Với sự phát triển của công nghệ số, các làng nghề truyền thống của Thừa Thiên Huế có nhiều cơ hội để tiêu thụ sản phẩm thông qua thị trường thương mại điện tử, kết nối đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.
Thừa Thiên Huế có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ, được phân bố trên 123 địa điểm có nghề hoạt động theo địa bàn cấp huyện, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa. Tuy nhiên, doanh thu làng nghề và thu nhập lao động nghề truyền thống sụt giảm và gặp nhiều khó khăn trong những năm vừa qua, nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến du lịch “đóng băng”.
Năm 2022, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh khảo sát thực trạng tình hình hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh và đưa ra nhận định, nguyên nhân của khó khăn trên do không có thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm làng nghề đa phần tiêu thụ ở trong tỉnh, chủ yếu bán cho khách du lịch mà chưa vươn ra các tỉnh, thậm chí ở các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Quảng Trị.
Làng hương Thủy Xuân – Thừa Thiên Huế
Trải nghiệm làm bánh pháp lam
Sản phẩm từ làng nghề đệm bàng Phò Trạch
Ông Nguyễn Xuân Bình, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh cho hay, các làng nghề phát triển tốt nhưng không có tính lan tỏa. Nhiều làng nghề chưa tiếp cận được chính sách, thiếu vốn. Nghệ nhân giảm về số lượng. Sản phẩm làng nghề gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra.
Mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ với các làng nghề nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. 61% hộ kinh doanh đang thiếu vốn, 30% hộ chưa từng được giới thiệu các chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Thiếu vốn ảnh hưởng lớn đến quá trình chuyển đổi công nghệ, mở rộng sản xuất, kinh doanh và dự trữ nguyên, vật liệu sản xuất.
Các làng nghề vẫn còn yếu trong công tác nghiên cứu thị trường nước ngoài, thị hiếu tiêu dùng. Giải pháp bán hàng và phân phối sản phẩm còn theo phương pháp truyền thống, chưa bắt kịp với xu hướng bán hàng hiện đại như: quảng bá, trưng bày sản phẩm, bán hàng online, chương trình kích cầu…
Đưa sản phẩm truyền thống Huế đi khắp nơi, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển là nhiệm vụ được Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế đặt ra trong chương trình “Thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương” thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Hội nghị kết nối chuyên gia được tổ chức cuối tháng 3 vừa qua cũng nhằm tư vấn các giải pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương.
Ngày nay, điều kiện tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn trước đây. Thương mại điện tử giúp mọi người buôn bán xuyên biên giới. Những sản phẩm truyền thống của Huế có giá trị văn hóa chiều sâu, độc đáo mà những nơi khác không có, hoàn toàn có thể bán ra nước ngoài. Điều quan trọng là cần xác định được đối tượng khách nào sẽ mua sản phẩm đấy, từ đó, chọn cách truyền thông như thế nào, tập trung vào kênh nào.
Ông Nguyễn Đức Tùng, CEO của Công ty TNHH X10 Digital cho biết, năm ngoái, ông tham gia hỗ trợ cho một doanh nghiệp sản xuất trầm hương của Huế đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và doanh thu tăng gấp đôi so với năm trước. Thậm chí, một số doanh nghiệp ký được đơn hàng lớn từ những khách hàng lẻ trên sàn thương mại điện tử. Như vậy, việc đưa sản phẩm truyền thống của Huế lên các sàn thương mại điện tử rất khả thi.
Khi phương thức bán hàng thương mại điện tử lên ngôi, khách hàng có xu hướng cá nhân hóa trong tiêu dùng. Nhiều người mua sản phẩm vì nó có ấn tượng. Huế là vùng đất có đầy đủ chất liệu để có thể kể những câu chuyện văn hóa đằng sau sản phẩm. Thay vì giảm giá, các làng nghề cần tập trung nâng cao chất lượng, thổi hồn vào câu chuyện, cho khách lý do để mua sản phẩm. Nhiều khách hàng thích sản phẩm của Huế vì được làm bởi các nghệ nhân, làm bằng cái tâm với nghề và gắn với những câu chuyện văn hóa nên sẵn sàng tìm mua dù giá có thể cao hơn nơi khác.
Với những gì đang làm, sản phẩm làng nghề truyền thống của Huế hoàn toàn có thể vươn xa hơn nữa và nơi đây sẽ là điểm du lịch trải nghiệm lý tưởng cho du khách thập phương.
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/hue-phat-trien-du-lich-song-song-phat-trien-san-pham-truyen-thong-dia-phuong-post242724.html#p-2