Từ thị xã Hà Giang lên huyện lị Mèo Vạc, đường ô tô dài đúng 162 kilomet. Cột mốc cây số cuối cùng nằm dưới gốc đa to cạnh chợ huyện. Ngày chợ phiên, xung quanh gốc đa cổ thụ ấy cơ man nào là ngựa, hay nói theo cách vui của vùng này, đó là những chiếc ” Hon-đa hí “để sánh với những chiếc Honda chạy máy rộn rã ngược xuôi dưới đồng bằng. Những chú ngựa ấy từ những bản hẻo lánh của người H’Mông, Xuổng, Lô Lô … kéo cả về đây. Những ngày như vậy , cái thung lũng duy nhất của cả huyện dài cũng chỉ bằng ” một tầm ngựa hí” này đầy ắp những âm thanh, hình dáng , sắc màu trong cuộc hẹn hò của vạn con người. Nếu bạn là một cô gái H’ Mông sống lặng lẽ trên núi cao mây phủ, là chàng trai Lô Lô ở bản xa cả một ngày đường, một người lính đồng bằng lên biên cương giữ chốt… hẳn sẽ cảm thấy cái ngày chợ phiên ấy với tất cả niềm khao khát được nhìn, được gặp, để rồi mà nhớ thương, mà mong chờ.
Nhưng để đến được cái nơi đô hội ấy, cần phải đi qua những con đường. Đến Mèo Vạc những ngày tiếng súng luôn ầm ì suốt một vùng biên ải này, cái vui lớn là được thấy những con đường. Cùng với đường trục chính mở mấy chục năm trước qua cổng trời Cán Tỷ, qua Mã Pí Lèng mà nhà thơ Xuân Diệu có viết cả một bài thơ dài về những người mở đường ở đây, mấy năm nay, từ Hà Giang lên Mèo Vạc có thêm một con đường nữa, đường Quyết Thắng, đi theo tuyến riêng, khá độc đáo.
Ngày xưa Lỗ Tấn nói con người đi nhiều mà thành đường. Hôm từ Hà Giang lên Mèo Vạc, tôi cứ nhìn con đường rồng rắn đuổi nhau tít vào trong mây mà kinh ngạc cho bàn tay lao động của con người. Một bên là vách núi đá dựng đứng, bên kia là vực thẳm sâu hút, con đường cứ len lỏi qua những mỏm núi đá cao, chí ít cũng cả ngàn mét sắp lên, có nơi ngàn bảy trăm, ngàn tám trăm mét. Hình ảnh “đường trong mây” ở đây là tả thực, nhiều đoạn, đường ở trên mây.
Người ta có cảm giác của một người đi máy bay, khi nhìn dưới tầm mắt mình những bản làng nhỏ hơn bao diêm, và dưới lòng thung lũng, khe núi mây cứ ùn ùn kéo lên giăng kín cả trời đất để rồi bất chợt , con đường lại hiện ra như sợi chỉ bạc giăng mắc từ mỏm núi này sang mỏm núi khác. Chưa nói tới độ khó mở đường, chỉ ngay việc đi trên những con đường Mèo Vạc cũng đã là một sự kiên nhẫn. Chiếc xe Commăngca cũ kỹ của chúng tôi cứ rên hù hụ để cố lên những cái dốc vượt mặt, mà có hàng giờ lên dốc chứ ít ỏi gì, rồi lại xuống dốc dài cả chục kilomet, qua những cái ” cua tay áo” liền bên vực sâu.
Mùa Mi Trơ, Chủ tịch huyện Mèo Vạc, là một con người của núi rừng. Anh có vóc dáng của một con gấu, hai vai to bè, bước đi chắc nịch, cái đầu húi cua khỏe mạnh hơi chúi về phía trước. Ở cái huyện hẻo lánh cao lưng trời này, cần phải có những người đứng mũi chịu sào , như anh – nhìn dáng đi của Mùa Mi Trơ, tôi có ý nghĩ ấy. Hai mươi năm trước, chàng trai H’ Mông ấy là giáo viên văn hóa ở bản, rồi đi bộ đội, liên tục bám trụ ở vùng núi này. Từ ngày có chuyện rắc rối ở biên giới, anh sang phụ trách công tác chính quyền. Hôm đầu tiên găp anh, cảm giác thật thoải mái. Anh nói tiếng Kinh sõi, tuy trong phát âm vẫn còn âm sắc H’ Mông.
– Nhà báo đi với mình về Sùng Trà chứ? Hôm nay dưới đó có hội thu mua, tha hồ mà chụp ảnh.
Anh chỉ nói vậy và chúng tôi theo anh lên xe. Khi vượt khỏi dốc, câu đầu tiên anh nói với chúng tôi lại về những con đường :
– Chà , tiếc quá – Hội làm đường lên điểm tựa vừa ngưng xong. Vui lắm nhé. Đồng bào Xuồng, Lô Lô, Dao, Giấy , H’ Mông… cùng bộ đội làm đường như đi hội. Có cặp vợ chồng rời bản, vợ chồng mới cưới đấy, ăn ngủ ngay trên mặt đường, làm xong việc mới về – Tính cả mười cây số đường vừa làm xong, Mèo Vạc có mười hai xã xe ô tô vào được tận nơi. Chỉ còn bốn xã nữa thôi, năm nay, sang năm làm tiếp. Trên này là như vậy đó nhà báo à ! Giữ đất, đánh giặc, làm ăn, đời sống, gì cũng phải có con đường!
Con đường về Sùng Trà lượn qua những triền núi đá mùa này ngô bắt đầu lên xanh. Vàng, đá và ngô, đó là điều ngạc nhiên thứ hai ở Mèo Vạc, sau ấn tượng về những con đường. Khi chưa lên Mèo Vạc, nghe nói ngô mọc trên đá, thú thật tôi chưa hình dung nổi. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh mà chúng tôi gặp dưới Tuyên Quang, khi giới thiệu về Mèo Vạc đã nói rất ngắn gọn:
– Lên đó các anh gặp một vùng toàn đá. Mèo Vạc là huyện chín mươi chín phần trăm diện tích núi đá, nhưng không phải là đá trọc mà là đá có ngô, cùng với súng đạn, đường giao thông, cùng lòng người bám đất chính là điểm tựa cho cuộc sống vùng này. Có một điều tưởng như trái ngược, những năm trước đây, năm nào Mèo Vạc cũng thiếu ăn. Thế mà mấy năm nay, huyện lại đủ ăn trong hoàn cảnh khó khăn của vùng biên giới chiến sự. Sự vật ở đây chuyển như thế nào, con người ở đây chuyển như thế nào, các anh làm nhà báo, các anh cứ lên xem và sẽ thấy – rồi anh cười hóm hỉnh: – Tôi cũng có thể nói, nhưng lại sợ các anh bảo là tuyên truyền. Trăm nghe không bằng một thấy.
Ngồi trên xe cùng Mùa Mi Trơ, tôi nhớ đến câu chuyện ở Tuyên Quang mấy hôm trước, chăm chú nhìn sang hai bên đường.
