Người xưa có câu: “Vô phúc đáo tụng đình”, ý nói đưa việc kiện tụng ra chốn công đường là một việc đặng chẳng đừng. Điều đó cũng thể hiện thái độ của người dân coi chuyện ra toà là một cái gì đó ghê gớm, làm tổn hại thanh danh và sứt mẻ tình cảm, vì có khi “một đời kiện, chín đời thù”.
Cho đến bây giờ, tâm lý này vẫn còn tồn tại khi còn nhiều người rất e dè khi đối diện với cơ quan Nhà nước bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan.
Câu “Vô phúc đáo tụng đình” là một quan niệm xưa cũ, không còn phụ hợp với xã hội hiện nay nhất là khi chúng ta thực hiện nhà nước pháp quyền, sống và làm việc theo pháp luật. Người dân được pháp luật bảo vệ. Việc khởi kiện ra cơ quan công quyền chính là quyền lợi của người dân.
Ý thức tôn trọng pháp luật và tính chủ động sử dụng pháp luật phải được thể hiện trong các hoạt động xã hội, đặc biệt là các tranh chấp.
Câu chuyện làm từ thiện, ứng xử của các nghệ sĩ và mâu thuẫn giữa họ với một nữ doanh nhân có chuyển biến mới. Đó là việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng công bố việc nộp đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng vu khống, xúc phạm danh dự. Đồng thời, một số nghệ sĩ khác cũng xác nhận họ đã nộp đơn tố cáo lên cơ quan chức năng với lý do tương tự.
Việc đúng – sai đang phải chờ cơ quan thực thi pháp luật làm rõ. Nhưng thái độ “đưa vụ việc” ra ánh sáng công lý cần phải được ủng hộ, tránh những tranh cãi không đầu không cuối trên mạng xã hội.
Vấn đề minh bạch trong từ thiện ồn ào từ nhiều năm nay. Việc làm từ thiện là cần thiết và nó cũng khẳng định tính nhân văn trong xã hội. Tuy nhiên, liên quan đến tài chính và sử dụng tiền của nhiều người đóng góp thì điều bắt buộc phải thực hiện theo các quy định của pháp luật để thể hiện tính minh bạch, tránh việc lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi. Nghĩa vụ công khai minh bạch thuộc về người kêu gọi từ thiện, yêu cầu sao kê hay minh bạch là quyền của những người đóng góp. Nếu các hoạt động thực hiện đúng các điều này thì sẽ không có những livestream tố cáo, “bóc phốt”. Bởi lẽ ngay cả việc tố cáo nếu không dựa trên những căn cứ pháp luật thì cũng rất dễ trở thành vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự người khác.
Các luật sư cũng chỉ ra rằng, người tố cáo phải có đủ các “tài liệu chứng cứ thu thập phải đảm bảo về mặt hình thức và nội dung theo quy định pháp luật”.
Bởi vậy, nếu không có đủ chứng cứ, lời tố cáo của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng với doanh nhân Nguyễn Phương Hằng có thể lại bị tố cáo ngược lại – tạo ra vòng luẩn quẩn ồn ào không cần thiết. Sử dụng công cụ pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình và người khác cần phải được khuyến khích chứ không phải những tranh cãi bất tận trên mạng với những ngôn từ, ứng xử thiếu văn minh.
MỸ LINH
Theo laodong.vn