Trong bối cảnh toàn tỉnh đang phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo mô hình “Đô thị di sản đặc thù”, những nội dung này vấn còn nguyên giá trị. Vanhienplus xin đăng bài viết của KTS Hoàng Đạo Kính để dành cho những ai quan tâm đến vấn đề này.
Huế sở hữu những di sản đô thị. Hơn thế nữa: Huế là đô thị – di sản.
Di sản đô thị là một bộ phận, một cấu trúc đô thị đã hình thành ở một hoặc nhiều thời kỳ của lịch sử thành phố, có giá trị về lịch sử, văn hóa – nhân văn, kiến trúc, thẩm mỹ, cảnh quan, giá trị vật chất và các giá trị khác.
Khu 36 phố phường, khu phố thời thực dân là những di sản đô thị của Hà Nội. Khu Chợ Lớn là di sản đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh.
Đô thị – di sản là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quện với thiên nhiên, là xuất phát điểm chi phối tất thảy.
Đô thị – di sản kết tụ những di sản trong sự chuyển hóa hữu hình và vô hình, không gian và thời gian, cộng sinh và cân bằng, kiện toàn về phương diện hình thái học, mà đặc điểm cũng như giá trị nổi trội là sự bất đối kháng giữa thành tố này với thành tố khác, dù chúng có ra đời muộn hơn, dù chúng có khác biệt về tính chất sử dụng.
Huế, duy nhất ở nước ta, cho đến hôm nay là đô thị như vậy, cho dù nguy cơ đô thị – di sản chuyển nhanh sang đô thị có những di sản, đã nhãn tiền.
Đô thị – di sản Huế hợp nhất những thành phần – di sản, đó là:
– Kiến trúc triều Nguyễn;
– Kiến trúc phố thị;
– Các làng truyền thống;
– Kiến trúc thuộc địa;
– Cảnh quan thiên nhiên nhân văn hóa và đô thị hóa;
Kiến trúc triều Nguyễn gồm 3 mảng: Kinh thành, các công trình kiến trúc cung đình và các lăng tẩm.
Về kiến trúc và quy hoạch Kinh thành, lưu ý thêm hai điểm:
– Kinh thành Huế không nên quy nạp về kiểu thành Vauban.
Bố cục chia thành 3 khu vực, với 3 lớp thành và hào là lối bố cục truyền thống Việt và Á Đông. Cổ Loa, Thăng Long là vậy. Duy phòng thành, lớp ngoài, vay mượn thủ pháp cấu trúc phòng thủ kiểu thành Vauban. Áp đặt cho kinh thành Huế cái tiền mẫu Tây là oan cho di sản văn hóa của mình đó.
– Hệ thống kênh đào trong và ngoài kinh thành Huế cùng với hàng chục cái cầu gạch xây theo lối vòm cuốn thời Minh Mạng là hai thể loại công trình hết sức đặc trưng, song ít được nhòm ngó tới. Những chiếc cầu gạch, tồn tại bất suy suyển hai thế kỷ, dứt khoát phải được liệt vào diện di tích kỹ thuật xây dựng, mà ở ta xem ra khá ít ỏi.
Các công trình kiến trúc chính thống triều Nguyễn hiện diện hầu như đầy đủ về thể loại, với số lượng khá lớn và khá nguyên vẹn. Ở đây xin đưa ra hai nhận xét:
– Tuy có sự phân định công năng và tên gọi vay mượn của Trung Hoa (không riêng gì ta), các công trình kiến trúc cung đình ở Huế khác biệt các công trình tương tự ở Bắc Kinh chẳng những về quy mô và sự nguy nga, mà còn cả về cấu tạo ngôi nhà gỗ, về diện mạo bên ngoài và bài trí bên trong, hơn thế nữa, khác biệt rõ rệt về cách thức xử lý không gian và hình khối, về cách ứng xử với vật liệu và cảm thụ chuyên biệt về màu sắc. Khác kiến trúc cung đình Trung Hoa, kiến trúc cung đình ở Huế gần gũi hơn với kiến trúc thần dân.
