Ngày 21-7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố phối hợp Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature), Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực Miền Trung – Tây Nguyên với chủ đề “Bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên”. Hơn 150 chuyên gia, đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trên địa bàn và một số chuyên gia quốc tế thảo luận về các kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Nhật Bản, Tây Ban Nha đã tham dự hội thảo.
Hội thảo nhằm đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo vệ được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Đồng thời, chia sẻ bài học kinh nghiệm về du lịch tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên; thảo luận các vấn đề liên quan đến áp lực của du lịch lên bảo tồn đa dạng sinh học tại các VQG, Khu BTTN; và tham vấn đa bên nhằm đề xuất các mô hình du lịch sinh thái phù hợp cho các VQG, khu BTTN để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cho biết, vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 19 tỉnh và thành phố, là trung tâm đa dạng sinh học của tiêu biểu của Việt Nam, nơi lưu trữ các giá trị thiên nhiên độc đáo, với các hệ sinh thái rộng lớn, tính đa dạng sinh học cao và sinh cảnh sống chính của nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này đối diện với nhiều thách thức lớn, mang tính khu vực do ảnh hưởng của việc phát triển thủy điện, áp lực săn bắn động vật hoang dã, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, gia tăng dân số… Bên cạnh đó, việc phát triển các hoạt động du lịch thiếu kiểm soát đã tạo ra không ít rủi ro, thách thức cho công tác bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học của khu vực.
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam năm 2017 đã có bước cải thiện quan trọng, tăng 8 bậc, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136. Tuy nhiên, nhiều chỉ số liên quan đến môi trường lại đứng ở gần cuối bảng xếp hạng như mức độ bền vững về môi trường (hạng 129/136), các quy định lỏng lẻo về môi trường (hạng 115/136), mức độ chất thải (hạng 128/136), nạn phá rừng (hạng 103/136), hạn chế về xử lý nước (hạng 107/136).
Việc quản lý du lịch chưa được thống nhất, cách thức phối hợp của các VQG và KBT với cộng đồng địa phương không được xác định phù hợp.Việc chia sẻ lợi ích chưa hợp lý là nguyên nhân gây mâu thuẫn với cộng đồng và làm giảm hiệu quả trong công tác bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học.
Việc xuất hiện của khách du lịch làm phát sinh các chất thải rắn, nước thải: Ngân hàng Thế giới, ước tính mỗi năm Việt Nam mất ít nhất 69 triệu USD thu nhập từ ngành du lịch, do hệ thống xử lý vệ sinh nghèo nàn; ô nhiễm môi trường. Nước thải tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch không được xử lý đổ ra môi trường, là nguyên nhân đe dọa tới các hệ sinh thái và ÐDSH; Rác thải nhựa, túi nilon của khách du lịch nếu không được thu gom, phân loại và xử lý trước khi thải ra môi trường sẽ đe dọa các loại động vật đặc biệt với động vật biển. Các nguyên tắc về du lịch sinh thái không được áp dụng triệt để nên hoạt động DLST trở nên “méo mó” tiềm ẩn hủy hoại tính nguyên vẹn của các VQG và KBT và quyền được thừa hưởng của các thế hệ tương lai.
Với 21 bài tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi tại Hội thảo, Ban tổ chức hy vọng sẽ tìm ra được các đề xuất, hiến kế tâm huyết, khách quan từ các bên liên quan về giải pháp, mô hình để phát triển du lịch sinh thái bền vững tại các VQG, Khu BTTN ở Miền Trung – Tây Nguyên.
Theo TTS/VHVN