịp 27.7
Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm xưa nay chỉ bố trí một lao động trông nom và quản lý. Lao động thuộc diện ký “Hợp đồng 168” của Phòng Văn hóa trả lương, nay sáp nhập sẽ thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Trước anh Hồ Thanh Hải đã có 2 người làm việc ở đây và đã nghỉ. Anh Hồ Thanh Hải vào làm việc từ năm 2018 đến nay đã được 8 năm. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày bão gió cũng như ngày rét buốt, lúc nào anh Hải cũng có mặt tại nghĩa trang để quét dọn, hương khói, chăm sóc cho nghĩa trang và các phần mộ. Ngoài tinh thần trách nhiệm với công việc, lương tâm với nghề nghiệp, anh Hải còn có một tình cảm sâu nặng với việc “chăm lo đời sống hàng ngày” cho những nấm mồ nơi đây. Đó là, anh có người chú ruột là liệt sĩ Hồ Quang Huy, hy sinh năm 1973 tại mặt trận Tây Nguyên cho đến nay chưa tìm được phần mộ. Anh và gia đình luôn đau đáu nghĩ về chú của mình, chỉ mong ước chú mình cũng đang yên nghỉ ở một nghĩa trang nào đó, và ở nơi đó liệt sĩ Hồ Quang Huy cũng được thờ phụng, trông nom thật ngăn nắp, sạch sẽ và mát mẻ. Chính vì vậy, anh Hải luôn hết lòng với công việc quản trang và luôn chăm lo cho Nghĩa trang Nầm sạch đẹp, ngăn nắp, như chính ngôi nhà của mình!…
Nhà tưởng niệm Bác Hồ và nhà khách trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm
Không chỉ là nơi yên nghỉ của những anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng trọn đời mình cho Tổ quốc, mà Nghĩa trang Liệt sĩ Nầm còn là một biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” khắc sâu trong tâm hồn dân tộc Việt Nam. Mỗi lần trở về nơi đây, đứng giữa không gian tĩnh lặng của hồn thiêng sông núi, ta như nghe được tiếng gọi vọng về từ quá khứ, nhắc nhở mỗi chúng ta hãy sống xứng đáng hơn với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Nơi đây mãi mãi là điểm tựa tâm linh, là ngọn lửa bất diệt thắp sáng lòng tri ân và tinh thần yêu nước trong trái tim của hàng triệu con người. Dù thời gian có qua đi, nhưng hình ảnh những anh hùng liệt sĩ vẫn luôn tỏa sáng, như ngọn đuốc dẫn lối cho các thế hệ mai sau, để chúng ta không bao giờ quên cái giá của tự do và hoà bình của đất nước.
Bài và ảnh của: TRẦN ĐỨC THỌ