Sáng 5/9, gần 20 triệu học sinh của 50 tỉnh, thành dự lễ khai giảng năm học 2021-2022 bằng nhiều hình thức trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình.
6h, Đinh Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Trần Đăng Ninh, quận Hà Đông (Hà Nội), đã mặc bộ đồng phục mới, đón chờ buổi khai giảng được phát sóng trên Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội lúc 7h30.
Đã lên lớp 4, Ngọc không còn bỡ ngỡ với ngày khai giảng, nhưng đây là lần đầu tiên ngồi nhà theo dõi buổi lễ trên tivi, sau đó chào cô và các bạn qua màn hình máy tính. Ngọc nhờ mẹ chỉnh lại quần áo, đầu tóc để “trông xinh nhất có thể”.
Đúng 7h30, khi tiếng nhạc Quốc ca vang lên, Ngọc đứng dậy, giơ tay chào cờ, nghe đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng dặn dò phải chăm chỉ học tập và giữ an toàn cho bản thân, gia đình. “Chưa bao giờ em dự lễ khai giảng đặc biệt thế này. Em mong chờ gặp lại các bạn, dù là qua màn hình”, Ngọc nói.
Giống như Ngọc, hơn 2 triệu học sinh Hà Nội cũng lần đầu tiên dự lễ khai giảng trực tuyến và qua truyền hình. Với hơn 3.700 ca Covid-19 trong đợt dịch thứ tư và đang giãn cách xã hội, Hà Nội chỉ tổ chức buổi lễ trực tiếp tại trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, với sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo thành phố, một vài giáo viên và hơn 20 học sinh. Buổi lễ được phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội.
Sau khoảng 45 phút tiếp sóng lễ khai giảng của truyền hình Hà Nội, trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, chiếu phim “Nhân kiệt thành cửa Bắc” để mở đầu cho phần hội trong chương trình riêng. Video “Đường về trường” được chiếu ngay sau đó như lời chia tay và hẹn gặp mà Ban giám hiệu dành tặng cho cựu học sinh khối 9.
Điểm nhấn của chương trình là trò chơi quizzi và quay số may mắn với sự tương tác của học sinh. Các em sẽ nhập mã, nhận câu hỏi và trả lời từ thiết bị điện tử của mình. Nếu trả lời đúng, các em sẽ được nhận quà. Chương trình được vận hành bởi ba cô giáo trong Ban giám hiệu, một vài kỹ thuật viên, kéo dài khoảng một tiếng. Hiệu trưởng Phạm Thị Hương Giang hy vọng học sinh toàn trường sẽ cùng vượt qua những thử thách học online sắp tới.
Là vùng dịch lớn nhất cả nước với gần 250.000 ca Covid-19, TP HCM dự kiến không tổ chức khai giảng. Đến hôm qua, thành phố lại quyết định tổ chức tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Buổi lễ ngắn gọn với khoảng 30 người tham dự.
Mở đầu buổi lễ, tất cả đại biểu dành một phút mặc niệm các nạn nhân tử vong vì Covid-19. Tiếp đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu đọc thư của Chủ tịch nước động viên giáo viên và học sinh cả nước nhân dịp năm học mới 2021-2022.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh thành phố đang đối diện thử thách lớn nhất do Covid-19. Dịch bệnh lan rộng khiến học sinh không thể đến trường, nhưng không ngăn cản học sinh trau dồi phẩm chất đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống và chinh phục tri thức. Các em sẽ làm công việc này qua hình thức học tập trên Internet, đài truyền hình, dẫu thời gian đầu sẽ bỡ ngỡ.
Ông Mãi cam kết, trong bối cảnh dịch bệnh, thành phố vẫn ưu tiên, xem giáo dục là thước đo của sự phát triển. Thành phố sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccnine cho tất cả giáo viên, nhân viên ngành giáo dục trước ngày 20/11, đồng thời đề xuất Bộ Y tế tiêm vaccine cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi. Thành phố sẽ hỗ trợ 100% học phí học kỳ I cho tất cả học sinh các cấp, kể cả công lập và ngoài công lập, đồng thời kêu gọi các trường có vốn đầu tư nước ngoài giảm học phí.
