Theo R. Tagore, “Trách nhiệm của mỗi dân tộc là phải thể hiện cho thế giới thấy rõ bản chất dân tộc của mình. Nếu một dân tộc không đem lại cho thế giới điều gì cả, thì phải xem đó là tội lỗi của dân tộc, đúng hơn, phải xem nó còn tồi tệ hơn cả cái chết, và sẽ không bao giờ được lịch sử nhân loại tha thứ. Mỗi dân tộc có trách nhiệm làm cho cái ưu tú nhất mà nó có trở thành tài sản chung của nhân loại. Tinh thần cao thượng là kho báu của dân tộc, nhưng tài sản thực sự của nó là ở chỗ, biết vượt qua những quyền lợi riêng và mời cả thế giới cùng tham gia vào nền văn hóa tinh thần của nó”.
Nhà văn Hồ Anh Thái
1. Từ những thập niên cuối của thế kỷ XX, hội nhập và toàn cầu hóa là xu thế vận động, phát triển tất yếu của văn hóa, văn học ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tính biệt lập, khép kín của các nền văn hóa, văn học đã lỗi thời, không còn lý do tồn tại. Thay vào đó, là một không gian văn hóa mở. Đó là cơ hội và cũng là áp lực, thách thức, với mọi nền văn học, nhất là trong sáng tạo. Với quyền năng của nghệ thuật ngôn từ, văn học có thể vượt thoát mọi giới hạn, tham gia vào đời sống tinh thần nhân loại một cách chủ động, tích cực. Giới hạn của văn học, cả trong sáng tạo và tiếp nhận, đều ở con người, do con người. Sự khác biệt về ý thức hệ, tôn giáo, trình độ phát triển, ngôn ngữ, truyền thống thẩm mỹ… giữa các nền văn hóa chưa bao giờ là rào cản tuyệt đối, ngăn cách quá trình hội nhập, lan tỏa trên phạm vi toàn cầu của văn học.
Lịch sử tồn tại và phát triển hàng ngàn năm của văn học nhân loại đã cho thấy, không có một nền văn học nào là tuyệt đối độc đáo; và cũng không có một nền văn học nào có thể tồn tại, phát triển trong tính biệt lập, khép kín. Nhìn vào tiến trình văn học Việt Nam, không khó để nhận thấy những thành tựu rực rỡ đều thuộc về thời kỳ văn hóa, xã hội mở cửa, tiếp xúc, giao lưu thông thoáng với thế giới bên ngoài. Hội nhập và phát triển, vì vậy là hai mặt của một vấn đề. Theo R. Tagore, “Trách nhiệm của mỗi dân tộc là phải thể hiện cho thế giới thấy rõ bản chất dân tộc của mình. Nếu một dân tộc không đem lại cho thế giới điều gì cả, thì phải xem đó là tội lỗi của dân tộc, đúng hơn, phải xem nó còn tồi tệ hơn cả cái chết, và sẽ không bao giờ được lịch sử nhân loại tha thứ. Mỗi dân tộc có trách nhiệm làm cho cái ưu tú nhất mà nó có trở thành tài sản chung của nhân loại. Tinh thần cao thượng là kho báu của dân tộc, nhưng tài sản thực sự của nó là ở chỗ, biết vượt qua những quyền lợi riêng và mời cả thế giới cùng tham gia vào nền văn hóa tinh thần của nó”1.
Con đường hội nhập với thế giới hiện đại của văn hóa, văn học, không phải là ở chỗ phủ định hay khẳng định truyền thống dân tộc và những yếu tố ngoại lai, mà là kết hợp giữa chúng. Sứ mệnh của các nhà văn là sửa soạn một cánh đồng bao la cho cuộc phối hôn giữa các nền văn hóa. Nơi đó, văn hóa mỗi dân tộc đều có phần cho đi và lấy lại. Trong sáng tạo văn học, tính nhân loại chứa đựng trong tinh thần dân tộc, thể hiện một cách cụ thể, sinh động. Đi đến tận cùng chiều sâu, sẽ gặp sự vô biên của chiều rộng. Những giá trị phổ quát, mang tính nhân loại, có thể tìm thấy trong cội rễ văn hóa dân tộc. Bởi lẽ, mọi khác biệt văn hóa chỉ là tương đối, bề mặt. Tận cùng của nó là sự thống nhất, một sự thống nhất cái nhiều trong cái một.
Nhìn vào lịch sử văn học ở một số quốc gia châu Á, như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản có thể thấy rõ điều này. Từ rất sớm Veda, Ramayana, Mahabharata, kịch Shakuntala của Kalidasa, thơ Kabir… (Ấn Độ), Kinh thi, Thơ của Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị… (Trung Quốc), Thơ haiku của M. Basho, Truyện Genji của Murasaki Shikibu (Nhật Bản)… theo những cách khác nhau, đã vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia, hòa vào dòng chảy của văn chương nhân loại. Sáng tác của những tài năng văn học kiệt xuất, như R. Tagore (1861-1941), Y. Kawabata (1899 – 1972) đều được bén rễ, khơi nguồn từ trầm tích văn hóa dân tộc, thách thức mọi giới hạn. Nếu R. Tagore là biểu tượng “Cái mà ta gọi là văn hóa Ấn Độ” (Indira Gandhi), thì Y. Kawabata lại được “Sinh ra bởi vẻ đẹp Nhật Bản” (Diễn từ nhận giải Nobel văn học, 1968). Họ đã đến hiện đại từ truyền thống; hòa vào dòng chung từ những mạch nguồn riêng của văn hóa dân tộc.
