Trong nhiều thế kỷ nay nhà thờ đá Lalibela nổi tiếng là một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới, nhưng rất được ít người biết đến ngoại trừ người dân địa phương, những người tin rằng nhà thờ là do chúa trời tạo nên.
Đất nước Ethiopia có tôn giáo chính thức là Cơ Đốc giáo bắt đầu từ năm 330 sau Công nguyên, và là quốc gia Cơ Đốc cổ nhất trên thế giới. Mặc dù bị tàn phá bởi nghèo đói, nhưng lòng tin vào Đức Chúa Trời vẫn luôn mạnh mẽ qua nhiều thế kỷ nay. Và nhà thờ đá thời Trung cổ như Lalibela là bằng chứng rõ ràng về điều này.
Thành phố Lalibela nằm trong khu vực Semien Wollo thuộc vùng Amhara, ở độ cao gần 2.800m so với mặt nước biển trên vùng cao nguyên, xung quanh đều là những vùng núi đá và khô cằn. Đây là một trong những thành phố thiêng liêng nhất của Ethiopia, chỉ đứng sau Aksum, nhưng không giống như Aksum, dân số của Lalibela gần như hoàn toàn là người Cơ đốc giáo chính thống Ethiopia. Các công trình đầy sáng tạo này đã biến thành phố miền núi Lalibela thành một nơi hành hương đầy tự hào của các tín đồ Cơ đốc giáo chính thống Ethiopia.
Vua Lalibela (là một người sùng đạo) đã trị vì vùng đất này từ năm 1187 đến năm 1221. Với hy vọng xây dựng nơi này thành một nơi như Jerusalem – nơi vang danh về cả khía cạnh tinh thần tôn giáo lẫn kiến trúc, ông đã sáng lập ra kiểu kiến trúc lạ nhằm tạo ra một thánh địa mang biểu tượng linh thiêng.
Tại nơi đây, vào thế kỷ XIII, những tín đồ sùng đạo Thiên Chúa bắt đầu đục đẽo những khối đá núi lửa màu đỏ để xây nên 13 nhà thờ. 4 trong số những nhà thờ đó được hoàn thiện đứng độc lập với khối đá và chỉ có phần nền móng là còn gắn liền với khối đá mẹ này. 9 nhà thờ còn lại vẫn gắn liền với đá và chỉ có bề mặt được “giải phóng” khỏi khối đá. Ngày nay, ở đây chỉ còn lại 11 nhà thờ được chia thành 3 nhóm.
Xây dựng từ đá nguyên khối
Nhóm cực Bắc nổi tiếng có nhà thờ Biete Medhane Alem, được xem là nhà thờ nguyên khối lớn nhất trên thế giới. Nhà thờ dài 33m, rộng 23m và cao 11m. Có bộ diềm mái chạm khắc được dỡ bởi 34 chiếc cột vuông.
Nội thất của nhà thờ được mở ra 3 cửa tách biệt ở 3 hướng Tây, Bắc và Nam theo đúng tập quán của người thiên chúa giáo. Tuy nhiên, các bức tường của nhà thời này đang có có dấu hiệu bị nứt vỡ. Do vậy, hiện tại các nhà khoa học đã dùng một tấm kim loại khá rộng để cho chở cho công trình nhằm ngăn chặn sự xói mòn và hư hỏng.
Nhóm cực Tây có nhà thờ Bete Giyorgis được bảo tồn hầu như nguyên vẹn nhất. Đây là nhà thờ được xây dựng cuối cùng và là một trong những công trình đẹp nhất với hình dáng chữ thập, ô cửa sổ điêu khắc tinh xảo. Khi mặt trời xuống dần, nhà thờ hiện lên màu hồng rồi chuyển sang vàng và xanh rêu trước khi bóng tối bao trùm. Nhóm cực Đông bao gồm 4 nhà thờ dành riêng cho Hoàng gia. Tất cả 11 nhà thờ này được nối thông với nhau qua mê cung được tạo nên từ đường thông nham thạch.
Được biết, 11 nhà thờ đá nổi tiếng này được xây dựng theo lối kiến trúc Axumite (là lối xây dựng từ đá nguyên khối dùng gỗ làm thân trụ giữa) và Kitô giáo Địa Trung Hải thời xưa. Chúng mang lại một sự sáng tạo mới của nghệ thuật tôn giáo trên đất Ethiopia từ thế kỷ 16.
Quá trình xây dựng công phu
Để đào và tạo hình cho các nhà thờ, khoảng 40.000 người thợ Ethiopia xưa kia dùng các công cụ giản đơn gồm cuốc, đòn bẩy, rìu nhỏ và đục để đào những rãnh rất sâu để tách rời toàn bộ cấu trúc nhà thờ ra khỏi núi đá. Mỗi một cấu trúc trong 11 cấu trúc nguyên khối, có mái ngang bằng với mặt đất và đào sâu xuống khoảng từ 40-50 mét.
Công việc chạm khắc được bắt đầu từ đỉnh gồm vòm, mái, trần, vòm cửa và các cửa sổ phía trên và xuống tới phần nền gồm sàn và cửa lớn ra vào. Không gian bên trong nhà thờ rộng lớn gồm các cột đá đặc đỡ trần.
Các nhà thờ này kết nối với nhau bằng những con đường hầm như mê cung, tuy nhiên chúng bị phân cách bởi một con sông nhỏ mà người Ethiopia đặt tên là Jordan. Nhà thờ ngự bên bờ này của sông Jordan đại diện cho Jerusalem “trần thế”, còn ở bên bờ bên kia là nhà thờ của Jerusalem “thiên đàng” – thành phố có những lối đi gắn vàng và trang sức quý hiếm được mô tả trong Kinh Thánh.
Không những thế, để cho nước từ những trận mưa lũ mùa hè thoát ra nhanh, nền của các nhà thờ này được làm hơi dốc. Những nét nhô ra của công trình kiến trúc như mái, máng nước, các ngưỡng cửa sổ… vươn ra dài ngắn khác nhau, tuỳ thuộc vào hướng chủ yếu của các trận mưa. Rõ ràng là người ta khai đào làm nhiều đợt, để cho các kiến trúc sư, những người thợ thủ công luôn có thể làm việc đúng tầm, chứ không phải bắc giàn.
Vào những năm 1520, thầy tu người Bồ Đào Nha Francisco Alvares khi đến đây và chiêm ngưỡng những nhà thờ này đã viết rằng, “Không dễ dàng để mô tả chi tiết về những công trình này, bởi vì nó làm cho tôi không thể tin rằng tất cả được tạo nên bởi con người”
Theo các ghi chép lịch sử, những nhà thờ Lalibela được xây dựng trong 24 năm. Chúng được xây dựng trong núi nên việc thi công rất khó khăn. Và khó khăn đầu tiên đó là những người công nhân thực hiện công trình phải tìm được những phiến nham thạch lớn, không có vết nứt, từ đó loại bỏ những đất đá mềm bên trên bề mặt rồi tiếp tục tách rời khối đá khỏi núi. Sau đó từ những phiến đá lớn này, người ta mới đục đẽo nên tường, trần, cửa, cột trụ…
Những nhà thờ Lalibela lưu giữ các giá trị lịch sử và tôn giáo của địa phương và đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1978, cũng như là kỳ quan nổi bật hàng đầu của châu Phi. Có thể nói, toàn bộ Lalibela cung cấp một lời khai đặc biệt cho nền văn minh thời trung cổ và hậu trung cổ của Ethiopia.
ĐT/Tổng hợp