– Trong Hoàng thành Huế, tuy các cung điện đền miếu được sắp đặt theo trật tự và sự đăng đối tương tự như ở Cố Cung, song sự khác biệt lớn lao là ở chỗ, toàn bộ diện tích Cố Cung nếu không chiếm giữ bởi công trình kiến trúc, thì đều kín đặc bởi hệ thống những tam cấp, những thềm rồng. Không chừa ra vài tấc đất cho cỏ cây. Ở Hoàng thành Huế thì khác, các công trình được đặt trong những không gian tự do, thảnh thơi giữa cỏ cây, mặt nước và trời mây.
Quyền lực triều đình Nguyễn chưa đủ tập trung chăng? Ngân khố triều đình hãn hữu chăng? Sự lý giải có thể ở đây. Song, sự lý giải sâu xa, bản chất hơn nên tìm ở thái độ của người Việt: dù là vua chúa, là thường dân, đối với Trời Đất, họ đều có một vũ trụ quan, một cách cảm thụ chuyên biệt (tiếng Anh là mentality). Mộ tang của các vị vua Hậu Lê ở Lam Sơn, tuy khuôn mẫu, tuy trang nghiêm, mà lại giản dị đến mức khó hiểu, làm cho hậu thế hôm nay băn khoăn, bỏ nhiều tiền của ra tôn tạo cho xứng!
Từ sự nhận biết trên về tổ chức không gian kiến trúc Hoàng Thành, cũng như về không gian kiến trúc cảnh quan lăng vua Gia Long, vua Minh Mạng, và vua Tự Đức, ta nghĩ về một nghệ thuật sắp đặt không gian, một văn hóa ứng xử thuần Huế và thuần Việt, đối với Trời Đất, biểu hiện ở chỗ không chế ngự, không áp đặt mà sống chung, nhũn nhặn với Thiên nhiên, ngay cả khi người chủ xướng việc kiến thiết có đủ quyền uy trước thiên hạ. Lăng vua Minh Mạng là một ví dụ: bố cục kiến trúc quy củ và đăng đối đến từng chi tiết, song lại được ghép đặt không chút miễn cưỡng vào thế đất, rồi bằng những thủ pháp tài nghệ, hòa chuyển vào xung quanh. Đó là bài thơ Đường trong sự cảm thụ Việt.
Bài học rút ra từ di sản kiến trúc chính thống Huế: tôn trọng tương quan giữa kiến trúc và không gian tự do, sự tuần hoàn của những khoảng thửa đất không bị chiếm cứ, xen cài và lồng ghép trong những trật tự kiến trúc, tạo nên những nhịp điệu, đặc và loãng, theo phương vị ngang.
Chọn một cái điểm cao, bao quát đô thị Huế hôm nay, ta vẫn còn nhận rõ sự vật chất hóa cái thế giới quan, cái thẩm mỹ chuyên biệt ấy của vua, chúa, quan lại và thần dân qua các thế hệ, theo dòng chảy không ngưng trệ.
Cớ chi chúng ta không chủ trương tiếp nối cái dòng chảy lịch sử ấy?
Mảng kiến trúc phố thị, với các dãy phố ở phía Đông kinh thành, khu Gia Hội, Bao Vinh và 4 phường trong kinh thành, có những đặc điểm và giá trị về lịch sử – văn hóa – kiến trúc, chưa được nhìn nhận và đánh giá đầy đủ. Cùng với khu 36 phố phường Hà Nội chung đô tuổi với những cấu trúc đô thị nêu trên, chúng ta có cơ sở làm sáng tỏ nhiều điều về cách ăn, cách ở của người Việt nơi chốn thị thành, khá khác biệt so với chốn thôn quê, mà ta am tường hơn.
4 ô phố trong kinh thành, hình thành từ cuối thế kỷ XIX, là một ví dụ khá sớm về kiểu quy hoạch theo ô bàn cờ, so với kiểu quy hoạch tự phát theo dãy phố, là một kiểu mẫu về sự sắp đặt theo tôn ti trật tự, sự phân chia không gian dẫn đến sự hình thành kiểu nhà vườn Huế, một sản phẩm kiến trúc – xã hội mạng đậm tính nhân văn. Đồng thời, 4 ô phố này là mẫu mực về quản lý xây dựng: khống chế những gì tác động đến sự nhất thể, song lại mở cửa cho những biến hóa đương nhiên trong chi tiết. Cho đến nay, những đường Lê Thánh Tôn, Hàn Thuyên, Đặng Trần Côn, Ngô Sỹ Liên, Đinh Công Tráng còn lưu giữ được phần nào hình ảnh phố vườn Huế.
Các làng ven kinh thành như Kim Long, Vĩ Dạ, An Cựu, Dương Xuân Thượng, Dương Xuân Hạ, Nguyệt Biều,… là những thành phần hữu cơ của cơ thể kinh đô Huế, góp phần tạo nên tính duy nhất cho đô thị này, nơi có sự chuyển hóa tự nhiên từ kiến trúc kinh thành sang kiến trúc phố thị, sang kiến trúc các làng ven mà dân cư đa phần là các tầng lớp quan lại và dân thị thành. Các làng ven lại chuyển hóa tự nhiên sang các làng xã ngoại vi. Chỉ khảo sát sơ bộ, những làng Lại Ân, Thanh Tiên, Nam Phổ, Chiết Bi, Dưỡng Mong, Công Lương, Dạ Lê Chánh, v.v… ở huyện Phú Vang và huyện Hương Thủy, đã nhận ra cả một quỹ kiến trúc – văn hóa – nhân văn và cảnh quan quý hiếm đến nhường nào. Ít nơi nào trên đất nước ta còn thấy được sự toàn vẹn về kiến trúc, sự sống động trong sinh hoạt cộng đồng thôn xã đến thế.
Cái chung của những cấu trúc phố thị, của làng trong đô và làng quanh đô, là ở chỗ chúng đều có cấu trúc quy hoạch không gian theo đơn vị khuôn viên – nhà vườn, đều sở hữu một bộ đầy đủ những thiết chế tôn giáo và tín ngưỡng, đều chung một kiểu kiến trúc hoặc nhà vuông hoặc nhà rường, về cơ bản trang trí bày biện giống nhau. Sự khác biệt là ở chỗ sang hoặc nghèo. Song trong trình độ thẩm mỹ không nhận thấy sự khác biệt trời vực.
Lạ thay, ở làng Phước Tích, cách Huế ngót nghét năm chục cây số, lại tồn tại hàng chục căn nhà rường, mà kiểu cách kiến trúc, mà độ chin muồi và tinh tế của hoa văn trang trí, không kém gì mấy những gì thấy được ở kiến trúc cung đình hoặc ở các dinh thự phú quý làng Kim Long.
Chắc chắn đã tồn tại một văn hóa xứ Huế, khu biệt và đặc trưng, với tư cách là một hiện tượng (phenomenon) trong nền văn hóa dân tộc. Đã tồn tại một vùng văn hóa xứ Huế, hình thành và đạt đỉnh điểm phát triển trong những sự hạn hẹp về không gian và thời gian.
Một ý tưởng phù hợp nhất cho quy hoạch phát triển thành phố Huế không thể không đếm xỉa đến cái vùng, cái không gian văn hóa ấy, bên cạnh quỹ kiến trúc di sản, hiển thị trước mắt ta.
Quỹ kiến trúc thời thực dân ở Huế, bởi những lý do lịch sử, mà nhỏ bé hơn nhiều so với Sài Gòn và Hà Nội. Tuy nhiên, nhận rõ hai đặc điểm:
– Các con phố thời Pháp, mà đường chính là Lê Lợi, tọa lạc trên bờ Nam sông Hương, chiếm lĩnh một cách dè dặt triền sông, với những tòa nhà có quy mô vừa phải, kiến trúc khiêm nhường, sắp đặt không dày đặc, đã chẳng những không tạo nên bất cứ một sự tương phản nào với kinh thành và tính chất kiến trúc – cảnh quan trên bờ Bắc, mà còn trở thành một sự chuyển hóa tự nhiên cả về phương diện lịch sử, cả về phương diện hình thái học đô thị. Mảng phố thời Pháp là cái điểm tựa về quy hoạch và thẩm mỹ để Huế lan tỏa về phía Nam ở những thời kỳ tiếp theo.
