Khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là thượng khách ở Nhà Trắng

17:11 | 20/07/2024

Một trong những đóng góp lớn nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là thành công trong chính sách đối ngoại đưa Việt Nam làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.

Trong chính sách đúng đắn ấy, việc xây dựng và củng cố mối quan hệ Việt Mỹ từ “cựu thù” đến “đối tác chiến lược toàn diện” thể hiện tư duy mới mẻ, sáng tạo của ông mà sự kiện Tổng thống Mỹ trực tiếp tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam như một nguyên thủ quốc gia tại Nhà Trắng tháng 7/2015 là một dấu son lịch sử chói sáng.

(Tôi xin đưa lại bài viết của tôi để nhớ sự kiện đối ngoại không thể nào quên này!)

Khi được hỏi về cảm giác khi chứng kiến Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam gặp tổng thống Mỹ B. Obama tại phòng Bầu Dục ở thủ đô Mỹ, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói đùa rằng: “Tôi đã phải tự cấu mình”, đó là cách người Mỹ nói về điều họ không tin nổi và cũng rất vui mừng khi nó diễn ra.

Sau này, trong cuốn hồi ký của mình về quan hệ Mỹ và Việt Nam có tên “Không có gì là không thể”, Ted Osius kể rằng từ cuối năm 2014, với sự “bắt nạt” quá đáng của ông bạn láng giềng phương Bắc về nhiều mặt, đặc biệt là việc trắng trợn đem hai giàn khoa 871 và 981 xâm phạm và tự ý khai thác khoáng sản trên vùng biển đặc quyền của nước ta, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã liên lạc với ông, đề nghị ông sắp xếp cho Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm chính thức Mỹ.

Bìa cuốn sách “Không gì là không thể: Tiến trình hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam” của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius.

Ted Osius rất vui nhưng cũng quá bất ngờ với đề nghị táo bạo này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khó khăn lớn nhất là việc thể chế chính trị của Việt Nam và Mỹ không giống nhau. Một số người trong đội ngũ của Tổng thống Obama cho rằng nước Mỹ chưa từng có tiền lệ tiếp người đứng đầu một đảng tại phòng Bầu Dục.

Tuy vậy, Ted Osius trao đổi phía Mỹ rằng thể chế chính trị của 2 nước khác nhau. Nếu thật sự tôn trọng nhau, việc mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Nhà Trắng là đúng đắn và phù hợp. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói điều này với một số người bạn có ảnh hưởng trên chính trường Mỹ, được họ ủng hộ. Cuối cùng Ted Osius trực tiếp nói chuyện với bạn mình, ông John Kerry (khi đó là Ngoại trưởng Mỹ), và tới lượt ông Kerry nói chuyện với “sếp” của ông ấy – Tổng thống Obama. Và thật bất ngờ, Tổng thống B. Obama đồng ý cần thiết linh hoạt điều chỉnh hệ thống của nước Mỹ, sao cho phù hợp với hệ thống của Việt Nam để tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Và đó là sự táo bạo và thành công hiếm thấy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chuyến thăm Mỹ chính thức của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được dư luận quốc tế đánh giá là sự kiện báo hiệu quan hệ Việt – Mỹ đã đi vào kỷ nguyên mới. Trong buổi hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Obama khẳng định: Mỹ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và vai trò của Việt Nam ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời gọi Việt Nam là “đối tác xây dựng” trên nhiều lĩnh vực, bao gồm biến đổi khí hậu và gìn giữ hòa bình toàn cầu. Đáp lời Tổng thống Obama, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: “Từ hai nước cựu thù, chúng ta đã chuyển thành những người bạn, đối tác, và đối tác toàn diện. Quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta”.

Theo đánh giá của các tờ báo lớn nhất nước Mỹ, khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành thượng khách ở Nhà Trắng, Việt Nam đang trở thành một trụ cột, đóng vai trò kinh tế và địa chính trị quan trọng trong chính sách châu Á của Tổng thống Barack Obama. Họ nhận định trong vài năm qua, Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau nhanh đến ngoạn mục.

Tổng thống Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng.

Quan hệ tốt đẹp Việt – Mỹ hiện tại có thể làm bất ngờ nhiều người, cả ở nước ta và trên thế giới. Nhưng theo tôi, chắc chắn có hai người không bất ngờ. Một là Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta. Bởi từ hơn 70 năm trước, Người đã nhìn ra và dày công chuẩn bị cho tương lai này. Và hai là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm nay, người đã thấm nhuần tư tưởng vĩ đại của Hồ Chí Minh: Việt Nam có thể và cần phải làm bạn bình đẳng, cùng lợi ích với tất cả các nước và các dân tộc, kể cả cường quốc lớn nhất như Mỹ…

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam hiện đang lưu giữ một bản báo “Việt Nam độc lập”, cơ quan của Mặt trận Việt Minh. Trong tờ báo xuất bản năm 1944 này có một phụ bản rất độc đáo. Đó là một bức tranh gồm 8 hình liên hoàn, hướng dẫn cách cứu Phi công Mỹ. Phía trên những bức tranh liên hoàn có vẽ quốc kỳ của Hoa Kỳ và cờ đỏ sao vàng của Việt Minh. Ở giữa hai lá cờ lại có một câu thơ: “Quân đội Mỹ là bạn ta/Cứu Phi công Mỹ mới là Việt Minh”. Bức tranh và câu thơ do chính Hồ Chí Minh sáng tác.

Đó là vào tháng 10 năm 1944, trong khi lái chiếc B-25 làm nhiệm vụ trên vùng trời biên giới Việt – Trung, trung uý William Shaw thuộc Không đoàn 14 của Mỹ đã bị quân Nhật bắn rơi máy bay, phải nhảy dù xuống Hoà An, Cao Bằng. Biết được tin này, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho các lực lượng Việt Minh ở đây phải tìm cứu bằng được viên phi công Mỹ, bảo vệ, chăm sóc và tìm cách đưa về Pác Bó. Kết quả, William Shaw đã được cứu rồi được đưa vượt qua sự truy lùng gắt gao của quân Nhật về tới Pác Bó. Tại đây, Bác đã ân cần chăm sóc Shaw , giải thích cho Shaw mục đích hoạt động của Việt Minh rồi cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng vượt trên 500 cây số đưa Shaw về Côn Minh, nơi đóng quân của Không đoàn 14.

Khi tới Côn Minh, nhân việc thay mặt Việt Minh trực tiếp trao trả cho Shaw cho phe Đồng Minh, Bác Hồ đã tìm gặp một số người Mỹ, để vận động sự công nhận và giúp đỡ tổ chức Việt Minh. Và C-harles Fenn, sĩ quan trực tiếp điều khiển nhóm tình báo Đồng minh đang hoạt động trên đất Việt Nam lúc đó, là người Mỹ đầu tiên ở đây mà Hồ Chí Minh quan hệ. Chỉ sau một lần tiếp xúc, C-harles Fenn đã bị Hồ Chí Minh chinh phục hoàn toàn và đã nhiệt tình giới thiệu Hồ Chí Minh với tướng Claire Lee Chennault, Tư lệnh Không đoàn 14, đại diện cao nhất của Đồng Minh tại Hoa Nam, Trung Quốc.

Rất cảm động về sự giúp đỡ của Mặt trận Việt Minh đối với trung uý Shaw, tướng Chennault nhận thấy từ Hồ Chí Minh quyết tâm sắt đá của một dân tộc yêu chuộng hoà bình đứng về phe Đồng Minh chống lại phát xít Nhật. Chennault và Hồ Chí Minh nhanh chóng thỏa thuận: Phía Việt Minh sẽ tăng cường lực lượng du kích và mở rộng phạm vi hoạt động; cung cấp những thông tin tình báo và khí tượng cho Không quân Mỹ, còn phía quân Mỹ có trách nhiệm đưa các chuyên gia sang giúp đỡ huấn luyện quân sự, đồng thời trang bị vũ khí, điện đài, thuốc men cần thiết cho Việt Minh. Chennault đã tặng Lãnh tụ Hồ Chí Minh tấm ảnh chân dung của mình với dòng chữ: “Bạn chân thành của tôi”.

Khi Hồ Chí Minh về nước, đã có hai người Mỹ là Frank Tan và Mac Shin cùng sang giúp về điện đài. Sau đó, ngày 16/7/1945, một đơn vị đặc nhiệm mang bí danh “Con Nai” (The Deer Team) thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược OSS (The Office of Strategic Services, tiền thân của CIA), đã nhảy dù xuống Tân Trào. Nhóm “Con Nai” đã tích cực tham gia huấn luyện quân sự các cán bộ chỉ huy quân sự và chiến sĩ Việt Minh, trong có có cả đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ cũng đảm nhiệm tổ chức việc tiếp tế vũ khí thuốc men của Mỹ cho Việt Minh.

Tại Việt Bắc , nhóm đặc nhiệm “Con Nai” đã cùng Việt Minh thành lập “Đại đội hỗn hợp Việt – Mỹ” khoảng 200 người, do đồng chí Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) chỉ huy, thiếu tá A.K.Thomas làm cố vấn. Chính đơn vị này đã tham dự lễ xuất quân từ cây đa Tân Trào sau Quốc dân Đại hội và Quân lệnh số 1 phát động Tổng khởi nghĩa. Những người lính Mỹ đã cùng chúng ta hành quân qua Thái Nguyên, về tận Hà Nội. Đó là lực lượng nước ngoài duy nhất đứng bên cạnh Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh trong cuộc chiến tranh chống Nhật và Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tất cả các thành viên của “Con nai” và những người Mỹ khác trong Không đoàn 14 và OSS được trực tiếp tiếp xúc làm việc với Hồ Chí Minh và Việt Minh ở Côn Minh, Việt Bắc rồi Hà Nội trong khoảng thời gian 1944-1946 đều có ấn tượng rất tốt đẹp về Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, về lòng yêu nước và sự chân thành muốn có quan hệ tốt đẹp với người Mỹ, nước Mỹ của Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người. Bức ảnh Hồ Chí Minh chụp với nhóm Con Nai trong rừng Việt Bắc được các thành viên nhóm này cất giữ rất cẩn thận và câu nói: “Chúng tôi cần bạn bè. Chúng tôi muốn làm bạn với người Mỹ, với nước Mỹ” của Hồ Chí Minh được họ ghi nhớ suốt đời. Sau này, một số thành viên của “Con Nai” và OSS khác đã có những cuốn sách và hồi ký gây chấn động về thời gian cộng tác của họ với Hồ Chí Minh và Việt Minh…

Từ quan hệ rất tốt đẹp và hiệu quả với các bạn Mỹ trước Cách mạng tháng Tám, chỉ một tháng rưỡi sau khi nước ta tuyên bố độc lập, ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thành lập Việt – Mỹ thân hữu Hội (nay là Hội Việt Mỹ), tổ chức hữu nghị song phương đầu tiên được thành lập ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng thời cho xuất bản tạp chí Việt – Mỹ cũng như xây dựng chương mục “Việt Mỹ” hàng tuần trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam… Đặc biệt, trong hai năm 1945 – 1946, với tư cách Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman, 3 thư và điện gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ James Byrnes, đề nghị Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, với tư cách là những người bảo vệ và bênh vực công lý trên thế giới, ủng hộ nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và hợp tác đầy đủ với Việt Nam. Tiếc thay, sự kỳ thị về lý tưởng chính trị cũng như lợi ích của nước lớn đã làm cho Truman và các nhà lãnh đạo nước Mỹ không đáp lại thiện chí hòa bình hữu nghị tha thiết ấy của Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam.

Năm 1998, sau 3 năm ngày Việt Nam và Mỹ lập lại quan hệ bình thường, trong cuộc tiếp con trai của cố Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi ấy 88 tuổi, đã nói với vị khách Mỹ 38 tuổi rằng: “Thế hệ các bạn chỉ biết lịch sử mối quan hệ Việt – Mỹ là một cuộc chiến tranh tàn khốc và đầy thù hận kéo dài 30 năm, nhưng nên nhớ rằng trước đó chúng ta đã có những trang sử của quan hệ tốt đẹp và của tinh thần hợp tác. Tương lai các bạn trẻ cả hai nước phải viết tiếp những trang sử tốt đẹp ấy”…

Trong dịp trở lại thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ cũng đầu tháng 7/2015, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người ra tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với VN ngày 12/7/1995, đồng thời là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam độc lập và thống nhất, mở ra trang sử mới hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đã khẳng định: Bình thường hóa quan hệ với VN là một trong những việc quan trọng nhất ông làm được trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Tuy vậy, Clinton kể lại, đây là việc cực kỳ khó khăn, bởi 20 năm trước, rất nhiều người, cả ở nước Mỹ và trên thế giới, đã nghĩ ông và các đồng sự thật điên rồ khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Có lẽ, Clinton đã hiểu là khó khăn thế nào với Hồ Chí Minh khi biết từ 50 năm trước, vị lãnh tụ cộng sản của một quốc gia nhỏ bé như Việt Nam đã đòi một quan hệ “hợp tác đầy đủ” với đế quốc phương Tây số 1 là nước Mỹ. Vị tổng thống chống cộng như Truman lơ Người đã đành, các đồng chí của Người chắc không nhiều người tin rằng “cộng sản” có thể “chơi” được với “đế quốc”. Nhưng Hồ Chí Minh, người từng bốn ba bốn biển năm chấu, từng lăn lộn ở cả xã hội đế quốc lẫn xã hội cộng sản, hiểu thấu bản chất nhân loại, người được nhà văn Nga Madenstam coi là hiện thân của nền văn hóa thế giơi tương lai, trước Clinton những 50 năm, đã tin chắc rằng, bất kể mọi khác biệt về lý tưởng chính trị, tôn giáo, chế độ xã hội, sự lớn nhỏ, giàu nghèo, mọi đất nước, mọi dân tộc đều có thể và cần phải làm bạn với nhau,”hợp tác đầy đủ”với nhau. Đó là chân lý lớn nhất của thế giới hiện đại.

Truman, vị Tổng thống Mỹ thứ 33, đã không hiểu chân lý ấy và Mỹ đã ủng hộ rồi cầm càng một cuộc chiến tranh tàn khốc 30 năm ở Việt Nam. May mà Clinton, vị Tổng thống Mỹ thứ 42, một người “can đảm và có tầm nhìn xa” như lời đương kim đại sứ Mỹ Ted Osius, người thanh niên Mỹ từng chống chiến tranh VN và những đồng chí của ông, những người lính từng tham chiến ở Việt Nam như Thượng nghị sĩ John Kerry, Thượng nghị sĩ John McCain, các cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson, Michael Michalak và nhiều người Mỹ khác đã hiểu ra chân lý ấy khi nhận rõ cuộc chiến tranh Việt Nam là vô nghĩa, là sai lầm tai hại thế nào. Clinton chân thành kể: “Khi tôi trở lại Việt Nam và thăm thực địa nơi những người Mỹ và Việt Nam cùng tìm kiếm dấu tích một phi công Mỹ rơi trong chiến tranh Việt Nam, có cả con của phi công đó. Họ còn bé khi người cha hy sinh, giờ đây, nhìn những người VN lội bùn tìm kiếm từng mảnh xương của cha mình, họ không cầm được nước mắt. Hillary đứng cạnh tôi cũng nói lần đầu tiên bà ấy chứng kiến một việc như vậy”.

Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm văn phòng của mình tại trụ sở Quốc hội Mỹ. 

Trong phát biểu tại buổi lễ chính thức kỷ niệm 20 năm bình thường quan hệ Việt Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, B. Clinton đã nói rất hay về một sự “giải phóng”: “Khi những người bạn Việt Nam đã chấp nhận chúng tôi, và chúng tôi chấp nhận họ. Cả hai bên chúng ta đã thực sự được giải phóng. Và đối với chúng ta bây giờ, không có gì là không thể”. B. Clinton cũng không ngần ngại nhận xét rằng trong việc bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, phía được “lợi” nhiều hơn là Mỹ…

Cái “lợi” mà Clinton nhận nhiều về phía nước Mỹ có lẽ là cái lợi về nhận thức. B. Clinton nói rằng ông rất cám ơn Việt Nam đã đem lại cho nước Mỹ một cách tiếp cận mới ở khu vực và đã kêu gọi Mỹ ủng hộ cách tiếp cận này: Mỗi quốc gia trong khu vực đều phải được đối xử công bằng, được đảm bảo các quyền.

Đây chính là cách tiếp cận của Hồ Chí Minh từ 70 năm trước, ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2-9 năm 1945 với Tuyên ngôn Độc lập có trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cách tiếp cận có tính chất quyết định đưa đến vị thế một nước Việt Nam độc lập tự do, hòa bình thống nhất trong thế giới hiện đại, được thế giới tôn trọng xứng đáng: Việt Nam có thể và cần phải chân thành làm bạn với tất cả các đất nước, các dân tộc, không phân biệt lý tưởng chính trị, chế độ xã hội, lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden.

Một chính khách lớn thế giới từng nhận xét: Vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, Hồ Chí Minh, là người luôn thấy cái “không thể” hoàn toàn “có thể”. Và bây giờ tiếp nối ông, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hiện thực điều “không thể” ấy. Quan hệ Việt – Mỹ là một bằng chứng cho nhận xét này. Khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thành thượng khách ở Nhà Trắng, khi hai đất nước và hai dân tộc Việt – Mỹ trở thành bạn, “hợp tác đầy đủ” với nhau, cầm tay nhau tiến về tương lai…

Nguyễn Thế Khoa

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 8/2024

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Lãnh đạo các nước gửi điện, thư chúc mừng 79 năm Quốc khánh Việt Nam

Lãnh đạo các nước gửi điện, thư chúc mừng 79 năm Quốc khánh Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng

Quốc hội bắt đầu phiên họp bất thường xem xét công tác nhân sự

Quốc hội bắt đầu phiên họp bất thường xem xét công tác nhân sự

Công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Trưởng Ban Dân vận Trung ương