Ngày 3/4, tại Hải Phòng, Sở Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch 5 địa phương miền Trung gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng tổ chức hội nghị hợp tác phát triển du lịch với Hải Phòng, Quảng Ninh.
Phát biểu chào mừng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng nhấn mạnh, hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa 5 địa phương miền Trung với thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh là hoạt động thiết thực để thúc đẩy hợp tác phát triển liên vùng và kích cầu du lịch hậu COVID-19.
Đây còn là cơ hội quảng bá, giới thiệu du lịch 5 tỉnh, thành phố miền Trung tới nhân dân thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh cũng như giới thiệu du lịch Hải Phòng, Quảng Ninh tới các doanh nghiệp du lịch miền Trung, gia tăng kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố.
Ông Vũ Huy Thưởng đề nghị Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, tăng cường phối hợp quảng bá, giới thiệu điểm đến. Cùng với đó, doanh nghiệp du lịch các địa phương nghiên cứu xây dựng sản phẩm, phát triển thị trường trên cơ sở khai thác lợi thế, tiềm năng khác biệt của mỗi tỉnh, thành phố, đồng thời quảng bá, đưa các điểm đến du lịch của 7 địa phương vào trong chương trình tour giới thiệu, bán cho du khách.
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình đại diện cho ngành du lịch 5 tỉnh, thành phố miền Trung phát biểu, 5 địa phương gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á do tổ chức Lonely Planet vinh danh năm 2019.
Các điểm đến tại các địa phương này là một hành trình không thể thiếu của khách du lịch trong nước và quốc tế, tiêu biểu như con đường di sản miền Trung đi qua 5 địa phương là thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam. Các địa phương này còn là một miền di sản diệu kỳ với hệ thống di sản thế giới đồ sộ đã được UNESCO vinh danh gồm: di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, các di sản văn hóa gồm quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc Cung đình Huế, ca trù, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt, nghệ thuật bài chòi miền Trung cùng nhiều di sản khác. Du khách đến khu vực này còn được trải nghiệm miền nghỉ dưỡng, giải trí tại Đà Nẵng, cảm nhận không gian linh thiêng tại Quảng Trị…
Ngoài các lợi thế về di sản, hệ thống giao thông kết nối với 5 địa phương miền Trung thuận lợi, có 3 cảng hàng không quốc tế, 1 cảng hàng không nội địa. Về đường biển, các địa phương này có hệ thống cảng biển có thể đón các tàu du lịch 5 sao quốc tế, hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối thuận lợi đến tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và là một trong những con đường ngắn nhất đến Lào và Thái Lan trên hành lang kinh tế đông tây.
Theo ông Đặng Đông Hà, trong những năm qua, du lịch 5 tỉnh miền Trung đã có những sự tăng trưởng ấn tượng và vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam và khu vực châu Á với khoảng 20 triệu đến 25 triệu khách du lịch mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2019. Hệ thống sản phẩm du lịch rất đa dạng, phong phú như du lịch biển, đảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe. Với xu thế du lịch xanh, du lịch thiên nhiên, 5 địa phương miền Trung tiếp tục hứa hẹn sẽ tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu, điểm cần đến của khách du lịch thời gian tới.
Tại hội nghị, đại diện ngành du lịch các địa phương và các doanh nghiệp giới thiệu những chương trình khuyến mại, các sản phẩm du lịch độc đáo sẵn sàng đón du khách các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình đến 5 tỉnh, thành phố miền Trung.
Đại diện ngành du lịch 5 tỉnh, thành phố cũng đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với Hải Phòng, Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025. Theo đó các bên sẽ liên kết theo nguyên tắc cùng có lợi để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Nội dung liên kết, hợp tác tập trung vào 3 lĩnh vực gồm hợp tác quản lý nhà nước về du lịch, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch và hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch.