Huyền thoại Tứ kiệt và Tứ kiệt Cổ Miếu

20:44 | 20/03/2025

Về thị xã Cai Lậy, Tiền Giang, hỏi đến chuyện Tứ Kiệt khởi nghĩa chống Pháp, hầu như ai cũng biết. Bởi những câu chuyện về Tứ Kiệt vẫn còn được lưu truyền trong dân gian từ thế hệ này qua thế hệ khác và miếu thờ, lăng mộ Tứ Kiệt vẫn là những dịa danh nổi tiếng nhất ở thị trấn này.

Khu lăng mộ Tứ Kiệt – Ảnh : Trần Đăng Kim Trang

Tứ Kiệt là biệt danh mà nhân dân các huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) dùng để gọi một cách đầy trân trọng, tôn kính đối với 4 vị anh hùng nông dân đã tham gia kháng Pháp hồi nửa sau thế kỷ 19 trên vùng đất này. 4 vị anh hùng này còn được dân gian gọi là Bốn Ông Cai Lậy.

Bàn thờ Tứ Kiệt trong khu lăng mộ – Ảnh : Trần Đăng Kim Trang

Tứ Kiệt gồm các ông Trần Công Thận, Nguyễn Thanh Long, Trương Văn Rộng và Ngô Tấn Đước. Ông Trần Công Thận, sinh năm 1825, quê ở Xóm Vông, ấp Mỹ Phú, làng Mỹ Trang, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay thuộc ấp Mỹ Phú, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy). Ông Thận là vị lãnh đạo cao nhất, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nên được nhân dân gọi là “Nguyên soái Thận”. Ông Nguyễn Thanh Long, sinh năm 1820 ở xóm Cầu Ván, ấp Cẩm Hoà, thôn Cẩm Sơn, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay là ấp 2, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Ông Long là người có nhiều mưu trí, tài thao lược nhất trong “Tứ kiệt”. Ông Trương Văn Rộng, quê ở Tân Lý Đông, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông Ngô Tấn Đước là người Xóm Vuông, thôn Tân Hội, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường (nay thuộc xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy).

Tứ Kiệt đều xuất thân trong những gia đình nông dân và đều là những người lính dưới quyền của hai vị tướng lừng danh Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) và phó tướng Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều). Đây là 2 vị thủ lĩnh nổi bật trong phong trào chống Pháp ở Nam bộ hồi nửa sau thế kỷ 19. Năm 1868, sau khi lực lượng của Thiên Hộ Dương tan rã, Tứ Kiệt trở về vùng đất nay thuộc các huyện Cai Lậy, Cái Bè và thị xã Cai Lậy, đứng ra chiêu mộ nghĩa binh, tiếp tục hoạt động chống Pháp. Địa bàn hoạt động của bốn ông chủ yếu ở các vùng nay là Tháp Mười, Cái Bè, Cai Lậy, Thuộc Nhiêu và Mỹ Tho.

Theo lời kể của nhiều bậc cao niên ở Cai Lậy và Cái Bè, các ông Thận, Long, Rộng và Đước đều có thân hình to lớn khác thường, tay chân lanh lẹ, tóc dài, râu rậm. Cả 4 ông đều rất giỏi võ nghệ, nhảy rất cao và chạy rất nhanh. Không những thế, 4 ông đều có nhiều mưu mẹo trong việc tổ chức nghĩa binh đánh Pháp. Vì vậy, lực lượng nghĩa quân của các ông tuy không đông đảo và chỉ được trang bị thô sơ, với vũ khí chủ yếu là giáo mác, gậy gộc, nhưng nhờ tổ chức hoạt động theo kiểu ban ngày là dân, ban đêm là lính, xuất quỷ nhập thần, khiến cho kẻ địch nhiều phen thất điên bát đảo, không biết đường nào mà đối phó. Dù chỉ tồn tại được trong vài năm nhưng nhờ sự mưu trí, dũng cảm, Tứ Kiệt đã cùng các nghĩa binh lập nên nhiều chiến công vang dội, mà đến giờ, dân trong vùng Cai Lậy, Cái Bè vẫn thường nhắc nhở với niềm khâm phục.

Chiến công vang dội nhất của Tứ Kiệt là đánh thành Định Tường (Mỹ Tho). Để giành được thắng lợi, Tứ Kiệt đã bỏ ra nhiều ngày trời cải trang thành người đi làm mướn, lẻn vào bên trong thành Định Tường, dò xét từng đường đi, lối lại, cách bố phòng của quân Pháp. Đêm 01/5/1868, Tứ Kiệt đã tổ chức nghĩa quân trèo tường vào thành, giết chết tên trưởng kho và thiêu trụi kho lương của giặc, sau đó rút lui an toàn. Hơn 2 năm sau, vào ngày 25/12/1870, khi quân Pháp ở Cai Lậy kéo về Mỹ Tho để ăn lễ Noel, nghĩa quân Tứ Kiệt đã bất ngờ tấn công đồn Cai Lậy, thiêu rụi trại lính và dinh Tham biện, tiêu diệt tên Việt gian Bếp Hữu, tịch thu nhiều vũ khí đạn dược, rồi rút lui an toàn … Những chiến công đó đã gây tiếng vang lớn trong vùng, khiến cho nhiều thanh niên trai tráng đi theo nghĩa quân Tứ Kiệt. Có thêm lực lượng, nghĩa quân đã giành thêm một số chiến thắng nhỏ khác.

Hai lần bị mất mặt bởi nghĩa quân của Tứ Kiệt, đồng thời nhận thấy lực lượng nghĩa quân đang ngày càng lớn mạnh, quân Pháp quyết tâm tìm mọi cách bắt Tứ Kiệt và dập tắt nghĩa quân của 4 ông. Quân Pháp đã dùng thủ đoạn thâm độc là đi bắt giam gia đình của bốn ông và 150 dân thường khác, rồi tiến hành tra tấn họ một cách dã man. Không nỡ thấy những người thân và dân thường vì mình mà phải chịu cực hình, có thể mất mạng, Tứ Kiệt đành phải ra nộp mình. Suốt 45 ngày, quân Pháp dùng mọi thủ đoạn tra khảo, mua chuộc, dụ dỗ Tứ Kiệt đầu hàng, đi theo chúng, nhưng không thành. Ngày 14/2/1871, tức là ngày 25/12 năm Canh Ngọ, quân Pháp đành phải đem cả 4 ông ra chém đầu ở chợ Cá (nay là chợ Cai Lậy). Chúng cho gia đình 4 ông mang thân thể về chôn cất, còn 4 cái đầu, chúng đem bêu trong nhiều ngày để uy hiếp tinh thần dân chúng rồi vùi xuống mé ruộng gần chợ.

Bàn thờ Tứ Kiệt trong Miếu thờ  – Ảnh : Trần Đăng Kim Trang

Không có đầu, gia đình của các ông Thận, Long, Rộng và Đước, đành phải làm những cái đầu giả, gắn vào thân của các ông để chôn cất ở quê nhà. Còn những cái đầu của các ông, sau khi bị quân Pháp đem vùi xuống ruộng, nhân dân trong vùng đã âm thầm lấy về gột rửa sạch sẽ rồi kính cẩn đem chôn cất cẩn thận ở thôn Thanh Hòa (nay thuộc thị xã Cai Lậy) dưới dạng những nấm đất vô danh, rồi trồng một hàng cau sơn vôi trắng làm hàng rào. Đồng thời, nhân dân Cai Lậy cũng đã lập một ngôi miếu ở làng Mỹ Trang ngay tại khu đất mà quân Pháp từng bêu đầu 4 ông. Khi ấy, do sợ bị Pháp biết là miếu thờ Tứ Kiệt thì sẽ ra tay phá huỷ miếu, nên nhân dân đã nghĩ ra cách dựng lên một miếu thờ Quan Đế (Quan Công). Sở dĩ dân lập miếu thờ Quan Công vì trong tâm thức dân gian, Quan Công là biểu tượng của lòng trung nghĩa, mà Tứ Kiệt cũng là biểu tượng về lòng trung quân, ái quốc. Phía sau ban thờ Quan Đế, nhân dân đặt một khánh thờ “Tứ vị thần hồn”, tức là Tứ Kiệt. Ngôi miếu này cũng còn được gọi bằng những cái tên khác như Chùa Ông hoặc miếu Cô Hồn.

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Trương Ngọc Tường vốn sinh ra, lớn lên và gắn bó đã đời mình với thị xã Cai Lậy, nhà ông lại cách lăng mộ và miếu thờ Tứ Kiệt không xa, nên ông rất am tường huyền thoại Tứ Kiệt cũng như lịch sử hình thành khu lăng mộ và miếu này. Ông Tường cho biết, thời gian đầu, vị trí đặt miếu Tứ Kiệt không ổn định, cứ phải di dời liên tục do nhiều lý do khác nhau. Mãi đến năm 1904, miếu mới được người dân trong vùng dời về đặt cạnh gần 4 ngôi mộ của Tứ Kiệt và cố định ở đó cho tới tận bây giờ. Dù các nấm đất chôn đầu Tứ Kiệt vẫn chưa được công khai đặt bia ghi tên các ông và khu miếu thờ vẫn chưa thể mang tên Tứ Kiệt, nhưng huyền thoại về Tứ Kiệt vẫn tiếp tục lan rộng trong dân gian. Năm 1938, một người lính mã tà là Đội Lung, khi nghe về huyền thoại Tứ Kiệt đã cảm kích trước sự hy sinh anh dũng của 4 ông. Sau đó, Đội Lung đã thuê người làm tấm bia đá đặt ở đầu khu mộ. Trên bia có khắc dòng chữ Hán “Ðại Nam Mỹ Tho tỉnh, Thanh Hòa thôn, Tứ vị cựu quan chi mộ”.