Được một ngày nắng hiếm hoi, trước mắt tôi trập trùng núi đá trải dài, một màu xám im lìm, bí ẩn như thời thủa hoang sơ của con người. Và trên cái nền đá ấy là màu xanh tươi non của ngô đang ra lá. Màu xanh ấy còn nhỏ bé, bởi lẽ vụ gieo ngô mới kết thúc được ít ngày, nhưng ở triền núi nào nhìn tinh cũng sẽ thấy. Tôi hỏi Mùa Mi Trơ về cách trồng ngô. Anh quay hẳn người lại xòe hai bàn tay to bè ra trước mặt, vừa nói vừa minh họa cho tôi hiểu, đôi mắt to có cái nhìn khỏe khoắn luôn hướng vào tôi, như để đo lường xem tôi có hiểu hết lời anh không:
– Muốn trồng ngô trước hết phải có đất. Nhưng ở đây đất rất hiếm. Bà con dân tộc phải mang quẩy đấu, giống như gùi trong Tây Nguyên ấy, xuống các lòng khe lấy đất. Đất đem lên, cho vào từng hốc đá. Hốc to bỏ nhiều, hốc bé bỏ ít. Mỗi hốc trồng một vài cây ngô thôi. Một nương ngô như vậy, tốn nhiều công sức lắm. Có cả mấy trăm lần trèo lên, trèo xuống, bỏ đất cho kín, xếp đá chặn cho mưa cát khỏi trôi. Trèo núi như vậy, cái chân nhà báo trèo không nổi đâu. Rồi cũng gieo hạt, làm cỏ, bón phân, chăm sóc như dưới đồng bằng, nhưng nhiều công lắm
Mùa Mi Trơ nói về giống ngô mới, về những nương ngô cao sản, về kỹ thuật trồng tỉa… Nếu không có cái thảm xanh trên đá kia, tôi khó hình dung nổi. Cũng những biện pháp quen thuộc như mọi nơi, nhưng trên vùng núi đá này, công sức con người bỏ ra gấp mấy chục lần. Và cái giá của màu xanh non kia còn cao gấp nhiều hơn nữa ở nơi chiến tranh đang rình rập này, những quả đạn pháo từ bên kia có thể bất chợt nổ vào mọi lúc.
Và trong mỗi làng bản, mỗi con người, cuộc đấu tranh về tâm lý dai dẳng, không kém phần phức tạp khi những con đường mòn qua đường biên không thiếu, khi những vải hoa, phích hoa mặt đá, bật lửa mang nhãn hiệu Bắc Kinh theo tay kẻ xấu tuồn vào với bao lôi kéo, dụ dỗ. Trong tình cảnh ấy, không chỉ là lao động mà còn là lòng dũng cảm, là niềm tin, là sự sống của cả vùng. Khi lội bộ lên những nương ngô ở Sùng Trà cùng Mùa Mi Trơ và các cán bộ xã, anh bạn phóng viên ảnh đồng nghiệp của tôi cố gắng đặc tả trong khuôn hình của mình một dáng ngô xanh mảnh dẻ nhưng khỏe khoắn giữa hai bờ đá xám. Trong khi ấy, chị cán bộ phụ nữ xã cứ xuýt xoa mà tiếc :
– Giá mà dân tui được lên đây, được thấy những nương ngô Mèo Vạc, họ được rằng Nam Bộ được ưu đãi chừng nào. Và như thế nào là cái giá của đất.
Nghe câu chuyện ấy, tôi nghĩ, không cứ Nam Bộ, nơi những xứ đồng thẳng cánh cò bay, mà ngay những vùng miền Trung bão lụt, hạn hán, những làng quê chật chội châu thổ sông Hồng, nếu đem so với vùng núi đá này, cũng đã là xứ sở có nhiều biệt đãi.
Ở Sùng Trà, Mùa Mi Trơ dành cho chúng tôi một bất ngờ thú vị. Anh đưa chúng tôi đến thăm một trong những người cao tuổi nhất hiện nay của Mèo Vạc. Đó là cụ bà Lầu Thị Trợ, năm nay đã 125 tuổi. Khi chúng tôi bước vào gian nhà nhỏ trình tường đá, bà cụ nhận ra ngay đồng chí chủ tịch huyện. Cụ còn nhớ rằng mùa tra ngô năm ngoái, đồng chí chủ tịch còn xuống đây thăm bà con trong xóm.