– Quan sát những tòa nhà thời Pháp ở Huế, xuất hiện ý nghĩ: Người Pháp, sớm xây dựng ở Sài Gòn, đã du nhập vào đây kiểu kiến trúc từ mẫu quốc mà chưa có thì giờ cho sự biến hóa. Xây dựng ở Hà Nội muộn hơn, với những chủ trương có tầm nhìn xa hơn, nhất là trong điều kiện có khá đủ thời gian để thích ứng và tiêu hóa, người Pháp đã thành công trong sự bản địa hóa kiến trúc. Ở Huế lại khác, sự hiện hữu của triều đình nhà Nguyễn, đặc biệt sự hiện hữu của nền nghệ thuật và nền văn hóa xứ Huế dồi dào sức sống, đã phần nào chi phối kiến trúc của người Pháp, tạo cho nó những nét riêng, trong sự cộng sinh, dẫn đến những biểu hiện và những hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ. Ngoại trừ những tòa nhà theo kiểu thức Pháp (như UBND Thành phố chẳng hạn), kiến trúc của các công trình khác ở bờ Nam, điển hình là các biệt thự ở đường Lý Thường Kiệt, hoặc xây xen kẽ ở bờ Bắc là sự kết hợp nhuần nhị các yếu tố bản địa và Pháp.
Nghệ nhân xứ Huế, nổi trội hơn cả là những tay thợ nề giỏi, tài tình đến mức chẳng những lặp lại thành thạo, mà còn biến thành của mình những thủ pháp, những đề tài trang trí có nguồn gốc Âu châu, mà đỉnh cao là lăng vua Khải Định và cung An Định.
Có thể mạnh dạn nhận xét: Ở kiến trúc và mỹ thuật Huế nửa đầu thế kỷ XX, Đông và Tây đã gặp nhau, trong sự bình đẳng nào đó. Chính cuộc giao duyên này đã góp phần đem lại sắc thái riêng cho nghệ thuật xứ Huế, một thời ai đó ngộ nhận là sự suy đồi!
Thành phần – di sản cuối cùng của đô thị – di sản Huế mà chúng tôi muốn đề cập là cảnh quan thiên nhiên, nhân văn hóa và đô thị hóa. Bởi lẽ nào mà chúng tôi lại sử dụng cái cụm từ nghe có phần lạ tai ấy? Đô thị, tiếp theo cái làng của hệ thang bậc tiến hóa văn minh cư trú, xưa nay được đặt vào một khung cảnh thiên nhiên cụ thể nào đó, lồng ghép vào nó, biến đổi nó theo nhu cầu, làm giàu hoặc làm nghèo nó, làm xấu đi hoặc làm đẹp lên, để lại nơi Thiên nhiên những dấu ấn của Con người. Đó là một quá trình nhân văn hóa, đi cùng với quá trình đô thị hóa. Thử trình bày sơ đồ tiến hóa này: Thiên nhiên – tài nguyên -> kiến tạo đô thị -> môi trường đô thị -> cảnh quan đô thị -> tính cách đô thị.
Huế, thật hiếm hoi, tựa vào núi, đứng trên sông và hướng ra biển. Những khoảng đệm và gắn nối 3 thành tố giang sơn trời đất ấy chính là rừng, đồi, cánh đồng, đầm vạc. Tất thảy trong một sự chuyển tiếp uyển chuyển, không có gì là đột ngột, làm ta ngỡ ngàng. Hài hòa, đại hài hòa ngự trị nơi chốn này.
Đô thị hóa cảnh quan thiên nhiên ở nơi đây không đơn thuần là tỉ lệ đất dành chừa cho cây xanh, không đơn thuần là việc xây dựng những vườn hoa và công viên, hoặc kè bờ sông và ao hồ… Các khoảng không gian chiếm cứ bởi cỏ cây, sông nước và rừng đồi tham gia vào cơ chế đô thị như một thành phần thứ hai, ngang bằng với kiến trúc. Chúng tồn tại tự nhiên, như chưa hề được quy hoạch. Đô thị hóa Thiên nhiên nơi đây là sự tránh né nhân tạo hóa thô thiển, sự đề cao tính nhân văn hóa.
Làm kiến trúc, xử lý phạm trù vật chất là chính, song không thể không nhấn mạnh một điều: Với tất cả những gì trình bày ở trên, Huế chưa hẳn đã là đô thị – di sản. Còn một vốn liếng lớn lao và phong phú nữa góp phần để Huế được coi là đô thị – di sản, đó là văn hóa phi vật thể, văn hóa đô thị. Một tài nguyên không những thuộc về quá khứ, mà còn là một thực thể sống động, đang tồn tại trong cộng đồng và trong lòng đô thị có hình hài tương ứng. Truyền thống ở đây không chỉ là đối tượng của bảo tồn hay của những liệu pháp hồi sức. Văn hóa đang tiếp tục dòng chảy tự nhiên, chi phối mọi lĩnh vực, từ lối sống đến cách ứng xử, từ quan hệ gia đình dòng tộc đến tín ngưỡng tổ tiên thần Phật, từ thi ca đến âm nhạc, từ lời ăn tiếng nói đến những cách cảm thụ rất Huế v.v… Không một thành thị nào ở ta mà văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa đô thị, lại còn bảo lưu đầy đủ như ở Huế và bền chắc như Huế. Huế là thành phố có độ miễn dịch cao nhất trong sự tiếp thu các ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài. Tuy nhiên, chính ở đó cũng ẩn náu lực quán tính, kìm níu sự thay đổi cách nghĩ và cách làm.
Từ những khái quát nêu trên, xin đúc hết một vài nét chính về đô thị – di sản Huế:
– Thành phố Huế là hạt nhân của vùng văn hóa xứ Huế. Nổi trội là sự tương đồng giữa văn hóa đô thị và văn hóa làng xã vùng ngoại vi. Sự tương đồng này không phải bởi sự thấp kém của văn hóa cố đô mà chính bởi sự lan tỏa của nó. Sự nổi trội của vùng văn hóa khu biệt này còn thể hiện ở cấu trúc không gian của những ô phố cũng như các thôn làng, mà đơn vị xuất phát điểm là khuôn viên nhà vườn, cùng hai kiểu nhà rường và nhà vuông. Huế là đô thị không có những giới hạn rạch ròi giữa nội thành và ngoại thành. Bản chất quy hoạch theo hình thái xen kẽ các không gian và các mảng kiến trúc dẫn tới sự hòa tan và sự hòa quyện chúng với nhau, hình thành một hỗn hợp kiến trúc đô thị – thôn quê, cảnh quan và cuộc sống dựa vào đất chứ không phải dựa vào phố, là chính.
Gọi Huế là “đô thị – vườn” theo một khái niệm xuất hiện cách nay trăm năm ở Âu châu sẽ làm cho sự nhìn nhập nó sơ lược đi.
– Huế là đô thị có sự thống nhất và gắn kết hiếm thấy của những thành tố kiến trúc các thời, có ngôn ngữ chủ đạo khác nhau. Kết nối chúng là những khoảng không gian đệm và dòng sông Hương. Kết nối chúng là sự ít tương phản về quy mô và về độ vươn cao, – hầu hết các công trình cho đến cách nay hai thập kỷ đều che phủ bởi những tán cây cổ thụ. Hình thái cơ bản của tổng diện mạo đô thị Huế, là sự phát triển theo phương vị ngang. Sự đồng đều về thẩm mỹ kiến trúc đô thị và thị hiếu phổ cập của thị dân cùng là một nhân tố kết nối các mảng đô thị Huế làm một. Nếu như trình độ thẩm mỹ và thị hiếu của cộng đồng dân cư có thể đo được và quy về một thông số chung, thì Huế hẳn có lợi thế trong sự cạnh tranh giữa các đô thị.
– Huế là đô thị phong cảnh (paysage – phong cảnh, khác với landscape – cảnh quan). Ngoài địa hình, địa thế tự nhiên đã nhắc tới ở trên, xin lưu ý đến 2 thành phần khác của đô thị phong cảnh này. Trước tiên, đó là các yếu tố được đưa vào bài toán phong thủy vĩ mô: sông Hương, cồn Giả Viên, Cồn Hến, núi Ngự Bình. Sau đó là những yếu tố phong cảnh mang tính chất “nhân văn hóa” trong đô thị như hệ thống các con kênh đào, vài chục cái ao hồ trong kinh thành, vùng đất phía Tây Nam thành phố với lăng tẩm và đồi Vọng Cảnh, đồi Thiên An, vùng đồi Thủy Xuân,… Trong cái nhìn hẹp hơn, những yếu tố phong cảnh của Huế là hai triền sông Hương (tự nhiên và thung dung hơn tất thảy những con sông chảy qua đô thị trên khắp thế giới), là hai bờ kênh Đông Ba với những cây bồ đề cổ thụ và hàng trăm con thuyền lấy dòng kênh làm bến, là toàn cảnh Dương Nỗ triển khai trên bờ một con kênh, là vô vàn những tiểu cảnh chỉ những người ưa ngắm Huế mới biết và gọi tên được.
Trong sự nhìn nhận chung, Huế là đô thị phi tập trung, có khuôn mặt thôn dã. Nó xa lạ với những khái niệm chính quy của đô thị quốc tế như city, quảng trường, đại lộ.
Với di sản đầy ắp những cái riêng này, vạch ra con đường nào đây để Huế trở nên hiện đại mà không đánh mất mình?
Câu trả lời duy nhất phù hợp, duy nhất khả thi, đó là: PHÁT TRIỂN TRONG SỰ TIẾP NỐI.
Chúng ta hãy thử đặt lên bàn cân bản chất, quan niệm, đòi hỏi và tính thực tế của cặp phạm trù BẢO TỒN và PHÁT TRIỂN.
Đặt mục tiêu bảo tồn (tức là giữ nguyên như đối với di tích) những di sản đô thị là một việc phi lý và hoàn toàn bất khả thi.
Đòi hỏi này chỉ có thể đặt ra đối với những di sản đô thị đã chết, như những vết tích thành Pompei thời La Mã cổ đại hoặc di tích cư trú cổ Mohenjodaro ở Pakistan chẳng hạn.
Ở ta, đối với khu phố cổ Hội An có diện tích hơn chục héc-ta, với cả trăm nếp nhà đích thực có niên đại một hai trăm năm, cùng diện mạo thiên về cổ hơn là kim, thì cũng không thể đặt vấn đề bảo tồn nguyên trạng, bởi điều đó tương tự việc thắt ga-rô ngăn dòng máu chảy, tương tự việc “di tích hóa” môi trường sống tự nhiên của hàng nghìn, hàng vạn con người. Cho nên bảo tồn, điều nhất thiết phải đặt ra đối với di sản nhân văn vô giá này, phải kết hợp với cải tạo, chỉnh trang và sự phát triển trong chừng mực phù hợp. Quá trình ấy đang diễn ra và những thách thức đối kháng giữa bảo tồn và phát triển không xuất hiện.
Trường hợp khu 36 phố phường của Thủ đô thì ngược lại. Với diện tích khoảng 100 héc-ta và hơn 10 vạn dân, đây quả là một di sản văn hóa đô thị đặc trưng của văn minh đô thị Việt, song giá trị của nó chưa hẳn là về độ tuổi cổ xưa và cũng không ở sự hiện hữu của những thành phần kiến trúc cổ. Ấy thế mà khu phố cực kỳ sống động và là mảnh đất dễ làm ra tiền nhất Hà thành này lại được coi là “di tích”. Đã là di tích, thì phải bảo tồn, trùng tu và tôn tạo. Những nội dung này hầu như bất khả thi, do yếu tố “di tích” thì thiếu vắng, mà quỹ kiến trúc nhà cửa thì cũ nát, chật chội, phản vệ sinh và phản thẩm mỹ. Trong hai thập niên được coi là “khu di tích”, người dân ở đây bằng mọi cách cải tạo và xây mới, nhà cũ còn lại ngày càng ít. Chúng chưa bị dỡ bỏ không phải do người dân lưu luyến cái cũ, mà do quyền sở hữu mỗi căn nhà là sự bế tắc cùng kiệt.
Giá mà khu mệnh danh là “di tích phố cổ Hà Nội” được nhìn nhận như là một di sản đô thị như đích thực nó là, được ứng xử một cách phù hợp với quy luật cuộc sống, thì đã không xẩy ra hiện tượng nhu cầu hôm nay triệt tiêu những tế bào mong manh của Dĩ vãng.
Ứng xử tương thích với thực trạng và phù hợp với quy luật tự nhiên ở các di sản đô thị chính là sự kết hợp bảo tồn và cải tạo, được hiểu cụ thể là bảo tồn những đối tượng là di tích; duy trì những đặc trưng cơ bản về hình thái học và diện mạo phố xá; phục hồi từng phần những bộ phận kiến trúc có lý do và cơ sở để làm việc ấy; nâng cấp và thích ứng với nhu cầu sử dụng mới những ngôi nhà và công trình đã xuống cấp; chỉnh trang và định tính cảnh quan kiến trúc; bổ sung những công trình và ngôi nhà mới phù hợp với khung cảnh chung đã định hình (không bắt buộc phải giả cổ); cải thiện hoặc hiện đại hóa hệ thống kỹ thuật hạ tầng.
Đối với các đô thị – di sản như Huế, cách đặt vấn đề lại phải khác. Bảo tồn phải đi liền với Phát triển. Phát triển phải kết hợp với Bảo tồn. Về bản chất, Bảo tồn là giữ lại, Phát triển là thay đổi. Hai phạm trù đối kháng. Trong thực tiễn thì rất ít thấy sự chung sống hòa bình giữa chúng. Song, điều ấy có thể, khi chúng ta ứng xử có lễ độ, có văn hóa.
Ở Huế, chúng ta đang bảo tồn di sản kiến trúc cung đình theo bài bản khoa học, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa phi vật thể bằng những festival sân khấu hóa. Đồng thời ở Huế, chúng ta đang chăm lo phát triển, hiện đại hóa đô thị và quỹ kiến trúc đô thị.
Song, những nỗ lực bảo tồn vốn kiến trúc cung đình về phương diện nào đó khép kín lại thành ốc đảo. Các di sản đô thị, đô thị – di sản nằm ngoài sự bảo tồn. Trong khi đó công cuộc xây dựng mới lại thách thức cả hai. Phát triển tăng sức sống cho Huế, cuốn hút nó vào guồng hiện đại hóa mà lâu nay nó ngấp nghé. Song Phát triển đã đụng chạm, cục bộ và toàn phần, đến đô thị – di sản; biểu hiện ở sự dỡ bỏ những kiến trúc cũ quý hiếm xẩy ra gần đây, sự bố trí chưa hợp lý công trình này nọ, sự bành trướng quá độ về quy mô và về chiều cao, sự xa lạ về kiểu cách kiến trúc mới… Nơi này chỗ nọ, lúc này lúc khác, sự phát triển đã bắt đầu phá vỡ cơ thể đô thị. Nguy cơ chuyển từ đô thị – di sản sang đô thị có những di sản, hiện rõ.
Để giải quyết ổn thỏa những mâu thuẫn thái cực đó, chúng ta
cần thêm vào khái niệm Phát triển cụm từ, phù hợp với thực tiễn và logic trong hướng ứng xử, đó là PHÁT TRIỂN TRONG SỰ TIẾP NỐI.
Sự tiếp nối chính là cái cầu giữa BẢO TỒN và PHÁT TRIỂN. Tiếp nối chính là sự đảm bảo dòng lịch sử phát triển đô thị chảy tự nhiên. Thời nay kế tiếp thời trước, tự nhiên như thời gian. Thời đại ta có thể phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, để lại nhiều dấu ấn hơn, song thời ta tuyệt nhiên không có quyền phủ định cái đi trước, nhất là khi nó lại là khối giá trị vật chất – tinh thần to lớn. Hơn nữa, phải hiểu rằng chúng ta cũng chỉ là một khâu trong cái chuỗi những kiếp người. Di sản chúng ta để lại cho hậu thế chính là những khả năng duy trì sự tiếp nối.
Quan điểm phát triển tiếp nối xuất phát từ những nhận thức sau:
– Di sản đô thị là một tài nguyên thứ hai, sau tài nguyên thiên nhiên;
– Di sản đô thị không cản trở, mà là động lực đặc trưng cho phát triển;
– Di sản đô thị không phải là di tích;
– Di sản đô thị là đối tượng để gìn giữ, mà điều kiện tiên quyết chính là khả năng thích ứng của nó với nhu cầu cuộc sống đương đại, ở vai trò mà nó chiếm giữ trong cuộc sống hôm nay, ở những con kênh và những cái cầu mà nhờ đó nó hòa đồng vào cơ thể đô thị hiện đại.
Phát triển đô thị – di sản Huế trong sự tiếp nối bao hàm những nội dung sau: Bảo tồn, Cải tạo, Phát triển. Cải tạo nối Bảo tồn với Phát triển.
Bảo tồn đối với Huế không chỉ là việc duy trì lâu dài những di tích đơn lẻ, những quần thể kiến trúc – cảnh quan đã được công nhận, không chỉ là việc trùng tu và tôn tạo chúng theo khoa học. Ngoài đối tượng này còn 3 đối tượng khác cần được bảo tồn, tuy nhiên theo những cấp độ và cách ứng xử khác nhau. Đó là:
– Bảo tồn riêng từng thành tố của đô thị di sản. Khác với loại đối tượng di tích nêu trên, bảo tồn đối với diện này bao gồm việc giữ gìn những thành phần được coi là di tích ở nguyên trạng; cải tạo và thích ứng các kiến trúc đã xuống cấp hoặc không còn phù hợp với các yêu cầu mới về sử dụng; xây dựng xen kẽ những công trình và ngôi nhà mới trên nguyên tắc duy trì đặc điểm tổ chức không gian cũ và không phá vỡ khung cảnh kiến trúc đã có; chỉnh trang và định hình diện mạo kiến trúc đặc trưng cho toàn bộ cấu trúc đô thị. Các khu Gia Hội, Bao Vinh, 4 phường trong kinh thành, các làng Kim Long, Vĩ Dạ, Thủy Biều v.v… thuộc diện này. Công cụ giúp ích cho việc quản lý cải tạo ở đây chính là những Quy chế và những Hướng dẫn.
– Bảo tồn những thành tố “mềm” của đô thị – di sản, đó là những không gian triền sông và bản thân sông Hương, các vùng đất Tây – Nam, đồi Vọng Cảnh, đồi Thiên An, vùng đất Thủy Xuân v.v… Bảo tồn ở đây thể hiện bằng việc hạn chế chiếm dụng đất để xây dựng, tuyệt đối không cho phép xây những công trình phá vỡ cảnh quan, nâng niu tính tự nhiên của khung cảnh.
– Bảo tồn đô thị – di sản ở tầm vĩ mô, chỉ có thể thực hiện bằng nhiều biện pháp quy hoạch, bằng các chế độ đặc thù cho việc cải tạo và hiện đại hóa đô thị, bằng sự quản lý gắt gao bởi cơ quan giám sát phát triển thành phố v.v… Bảo tồn ở phạm vi chung của đô thị – di sản Huế là việc duy trì các mối lien quan khăng khít về lịch sử và về hình thái học kiến trúc giữa các thành tố của nó; duy trì sự thống nhất trong một thể của nó; duy trì tính chất đô thị – phong cảnh, tính chất vừa là kinh kỳ vừa là một chốn cư ngụ thôn dã.
Như vậy, định hướng phát triển Quỹ đô thị hiện có của Huế chính là CẢI TẠO, theo cách hiểu đầy đủ, trong đó có yếu tố bảo tồn.
Còn định hướng phát triển mở rộng cho Huế thời gian tới có thể theo 2 hướng:
– Quy hoạch xây dựng những khu đô thị mới, những khu công nghiệp hoặc dịch vụ mới, tập trung và thật sự hiện đại, đúng với trình độ của thế kỷ XXI. Song nên lưu ý thiết lập những vùng đệm, dải đệm chuyển tiếp giữa Huế cũ và Huế mới.
– Mạnh dạn hơn nữa là ý tưởng tạo lập một hệ, một chùm đô thị vệ tinh bao quanh Huế. Trong tương lai xa, hệ đô thị này sẽ có khả năng trở thành mô hình một vùng đô thị, có chung một nền tảng, – đó là vùng văn hóa xứ Huế.
Dù thế nào đi chăng nữa, ta nên nói “không” với xu hướng xây dựng xen cấy, tăng mật độ và phá vỡ không gian cảnh quan, điều đang xẩy ra trên bờ Nam sông Hương.
Vẫn còn chưa muộn, nếu cơ quan quản lý xây dựng của Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế ban bố Quy chế riêng cho việc cải tạo và phát triển đô thị – di sản Huế. Tuy nhiên, đô thị – di sản không nên đặt vào diện đối tượng của Luật Di sản Văn hóa. Những đô thị như Huế, có thể là Đà Lạt nữa, cần có sự ứng xử riêng, đảm bảo duy trì lâu dài di sản – tài nguyên trong phát triển tiếp nối.
Huế có thể trở thành đô thị sinh thái thiên nhiên và sinh thái nhân văn, đô thị sang về Dĩ vãng và giàu về Hiện tại, nếu ta nhận thức rõ và ra sức bênh vực cái cơ ngơi mà nó sở hữu.
Bài viết của KTS Hoàng Đạo Kính