Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh có vai trò to lớn nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, là một trong những nhân tố chiến lược có vai trò quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.
60 năm trôi qua, thời gian có thể xóa mờ dấu chân người lính trên con đường huyền thoại, nhưng trang sử hào hùng vẫn tiếp tục được kể lại tới các thế hệ sau qua các hiện vật, tài liệu, hình ảnh.
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 – 19.5.2019), sáng nay (3.5) tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh – Binh đoàn 12 diễn ra khai mạc triển lãm chuyên đề “Ký ức Trường Sơn” nhằm giới thiệu tới đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ về quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu và các mốc son tiêu biểu của bộ đội Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; những đóng góp to lớn của những người lính Trường Sơn hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong không gian 300m2, triển lãm giới thiệu hàng trăm tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu về đường Trường Sơn. Trung tá Nguyễn Hải Bình – Trưởng ban Trưng bày – Tuyên truyền, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh chia sẻ, đến với triển lãm, khách tham quan có dịp nhìn lại quá trình hình thành, phát triển của đường Hồ Chí Minh từ những ngày đầu mở tuyến với lực lượng nhỏ bé ban đầu, với phương thức vận chuyển bằng gùi thồ trên những con đường nhỏ hẹp theo phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, tới sự phát triển không ngừng của tuyến đường, tiến lên cơ giới hóa, hình thành mạng lưới giao thông chiến lược đảm bảo chi viện cho chiến trường miền Nam.
Nhận thấy được vai trò quan trọng của đường Trường Sơn, nơi đây trở thành mục tiêu đánh phá ngăn chặn hàng đầu của đế quốc Mỹ. Những trọng điểm nổi tiếng ác liệt là mục tiêu bắn phá, ném bom suốt ngày đêm trong chiến dịch ngăn chặn của Mỹ như: Seng Phan, La Hạp, Vang Mu, Chà Là (Lào), Cổng trời, ATP (Quảng Bình, Việt Nam)…
Song chính ở nơi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc ấy, cán bộ chiến sĩ Trường Sơn luôn giữ vững tư tưởng tiến công, chủ động, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo ra nhiều giải pháp độc đáo, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn khiến giặc Mỹ phải kinh ngạc và khâm phục. Cũng chính trong mưa bom bão đạn, những chiến sĩ Trường Sơn vẫn rất lạc quan, vượt qua mọi sự khắc nghiệt của núi rừng, tình đồng chí, đồng đội luôn là sự gắn kết vô cùng thiêng liêng, cùng chung một ý chí “Quyết đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”…
Sau 60 năm, câu chuyện về đường Trường Sơn được kể lại cho thế hệ sau qua các hiện vật như: chiếc gùi các chiến sĩ Tiểu đoàn 301 sử dụng cải trang thành đồng bào dân tộc Vân Kiều để phục vụ vận chuyển hàng hóa cho chiến trường, năm 1959 – 1962; dây lấy máu của nữ quân y Ma Thị Thu – dân tộc Tày, ở đội điều trị 14 tự tạo ra, lấy được 6.650 lít máu của tất cả anh em trong viện và Binh trạm 12, để truyền máu cho 58 trường hợp chữa vết thương nặng; đôi dép của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Sinh, Binh trạm 3 Đoàn 559 đã sử dụng đưa đón cán bộ vận chuyển hàng trên tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn, năm 1961-1967, gần 6 năm vận chuyển gùi thồ, ông đã chuyển được 55 tấn hàng với quãng đường có tổng chiều dài hơn 41.000km; hình ảnh họa sĩ Trường Sơn vẽ tranh cổ động nhằm động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ trên toàn mặt trận; ký họa của đồng chí Phan Lan – Trưởng ban quân lực Tiểu đoàn 71, Đoàn 559, vẽ bằng bút chì mô tả những chiến sĩ giao liên vượt đường số 9… Tất cả như những minh chứng sống động, tái hiện phần nào sự kiên cường, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên đường Hồ Chí Minh lịch sử.
Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật giới thiệu về hoạt động của bộ đội Trường Sơn – Binh đoàn 12 trong thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thế giới; về hoạt động Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam, về những cựu chiến binh Trường Sơn tiếp tục phát huy truyền thống của bộ đội Trường Sơn anh hùng trong cuộc sống mới cùng với nhiều cuốn sách và tư liệu xuất bản của Hội Truyền thống Trường Sơn…
Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, Trung tá Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa, thời gian có thể xóa mờ dấu chân người lính trên các nẻo đường thuở ấy, nhưng đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh mãi mãi là trang sử hào hùng ghi lại những ký ức về lòng dũng cảm, sự sáng tạo, tinh thần hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn nói riêng, của Quân đội nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam nói chung”.
Theo baovanhoa