Ngành giáo dục TP HCM xác định học trực tuyến suốt học kỳ I, nhưng hơn 75.000 em không có điều kiện học bởi thiếu thiết bị, đường truyền hoặc không có người hỗ trợ. Ngoài ra, 6.600 học sinh khác mắc Covid-19, đang điều trị tại các khu cách ly hoặc tại nhà, nhiều em cha mẹ mất vì nhiễm bệnh.
Cùng với Hà Nội, TP HCM, hơn 20 tỉnh, thành khác, chủ yếu ở miền Trung và Nam cũng khai giảng trực tuyến và qua truyền hình, do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều trường đang là khu cách ly. Sau buổi lễ, hầu hết học sinh phải học trực tuyến.
Ghi nhận 5 ca Covid-19 trong đợt dịch thứ tư, hơn hai tháng qua không thêm ca mới, tỉnh Quảng Ninh cho phép các trường tổ chức khai giảng trực tiếp với nhiều biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách…
Tại trường THPT Hòn Gai, nữ sinh mặc áo dài, nam sinh mặc đồng phục áo trắng quần xanh, đeo khẩu trang, tề tựu ở sân trường từ 7h để chờ dự lễ. Được gặp nhau sau nhiều tháng nghỉ hè và nghỉ phòng dịch, các em tíu tít trò chuyện. “Em thấy may mắn khi được đến trường học. Năm ngoái em đạt học sinh giỏi, năm nay sẽ phấn đấu để đạt thành tích cao hơn”, Nguyễn Ngọc Lan, lớp 11B2 trường THPT Hòn Gai chia sẻ.
Trường THPT Hòn Gai năm nay đón nhận cơ sở mới khang trang, là công trình trọng điểm của Quảng Ninh. Hiệu phó Nguyễn Thị Tuyết Hồng chia sẻ: “Được làm việc, học tập trong ngôi trường thế này là niềm tự hào của tất cả thầy và trò. Trong khi nhiều đồng nghiệp phải khai giảng và học online, thầy trò chúng tôi được đến trường, gặp gỡ nhau một cách an toàn là vô cùng may mắn”.
Cô Hồng cũng như hàng triệu giáo viên cả nước mong muốn đại dịch được khống chế để cuộc sống trở lại bình thường, thầy và trò được đến trường.
Ngoài Quảng Ninh, hơn 20 địa phương, chủ yếu ở miền núi và trung du miền Bắc, cũng tổ chức khai giảng trực tiếp theo quy mô toàn trường hoặc từng lớp học. Học sinh, giáo viên được yêu cầu tuân thủ biện pháp chống dịch, nhiều nơi bắt buộc đeo khẩu trang suốt buổi lễ.
Số ca nhiễm không nhiều nhưng gần đây liên tiếp ghi nhận ca bệnh mới nên Quảng Bình, Cà Mau không tổ chức khai giảng. Nhiều tỉnh phía Nam như Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Đồng Nai và Hậu Giang sẽ khai giảng từ 13 đến 20/9, hiện chưa quyết định tổ chức theo hình thức nào vì còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh.
Cả nước có khoảng 23 triệu học sinh từ mầm non tới THPT, già nửa trong số đó đang sống ở 23 tỉnh thành giãn cách xã hội. Sau lễ khai giảng, các em sẽ phải học online, học qua truyền hình, thậm chí là phiếu bài tập. Với những địa phương dịch bệnh được kiểm soát, ngành giáo dục đang tận dụng “thời gian vàng” để dạy trực tiếp nội dung cốt lõi nhất.
Theo khung thời gian năm học 2021-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh sẽ kết thúc học kỳ I trước 16/1/2022, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước 25/5/2022 và kết thúc năm học trước 31/5/2022, tương tự mọi năm. Trường hợp dịch quá căng thẳng, đến 15/6 chưa thể kết thúc năm học, địa phương báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để có hướng dẫn sao cho đảm bảo an toàn phòng dịch và hoàn thành kế hoạch năm học.