Câu chuyện này xảy ra ở thủ đô Washington cách đây mấy năm. Một người đàn ông đang chơi violon tại một ga tàu điện ngầm. Trong 45 phút, anh ta chơi 6 tác phẩm.
Đang vào giờ cao điểm, mọi người vội vã bước qua, không ai để ý tới anh ta. Đầu tiên, một người bước chậm lại cạnh nghệ sĩ, nhưng ông ta chỉ dừng khoảng 1 phút, rồi đi tiếp. Sau đó, một phụ nữ vừa đi vừa ném vào chiếc hộp một tờ giấy bạc, nhưng cũng không dừng lại lâu. Mấy phút sau, một hành khách nào đó dừng lại, nghe nhạc một lát, rồi rảo bước. Chú ý nhiều nhất tới nghệ sĩ violon là một cậu bé ba tuổi. Sau khi dừng lại, cậu nhìn người nhạc công, nhưng bị bà mẹ cầm tay kéo đi. Suốt 45 phút, chỉ có 6 người dừng lại nghe nhạc và ném tiền vào hộp.
Không một hành khách tàu điện ngầm nào nhận ra chàng nghệ sĩ đó chính là Joshua Bell, một trong những nghệ sĩ violon xuất sắc nhất thế giới. Anh chơi một tác phẩm khó nhất dành cho violon, hơn nữa bằng chính chiếc vĩ cầm của… Stradivarius trị giá 3.500.000 USD. Ngày hôm đó, Joshua Bell kiếm được 32 USD, mặc dù thông thường, trong các phòng hòa nhạc, nơi anh biểu diễn, ít khi còn chỗ trống.
Buổi biểu diễn của Joshua Bell tại ga tàu điện ngầm nằm trong chương trình thực nghiệm xã hội của báo “Washington Post” về khả năng cảm thụ nghệ thuật của mọi người theo nguyên tắc: trong cuộc sống đời thường, vào thời điểm không thích hợp, liệu chúng ta có cảm nhận được cái đẹp không?
Chúng ta có dừng lại để thưởng thức nó không? Liệu chúng ta có phát hiện ra tài năng trong tình huống bất ngờ không? Một trong những kết luận của thực nghệm đó là: nếu chúng ta không có thời gian để dừng lại một lúc và lắng nghe những tác phẩm âm nhạc xuất sắc nhất do một nghệ sĩ tài năng nhất hành tinh biểu diễn; nếu như nhịp độ cuộc sống đương đại hối hả đến mức biến chúng ta thành những kẻ mù điếc trước những tác phẩm như vậy, thì chúng ta còn có thể bỏ phí gì nữa?
Trần Hậu/Tạp chí Văn Hiến bản in