Khắc phục ‘thẻ vàng’ IUU: Khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản

9:47 | 24/09/2022

Là 1 trong 28 tỉnh, thành ven biển có hoạt động nghề cá phát triển mạnh mẽ, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn tàu cá khai thác thủy sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với quyết tâm chung tay tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), giúp ngư dân khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.


Thiết bị giám sát hành trình được ngư dân xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải) lắp đặt trên tàu cá. 

Nhiều kết quả trong chống khai thác IUU

Với đường bờ biển dài hơn 105km, vùng lãnh hải rộng hơn 18.000 km2, Ninh Thuận được xác định là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước. Để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, tỉnh Ninh Thuận đã và đang quyết liệt triển khai các giải pháp theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác nhằm ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và các hành vi khai thác bất hợp pháp khác.

Theo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, tỉnh có 796 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, tất cả số tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên đã lắp đặt xong. Ninh Thuận đã thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho tất cả tàu cá. Để kiểm soát việc thực thi quy định, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, các đơn vị chức năng của Ninh Thuận tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá, thuyền viên, thiết bị an toàn tàu cá, vệ sinh thực phẩm, ngư lưới cụ. Ban quản lý khai thác các cảng cá kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua bốn cảng cá là Đông Hải, Ninh Chữ, Mỹ Tân và Cà Ná. Đồng thời, xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác tại Văn phòng kiểm soát nghề cá; kiên quyết không cho phương tiện ra khơi khi không đầy đủ thủ tục, giấy tờ theo quy định.

Thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị đã tổ chức 10 lớp tuyên truyền cho 600 lượt chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân hiểu các quy định của Luật Thủy sản, các chỉ thị, nghị định của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chống khai thác bất hợp pháp. Cùng đó, tổ chức cho các chủ tàu ký cam kết không đưa tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, thông qua tuyên truyền, ngư dân đã nhận thức được tác hại của việc vi phạm vùng biển nước ngoài. Việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) đã có nhiều tiến bộ. Đa phần các tàu đánh bắt xa bờ đều tuân thủ nghiêm túc việc khai báo, nộp sổ nhật ký khai thác. Tính đến nay, Ninh Thuận không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Về chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, tỉnh cũng chưa có lô hàng thủy sản nào yêu cầu chứng nhận.

Nhờ tích cực triển khai các giải pháp đã giúp bà con ngư dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản. Ngư dân Ngô Văn Ba (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) chia sẻ, qua các lớp tuyên truyền, cán bộ Chi cục Thủy sản và bộ đội biên phòng ở địa phương đã truyền đạt cụ thể về 14 hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp theo Luật Thủy sản 2017 và những điều cần chú ý khi khai thác hải sản trên biển. Từ đó, giúp bà con nắm vững hơn các quy định pháp luật để đánh bắt bảo đảm an toàn và tránh các vi phạm.

Ngăn chặn khai thác IUU

Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế vẫn còn tồn tại những hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là nhiều tàu cá kể cả chủ tàu mang số hiệu đăng ký Ninh Thuận nhưng đã di chuyển gia đình vào các tỉnh thành phía Nam sinh sống, tạm trú, hoạt động khai thác và thay đổi chỗ ở liên tục làm cho công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức ký cam kết cho các đối tượng này gặp nhiều khó khăn.

Cùng đó, vẫn còn một số tàu cá nằm trong diện quy định chưa thực hiện việc lắp đặt VMS vì một số lý do như: các chủ tàu đang làm thủ tục trong quá trình sang nhượng, cải hoán tàu cá; một số chủ tàu gặp khó khăn về tài chính, tàu hư hỏng… Ngoài ra, hạ tầng một số các cảng cá bị xuống cấp, không bảo đảm an toàn vệ sinh đã ảnh hưởng đến các hoạt động tháo gỡ “thẻ vàng”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

 Tàu đánh bắt xa bờ neo đậu tại cảng cá Ninh Chữ (huyện Ninh Hải).

Tỉnh cũng tăng cường các giải pháp quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Từ đó, nâng cao đời sống sinh kế của người dân vùng ven biển, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ đẩy nhanh hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho những tàu cá còn lại; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý dữ liệu tàu cá qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS), xử phạt nghiêm các tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại tất cả các cảng cá chỉ định phục vụ cho truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, chống khai thác IUU.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành ven biển phía Nam chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và có biện pháp hỗ trợ, ngăn chặn tàu cá Ninh Thuận khai thác vi phạm IUU.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, xác định khai thác hải sản được kiểm soát chặt sẽ góp phần đảm bảo nghề cá phát triển hiệu quả, bền vững. Thời gian tới, cùng với triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh tái cơ cấu ngành thủy sản, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ với trọng tâm là tổ chức, sắp xếp hoạt động nghề cá theo hướng phát triển các tổ, đội đoàn kết trên biển, không để tình trạng tàu cá đi đánh bắt xa bờ hoạt động đơn lẻ, không đảm bảo an toàn.

Năm 2022, Ninh Thuận phấn đấu sản lượng khai thác hải sản đạt 119.500 tấn; trong đó, khai thác hải sản xa bờ chiếm khoảng 70% sản lượng. Để đạt mục tiêu đề ra, hiện nay tỉnh đang tập trung phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ bằng các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền, nâng công suất tàu cá, đào tạo nghề, lắp đặt các trang thiết bị hàng hải hiện đại.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)

Nguồn Báo tin tức

https://baotintuc.vn/kinh-te-bien-dao/khai-thac-gan-voi-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-20220924091807122.htm

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách