Tại thủ đô Matxcova của Liên bang Nga, có rất nhiều các công trình mang đậm tính lịch sử, rất nhiều các thiết chế văn hóa quí giá không chỉ nổi tiếng của Nga mà còn cả của Châu Âu và Thế giới…
Đoàn CBPV Văn hiến Việt Nam tại Quảng Trường Đỏ thủ đô Matxcova
Đúng lúc chúng tôi đang say mê tham quan các di tích lịch sử và các thiết văn hóa tại Liên bang Nga, thì ở quê nhà Việt Nam cụm từ “Lịch sử” lại đang dậy sóng thông qua một bộ phim có yếu tố về lịch sử của dân tộc ở phía Nam đất nước. Nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận về ý nghĩa của “Lịch sử” được phân tích, phản biện,… Nhờ đó mà chúng tôi quan sát thật kĩ việc giáo dục và trau dồi lịch sử của nước bạn để thấy rút ra được những điều mà chúng ta cần phải học tập.
Các em học sinh đi tham quan, học tập về lịch sử tại Quảng Trường Đỏ thủ đô Matxcova
Tại thủ đô Matxcova của Liên bang Nga, có rất nhiều các công trình mang đậm tính lịch sử, rất nhiều các thiết chế văn hóa quí giá không chỉ nổi tiếng của Nga mà còn cả của Châu Âu và Thế giới. Địa chỉ nổi bật nhất và đặc sắc nhất cho dù ai chưa từng đến Matxcova một lần cũng được nghe đến tên – đó là di tích lịch sử Quảng Trường Đỏ (Красная площадь), là biểu tượng văn hóa và lịch sử vĩ đại của đất nước Nga tươi đẹp. Thuộc quần thể Quảng Trường Đỏ có nhiều di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng khác nhau, như: Điện Kremly; Lăng Lenin; Nhà thờ Thánh Basil; Vườn Alexander với Ngọn lửa bất diệt; Nhà thờ Đấng cứu thế; Bảo tàng nghệ thuật tạo hình Pushkin; Nhà hát lớn…
Chúng tôi đến Quảng Trường Đỏ không chỉ một lần, mà đến nhiều lần quan sát và hỏi chuyện thì thấy rằng, suốt cả 6 ngày trong tuần (từ Thứ hai đến Thứ bảy), ngày nào cũng đông đúc các đoàn học sinh từ bậc Tiểu học đến bậc Trung học Cơ sở, THPT, từ khắp các nơi được tổ chức thành từng đoàn rất nề nếp, trật tự, do các giáo viên trực tiếp hướng dẫn về thăm quan Quảng Trường Đỏ. Các đoàn đều riêng biệt theo từng trường, từng lớp. Đặc biệt, chính các giáo viên giảng dạy bộ môn lịch sử làm luôn hướng dẫn viên cho các em, vừa hướng dẫn vừa giảng dạy về từng di tích lịch sử gắn với sự nghiệp phát triển của dân tộc và đất nước, con người Nga… Trong tiếng Nga, từ “Đỏ” (Красная) có nghĩa là “Đẹp” (красивая) – Quảng Trường “Đẹp” nhất không chỉ là một di tích lịch sử đặc biệt, mà còn rất đẹp bởi những hình ảnh về học tập và trau dồi về lịch sử cho các thế trẻ của đất nước Nga.
Các lớp học sinh xếp hàng vào tham quan Bảo tàng Chiến thắng ở thủ đô Matxcova
Ở cụm thiết chế văn hóa khác, đó cụm di tích liền nhau gồm Bảo tàng Bức Tranh Tròn Kutuzov và Công viên Chiến Thắng. Bảo tàng Bức Tranh Tròn thành lập từ năm 1962, chỉ có 1 bức tranh tròn nội dung nói về “Trận chiến Borodino”, bức tranh dài 115m và rộng 15m. Tác phẩm do họa sỹ người Pháp Frans Rubo sáng tác năm 1912 theo yêu cầu của Nga Hoàng Nikolai II. Bức tranh tròn miêu tả về cuộc huyết chiến giữa các đạo quân của Napoleon và nguyên soái Kutuzov vào năm 1812 tại phòng tuyến ở làng Borodino cách Moscow khoảng 125km. Bức tranh treo trên tường của tòa nhà hình tròn, du khách ngắm bức tranh 360 độ quanh tường, phía dưới chân bức tranh được tạo dựng các cảnh vật thật ráp nối vào chân của bức tranh, tạo nên một cảm giác như chúng đang đứng giữa khung cảnh thật của trận đánh nổi tiếng trong lịch sử của Nga…
Học sinh rất tự giác, trật tự, tìm hiểu về lịch sử của đất nước
Còn Công viên Chiến thắng (Парк победы на Поклонной горе) là công trình tưởng niệm các anh hùng đã hy sinh trong Đại chiến 1941-1945, có diện tích 135ha, bao gồm: Bảo tàng nội chiến vĩ đại; Tượng đài Chiến thắng và ba ngôi Đền được xây dựng để tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ trong các cuộc đại chiến… Tại cụm di tích này cũng từng đoàn, từng đoàn các lớp học sinh, các trường học đưa các em từ khắp nơi của Thủ đô Matxcova và các tỉnh về tham quan học tập. Các giáo viên môn lịch sử cũng là hướng dẫn viên cho các em… Điều đặc biệt, các em học sinh nhỏ tuổi tại đây rất hào hứng và sôi nổi tìm hiểu về lịch sử của đất nước mình.
Khi gặp và biết nhà báo của Việt Nam đến thăm quan Bảo tàng Chiến thắng các em học sinh rất vui
Không chỉ ở Matxcova, chúng tôi đến các thành phố khác của Liên bang Nga cũng đều thấy việc học tập và trau dồi về lịch sử đều diễn ra như vậy. Đáng nói hơn, họ không chỉ giáo dục về lịch sử của riêng đất nước và con người Nga, mà họ còn giáo dục cho các thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử chân chính của các dân tộc chân chính khác trên thế giới… Điều này có thể nhận thấy và minh chứng ngay tại Tượng đài Hồ Chí Minh thuộc khu vực Quảng Trường Hồ Chí Minh – Quảng trường mang tên Bác Hồ được đất nước Liên Xô (cũ) đặt tên vào năm Bác mất 1969. Và Tượng đài Bác được nước bạn khánh thành vào ngày 18/05/1990 ngay trên khuôn viên Quảng Trường Hồ Chi Minh. Tại đây, người Nga và các em học sinh Nga vẫn thường đến dâng hoa và nghe những câu chuyện về lịch sử Hồ Chí Minh cũng như đất nước Việt Nam.
Đoàn cán bộ, phóng viên Tạp chí Văn hiến Việt Nam tại Tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh – thủ đô Matxcova
Một đất nước hùng mạnh cả về Chính trị – Văn hóa – Kinh tế và An ninh Quốc phòng như Liên bang Nga là bởi họ lấy văn hóa dân tộc làm cốt cách, theo đó trong văn hóa đã bao gồm cả yếu tố lịch sử dân tộc. Tổng thống Liên bang Nga Putin từng nói: “Lịch sử của dân tộc và đất nước phải được giảng dạy trong các trường học, không chỉ bậc phổ thông mà kể cả các trường đại học cũng cần phải học tập và nghiên cứu về lịch sử”. Còn đối với đất nước Việt Nam chúng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu và chỉ đạo rất rõ: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc!”. Trong văn hóa đã bao gồm cả lịch sử mà chúng ta cần không ngừng trau dồi và học tập…
GIÀNG NHẢ TRẦN