Nằm trên phần đất của ấp An Thạnh – xã An Hảo – huyện Tịnh Biên – tỉnh An Giang, dưới mưa nắng xứ núi, khối đá hình Bàn Tay Phật như thách thức với thời gian.
Một chiều nào ta về với Thất Sơn
Thăm phiến đá ngàn năm tư lự
Theo Núi Cấm đi dọc chiều dài lịch sử
Để hiểu mình qua những cuộc biến thiên
Nằm trên phần đất của ấp An Thạnh – xã An Hảo – huyện Tịnh Biên – tỉnh An Giang, dưới mưa nắng xứ núi, khối đá hình Bàn Tay Phật như thách thức với thời gian.
Di chỉ Bàn Tay Phật ở thế hướng núi tọa lạc giữa khung cảnh u tịch của vùng đất Thiên Cấm Sơn đẹp đẽ và cũng thật linh thiêng. Tượng đá cổ trầm mặc hiện lên sừng sững trên vùng bán sơn địa không dấu chân người. Thế nhưng, nơi ấy lại gánh trong mình bao câu chuyện bí ẩn và dấu tích của những thời kỳ lịch sử.
Sững sờ chân dung “Phật thạch thủ”
Có tổng chiều cao gần 10 mét (tính từ đất đến đỉnh của khối đá cao nhất), Bàn Tay phải của Phật Tổ (Đức Bổn sư Thích ca Mâu Ni) ở tư thế đang phát nguyện che chở cho chúng sanh. Tròn đầy 5 ngón tay, có cả kẽ hở của từng ngón, thậm chí hiện rõ các đốt tay, vân tay, chỉ tay khiến chúng ta không khỏi sững sờ về sự “kỳ diệu” của thiên tạo. Đến hôm nay đã là 2.566 năm Ngày Đức Phật đản sanh và cũng ngần ấy thời gian đã để lại thông điệp về Phật Giáo hiện hữu qua mức độ phong hóa của di chỉ có “1-0-2”.
Ông Trần Nhựt Minh – một cựu chiến binh đã bước qua tuổi 80, với trí nhớ rất minh mẫn, cho biết :” Từ rất lâu rồi, tôi đã từng nghe ông nội, các bậc cao niên và ba tôi nói rằng, đâu đó ở Núi Cấm có Bàn Tay Phật. Bàn tay ấy đã nâng đỡ, chở che cho chúng sanh trên vùng đất này. Khi ấy, tôi cứ ngỡ rằng đó chỉ là những câu chuyện trà dư tửu hậu đầy sắc màu huyền thoại bởi chưa một ai tận mắt một lần nhìn thấy. Chốn sơn lâm chướng khí Bảy Núi từ bao đời vốn dĩ luôn tồn tại những điều siêu thực và siêu nhiên khiến ai đến đây cũng đều phải cẩn ngôn”.
Năm tháng qua đi, những lời truyền miệng về Bàn Tay Phật cứ thế được tạc vào hư không và trở nên hết sức bí hiểm. Ngay cả khi, cách nay hàng chục năm về trước khoảng năm 1990 – 1995, nơi đây đã từng tồn tại Công ty Liên doanh Latina An Giang chuyên khai thác đá Granite xuất khẩu. Theo khảo sát của Nhà đầu tư Đài Loan lúc bấy giờ thì mỏ đá này có trữ lượng lớn và vân đá (kén tằm xanh) đẹp tự nhiên và độc đáo nhất. Thế nhưng, kỳ lạ thay từ ngày họ đến cho đến ngày họ rời đi cũng chẳng ai biết được khu vực đó có khối đá hình Bàn Tay Phật.
Khi “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”
Sau rất nhiều năm mời gọi bằng nhiều chính sách ưu đãi nhưng tuyệt nhiên không một Nhà đầu tư nào chịu về vùng đất heo hút khắt nghiệt như thử thách lòng người.
Duy chỉ có Sao Mai Group đã rất chịu khó phơi nắng ra tiền từ việc phủ những tấm quang năng mà họ xác định hướng phát triển này hoàn toàn “thuận thiên”. Mốc thời gian vô cùng ấn tượng, đó là vào lúc 5:30 sáng ngày 26.12.2018 (nhằm 20.11.2018 âm lịch), Tập đoàn đã khởi công xây dựng Nhà máy Điện mặt trời An Hảo (giai đoạn 1) trên diện tích 105 ha. Chỉ sau ít phút thực hiện nghi thức động thổ, một cơn mưa đột ngột ập đến mang nguồn nước Trời ban cho đại công trình.
Kể từ lúc đó, tiến độ xây dựng trở nên thần tốc đến bất ngờ. Chỉ sau 4 tháng khẩn trương, một Nhà máy Điện mặt trời hoành tráng đã lộ diện làm đổi vận hoàn toàn cho vùng đất nông nghiệp khó khăn.
Đúng 23h ngày 26.5.2019, điện mặt trời đã được hòa với trạm biến áp 110kV của lưới điện quốc gia trong niềm vui vỡ òa của tập thể chuyên gia nước ngoài, kỹ sư và công nhân của Tập đoàn. Ngay sau thời khắc quan trọng ấy, Trời lại đổ mưa lớn như báo hiệu một điềm tốt đẹp cho nhà đầu tư.
Không lâu sau, giai đoạn II có diện tích gần 100ha của Nhà máy điện mặt trời cũng đã được Tập đoàn này xúc tiến nhanh khi liên tục nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Chính quyền các cấp và người dân địa phương.
Không dừng lại ở việc khai thác điện sạch, Sao Mai Group đã đồng thời thực hiện mô hình “2 in 1” chưa có tiền lệ khi kết hợp với phát triển du lịch sinh thái dã ngoại và khám phá ngay trong nội khu Nhà máy quang năng.
Và trong quá trình mở rộng để xây dựng Safari An Hảo, khối đá Bàn Tay Phật đã được Nhà đầu tư tìm thấy trong sự ngỡ ngàng.
Nhằm hình thành một không gian văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, phục vụ cho du lịch, đồng thời phát huy giá trị của di chỉ Bàn tay Phật “cực phẩm”, một công viên tráng lệ bao chứa các giá trị lịch sử Bảy Núi, văn hóa thờ phụng tạo nên sắc thái vô cùng đặc biệt trong KDL – ĐMT An Hảo được nhà đầu tư đã và đang khẩn trương xây dựng.
Hiện nay KDL – ĐMT An Hảo đang là điểm đến cực hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Hồn đá gầy vang lời vọng ngàn năm
Các oai linh vẫn nghìn thu ở đấy.
Theo Một thế giới