Nắm bắt xu thế du lịch gắn với trải nghiệm đời sống sinh hoạt văn hóa, tập tục của người dân bản địa thông qua các mô hình homestay, tham quan trải nghiệm, Thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) đã định hướng tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng dung hòa.
Với hơn 220 ngàn lượt khách trong nước, quốc tế tham dự lễ hội “Chợ quê ngày hội” hưởng ứng Festival Huế 2022, hàng chục ngàn lượt khách đến trải nghiệm qua từng phiên “Chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn” và thông qua những tour du lịch về Thủy Thanh, Dương Hòa… là những con số khá ấn tượng trong năm 2022 của du lịch Hương Thủy (Thừa Thiên Huế).
Những con số này cho thấy, Hương Thủy đang khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, nhất là du lịch cộng đồng thông qua thế mạnh hội tụ đa dạng về sinh thái, di tích lịch sử, bản sắc văn hóa, danh lam thắng cảnh khi có thác Đá Dăm, Chín Chàng, hồ Tả Trạch, Khe Lời, Bàu Họ, rừng nguyên sinh.
Ngoài ra, huyện còn có hệ thống các nhà thờ họ, 15 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng cấp tỉnh, quốc gia, điểm du lịch cộng đồng Cầu ngói Thanh Toàn, lễ hội đua trải, hội bài chòi, các nghề thủ công truyền thống như chằm nón, tăm hương, rèn, đan lát, trong đó, ngày 24/12/2022, nghề nón lá Vân Thê được công nhận là nghề truyền thống của tỉnh.
Nghề nón/chằm nón lá đã gắn với tên tuổi của làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy từ năm 1553 (Địa chí Hương Thủy, NXB Thuận Hóa, năm 1998) được duy trì và phát triển tại làng Vân Thê cho đến nay.
Nắm bắt xu thế du lịch gắn với trải nghiệm đời sống sinh hoạt văn hóa, tập tục của người dân bản địa thông qua các mô hình homestay, tham quan trải nghiệm, ngoài xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động, đề án phát triển dịch vụ du lịch, Hương Thủy đã định hướng tập trung phát triển du lịch cộng đồng theo hướng “dung hòa” 3 phương án: du lịch cộng đồng do người dân đứng ra quản lý và khai thác; Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng và cho cá nhân, tổ chức đấu giá và thuê; kết hợp giữa cộng đồng và đầu tư của doanh nghiệp trên cơ sở quản lý của cơ quan Nhà nước.
Từ những quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, của các cấp, các ngành, việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực phục vụ du lịch cũng được Hương Thủy đặc biệt chú trọng.
Điểm nhấn của du lịch Hương Thủy thời gian qua còn là những đổi mới trong truyền thông thông qua tận dụng các ưu thế của mạng xã hội; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch bằng hình ảnh trực quan; hình thành đội ngũ thuyết minh tại điểm và hướng dẫn viên du lịch người địa phương; xây dựng cơ chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch; đơn giản các thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch, trong đó có hỗ trợ kinh phí để người dân phát triển các mô hình, sản phẩm du lịch, nghề truyền thống.
Du khách thích thú trải nghiệm làm chổi bằng cây lồ ô tại Dương Hòa
Những hoạt động đã tạo nên những sản phẩm du lịch cộng đồng, các mô hình trải nghiệm đặc trưng, hấp dẫn, như làm vườn tại vườn Văn Thánh, Vân Thê Garden & Homestay, vườn hoa Lạc Dương, vườn trải nghiệm chân quê tại xã Thủy Thanh; trải nghiệm gói bánh, chẻ tăm hương, làm chổi từ cây lồ ô tại xã Dương Hòa, thu hút ngày càng đông du khách đến trải nghiệm và đánh giá cao.
Được biết, hiện thị xã đang rà soát quy hoạch chi tiết trong việc nhận diện các vùng, quỹ đất để tiếp tục thu hút đầu tư phát triển du lịch; phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc thù, có chiều sâu, tạo sản phẩm có thương hiệu của địa phương; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, kết hợp phổ biến kinh nghiệm và hỗ trợ người dân địa phương phát triển du lịch cộng đồng.
Đây chính là những cơ sở để Hương Thủy hoàn thành mục tiêu thu hút khoảng 250.000 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 400 tỷ đồng, trong đó, du lịch cộng đồng chiếm 150.000 lượt khách cùng doanh thu khoảng 200 tỷ đồng trong lộ trình từ đây đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
PV
Nguồn Báo Công luận
https://www.congluan.vn/huong-thuy-thua-thien-hue-phat-trien-du-lich-cong-dong-post234060.html