Năm ngoái, cụ còn khỏe, có thể chống gậy lên nương, vui với đàn cháu nhỏ. Năm nay, cụ yếu hơn, mắt không còn tinh, tay chân hay bị run, khi sương núi chưa tan phải ngồi bên bếp lửa cho đỡ lạnh. Mùa Mi Trơ giới thiệu chúng tôi từ tận Hà Nội lên thăm, bà cụ tỏ vẻ rất vui, cảm ơn bằng tiếng H’Mông. Theo lời đồng chí chủ tịch dịch lại, cụ hỏi thăm chúng tôi đi đường có vất vả không, và nói rằng mấy năm nay ở Mèo Vạc ngô tốt, chỉ buồn vì quân Trung Quốc cứ bắn pháo sang luôn.
Trong khi nói chuyện, tôi để ý thấy trên gương mặt nhăn nheo như quả bầu khô của bà cụ có những nốt đồi mồi nâu, hồng hồng, đôi mắt, qua tháng năm, phảng phất một màu xám mờ ảo, xa xôi. Và chợt đến trong tôi cái chiều dài thời gian dằng dặc bà cụ đã sống, đã chứng kiến bao đổi thay trên vùng đất này. Những cuộc di dân, bạo loạn, chiến tranh, cách mạng, nỗi khổ đau, niềm mong mỏi khát khao của con người… Bà con Sùng Trà kể rằng ngày xưa, khi còn trẻ, cụ Lầu Thị Trợ là một cô gái H’Mông xinh đẹp, hát hay, làm say lòng bao chàng trai bản xa, bản gần. Đấy là câu chuyện từ thế kỷ trước. ” Bài hát hát hết lại không hết. Hết như hết một nửa. Đôi ta đẹp duyên phải lứa, tình nghĩa đời đời…”.
Đã xa lắm rồi những câu hát ấy, những năm tháng ấy trong con người là chứng nhân cho vùng đất này cả một thời. Tiếng cười trẻ trung của các cô gái Sùng Trà trên nương ngô bay đến căn nhà nhỏ, xen vào những ý nghĩ vẩn vơ, bất chợt ấy trong tôi.
Khác với Sùng Trà, Xín Cái là một xã ngay sát đường biên. Từ huyện lị, vẫn theo con đường dốc ngược, qua cầu Chẳng Hương, sông Nho Quế, con sông nhỏ chạy dọc theo đường biên giới rồi rẽ vào đất ta, là đến Xín Cái. Không khí chiến tranh lộ rõ trong các căn nhà hầm, các hố tránh pháo rải rác hai bên đường.
Từ nơi làm việc của ủy ban xã, có thể nhìn thấy các điểm tựa của bộ đội men theo đường biên, trên những mỏm núi đá. Ngay hôm đầu tiên đến Xín Cái, tôi gặp điều ngạc nhiên thứ ba: ở đây có điện ! Trạm thủy điện trên dòng suối Mơ Nắng được xây dựng từ năm ngoái vẫn hoạt động đều. Sùng Nhìa Páo, Chủ tịch xã, một người có tầm vóc nhỏ, được anh em trên chốt gọi đùa là “thiếu tá hậu cần”, bởi vì, khi cần gì, các chiến sĩ chạy đến ông, dù khó mấy, ông cũng cố lo liệu.
Sùng Nhìa Páo ăn mặc theo kiểu bình thường của người H’Mông, mũ nồi đã bạc màu, áo choàng cổ bẻ có hàng khuy cài trước ngực, quần lá tọa có hai ống rộng bè. Khó có thể hình dung nổi công việc của một xã có mười kilômét đường biên với bao lo toan về mọi mặt lại đặt trên vai một con người nhỏ bé, gầy gò như vậy. Sùng Nhìa Páo có nét đăm chiêu, suy tư, giọng trầm tĩnh, chậm rãi, dù kể chuyện vui. Ông nói về chuyện làm thủy điện:
– Cán bộ về giúp bà con các bản Trang, Xuồng, Nhìa, Lư Tia, Cô Si cùng làm. Dân bản đâu có biét, cán bộ, bộ đội nó nghiên cứu, bà con làm theo. Có điện, các bản vui lên nhiều lắm. Xã cử người đi học, tự chạy máy được rồi. Cán bộ nhà báo có tin không? Hôm đầu tiên có điện, ở bản Trang có cụ già cứ ngó cái bóng điện sáng, rồi khóc vì vui quá !
