Tối 17/6, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức khai mạc Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 đợt 2.
Một tiết mục tại Lễ khai mạc Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc (đợt 1) năm 2021. Ảnh tư liệu: An Đăng/TTXVN
Liên hoan thu hút sự tham gia của trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ đến từ 22 đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Liên hoan được tổ chức diễn thi ở hai loại hình nghệ thuật: Loại hình ca, múa, nhạc và loại hình giao hưởng, nhạc vũ kịch, thanh xướng kịch. Mỗi đơn vị đăng ký tham gia 1 chương trình có thời lượng từ 65 – 110 phút, trường hợp đơn vị công lập có nhiều đoàn, số lượng chương trình có thể tham gia tương ứng với số đoàn.
Phát biểu khai mạc Liên hoan, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức đánh giá cao sự chuyển mình tích cực của các đơn vị nghệ thuật trong những năm qua để bắt kịp với sự thay đổi lớn lao đang diễn ra trên mọi phương diện của đất nước. Thêm một lần nữa, giữa Tây Nguyên hùng vĩ, các nghệ sĩ thể hiện sự đam mê nghề nghiệp, phô diễn tài năng và khát khao sáng tạo, khát khao cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Liên hoan là cơ hội để các nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật ca, múa, nhạc được giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp; đồng thời là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phát hiện những tài năng trẻ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển phù hợp. Tại Liên hoan, Ban Tổ chức khuyến khích các đơn vị, nghệ sĩ xây dựng chương trình, tiết mục có yếu tố sáng tạo, làm mới, đa dạng hóa hình thức trình diễn, mang dấu ấn vùng miền, phong cách cá nhân.
Là đơn vị chủ nhà đăng cai tổ chức Liên hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho biết, Đắk Lắk là vùng đất huyền thoại gắn liền với những sử thi hùng tráng cùng nền văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc của 49 dân tộc anh em, được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nhiều tác phẩm ra đời trên cao nguyên Đắk Lắk đã làm nên tên tuổi của nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ; những lời ca, tiếng hát, điệu múa mạnh mẽ, lôi cuốn, vang vọng giữa đại ngàn Tây Nguyên hòa quyện với dòng suối chảy, tiếng bước chân voi đã góp phần dệt nên bản sắc một cao nguyên huyền thoại, trữ tình và khát khao tình yêu cuộc sống.
Các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc đã trở thành sức mạnh tinh thần, là biểu tượng để ứng xử với thiên nhiên, xã hội, đồng thời khơi dậy tình cảm quê hương và tinh thần đoàn kết cộng đồng. Tỉnh Đắk Lắk vui mừng chào đón nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ của 22 Đoàn nghệ thuật về hội tụ. Có thể khẳng định, Liên hoan là sự kiện văn hóa quan trọng, hứa hẹn mang đến cho du khách và người dân Đắk Lắk những giây phút mãn nhãn và thăng hoa cùng nghệ thuật chuyên nghiệp; là dịp để tỉnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, con người Đắk Lắk “Văn minh, thân thiện, mến khách”.
Ngay sau Lễ khai mạc, Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk là đơn vị đầu tiên tham gia Liên hoan đã mang đến 11 tiết mục đặc sắc với chủ đề “Những bức tranh Bazan đỏ”. Sự chuẩn bị công phu, đa dạng về thể loại của các tiết mục, sự biểu diễn chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, diễn viên cùng tiếng cồng, tiếng chiêng,… đã mang lại những phút giây âm nhạc thăng hoa, đầy cảm xúc, nhận được sự hưởng ứng, hò reo nhiệt tình của khán giả.
Liên hoan diến ra đến ngày 30/6.
Hoài Thu (TTXVN)
Nguồn Báo Tin Tức