2. So với nhiều quốc gia ở châu Á, văn học Việt Nam tham gia vào tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa muộn, và chưa có nhiều thành tựu. Cho tới giữa thập niên 1980, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, vấn đề hội nhập và toàn cầu hóa của văn học Việt Nam mới trở nên bức thiết. Nhìn vào thực trạng văn học Việt Nam, Nguyễn Minh Châu trăn trở, day dứt với câu hỏi mà cho đến những ngày cuối đời vẫn còn ám ảnh tâm trí ông: “Tại sao chúng ta cứ sản xuất ra toàn những sản phẩm loại nhì, loại ba của văn học thế giới, hoặc những bán thành phẩm, để rồi phải làm cái việc con hát mẹ khen hay, rồi con cứ lấy làm tự hào được mẹ khen? Tại sao văn học ta chỉ là văn học xóm xã, ao chuôm mà không là văn học của cả thiên hạ, của cả loài người?”2. Đó là sự tự vấn lương tâm, trách nhiệm, của một nhà văn tài năng, tâm huyết với nghề, với đời.
Công cuộc đổi mới đất nước và những biến động của thế giới đầu thập niên 1990 đã kiến tạo một sinh thái tinh thần thông thoáng, cởi mở, dân chủ, tự do. Đó là cơ sở, động lực cho văn hóa, văn học phát triển, hòa vào dòng chảy của thế giới hiện đại. Nhìn vào những gì văn học Việt Nam đạt được trên con đường hội nhập là rất đáng khích lệ. Một thế hệ nhà văn trẻ, tràn đầy năng lượng sáng tạo, bản lĩnh, tự tin, quyết liệt, đã lần lượt xuất hiện, bên cạnh thế hệ nhà văn vừa đi qua chiến tranh. Họ đã góp phần không nhỏ làm nên đặc điểm, diện mạo mới cho văn học Việt Nam. Bằng lao động nghệ thuật nghiêm túc, nhiều nhà văn đã chủ động tham gia đầy trách nhiệm vào quá trình đối thoại, kết nối các nền văn hóa, văn học. Tên tuổi của nhiều nhà văn đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, đến với người đọc ở nhiều châu lục trên thế giới.
Ở những mức độ khác nhau, sáng tác của những nhà văn tài năng, như: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Duy, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư… đã đi vào quỹ đạo văn học trong thời hiện đại. Tuy nhiên, cũng như mọi lĩnh vực, hội nhập văn học là quá trình hướng tới sự thống nhất, hài hòa giữa “cho” và “nhận” (cách nói của R. Tagore), “xuất” và “nhập” (cách nói của các nhà kinh tế học), thì xu hướng của văn học Việt Nam gần bốn thập kỷ qua là “nhập siêu”. Chưa bao giờ ấn phẩm văn học dịch xuất hiện ở Việt Nam nhiều như mấy chục năm qua. Những cái gọi là “nhạy cảm”, “vùng cấm” một thời, đã dần nhường chỗ cho sự cởi mở, thông thoáng. Nhờ đó, người đọc tự do hơn trong việc kiếm tìm, lựa chọn, tiếp nhận, những tác phẩm văn chương mới lạ, cả về nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu hiện. Trong khi đó, việc dịch, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài chưa có nhiều thành tựu. Tính khép kín của nền văn học “xóm xã, ao chuôm” (chữ của Nguyễn Minh Châu) đã ít nhiều được phá vỡ. Song, văn học Việt Nam chưa tạo được dấu ấn, hình hài rõ rệt trong đời sống văn học thế giới. Đã có nhiều hội thảo, nhiều diễn đàn đi tìm lời giải, với mong muốn đưa văn học đương đại Việt Nam hội nhập sâu sắc, toàn diện hơn vào đời sống văn học thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay con đường đó vẫn còn nhiều thách thức, trở ngại.
Trong bối cảnh đó, Hồ Anh Thái nổi lên như một hiện tượng. Ông là một trong sáu nhà văn hiện đại Việt Nam có tên trong Từ điển văn học 3 ở Mỹ. Các tác phẩm của ông, như: Trong sương hồng hiện ra, Người đàn bà trên đảo, Cõi người rung chuông tận thế, tập truyện ngắn Tiếng thở dài qua rừng kim tước… được dịch ra hơn mười thứ tiếng, xuất bản ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Trong đó tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế được Nhà xuất Đại học Tổng hợp Texas phát hành dưới hai dạng sách in, sách điện tử, phát hành trong hệ thống hiệu sách toàn quốc, trên mạng amazon.com, và hệ thống các trường đại học trong và ngoài nước Mỹ. Bản dịch tiếng Anh tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo (The Women on the Island) được sử dụng trong các thư viện hàn lâm, đặc biệt là thư viện dành cho độc giả nghiên cứu Đông Nam Á4. Cho đến nay, trong thế hệ nhà văn thời hậu chiến ở Việt Nam, trên con đường hội nhập văn chương, chưa có nhà văn nào có được nhiều thành công như Hồ Anh Thái. Những gì Hồ Anh Thái đã làm, đã đạt được, gợi mở nhiều vấn đề có ý nghĩa, cả về lý luận và thực tiễn, cho quá trình hội nhập của văn học đương đại Việt Nam.
3. Thuộc thế hệ nhà văn thời hậu chiến, Hồ Anh Thái khởi đầu con đường sáng tạo văn học với truyện ngắn Bụi phấn (1978). Tư chất nghệ sĩ, tài năng văn chương của ông ngày càng phát lộ, đặc biệt là từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Hơn bốn mươi năm miệt mài sáng tạo, Hồ Anh Thái đã có một gia tài nghệ thuật đồ sộ, đặc sắc, kết tinh ở hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Tác phẩm của ông, theo những cách khác nhau, đều lộ rõ thiên hướng tích hợp, đối thoại văn hóa (Đông – Tây; truyền thống – hiện đại; dân tộc – nhân loại). Trong đó, hai yếu tố nổi trội là văn hóa Ấn Độ và văn hóa Việt Nam. Những trải nghiệm phong phú, sâu sắc của nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông, giúp Hồ Anh Thái có được cái nhìn điềm tĩnh, sâu sắc về kiếp nhân sinh. Viết, với Hồ Anh Thái, không chỉ để giao tiếp, mà còn đối thoại, tra vấn, phản biện từ “những điều trông thấy”. Những đề tài ông viết nhìn chung không mới. Cái mới ở ông, trước hết là cách nhìn. Với ông, hiện thực không phải chỉ những gì nhìn thấy mà còn vô số bí ẩn, khuất chìm. Đó là một hiện thực đa chiều, đa diện; không chỉ có bề rộng mà còn có bề sâu, bề xa. Một hiện thực nhân sinh như thế, nhà văn chỉ có thể nắm bắt, tái hiện bằng trực giác và chiêm nghiệm, suy tư.
Từ giữa thập niên 1990, truyện ngắn, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái đã được dịch, giới thiệu ở một số nước trên thế giới. Trong bài viết trên Tạp chí Bưu điện Jerusalem, nhà văn Dina Shilo đặc biệt ấn tượng với ý thức “tìm kiếm những giá trị mới” ở Hồ Anh Thái. Theo tác giả, “Dường như Hồ Anh Thái muốn nói rằng thế hệ hậu chiến ở Việt Nam cần phải tìm ra những giá trị mới – không phải là tiếp nhận chủ nghĩa tư bản, hoặc là từ bỏ những giá trị cũ, có thể đã trở thành gánh nặng. Thế hệ đi trước, những người hiểu được giá trị của đấu tranh và đem cách mạng đến, quả là có nhiều điều chỉ dẫn cho thế hệ mới”5. Trong sáng tạo nghệ thuật, “những giá trị mới” chỉ có được từ những trăn trở, suy tư và tài năng, cá tính sáng tạo của nhà văn. Đó là ý thức nghệ thuật Hồ Anh Thái luôn bắt mình phải có. Nó được ông hiện thực hóa trong từng trang viết. Tác phẩm của ông, nhờ đó có sức hấp dẫn, khả năng lan tỏa, vượt qua mọi khác biệt, thu hút sự chú ý của công chúng ở trong và ngoài nước.
Trong lời giới thiệu tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo (The Women on the Island) xuất bản bằng tiếng Anh6, nhà văn Wayne Karlin đánh giá cao tinh thần đối thoại, ý thức phản biện, được Hồ Anh Thái thể hiện trong tác phẩm. Theo ông, “Hồ Anh Thái cho rằng, để tự định nghĩa và định hướng cho mình, thế hệ hậu chiến phải có khả năng tiếp nhận món nợ của quá khứ, nhưng cũng phải có khả năng thấy rõ cái gì cần phải thay đổi, cần phê phán: họ phải xây dựng trên nền tảng quá khứ, chứ không phải chỉ dừng lại đó”. Viết Người đàn bà trên đảo, Hồ Anh Thái thể hiện một cái nhìn mới về văn hóa xã hội Việt Nam, qua thân phận những người phụ nữ trở về sau chiến tranh. Bước ra khỏi cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, những nữ cựu binh trên nông trường Cát Bạc lại đối mặt với một cuộc chiến mới – một cuộc chiến cam go, quyết liệt, để bảo vệ quyền sống, phẩm gíá của người phụ nữ. Theo cách nói của Janine Gillon trong Lời giới thiệu bản dịch tiếng Pháp7 tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo (L’Ile Aux Femmes), tác phẩm có ý nghĩa “mở đường” giải phóng người phụ nữ ra khỏi “truyền thống lâu đời”. Bà viết: “Trước nguy cơ hiện đại hóa gấp rút nóng bỏng, Việt Nam ngày nay muốn tìm một phương sách vượt qua những truyền thống lâu đời, chắc chắn là hết sức đáng kính, nhưng không phải nhân danh truyền thống đó mà biến phụ nữ thành những kẻ bị giam cầm trong lồng son cũi tía. Hồ Anh Thái đã mở đường cho họ: ngay bây giờ họ phải bảo vệ số phận trong tầm tay của mình. Chính họ phải hiểu họ muốn sống, họ có quyền và có nghĩa vụ yêu sách cho bản thân và cho cả con gái của họ”. Ở vào thời điểm tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo ra đời, trào lưu văn học nữ quyền xuất hiện ở Pháp, lan rộng đến nhiều nước châu Âu, tiêu biểu là sáng tác của hai nhà văn Simone de Beauvoir và Marguerite Duras. Năm 2022, Giải Nobel văn học đã trao cho Annie Ernaux, nữ nhà văn người Pháp, người đã bằng sáng tạo nghệ thuật, thể hiện cuộc đấu tranh không mệt mỏi, chống lại tình trạng bất công, bảo vệ quyền sống của người phụ nữ. “Sinh ra không phải đàn bà, nhưng lại trở thành đàn bà” quan niệm ấy của Simone de Beauvoir, đã phần nào được thể hiện trong tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo. Nói điều này là để thấy, những gì Hồ Anh Thái đặt ra trong tác phẩm, đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, dân tộc, chạm đến những vấn đề của thời đại, của văn chương tiến bộ. Là một nhà văn phương Tây, Wayne Karlin đặc biệt ấn tượng về điều đó. Ông viết: “Những nét phác họa về sự căng thẳng mang tính xã hội ở Việt Nam sau chiến tranh, thật hấp dẫn và đầy thông tin cho người đọc phương Tây, phản ảnh những vấn đề của hầu khắp cái thế giới đang vận động tới một nền kinh tế toàn cầu. Nhưng yếu tố nâng Người đàn bà trên đảo lên đến mức khảo sát điều kiện sống mang tính phổ biến hơn của con người chính là ở chỗ, thể hiện những xung đột có tính chất cơ bản của con người”8.
Có cùng cách nhìn, cách nghĩ ấy, trên Thời báo Los Angeles Michael Harris viết: “Cũng giống như người Mỹ tràn đầy tình yêu nước và lòng căm hờn, cảm thấy những mối quan tâm cá nhân của mình đã bị hạ thấp trước tình trạng khẩn cấp của đất nước. Từ phía bên kia, cuốn tiểu thuyết Việt Nam đã viết về sự xuất hiện trở lại của dục vọng cá nhân ở một đất nước hàng thập kỷ phải tạm gác lại mọi thứ vì cuộc đấu tranh chung”9. Điều này lý giải, vì sao tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo được dịch ra hơn mười thứ tiếng, phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhìn lại hành trình sáng tạo của Hồ Anh Thái có thể thấy, từ những truyện ngắn ra đời vào giữa thập niên 1990 (Tiếng thở dài qua rừng kim tước, Người Ấn, Người đứng một chân...) đến những tiểu thuyết ra đời trong thế kỷ XXI (Cõi người rung chuông tận thế; Đức Phật, nàng Savitri và tôi; Dấu về gió xóa, Năm lá quốc thư; Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên…) ông luôn thể hiện nhất quán, và ngày càng sâu sắc, triệt để hơn quan niệm về con người. Không lý tưởng hóa con người, nhưng chưa bao giờ ông mất niềm tìn vào con người. Ông nhận thức và thể hiện con người, từ góc nhìn bản thể. Ý thức, vô thức, tiềm thức, bản năng, và cả những chìm lấp, mơ hồ, hỗn độn… đều hiện hữu trong bản thể con người. Với cái nhìn ấy, sáng tác của Hồ Anh Thái đã đi vào quỹ đạo của dòng văn xuôi hướng nội phương Đông thế kỷ XX, tiêu biểu là tiểu thuyết của R. Tagore, Y. Kawabata.
Sức hấp dẫn của truyện ngắn, tiểu thuyết Hồ Anh Thái không chỉ ở những vấn đề đặt ra, mà còn là khả năng khám phá thế giới nội tâm bí ẩn của con người. Các nhân vật Luyến, Hòa, Tường, Miền… (Người đàn bà trên đảo), Raja, Nilam (Tiếng thở dài qua rừng kim tước), Tân (Trong sương hồng hiện ra), Mai Trừng (Cõi người rung chuông tận thế), Savitri, Siddhattha (Đức Phật, nàng Savitri và tôi)… thể hiện rõ nét thiên hướng nghệ thuật đó. Cái nhìn nhị phân, thuần lý, đối lập chính/ tà; thiện/ ác; cao cả/ thấp hèn… không tồn tại trong tư duy nghệ thuật Hồ Anh Thái. Nhân vật Siddhattha trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi là một ví dụ. Viết về Đức Phật, Hồ Anh Thái đối mặt với nhiều thách thức. Trước ông, trong văn học Việt Nam, hình tượng Đức Phật đã xuất hiện trong hai tác phẩm Đường xưa mây trắng (1988) của Thích Nhất Hạnh và Ánh đạo vàng (1999) Võ Đình Cường. Để không đi vào lối mòn của những người đi trước, Hồ Anh Thái phải có một cách nhìn mới về Đức Phật. Trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi, tính dân chủ – quyền năng của tiểu thuyết, được Hồ Anh Thái khai thác triệt để. Ông nhìn Ðức Phật từ khoảng cách gần, trực tiếp. Khoảng cách giữa tác giả và nhân vật được san lấp, cả về thời gian và tâm thế. Hình tượng Đức Phật được soi chiếu từ nhiều góc độ, khúc xạ trong ánh sáng hư cấu. Hồ Anh Thái không tựa vào lịch sử để viết một tiểu thuyết lịch sử – tư liệu; mặt khác, không để những tưởng tượng, hư cấu vượt khỏi tầm kiểm soát của ý thức nghệ thuật. Trong cái nhìn của ông, Đức Phật là một tổng hợp thống nhất của những đối nghịch: đạo và đời; siêu thoát và nhập thế; hiền minh và thế tục… mang đậm tính người. Đặt Đức Phật vào vị thế trung tâm trong bộ ba nhân vật (Đức Phật, nàng Savitri, Tôi) nhưng Hồ Anh Thái không tập trung ánh sáng chiếu rọi vào Đức Phật, liên tục di chuyển điểm nhìn, góc nhìn. Ở đó có sự pha trộn, kết hợp giữa cái nhìn dục lạc, trần thế của Savitri với cái nhìn điềm tĩnh, thâm trầm, lắng đọng suy tư của nhân vật “Tôi”. Ông đã “giải thiêng” (demythologize) Đức Phật bằng cách xóa bỏ màu sắc huyền thoại bao quanh nhân vật, mang đến cho người đọc cách nhìn, cách nghĩ mới về Đức Phật với cảm xúc ngưỡng mộ, yêu thương, thành kính. Đức Phật không cao siêu đến mức xa lạ, thần bí. Bậc vĩ nhân ấy không phải là thần thánh mà là một con người với đầy đủ ý nghĩa của nó. Người vĩ đại trong tư cách một con người. Ngay từ khi ra đời (2007) tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi đã trở thành một hiện tượng trong đời sống văn học Việt Nam, nhận được sự quan tâm của công chúng, nhất là giới nghiên cứu phê bình văn học ở trong và ngoài nước. Một nhà xuất bản ở Mỹ đang xúc tiến ấn hành tác phẩm bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, việc tìm được một người dịch vừa tinh thông hai thứ tiếng Anh và Việt, vừa am hiểu sâu sắc văn hóa Ấn Độ là không dễ. Bởi thế, với sự cộng tác của một dịch giả – nhà văn người Mỹ, Hồ Anh Thái đã dịch cuốn tiểu thuyết này sang tiếng Anh.
Sức hấp dẫn của tác phẩm văn học không chỉ ở cái nhìn mới về hiện thực, con người, mà còn ở sự độc đáo, mới lạ trong sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Ở những mức độ khác nhau, tác phẩm của Hồ Anh Thái đều thể hiện được điều đó. Tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra là một ví dụ. Giới thiệu Tuyển tập tác phẩm Hồ Anh Thái dịch ra tiếng Anh10, xuất bản ở Mỹ, khi nói về tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra (Behind the Red Mist), nhà văn Wayne Karlin viết: “Ở cuốn Trong sương hồng hiện ra cũng như các tiểu thuyết và truyện ngắn khác của Hồ Anh Thái, chất hài hước, mới lạ, quyện với chất Kafka dường như đã gây bất ngờ cho người phương Tây khi tìm hiểu văn học Việt Nam. Ở những tác phẩm này, trí tưởng tượng độc đáo của Hồ Anh Thái đã làm sáng rõ những tập tục, thái độ và cả những định kiến của xã hội Việt Nam đương đại. Tác phẩm của ông được đón nhận rộng rãi, và thường kích thích tranh luận, vì những lý do ấy, và cũng vì văn phong đa dạng đầy chất thơ”. Sức hấp dẫn của văn chương Hồ Anh Thái đối với độc giả phương Tây, theo ông, không chỉ giúp người đọc nhận thấy những khác lạ của văn hóa, xã hội Việt Nam (phong tục, thái độ, định kiến…), mà còn ở khả năng dẫn dụ, mê hoặc của một “văn phong đa dạng đầy chất thơ”. Trong nghệ thuật tự sự, Hồ Anh Thái thường lồng ghép, đan cài thực – ảo, sử dụng ngôn ngữ mang tính biểu tượng. Đọc tác phẩm Hồ Anh Thái, mỗi người đọc dường như có cho mình một văn bản riêng. David Biggs đọc tiểu thuyết Trong sương hồng hiện ra, đã hình dung trong đầu một bộ phim Mỹ, mà theo ông “Trường đoạn kỳ lạ trong tiểu thuyết, khi một chàng trai hôn mê rơi vào con đường hầm và cái hố sâu của quá khứ, sẽ huy động được tất cả những hiệu quả đặc biệt, các góc quay của máy, những đường âm thanh và hệ thống đèn chiếu sáng”11.
Dịch giả Jonathan Mcintyre và nhà văn Wayne Karlin đã thay nhan đề tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế thành Khách sạn ngày tận thế (Apocalypse Hotel) khi dịch sang tiếng Anh12. Sự thay đổi này đã được Wayne Karlin lý giải trong Lời giới thiệu. Theo ông, “Trong tác phẩm có khách sạn Apocalypse mang ý nghĩa Thiên Khải, Khải Huyền, nhưng cũng có nghĩa là ngày tận thế, ngày phán xử. Đặt lại tên sách Khách sạn ngày tận thế, người dịch tập trung vào tính ẩn dụ: thế gian như một cái nhà trọ, một cõi tạm đang ngổn ngang trước những nguy cơ về đạo đức, về tinh thần, về điều kiện sống đòi hỏi ngày càng tranh đua khốc liệt”. Đó là những cảm nhận tinh tế, được khơi gợi từ thế giới nghệ thuật của Hồ Anh Thái. Qua lớp thảm ngôn từ như những ký hiệu, biểu tượng, hiện thực đời sống hiện lên đa dạng, phong phú. Có hiện thực phơi lộ trên bề mặt; có hiện thực chìm khuất, tồn tại trong tâm thức người đọc. Hình ảnh màn sương mờ đục, hư ảo trên biên giới Ấn Độ – Nepal trong chương mở đầu tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, là một ví dụ: “Cây cỏ đứng im phăng phắc. Không một tiếng thì thầm rì rào lao xao. Không một thoáng gió lay động. Một lớp phim mỏng trong suốt tráng lên cảnh vật, quang dầu cho nó, đóng hộp nó, gửi đúng cái khoảnh khắc ấy vào một bảo tàng vĩnh cửu (…) Cảm giác tức thời là mình bị chọc mù mắt. Còn kinh sợ hơn cảm giác bị bóng tối bưng lấy mắt. Trắng đục. Xốp. Rất mỏng rất nhẹ. Không thể biết bao giờ nó tan. Không thể nhìn thấy bất cứ một cái gì ngay trước mặt mình”13. Không ai nhìn thấu lớp sương mù ấy, ngoài Savitri. Thực sự là huyền bí đến phi lý, nếu ai đó cố tìm ý nghĩa thực ở khung cảnh thiên nhiên ấy. Đó không phải là “cái gì” mà là biểu tượng cho “cái gì”. Màn sương ảo mờ ấy là một ký hiệu, biểu tượng cái “vô minh” của con người. Đó là “cái tăm tối mù lòa ngu dốt. Cả thế gian cùng lúc chìm trong vô minh. Rõ ràng ta không mê muội ta không ngủ mơ. Rõ ràng ta đang tỉnh táo. Nhưng cái tỉnh táo trong chốn mù lòa dốt nát cũng vô tác dụng. Tỉnh như thế này cũng không thấy được đường ra”14. Cùng với dục vọng (tham), sân hận (sân), vô minh (si) là nguyên nhân của mọi đau khổ của kiếp nhân sinh. Chân lý đó được Siddhattha đốn ngộ, sau sáu năm tọa thiền dưới gốc bồ đề ở Boddhgaya, trở thành Đấng giác ngộ (Buddha). Savitri đã ở bên Siddhattha từ tiền kiếp, là một phần của Siddhattha. Nàng như một một bậc tiên giác thấu thị, thấu cảm được chân lý mà Siddhattha đã tuệ giác. Những “vùng mờ” được tạo nên một cách có ý thức trong tác phẩm, mang đến hiệu ứng thẩm mỹ, kích thích hứng thú người đọc.
Trong Lời bạt tuyển tập văn xuôi Hồ Anh Thái dịch sang tiếng Thụy Điển Bakom den Roda Dimman (Trong sương hồng hiện ra), Nhà xuất bản Tranan, Stockholm (2007), đã viết: “Trong tuyển tập này, độc giả sẽ tiếp xúc với những tác phẩm bộc lộ khả năng tưởng tượng táo bạo, ý thức rõ rệt đổi mới ngôn từ và hình thức biểu đạt văn chương, sự phản ứng trước những hình thức văn chương khô cứng của quá khứ… Hồ Anh Thái thực sự thành công trong việc kết hợp đặc điểm truyền thống, hình thức tự sự bằng ngôn ngữ, xen lẫn với ảnh hưởng phương Tây, ở liều lượng cân đối, từ lối kể chuyện rất gần gũi, giản dị đến những thiên trường ca siêu thực, nhẹ nhàng”15. Tác phẩm, nhờ đó được đông đảo công chúng Bắc Âu đón nhận.
Điểm lại một số ý kiến đánh giá, nhận xét về văn xuôi nghệ thuật Hồ Anh Thái của các nhà nghiên cứu, phê bình, công chúng yêu văn chương trên thế giới, giúp chúng ta hiểu được phần nào thị hiếu thẩm mỹ, tầm đón đợi của người đọc. Dù có khác biệt về văn hóa xã hội, quan điểm, lối sống, song ở mọi quốc gia, người đọc đều có nhu cầu giao tiếp, nhận thức, thẩm mỹ. Để có thể “xuất ngoại” tác phẩm của mình, nhà văn không thể không quan tâm thị hiếu, nhu cầu của người đọc. Ở nước ngoài, kết quả thăm dò dư luận người đọc về tác phẩm là cơ sở quan trọng để các nhà xuất bản quyết định có hay không nhận xuất bản cuốn sách. Theo Hồ Anh Thái “Thông thường một nhà xuất bản sẽ không ấn hành cuốn sách, nếu sức mua thăm dò được thấp hơn 5.000 bản”16.
4. Trong những thập niên gần đây, văn học đương đại Việt Nam đã được dịch, giới thiệu ở một số nước trên thế giới. Phần nhiều trong số đó đều nằm trong dự án, hoặc được hỗ trợ từ một ngân quỹ nào đó. Tác phẩm của một số nhà văn, như: Tô Hoài, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Đoàn Lê, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Thuần… được dịch ra tiếng Thụy Điển, Nhà xuất bản Tranan ấn hành, dưới sự bảo trợ của Quỹ SIDA – Cơ quan phát triển quốc tế của Thụy Điển, là một ví dụ. Tháng 12.2021 thơ và truyện ngắn của 50 nhà văn Ấn Độ, Việt Nam, được Nhà xuất bản Rajkamal Prakshan xuất bản song ngữ (Anh – Hindi) ở Ấn Độ, trong Hợp tuyển văn học Ấn Độ – Việt Nam (Confluence of Literature: India – Viettnam), trong đó có tác phẩm của 25 nhà văn đương đại Việt Nam. Đây là kết quả hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hội hữu nghị Ấn Độ – Việt Nam. Có một thực tế, theo Hồ Anh Thái, trên thế giới “các nhà xuất bản không hề nghĩ rằng văn học Việt Nam là một mỏ vàng, và những tác phẩm đã dịch, đã bày bán, không hề đắt như tôm tươi…
Sách Việt Nam mới được một số nhà xuất bản vừa và nhỏ ấn hành”17. Thay đổi thực tế đó là không dễ. Nó đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trước hết là mỗi nhà văn. Nhà văn không chỉ có ý thức, khát vọng hội nhập, mà còn phải có tài năng văn chương, khả năng kết nối. Việc sáng tác bằng ngôn ngữ thứ hai với các nhà văn Việt Nam là không dễ, thậm chí là không thể. Trên thế giới chưa có nhiều nhà văn thành công khi sử dụng ngôn ngữ thứ hai để sáng tác, ngay cả những tên tuổi lớn. Bởi vậy, để tác phẩm được “xuất ngoại”, tác giả phải nỗ lực kết nối, tìm người đại diện, tìm nhà xuất bản, nhà xuất bản sẽ tìm người dịch, tổ chức phát hành, truyền thông, quảng bá… Sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ, mạng Internet, xuất bản sách điện tử, phát hành online… mở ra nhiều cơ hội để nhà văn giới thiệu tác phẩm của mình ra ngoài lãnh thổ. Tuy nhiên, để khai thác những lợi thế đó, nhà văn phải có khả năng công nghệ, thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Những điều đó không ai thay thế được nhà văn.
Năm 2003, lần đầu tiên trong lịch sử, một hợp tuyển văn xuôi đương đại Việt Nam quy mô, bằng tiếng Anh Love After War (Tình yêu sau chiến tranh) được Nhà Xuất bản Curbstone Press (Mỹ) phát hành rộng rãi qua hệ thống phát hành và qua mạng Internet. Với 650 trang, hợp tuyển đã giới thiệu 50 truyện ngắn được tuyển chọn từ sáng tác của những nhà văn tên tuổi trong văn xuôi đương đại Việt Nam, như: Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Khải, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Kiên, Bảo Ninh, Ngô Thị Kim Cúc, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Triều Hải, Nguyễn Ngọc Tư…
Cuốn sách đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với công chúng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là giới nghiên cứu phê bình văn học Mỹ. Báo Ký sự San Francisco (Mỹ) bình chọn, đây là một trong 100 cuốn sách hay nhất năm 2003. Nhận xét về các tác phẩm, nữ nhà văn Gloria Emerson, người đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ (1978), viết: “Những truyện hay nhất của các nhà văn Việt Nam có thể làm sửng sốt và vui thú cho những ai vẫn còn nghĩ đến Việt Nam chỉ như một giai đoạn đầy bạo lực”18. Có chung quan điểm, Thời báo St. Petersburg (14.9.2003), viết: “Love After War là một tuyển tập văn xuôi sinh động của những tác giả mà tác phẩm xếp vào loại hay nhất của văn chương thế giới… Văn phong đẹp, Love After War cho thấy văn học Việt Nam, và cả đời sống ở đó, đang phát triển mạnh”19. Đây có thể xem là một dấu mốc trên hành trình hội nhập của văn học đương đại Việt Nam. Để tuyển tập Love After War ra đời, theo Hồ Anh Thái, ông và nhà văn – dịch giả Wayne Karlin (Mỹ), “đã tóm tắt nội dung gần 80 truyện ngắn. Sau đó nhà xuất bản chọn lấy 50 truyện của 50 tác giả, thuê người dịch và hiệu đính”20. Nhà xuất bản Curbstone Press – một nhà xuất bản phi lợi nhuận ở Mỹ, đã xuất bản tuyển tập, phát hành rộng rãi. Với tuyển tập Love After War, giới nghiên cứu văn học ở nước ngoài có cơ sở tin cậy để đánh giá tầm vóc của một khu vực văn xuôi còn xa lạ với thế giới; công chúng yêu văn chương có thêm cơ hội tìm hiểu, khám phá tâm hồn, tính cách con người Việt Nam thời hậu chiến.
Việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, theo Hồ Anh Thái, “không chỉ là chuyện của những người yêu văn chương. Đó là một trong những cách thức quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, một nỗ lực gây cảm tình để nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của bạn bè bên ngoài”21. Đó là nhận thức đúng đắn, sâu sắc, trong bối cảnh văn học đương đại Việt Nam đang nỗ lực hòa vào dòng chung của văn chương thế giới. Bằng tài năng, tâm huyết, hơn ba mươi năm qua, Hồ Anh Thái đã đóng góp không nhỏ cho quá trình hội nhập của văn học đương đại Việt Nam. Ông không chỉ là người sáng tạo mà còn là người kết nối, đại sứ văn học.
Trên hành trình hội nhập, không thể phủ nhận những lợi thế của Hồ Anh Thái so với nhiều nhà văn cùng thế hệ. Theo Dan Duffy, Hồ Anh Thái là “Nhà văn bẩm sinh mang gương mặt nhà ngoại giao”. Là nhà ngoại giao, ông có điều kiện để trải nghiệm nhiều không gian văn hóa, văn học trên thế giới. Tiếng Anh tinh thông, giúp ông kết nối, giao lưu với công chúng văn chương ở nhiều châu lục, đặc biệt là châu Âu, châu Mỹ. Không chỉ sáng tác, Hồ Anh Thái còn tham gia các diễn đàn văn học, dịch, hiệu đính bản dịch tiếng Anh tác phẩm của mình và của nhiều đồng nghiệp trong nước. Trên Tạp chí Banipal (tạp chí văn học Anh) số đặc biệt, kỷ niệm 15 năm tạp chí ra đời, ông nhận lời làm khách mời (guest writer)21. Đây là dịp để ông bày tỏ quan niệm văn chương, giúp người đọc ở nước Anh, có thêm thông tin tri thức, về văn hóa, văn học Việt Nam. Nếu tư chất, tài năng văn chương là thiên phú, thì vốn văn hóa, năng lực ngoại ngữ, kỹ năng kết nối, chỉ có được nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Hồ Anh Thái. Ông là người luôn trăn trở, có ý thức làm giàu vốn sống, sự trải nghiệm, vốn văn hóa. Nhờ đó, ông có được tự do trong tinh thần, trong tư tưởng, để tư duy, tưởng tượng. Từ góc nhìn đó, những thành công của Hồ Anh Thái trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa văn học, gợi mở nhiều vấn đề có ý nghĩa cho các nhà văn Việt Nam trên hành trình hội nhập, phát triển.
NGUYỄN VĂN HẠNH
——————
Chú thích:
1. Tagore, R. Collected Poems and Play, London, Macmillan & Col.TD, p. 195.
2. Nguyễn Minh Châu, Di cảo, Nxb Hà Nội, 2009, tr. 372.
3. Bộ Từ điển Tiểu sử Văn chương của nhà xuất bản Mỹ, Gale – Cengage Learning, đã ra đến tập thứ 348. (Dictionary of Literary Biography, Volume 328: Southeast Asian Writers).
4. Theo Tạp chí Danh mục sách, Đại học Tổng hợp Washington.
5. Tạp chí Bưu điện Jerusalem, 26.2.1999.
6, 8,10,12. Nhà xuất bản Đại học Washington 2001; Nhà xuất bản Silkworm 2004.
7. Nhà xuất bản L’Aube, Pháp, 1997 & 2001.
9. Thời báo Los Angeles,18.9.2001.
11. Nguyệt san New Gotham, 12.1998
13. Hồ Anh Thái, Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007, tr.10,
14. Sdd, tr. 12.
Dẫn theo Diệu Hường, báo Văn Nghệ, số 12, ngày 22.3.2008.
16,17.http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/con-duong-xuat-ngoai-cho-van-hoc-viet-nam-2136511.html.
18, 19, 20. https://nld.com.vn (3.3.2004).
21. Tạp chí Banipal mỗi năm ra ba kỳ, gồm 256 trang, do Hội đồng Nghệ thuật Anh (Arts Council England) cung cấp kinh phí.
Nguồn: https://vanhocsaigon.com/hoi-nhap-van-chuong-nhin-tu-hien-tuong-ho-anh-thai/