– Ở Xín Cái, điều khác lạ so với cả vùng là rẻo đất bờ bên này sông Nho Quế, một rẻo đất hiếm hoi lọt giữa vùng núi đá. Một thứ đất nâu đỏ chẳng có gì gọi là màu mỡ được san thành khu ruộng bậc thang. Từ trên cao nhìn xuống, bờ ruộng như những nét hoa văn mềm mại giữa những gương mặt trầm tư, khắc khổ của đá. Buổi sáng ấy ở Xín Cái, ngay trong tầm pháo và đạn bắn thẳng, tôi lặng lẽ ngồi xem chú bé ở bản Trang theo cha đi cày đất. Hơi núi lạnh buốt da thịt. Bóng hai cha con ômg già H’Mông lúc hiện, lúc chìm trong sương núi. Dáng người, dáng con bò kéo cày quá nhỏ bé trong khung cảnh thiên nhiên, nhưng tôi biết rằng, đằng sau những đường cày mà người cha lật đất tới đâu, đứa bé lon ton theo tới đó, sẽ là mùa vàng, một mùa vàng cận kề ngay bên cái chết.
Tôi có một ngày lên điểm tựa với những người lính. Con đường vốn đã cao, nay lại đâm ngược lên những mỏm núi cao… Ở trên rẻo đất đồng bằng sau lưng đến cả ngàn mét và hơn thế. Cái cảm giác lên tới những đỉnh cao mà nhìn xuống thật chông chênh, khi tất cả đều ở dưới tầm mắt của mình. Đường lên những điểm tựa ở đây có những cua xe to phải đi tới “17 đỏ” ( nghĩa là 17 lần tiến, lùi xuống) mới qua. Đồng chí lái xe của chúng tôi, khi qua những con đường như vậy đã phải thốt lên:
– Thiên tài những ” cua tay áo” đường Trường Sơn ngày xưa các ông ạ!
Đào Phong, chính trị viên của tiểu đoàn, người đi cùng với chúng tôi từ cơ quan chỉ huy quân sự huyện, là một người vui tính. Ở cái tuổi ngoài ba mươi, một vợ hai con, đi lính trên mười năm, anh có tất cả sự từng trải của một người vào sống ra chết, lăn lộn ở chiến trường.
Câu chuyện của chúng tôi ở trên xe nói về đủ mọi điều: Chuyện tuần lễ trước pháo bên kia bắn sang, trúng vào khu ở của tiểu đoàn, anh em xuống hầm cả, nhưng quần áo, đồ ăn cháy mất nhiều, nhà phải làm lại, chuyện làm nhà vùng núi đá này khó thế nào, vì tranh tre, kèo sắt phải mang từ tận Hà Giang, từ Quản Bạ, Yên Minh lên, may mà có đường ô tô, anh em không phải khiêng vác như năm trước; Chuyện thèm rau vùng núi đá, thèm thư báo, thèm thấy đồng bằng… Nhưng rồi chuyện dễ quay về với người lính là chuyện gia đình. Vợ Phong là y tá một bệnh viện ở Vĩnh Phú. Hai vợ chồng cùng cảnh bộ đội, sau vợ Phong chuyển ngành về địa phương. Tôi hỏi anh khi xe vừa lên một đoạn dốc:
– Này, mình hỏi thật nhé. Ông đừng nói chính trị kiểu phỏng vấn. Ông đi miết thế này – bà ấy có yên không, đời sống có ổn không?
Đào Phong cười, cái cười của người gặp phải điều không thể nói ngay. Anh hơi nghĩ ngợi một lát, rồi nói:
– Không yên cũng phải yên chứ anh. Tất nhiên khi nào về làng nhận mảnh ruộng khoán, lo chuyện làm ăn là nhất rồi. Nhưng không lẽ ai cũng lo vậy cả sao? Còn cái thiệt riêng mình ráng chịu. Cảnh vợ công nhân viên hai con nhỏ, chồng bộ đội gay lắm anh à. Một gian nhà tập thể. Đồng lương ít ỏi, vật giá leo thang. Ở trên này tôi lo đời sống anh em, nhưng cái điều canh cánh trong tôi cũng như mọi người lính là đời sống gia đình.
Nhà tôi ở quê, hai ông bà già, không có lao động, hợp tác xã có giúp mấy cũng chẳng biết làm sao. Muốn nhận ruộng phải có lao động chứ anh! – Rồi anh cười, cái cười chẳng được tươi tắn cho lắm – Ở Việt Trì bây giờ, đời sống đắt đỏ lắm. Tôi có anh em cùng đơn vị theo xe về qua đấy, gặp vợ tôi. Cô ấy gửi cho tôi hộp sữa vừa được phát bồi dưỡng trực đêm, mấy bánh xà phòng, một đôi áo lót, một cái khăn mặt. Anh bạn kể lại : cô ấy phát khóc vì chẳng còn gì để gửi cho chồng, và lại kể riêng với cậu ấy rằng lương tháng trước chưa lĩnh được vì ngân hàng chưa có tiền, nhưng bảo là đừng nói cho tôi biết.
Từ hôm nhận được cái tin ấy với lá thư vợ viết vội vàng, người tôi như có ai đem hơ lửa. Nhưng trên dải đất này hàng ngàn, hàng vạn người lính bám trụ ai cũng hoàn cảnh tâm tư. Mình khó một, anh em khó mười. Không phải tôi nói chính trị đâu nhé, nhưng chẳng lẽ mình bỏ biên giới rồi nó thốc đến quê mình à? Nghĩ vậy, cũng phải cố mà vượt qua. Ở Vị Xuyên, Thanh Thủy, anh em còn đánh nhau to hơn, đầu rơi, máu chảy, chớ đâu còn có lúc ngồi lo nghĩ như mình.
Chúng tôi cùng Đào Phong lên điểm tựa. Những căn nhà tranh ẩn sâu vào lòng đồi. Những dãy chiến hào xẻ dọc ngang lan tỏa vào lòng đất, vào khe núi. Những con người từ khắp mọi miền đất nước đã lên đây, sống trong những căn hầm nửa nổi, nửa chìm này để bám trụ giữ đất. Điểm tựa đón khách như gặp lại người thân, ít bánh thuốc lào mua từ Tuyên Quang, dăm bao thuốc , vài quyển sách cũng được coi là quà quý.
Nhìn những chiến sĩ trẻ từ hầm tìm sang thăm khách, những năm tháng chống Mỹ lại trở về trong tôi. Cũng những người lính trẻ như thế này, cũng những nụ cười hồn nhiên cởi mở và những câu đùa bốc trời. Nhưng đằng sau đấy, ẩn chứa những tâm hồn đôn hậu. Những chàng trai mười tám, đôi mươi này, lẽ ra họ có thể có một cuộc sống yên lành, không ở trường thì cũng ở trong xưởng máy, trên ruộng đồng. Một thời đất nước lại đặt gánh nặng lên thế hệ của họ trên mảnh đất tiền tiêu này.
Trong căn hầm của đơn vị trinh sát tiểu đoàn, câu chuyện với những người lính kéo dài không dứt trong chiều mưa. Trần Quyết Chiến, một chiến sĩ ngoài hai mươi tuổi, cho chúng tôi xem thư của Lan, cô gái ở cuối dòng sông Thao, người yêu của anh. Ngày xa nhau họ còn nhiều điều chưa kịp nói. Chiến có em trai là Thắng, cũng đang ở bên Vị Xuyên. Anh không nói nhưng tôi hiểu tâm trạng của anh khi đêm đêm nghe tiếng súng từ phía em mình vọng về.
Rồi Chiến cũng lại kể về quê nhà, nơi bố anh, một chiến sĩ chống Pháp , giờ về hưu, tuổi cao sức yếu vẫn lo toan ruộng vườn.Thảo Mi Tuở, cùng tổ với Chiến, là chiến sĩ, người H’Mông. Anh lính người dân tộc nhỏ bé, hiền lành này đang học thêm văn hóa do Chiến kèm cặp. Nghe anh em kể lại: Tuở đang yêu cô gái ở bản dưới, quãng lưng chừng núi Tìa Cô Si. Nhưng Tuở chỉ cười mà không nói gì. Hoàng, Hoa, Dũng, Lý… Các chiến sĩ trẻ khác, mỗi người một vẻ, một miền quê, một tâm trạng. Người trước người sau, họ đến với nhau, cùng chia sẻ khó khăn trong cuộc sống trên điểm tựa lưng trời này. Các chàng trai ấy biết thu xếp cho căn hầm không lấy gì làm rộng của họ có chỗ tiếp khách, có nơi để đàn, sách, túlơkhơ. Và phía trước hầm, họ còn bạt đất đá để làm một sân bóng chuyền. Trần Quyết Chiến khoe với tôi:
– Mùa đông vừa rồi, chúng em diễn tập đúng ngày tuyết rơi. Một vị tướng lên thị sát trận địa đã nói với chúng em rằng trong lịch sử quân đội, lần đầu ông thấy lính Việt Nam diễn tập trong mưa tuyết !
Giọng trầm và ấm, Chiến còn đọc cho tôi nghe một bài thơ về những điểm tựa ở Mèo Vạc mà anh em rất thích. ” Ở đây tuyết trắng trên chăn mỏng. Bếp đỏ cơm trưa vẫn tối sờ. Mực đóng thành băng trong ruột bút. Hơ hoài than đỏ cháy thành thư…”. Cuộc sống ở đây đúng là như vậy. Và những bài thơ như thế, trên những mỏm cao như thêa này cần cho người lính cũng như rau xanh, nước uống và súng đạn vậy.
Đến Mèo Vạc mà không dự một phiên chợ thì thật là tiếc. Chúng tôi cũng có dịp may ấy , dù chương trình làm việc có bị co kéo ít nhiều. Mèo Vạc họp chợ vào chủ nhật. Từ nửa đêm, các nẻo đường đã vang tiếng ngựa hí trong màn sương mờ. Từ các bản xa xôi nhất, người ta đua nhau trẩy về huyện lị. Những cô gái H’Mông uyển chuyển nếp váy, tay cầm ô lúc cụp lúc xòe như những điệu múa trên sườn núi.
Những bà già người Dao đại bản quấn những vành khăn to nhiều lớp trên đầu. Phụ nữ Lô Lô đội khăn nhỏ, thêu đủ màu thành những ô vuông nho nhỏ. Người Tày, Nùng giản dị trong bộ quần áo Chàm. Xen trong những màu sắc ấy là những cô gái dưới xuôi lên công tác ở các cơ quan giáo dục, y tế, ngân hàng… là bóng áo xanh của những người lính từ trên chốt cũng đổ về.
Phiên chợ ở vùng biên cương này đúng là một ngọn lửa lớn, có sức vẫy gọi mọi người. Cái vui lớn nhất ở đây là được gặp, được nhìn, được đi giữa muôn vàn âm thanh, sắc màu, dáng điệu, chứ không phải chỉ được mua bán, trao đổi theo cái lẽ thường của người đi chợ. Những bãi ngựa, những quầy rượu, thắng cố, những nơi bày bán vải hoa, chỉ màu… luôn náo nhiệt. Ở một quầy rượu, chúng tôi làm quen với vợ chồng chị Sùng Thị Mỷ, người ở tận chân đèo Mã Pì Lèng.
Họ là một trong những cặp vợ chồng như lời chủ tịch huyện Mùa Mi Trơ đã giới thiệu: Mùa xuân vừa rồi họ làm lễ cưới, và liền sau đó, đi làm đường lên các điểm tựa cho đến gần vụ tra ngô mới trở về. Bây giờ, ngô đã tra xong, họ đi chợ vui chơi, tìm bạn. Sùng Thị Mỷ rất xinh và nổi bật lên giữa chợ với nước da trắng, cặp môi đỏ tươi, đôi mắt đen thẫm có cái nhìn đến nao lòng người. Chính vì thế mà Giàng A Páo, chồng của Mỷ, luôn là đối tượng đùa vui, trêu chọc của mọi người. Họ khen anh tìm vợ giỏi, mà cũng là để trêu, để ghen với anh một chút. Uống với tôi bát rượu ngô kết bạn, Páo hẹn hò:
– Nhớ lên Mã Pì Lèng với chúng tôi. Dốc cao nhưng đừng có mỏi cái chân. Đường đến nhà bạn xa cũng thành gần.
Giữa những người con trai đang say sưa, cười nói, như những cô gái khác, Sùng Thị Mỷ đứng lặng yên, cầm ô che nắng cho chồng. Một vẻ đẹp dịu dàng, nhẫn nại trong dáng đứng nghiêng nghiêng của cô. Phụ nữ H’Mông là vậy. Chồng đi chợ gặp bạn, càng uống say vợ càng mừng.
Bởi vì nhiều bạn quý chồng mới say, và như thể anh ta không phải kẻ cô độc giữa những người đàn ông ở vùng núi đá bao khó khăn, nghiệt ngã này. Và chắc chắn là Sùng Thị Mỷ sẽ đưa chồng về theo cách thường có ở các phiên chợ Mèo Vạc: Khi hoàng hôn xuống, đó đây, trên các sườn núi, người vợ tỉnh nhẹ nhàng đỡ lấy những người chồng say nằm vắt ngang yên ngựa. Mỗi khi lên dốc xuống đèo, người vợ túm lấy đuôi ngựa mà theo…
Tiếc rằng hôm lên Mã Pì Lèng chúng tôi không có thời gian lên thăm gia đình Páo. Bản của họ nằm ngang lưng núi, chỗ vách đá Mã Pì Lèng có màu đỏ huyết dụ cứ ngời lên mãi trong nắng chiều. Và tôi đã cố đoán xem trong ánh lửa bập bùng khi chiều buông ấy, ngọn lửa nào là căn nhà ấm cúng của họ, khi từ phía dưới thung, sương núi theo dòng sông Nho Quế phút chốc đã giăng đầy.
Rời Mèo Vạc, cứ lưu luyến mãi trong tôi những đốm lửa ấy, cùng những ngôi nhà tranh chìm sâu trong lòng đất điểm tựa, những cây ngô xanh trên sườn núi đá, và nhất là những con đường xuyên mây mà lên tới những bản làng, củng cố cho thêm vững cái thế trận của chiến lũy ngang trời Mèo Vạc. Có thể nào tôi quên được lời dặn của Đào Phong:
– Thế nào các anh cũng lên đây vào dịp mùa đông nữa nhé. Sẽ thấy hoa tuyết bay ngang trời. Sẽ thấy nước đóng băng trôi như những bông hoa bằng đá rất đẹp trên các sườn núi.
Trong tâm trí tôi, hoa đá trên đỉnh trời Mèo Vạc chính là những con người từ khắp mọi miền, những con người của mọi dân tộc đang bám trụ nơi tiền tiêu, là ngô xanh, là đường trong mây, là tất cả những gì làm nên cuộc sống trên vùng núi đá này. Con người là hoa đất. Ở Mèo Vạc , con người là hoa của đá, một thứ đá xam xám liền mạch, vững chãi mà có hồn, bởi lẽ đó là một mảnh của Tổ quốc chúng ta nơi ải bắc.
Mèo Vạc , 1983
Trần Mai Hưởng/VHVN