Khẩn trương phục hồi kinh tế

9:38 | 07/11/2021

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế.


Chiều 6-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2021. Phiên họp diễn ra ngay sau khi Thủ tướng và đoàn cấp cao Việt Nam về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đối khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp.

Cần cơ chế huy động nguồn lực chống dịch

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận các nội dung về công tác phòng chống dịch Covid-19; tình hình kinh tế – xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2021, giải pháp trong những tháng cuối năm và một số nội dung quan trọng khác.

Theo đánh giá của Chính phủ, công tác phòng chống dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Số ca tử vong giảm sâu, số bệnh nhân khỏi bệnh tăng, tốc độ tiêm vắc-xin được đẩy nhanh. Cả nước từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; các hoạt động kinh tế – xã hội bắt đầu được mở cửa, phục hồi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, ngày 6-11 Ảnh: TTXVN

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tiếp tục hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng chống dịch bệnh, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền; kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt. Lãnh đạo Chính phủ quán triệt chỉ đạo triển khai tốt 3 trụ cột trong công tác phòng chống dịch, gồm: cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất, có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả; xét nghiệm thần tốc, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở. Đồng thời, thực hiện hiệu quả phương châm 5K + vắc-xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác.

Thủ tướng lưu ý công tác mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc-xin… phải bám sát nhu cầu thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, cần rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh.

Từng bước mở cửa du lịch quốc tế

Theo báo cáo tại phiên họp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, kinh tế – xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 giảm 0,2% so tháng 9. Thị trường tiền tệ, tỉ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm…

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm phát do nhiều mặt hàng tăng mạnh trên thị trường quốc tế và chỉ số lạm phát ở nhiều nước tăng mạnh. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công thấp, một số chuỗi sản xuất, lao động chưa phục hồi. Chính phủ cũng nhìn nhận đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Song song đó, cần phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế.

Các bộ, ngành liên quan phải bảo đảm cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, không để thiếu hàng hóa; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường; quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá các mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc-xin, tạo điều kiện khôi phục thị trường du lịch.

Bảo đảm an sinh xã hội cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện. Theo Thủ tướng, cần quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là tại các khu vực sản xuất trọng điểm.

5 nhóm giải pháp

Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra cuối ngày, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết chương trình phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 đang được xây dựng đã đề ra 5 nhóm giải pháp.

Cụ thể là nhóm giải pháp về kiểm soát hiệu quả, linh hoạt, tạo điều kiện cho việc mở lại các hoạt động kinh tế – xã hội hoạt động bình thường; nhóm giải pháp về an sinh xã hội; nhóm giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp khó khăn; nhóm giải pháp thúc đẩy đầu tư công; nhóm giải pháp về quản lý điều hành, hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro, quản trị nhà nước…

Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương thông tin bộ này đã ban hành hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam theo 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 (tháng 11 và tháng 12-2021): Khách đi theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thương mại quốc tế đến Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Giai đoạn 2 (tháng 1-2022): Sẽ mở rộng sang một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện. Giai đoạn 3, mở cửa hoàn toàn nếu dịch bệnh cơ bản được khống chế.

 

Theo Nguoilaodong


Cùng chuyên mục

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

HÀ TĨNH: Cơ sở nào cho Đền Truông Bát là nơi thờ cúng Thân Mẫu của Quan Hoàng Mười?

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN