Với nghĩa cử cao đẹp của con người Việt Nam, “Thương người như thể thương thân” và cảm thấu những nỗi đau mà chất độc da cam để lại, Hội người Việt Nam tại Fukuoka (AVF) và Tổ chức Hội nghị liên lạc Hữu nghị và Hòa bình Nhật – Việt tại Fukuoka đã tổ chức thành công đêm nhạc gây quỹ từ thiện tại Fukuoka, Nhật Bản. Chương trình được bảo trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản.
Trong lịch sử đấu tranh dành độc lập của dân tộc Việt Nam, chúng ta có thể thấy cuộc kháng chiến chống Mỹ đối với dân tộc Việt Nam là cuộc kháng chiến cam go nhất, ác liệt nhất, để lại những nỗi đau nặng nề mà mãi đến tận bây giờ vẫn chưa thể nào hàn gắn được. Đây là cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người và đã để lại di chứng chất độc màu da cam đối với người dân Việt Nam. Đây cũng là lý do mà buổi hòa nhạc gây quỹ từ thiện giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam được tổ chức tại Fukuoka, Nhật Bản.
Chương trình đã thu hút đông đảo sự quan tâm của bà con Việt kiều đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản cũng như sự quan tâm của người dân Nhật Bản. Chương trình hoà nhạc bao gồm có 2 phần, phần thứ nhất, Ban tổ chức Báo cáo về tình trạng hiện tại của những nạn nhân chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam và tiếp đến là phần hòa nhạc do Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn.
Phát biểu tại chương trình, bà Ngô Mai Anh – Đại diện phụ trách Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka cho biết: “Ít có quốc gia nào trên thế giới phải chịu hậu quả chiến tranh nghiệt ngã như Việt Nam, khi nạn nhân của chất độc da cam, Dioxin không chỉ của một thế hệ, mà tiếp nối nhiều thế hệ. Tôi hy vọng quý vị sau khi tham dự sự kiện này sẽ có thêm sự cảm thông và chia sẻ với các nạn nhân chất độc da cam, việc làm của chúng ta hôm nay có lẽ sẽ góp phần mang lại hạnh phúc cho các nạn nhân. Tổng Lãnh sự quán khẳng định sẽ luôn luôn đồng hành, hỗ trợ, quan tâm tới các hoạt động từ thiện và đặc biệt đánh giá cao và chân thành cảm ơn Ban tổ chức: Hội giao lưu hòa bình hữu hảo Việt Nam – Nhật Bản và Hội người Việt Nam tại Fukuoka (AVF) đã tổ chức chương trình đầy ý nghĩa này”.
Với lịch sử hơn 20 năm của chương trình hòa nhạc và những hoạt động thiện nguyện xây dựng nhà cho các nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam, Ngài Masami Kajiwara, Trưởng Ban tổ chức tại Fukuoka và ông Nguyễn Duy Anh – Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka (AVF) đã có những chia sẻ về chương trình ý nghĩa này. Thông qua chương trình, Ban tổ chức cũng gửi lời cám ơn sâu sắc đến các thành viên trong Đoàn, cảm ơn anh Nguyễn Đức, các Nhà tài trợ hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức đã cùng chung tay ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam. Tất cả số tiền thu được từ buổi hòa nhạc 2022 được dùng để xây dựng “Ngôi nhà yêu thương” dành cho những nạn nhân chất độc màu da cam tại tỉnh Hà Giang.
Cũng trong chương trình này, có một nhân vật rất đặc biệt mà Ban tổ chức nói đến, đó là hình ảnh của anh Nguyễn Đức, một con người “phi thường” đã vượt lên sự nghiệt ngã của số phận do di chứng của chất độc màu da cam để lại. Anh không chỉ là người đã trở lại bình thường từ ca phẫu thuật kỳ tích mang tính lịch sử, bất chấp những khiếm khuyết trên cơ thể, anh vẫn luôn nỗ lực vượt qua mọi rào cản, hết mình cống hiến cho cộng đồng, bất chấp những khiếm khuyết về cơ thể. Tại Nhật Bản, anh đang là Đại sứ Hòa bình, giáo viên thỉnh giảng của đại học Quốc Tế Hiroshima kể từ năm 2017. Anh từng đến Nhật Bản hơn 50 lần để truyền cảm hứng cho người khuyết tật, học sinh, sinh viên và người dân ở đây. Lần này do đặc thù công việc nên anh đã không thể đến Nhật Bản trực tiếp để tham dự buổi nói chuyện được, nhưng thông qua kết nối cầu truyền hình trực tiếp anh đã gửi đến những người tham dự về những số liệu nạn nhân chất độc màu da cam, họ đang ngày đêm vật lộn với bệnh tật và cuộc sống mưu sinh của bản thân và gia đình. Anh cũng gửi lời cảm ơn đến Ban tổ chức và những người bạn Nhật Bản đã kêu gọi, quyên góp ủng hộ những nạn nhân chất độc màu da cam của Việt Nam và mong muốn chúng ta hãy chung tay, đoàn kết xây dựng một thế giới không có chiến tranh, hòa bình sẽ đến với tất cả mọi người.
Ông Nguyễn Duy Anh – Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka (AVF) cũng chia sẻ thêm : “Là những người con đất Việt, xa quên hương, đang học tập, làm việc tại nước ngoài khi nghe phía Nhật Bản sẽ tổ chức sự kiện hòa nhạc để ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam thì bản thân tôi thấy rất xúc động và cảm ơn những người Bạn Nhật Bản, luôn yêu Việt Nam và giúp đỡ Việt Nam. Trong một thời gian ngắn, Ban chấp hành Hội Người Việt Nam tại Fukuoka đã có những buổi họp bàn, cùng đồng hành tổ chức và kêu gọi bà con trong cộng đồng quảng bá chương trình hào nhạc, kêu gọi ủng hộ cho những nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam”.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của chất độc màu da cam để lại là nỗi đau khôn cùng với các nạn nhân. Với ý nghĩa thấm nhuần đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, chương trình hòa nhạc tại Fukuoka vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam của những người con xa Xứ tại Fukuoka, Nhật Bản hướng về quê hương, nguồn cội được xem như là điểm hẹn của những nghĩa cử cao đẹp vì đạo nghĩa, để toàn thể nhân dân Việt Nam cùng chung tay xoa dịu nỗi đau với những số phận bất hạnh, những số phận đã và đang phải chịu nỗi đau chất độc da cam do chiến tranh để lại.
Phạm Anh