Sau 34 năm ấp ủ, tác phẩm đã 2 lần phải dừng lại, song với tình yêu nồng nàn, say đắm và duyên phận với vùng đất và con người Tây Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã hoàn thành tác phẩm ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.
Đây là một trong những tác phẩm nghệ thuật lớn được phục dựng từ sử thi Dam Săn của đồng bào Ê đê ở Tây Nguyên. Tác phẩm hoàn thành và công diễn không chỉ mang tính tư tưởng, chính trị cao và ý chí, khát vọng vươn lên ngàn đời nay của đồng bào Ê đê nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung mà còn đa dạng hoá các phẩm văn hoá, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay.
Tại buổi họp báo giới thiệu về tác phẩm ca kịch “Khát vọng Dam Săn”, nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ: “Khát vọng Dam Săn” được xây dựng, khắc họa từ Trường ca Dam Săn nổi tiếng của người Ê đê ở Tây Nguyên. Hình tượng chàng Đam San thể hiện khát vọng xây dựng, bảo vệ cộng đồng trước mọi thế lực siêu nhiên đe dọa. Chàng đã cảm hóa được Nữ thần Mặt trời và đem lại ánh sáng, sống cho buôn làng, bộ tộc hùng mạnh của mình. Vở ca kịch là khúc giao hòa tuyệt đẹp giữa con người với con người; giữa con người với thiên nhiên bao la, hùng vĩ, đầy bí ẩn nhưng cũng đầy bao dung, che chở. Đây là khát vọng ngàn đời của con người.
Còn Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh, một người con của dân tộc Ê đê tự hào: Đồng bào Ê đê ở Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên hết sức tự hào về sử thi Dam Săn. Từ lâu, sử thi Dam Săn đã đi vào lòng người, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay để sử thi Dam Săn đến với đồng bào được nhiều hơn cần phải được truyền tải bằng nhiều loại hình, hình thức, phương tiện khác nhau, đặc biệt là loại hình nghệ thuật… để đồng bào thêm tự hào và biến khát vọng Dam Săn vươn lên cùng nhân nhân cả nước, xây dựng cuộc sống quê hương, đất nước ấm no, hạnh phúc, sống hài hoà với thiên nhiên. Đây là một trong những lý do chính mà ca kịch “Khát vọng Dam Săn” ra đời. Đặc biệt hơn, ca kịch “Khát vọng Dam Săn” hoàn thành và công diễn ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 3 vừa kết thúc là dấu ấn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam, đồng thời đánh dấu cột mốc gần 40 năm nhạc sĩ Nguyễn Cường đến với vùng đất và con người Tây Nguyên…
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà cho biết: đề án ca kịch “Khát vọng Dam Săn” do Công ty Trách nhiện hữu hạn Sông Thương Garden xây dựng và đề xuất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk chủ trì, được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phê duyệt ngày 14/4.
Tác phẩm gồm 5 chương: Dam Săn và H’Nhi; Xử tội Mtao Msei; Buôn Sang trông cậy; Nơi miền sáng; Mặt trời lên trên Cao Nguyên bao la. Tác giả và tổng đạo diễn tác phẩm ca kịch này là nhạc sĩ Nguyễn Cường; kịch bản là nghệ sĩ Hoa Hồng; tổng biên đạo là Nghệ sĩ nhân dân Y San Alio và do Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk biểu diễn. Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Hương Garden là đơn vị đứng ra tổ chức sản xuất.
Đề án ra đời nhằm xây dựng một tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Việt Nam đương đại, phục dựng, bảo tồn và trình diễn lịch sử văn hóa dân tộc Ê đê ở Tây Nguyên qua những làn điệu, vũ điệu được sử dụng trong tác phẩm; tạo dựng sân khấu âm nhạc độc đáo bán thực cảnh dành cho lễ hội thường niên của đồng bào Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, tạo nên một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc chỉ có riêng ở Đắk Lắk, được biểu diễn thường kì phục vụ nhân dân và du khách.
Để hoàn thành tác phẩm này, nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng ê kíp thực hiện trong thời gian 6 tháng, với lịch đi lại dày đặc, tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, sáng tạo, trách nhiệm… với mong muốn để lại một tác phẩm lớn, ấn tượng trong nền âm nhạc Việt Nam đương đại.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm sự: Sau 34 năm ấp ủ, sáng tác, đã 2 lần tưởng như dừng lại nhưng với tình yêu nồng nàn, say đắm, duyên phận với vùng đất và con người Tây Nguyên, cuối cùng tôi và ê kíp đã hoàn thành tác phẩm ca kịch “Khát vọng Dam Săn”. Đây cũng là món quà ý nghĩa mà tôi dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sau 40 năm gắn bó với mảnh đất đầy nắng, gió và huyền bí, mê hoặc này.
Sử thi Dam Săn do nhà dân tộc học người Pháp Sabatier sưu tầm ở Đắk Lắk và công bố bằng song ngữ Ê đê -Pháp tại Paris năm 1927. Trong nền văn học Việt Nam, Sử thi Dam Săn là một trong những tác phẩm tiêu biểu, là thể loại văn học được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, bay bổng của đồng bào Ê đê; giúp người đọc được đến với quá khứ hào hùng trong những buổi đầu của thời kỳ liên minh bộ tộc, được gặp gỡ những tù trưởng anh hùng, mà nổi bật nhất là người anh hùng Dam Săn, đã cùng buôn làng chiến đấu, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên vì sự ổn định và phát triển phồn vinh của bộ tộc.
Vào tối nay 15/12 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, tác phẩm “Khát vọng Dam Săn” sẽ được báo cáo nghiệm thu và sẽ được công diễn vào năm 2022, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.
Theo Nhân dân