Cổ ngữ có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, “Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận gia tri”, ý rằng con người sinh nhất niệm, thiên địa đều tỏ tường, thiện ác đều có báo ứng. Nếu con người không làm việc tốt, thì dẫu thắp hương bái Phật cũng uổng công. Phật Tổ thực sự chỉ bảo hộ những người tốt, những người dù ở đâu, làm gì cũng luôn yêu cầu bản thân phải hành thiện. Con người phải biết kính sợ Trời Phật, tích đức hành thiện mới được Thần Phật bảo hộ.
Trong cuốn “Tử Bất Ngữ” (Những điều Khổng Tử không đề cập) của Viên Mai thời nhà Thanh có ghi lại một câu chuyện như sau:
Một tuần phủ tỉnh Hồ Nam, thường ngày đều rất kính sợ Quan Công. Cứ đến mồng 1 tháng Giêng, ông lại vào miếu dâng hương, bái thần xin quẻ, dự đoán hoạ phúc nội trong năm đó. Ông xin quẻ đều khá linh nghiệm.
Vào mồng 1 tháng Giêng năm Càn Long thứ 23, ông tới miếu Quan Công dâng hương xin quẻ. Nhưng trên quẻ thẻ xin được lại ghi câu “Thập bát than đầu thuyết dữ quân” (Tạm dịch nghĩa đen: Nói với ngài 18 bãi biển), câu này khiến ông cảnh giác. Năm đó, hễ ra ngoài dẫu là bước qua vùng nước cạn, hay đường gần, ông cũng không ngồi thuyền. Dẫu phải đi đường bộ, thì xa mấy, ông cũng đi để tránh tai nạn liên quan tới nước.
Mùa thu năm ấy, vì thẩm lý vụ án “Hầu Thất”, hoàng thượng đặc phái quan khâm sai đại thần tới Hồ Nam, giữa đường phải đi qua một cái hồ. Đi đường thuỷ, vừa gần lại vừa nhanh, đi đường bộ phải thức khuya dậy sớm, vừa xa lại vừa chậm. Quan khâm sai đại thần muốn đi đường thuỷ, nhưng vị quan phủ Hồ Nam này lại dốc sức chủ trương đi đường bộ và đọc lại quẻ bói “Thập bát than đầu thuyết dữ quân” cho vị khâm sai đại thần nghe.
Vị khâm sai đại thần mặc dù miễn cưỡng nghe theo lời ông, nhưng trong tâm rất không vui.
Chẳng bao lâu sau xảy ra vụ án tham ô tại Diên Xưởng, Quý Châu, có người tố cáo tuần phủ Hồ Nam tham ô hối lộ khi còn làm tuần phủ tại Quý Châu, nhưng ông một mực phủ nhận. Lúc đó một nô tài họ Lý gác cổng trong nha môn của tuần phủ Quý Châu cũng vướng vào vụ án này.
Họ Lý nói như đinh đóng cột rằng ngân lượng đã chuyển lại cho vị tuần phủ này, bản thân ông ta chỉ hành sự theo ý của chủ nhân mà thôi, không hề đặt điều vu khống. Lúc đó họ Lý đã bị xử nặng, hai chân bị liệt. Chủ nhân và kẻ nô tài hai người đang tranh biện tới mức đỏ mặt tía tai, tranh cãi không dứt.
Lúc này quan khâm sai đại thần mới chỉ vào quan tuần phủ, lớn tiếng quát:
Ông không phải tranh biện nữa! “Thập bát than đầu thuyết dữ quân”, câu này đã ứng nghiệm rồi! Kẻ nô tài này của ông họ Lý, phía trên chữ “Lý 李” là chữ “Thập 十” và chữ “Bát 八”. Hai chân của kẻ nô tài này đã bị liệt, chính là “Than” (Chú thích: “Than 癱”trong Than hoán, nghĩa là bị liệt, và “Than 灘”, chỉ bãi biển là từ đồng âm, khác nghĩa).
“Thuyết dữ quân” (nói với ngài), chính là số bạc mà kẻ nô tài này nói tới, đều đã giao lại cho ông rồi. Quan Công sớm đã biết ông phạm pháp, ông còn điều gì có thể tranh biện nữa đây!
Quan tuần phủ Hồ Nam á khẩu, đột nhiên nghe như sấm đánh bên tai, thần trí hoảng loạn, ông ta đành phải thừa nhận bản thân đã nhận hối lộ làm trái pháp luật. Cuối cùng ông ta phải chịu sự trừng phạt rất nghiêm khắc.
Đây gọi là:
Tà ác chi đồ khứ kính Thần,
Tham tang uổng pháp muội lương tâm;
Bái lai đoá khứ hoạ lâm đầu,
Tội trách nan đào tao lôi đình.
Tạm dịch:
Kẻ ác đi bái Thần,
Nhận hối lộ phạm pháp, trái lương tâm;
Cầu tránh tai, hoạ lại giáng xuống đầu,
Tội khó thoát như sấm đánh ngang tai!
Trong xã hội ngày nay, cứ mỗi dịp lễ, đền chùa miếu mạo khắp nơi lại ngập tràn những người tự gọi là “thiện nam tín nữ”, chen chân đi thắp hương, bái Phật, xin quẻ. Họ không tiếc vung tiền nhiều, dâng nén hương cao, vì muốn cầu xin Thần Phật bảo hộ lợi ích của bản thân, giúp mình được khoẻ mạnh, bình an, thăng quan phát tài, gia đình hoà thuận và công việc hanh thông, thuận lợi.
Kỳ thực bái Phật chân chính là cầu xin Phật gia trì cho mình làm người tốt, trọng đức hành thiện, tu dưỡng đức hạnh. Phật Đạo Thần chân chính chỉ bảo hộ chân lý của vũ trụ, chỉ bảo hộ những người tốt tự yêu cầu bản thân tu tâm trọng đức. Nếu làm việc ác, thì dẫu có tâm lý cầu may, dẫu tìm trăm phương ngàn kế nhằm trốn tránh báo ứng thì cũng chỉ uổng công vô ích mà thôi. Bởi lẽ con người hành ác chắc chắn sẽ gặp phải quả báo tương ứng, chỉ là đến hay chưa, sớm hay muộn, kiếp này hay kiếp khác mà thôi.
Theo Sound Of Hope