Đến năm 1954, được sự đồng ý của viên quận trưởng, 4 ngôi nấm đất chôn đầu của Tứ Kiệt được dân trong vùng đóng góp tiền bạc mua xi măng, gạch về xây cất kiên cố, đặt nằm song song và gần khít vào nhau, giống như hình ảnh 4 vị khi còn sống đang cùng sát cánh bên nhau, xung phong đánh giặc. Nhân dân cũng thay những cây cau bằng hàng rào sắt kiên cố. Khu miếu thờ và khu lăng mộ đã chính thức được treo biển đề là Tứ Kiệt cổ miếu và lăng mộ Tứ Kiệt. Những cái tên từng được dùng để gọi khu miếu thờ như miếu Quan Đế, Chùa Ông hay miếu Cô Hồn đã hoàn thành xứ mạng lịch sử và đi vào dĩ vãng. Năm 1967, nhân dân Cai Lậy quyên góp tiền bạc tiến hành trùng tu khu lăng mộ và ngôi miếu, đồng thời mở rộng về quy mô ngôi miếu, thêm phần nhà khách để phục vụ khách thập phương về thăm viếng 4 vị anh hùng. Nhân dân cũng đã bầu ra Ban cúng tế lo việc trùng tu, cúng bái hàng năm.

Miếu thờ Tứ kiệt – Ảnh : Trần Đăng Kim Trang

        Khu Lăng mộ Tứ Kiệt hiện nay gồm 2 phần. Phía trước là Nhà tưởng niệm rộng hơn 100 m2, thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc xưa, gồm 4 hàng cột đỡ mái, 16 cây cột đắp nổi hình rồng quấn quanh cột. Bên trên là 2 lớp mái cong chạm rồng. Giữa Nhà tưởng niệm là bàn thờ Tứ Kiệt, lư hương. 2 bên bàn thờ là 2 giá binh khí xưa và một cặp hạc đứng trên lưng rùa. Phía sau là nhà mộ chỉ có một lớp mái cong chạm rồng. Mái được đỡ bằng 4 cây cột, bên dưới là 4 ngôi mộ.

Hàng năm, cứ vào ngày 25 tháng Chạp, như thường lệ, tại khu lăng miếu Tứ Kiệt, người dân thị xã Cai Lậy và các vùng phụ cận lại tưng bừng, kính cẩn làm lễ giỗ 4 người anh hùng nông dân đã lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp ở Cái Bè, Cai Lậy và đã ngã xuống trên mảnh đất này. Đây được coi là một trong những ngày lễ lớn và trang trọng nhất trong năm ở Cai Lậy. Trong ngày lễ giỗ, thường có nghi thức rước vong của Tứ Kiệt từ chỗ chợ Cai Lậy (nơi 4 ông bị chặt đầu) rồi rước vòng về khu lăng mộ. Ngoài ra, trong các ngày lễ, ngày rằm lớn trong năm như rằm tháng giêng, rằm tháng 7, rằm tháng 10, nhân dân trong vùng lại tổ chức những lễ cúng tế long trọng tại lăng miếu Tứ Kiệt. Khu miếu và lăng Tứ kiệt cũng đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích Lịch sử – Văn hoá cấp quốc gia năm 1999.

Bằng công nhận Tứ kiệt cổ miếu – di tích lich sử văn hóa cấp quốc gia – Ảnh : Trần Đăng Kim Trang

Tứ Kiệt đã trở thành hình tượng người nông dân tiêu biểu của vùng đất Nam bộ, là biểu tượng bất tử trong lòng người dân Cai Lậy.

“Tứ vị anh hùng vị quốc hy sinh vĩnh niệm

Kiệt nhân nghĩa cử tinh thần bất khuất lưu tồn”

                                                      Ths Trần Đăng Kim Trang (Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM)


Cùng chuyên mục

CSGT Quảng Bình lập nhiều tổ công tác đảm bảo TTATGT sau tinh gọn

CSGT Quảng Bình lập nhiều tổ công tác đảm bảo TTATGT sau tinh gọn

Quảng Bình đề xuất sắp xếp 145 đơn vị hành chính cấp xã còn 23 đơn vị

Quảng Bình đề xuất sắp xếp 145 đơn vị hành chính cấp xã còn 23 đơn vị

Diễn viên Tiến Luật: Tôi không chỉ muốn kinh doanh mà còn mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn

Diễn viên Tiến Luật: Tôi không chỉ muốn kinh doanh mà còn mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn

Quảng Bình bổ nhiệm các Giám đốc sở sau sáp nhập

Quảng Bình bổ nhiệm các Giám đốc sở sau sáp nhập

Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng: Người viết nhạc cho tuổi thơ đã về cõi vĩnh hằng

Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng: Người viết nhạc cho tuổi thơ đã về cõi vĩnh hằng

Rạng rỡ Việt Nam

Rạng rỡ Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và  tặng quà tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và tặng quà tại Hà Giang

Cửa ngõ Cao nguyên đá Đồng Văn vào Xuân

Cửa ngõ Cao nguyên đá Đồng Văn vào Xuân

Đền Truông Bát Hà Tĩnh: Đìu hiu chờ ngày xử lý

Đền Truông Bát Hà Tĩnh: Đìu hiu chờ ngày xử lý