Học hỏi người Nhật cách giữ ấm cơ thể vào mùa đông

22:16 | 21/01/2019

Mùa đông ở các nước Đông Á, trong đó có Nhật Bản thật sự rất khắc nghiệt. Vậy cư dân ơ xứ sở hoa anh đào giữ ấm cơ thể như thế nào để qua khỏi mùa giá rét, cùng xem những bí quyết dưới đây.


Ở Nhật, mùa đông là khoảng thời gian mà có khá nhiều những sự kiện thú vị diễn ra, như hẹn hò đêm Giáng Sinh, hòa mình vào lễ hội ánh sáng của từng địa phương hay tham gia vào các môn vận động mùa đông như trượt tuyết,… Vì vậy, những cư dân ở đất nước mặt trời mọc này luôn “thủ” sẵn những bí quyết giữ ấm cơ thể để có thể tận hưởng khoảng thời gian khắc nghiệt nhất trong năm này một cách vui vẻ và khỏe mạnh. Vậy người Nhật Bản giữ ấm cơ thể như thế nào để qua khỏi mùa giá rét, cùng xem những bí quyết dưới đây.

Quy tắc quan trọng nhất: Giữ ấm đầu và cổ

Vào mùa đông thì việc mặc quần áo dày và ấm ắt hẳn là việc mà ai cũng có thể dễ dàng nghĩ đến. Tuy nhiên, nếu chỉ chăm chú vào việc giữ ấm các cơ quan như tay chân, ngực hoặc lưng mà quên đi hai vùng quan trọng nhất là đầu và cổ thì bạn đang mắc phải sai lầm nghiêm trọng. Đầu và cổ đều là những cơ quan tập trung rất nhiều mạch máu, đặc biệt cổ còn là con đường vận chuyển o­xy duy nhất cho toàn cơ thể.

Đầu bị lạnh sẽ khiến toàn cơ thể lạnh theo, chưa kể đau nhức đầu lâu ngày có thể dẫn đến bệnh mãn tính. Nếu bạn chủ quan không giữ ấm cổ vào mùa lạnh sẽ dẫn đến các bệnh hô hấp như ho, viêm họng và các bệnh về đường hô hấp khác. Do đó, vào mùa đông hãy giữ ấm đầu và cổ thật kỹ bằng nón len, khăn quàng cổ,… Thường xuyên uống nước ấm cũng giúp cổ họng được bảo vệ an toàn hơn.

Bí quyết giữ ấm mùa đông quan trọng nhất của người Nhật là giữ ấm vùng đầu và cổ. (Ảnh: tieudungplus.vn)

Giữ ấm từ bên trong để tăng cường sức khỏe và sống thọ

Người Nhật rất quan trọng việc làm ấm cơ thể từ bên trong. Một trong những phương pháp tiêu biểu nhất là ngâm mình trong nước nóng. Phương pháp này không những làm ấm hữu hiệu mà còn giúp điều hòa sự lưu thông của các mạch máu, khiến da dẻ hồng hào, khỏe mạnh, tinh thần được thư giãn nên ngủ ngon hơn. Ngoài ngâm bồn, người Nhật cũng ưa chuộng phương pháp bấm huyệt, nhất là huyệt ở bàn tay hoặc ngâm chân trong nước nóng trước khi ngủ để kích thích sự tuần hoàn của các mạch máu, giúp nhiệt độ bên trong cơ thể được ổn định và sống thọ.

Tại Nhật Bản, có nhiều phòng xông hơi sauna được đặt trong các cơ sở suối nóng onsen hoặc trong các phòng tắm công cộng. Việc tắm xông hơi luôn thích hợp vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng sẽ thú vị hơn khi bạn tắm onsen vào mùa đông. Đây còn là một bí quyết chăm sóc sức khỏe chứ không đơn giản chỉ là giữ ấm trong mùa đông.

Giữ ấm cơ thể với các sản phẩm tiện ích

1. Bàn sưởi (Kotatsu)

Cấu tạo của một chiếc bàn kotatsu gồm 4 phần: 1 cái khung bàn gỗ (thường có 2 loại vuông hoặc chữ nhật); 1 thiết bị sưởi đặt ở giữa khung gỗ này, 1 tấm chăn dày và một mặt bàn dùng để đặt lên chăn và gắn cố định với phần khung gỗ phía dưới. (Ảnh: biggo.com.tw)

Kiểu bàn kotatsu là bàn gỗ phủ chăn dày, phía dưới có hệ thống sưởi. Sản phẩm này có nguồn gốc từ thế kỷ 14, được lắp đặt cố định. Trước đây, bàn chủ yếu sử dụng năng lượng bằng than. Hiện nay, bàn sử dụng sưởi điện, có thể di chuyển được. Các nhà thiết kế Nhật cũng sáng tạo thêm nhiều tiện ích cho mẫu bàn truyền thống. Các gia đình có thể sử dụng bàn này thành chỗ ngủ, nơi làm việc, bàn ăn, thậm chí là nơi tiếp đãi bạn bè thân thiết.

2. Máy sưởi

Mặc dù nhiều căn hộ và ngôi nhà hiện đại của Nhật có lắp hệ thống sưởi, máy sưởi vẫn rất được ưa chuộng. Bạn có thể dễ dàng di chuyển nó từ chỗ này sang chỗ khác và nó có rất nhiều kiểu dáng, mẫu mã đẹp mắt.

3. Máy làm ẩm

Giống như máy sưởi, máy làm ẩm có nhiều màu sắc, kích cỡ và hình dáng. Một số máy làm ẩm còn có khả năng diệt virus. Không khí mùa đông ở Nhật khá hanh khô, vì thế máy làm ẩm là không thể thiếu.

4. Thảm hoặc chăn sưởi điện

Ở nơi tiếp khách, phòng ngủ, phòng trà, người Nhật thường trải chiếu, ngồi trực tiếp xuống sàn. Vào mùa đông, nhiều gia đình thường mua thêm các loại thảm điện, chăn điện để đôi bàn chân luôn được ấm.

5. Chăn nhỏ (Hizakake)

Hizakake là những chiếc chăn nhỏ, tiện cho việc mang theo người để giữ ấm ở nhà hoặc khi đi làm, đi học. Chúng là giải pháp hoàn hảo cho những văn phòng không kín hoặc có hệ thống sưởi kém.

6. Tấm che cửa sổ, phim cách nhiệt

Dùng tấm cách nhiệt giữ ấm cho căn phòng là cách người Nhật không sợ mùa đông giá lạnh. (Ảnh: amazon.co.jp)

Để ngăn không khí lạnh vào phòng với những căn phòng nhỏ có cửa sổ như nhà tắm, người ta dùng những tấm che cửa sổ hoặc phim dán cách nhiệt. Rèm cửa dày cũng là cách thường được áp dụng.

7. Quần áo Heattech

Đây là một loại quần áo được nhãn hàng UNIQLO của Nhật thiết kế để giữ nhiệt, giúp bạn luôn cảm thấy ấm dù chỉ mặc một chiếc áo/quần/quần legging, v.v. rất mỏng.

8. Miếng dán giữ nhiệt

Những miếng dán này có thể được mua ở bất kỳ cửa hàng tiện lợi nào. Khi sử dụng, bạn đặt nó trong túi, găng tay hoặc giữa các lớp áo để giữ ấm trong khoảng 1 tiếng hoặc hơn tùy từng loại.

9. Quần tất dày

Quần tất là món đồ không bao giờ lỗi mốt ở Nhật ngay cả khi trời lạnh. Nhiều cửa hàng chuyên bán tất và quần tất dày dành cho mùa đông, thậm chí dày đến 200 denier (denier là đơn vị đo độ dày – 200 denier nghĩa là sợi dài 1,8 km, nặng 250 g).

Thực phẩm là vị “cứu tinh” vào mùa đông

Một số loại củ quả giúp tăng cường sức đề kháng như củ cải trắng, cà rốt, bí đỏ rất được ưa chuộng vào mùa đông. Một số món ăn sử dụng các loại nguyên liệu này như lẩu, Oden (một loại món hầm kiểu Nhật) đều trở thành nhân vật không thể thiếu trên bàn ăn của các gia đình Nhật Bản vào mùa đông. Món Nabe – lẩu của họ thường gồm nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt, cá, rau, v.v. nấu trong những nồi gốm có đáy dày.

Khi trời trở lạnh, các máy bán hàng tự động của Nhật bắt đầu bán đồ uống nóng, trong đó có lon súp ngô. Tuy không quá ngon nhưng những thứ đồ này rất dễ kiếm và giúp bạn giữ ấm khi chờ xe buýt hoặc tàu điện.

 

Tổng hợp

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả