Hoạt động Hành chính công ở Quảng Trị: Khẳng định vai trò phục vụ nhân dân

12:23 | 21/07/2025

Sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, nhiều Trung tâm phục vụ Hành chính công (dưới đây viết tắt là HCC) cấp xã, phường tại tỉnh Quảng Trị đã chính thức đi vào hoạt động. Sau hơn 2 tuần vận hành, các Trung tâm phải đối mặt với nhiều thách thức về cơ sở vật chất, nhân lực và quy trình vận hành. Song, vượt lên khó khăn, nhiều đơn vị đã cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận nhằm phục vụ người dân một cách hiệu quả và chuyên nghiệp.

Hoạt động HCC ở Quảng Trị sau sáp nhập

Vượt khó để khẳng định vai trò phục vụ dân

Tại phường Đồng Thuận, trong hơn 2 tuần vận hành HCC gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND phường, kiêm Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Những ngày đầu, thủ tục hành chính chưa đồng bộ, thiết bị máy móc phải tận dụng lại với cấu hình thấp, đường truyền mạng yếu, khiến công tác phục vụ người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều phòng làm việc không có kết nối internet, hồ sơ liên thông có phần chậm trễ, có trường hợp còn phải giải quyết thủ công. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ một cửa mới nhận nhiệm vụ còn bỡ ngỡ, chưa thuần thục với các thủ tục hành chính điện tử”.

Dẫu vậy, nhờ nỗ lực không ngừng, Trung tâm đã dần đi vào nề nếp, được người dân ghi nhận bởi sự phục vụ nhanh gọn, tận tình. Chị Nguyễn Thị Lê – một người dân phường Đồng Thuận cho biết: “Tôi lên Trung tâm đăng ký lại giấy khai sinh, tại đây cán bộ tiếp nhận hồ sơ niềm nở, hướng dẫn tận tình, trong 2 ngày, hồ sơ của tôi được giải quyết và trả kết quả. Tôi rất hài lòng với dịch vụ công của phường Đồng Thuận”.

HCC xã Ninh Châu đang từng bước khắc phục những hạn chế ban đầu để nâng cao chất lượng phục vụ. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Nhì – Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Giám đốc Trung tâm cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của Trung tâm là cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu, như máy bấm số tự động hay máy tra cứu hồ sơ điện tử,… Điều này ảnh hưởng đến tốc độ và hiệu quả giao dịch. Chúng tôi đang chủ động tìm giải pháp để bổ sung, hoàn thiện. Ngoài ra, các thủ tục liên quan đến ngành công an, khi công an rút khỏi HCC xã và chuyển về trụ sở công an ở xã Hải Ninh cũ, xa trung tâm khiến người dân phải đi xa, gây bất tiện trong việc thực hiện giao dịch”.

Một vấn đề nan giải khác mà ông Nhì chia sẻ thêm là thẩm quyền ký công chứng, chứng thực: “Việc ký công chứng, chứng thực được giao cho Phó Chủ tịch UBND kiêm Giám đốc TTPVHCC. Khi vắng mặt, Chủ tịch phải trực tiếp ký thay, dẫn đến PCT ủy ban phụ trách phải túc trực ở cơ quan để ký hồ sơ, không có thời gian làm việc lĩnh vực được giao. Chưa kể những lúc đi họp hay đi cơ sở hoặc xin nghỉ có việc riêng,…, thì thời gian xử lý hồ sơ của dân bị kéo dài do phải chờ đợi lãnh đạo ký, việc này gây trở ngại lớn cho người dân đến giao dịch tại Trung tâm. Việc này chúng tôi đã kiến nghị cấp trên xem xét ủy quyền cho Văn phòng ủy ban hoặc Phó Giám đốc Trung tâm, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức”.

Mặc dù mới vận hành Trung tâm, bước đầu còn nhiều bỡ ngỡ, thiếu chuyên nghiệp, thiếu nhiều thứ nhưng với tinh thần làm việc hết mình, Trung tâm được người dân đánh giá cao nhờ vào phong cách phục vụ.

Công dân Hoàng Văn Giao ở phường Đồng Sơn hài lòng với dịch vụ HCC sau sáp nhập

Còn tại xã Lệ Thủy, tận dụng được cơ sở hạ tầng từ của UBND huyện Lệ Thủy cũ, TTPVHCC xã Lệ Thủy sớm đi vào ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Giám đốc TTPVHCCcho biết: “Mặc dù thừa kế lại cơ sở vật chất, tuy nhiên không gian làm việc vẫn còn chật, nhiều thủ tục hành chính chưa được cập nhật đầy đủ trên nền tảng điện tử, gây lúng túng trong quá trình giải quyết hồ sơ. Trung tâm hiện cũng chưa có máy bấm số nên việc điều phối người dân còn gặp khó. Dẫu vậy, với đội ngũ cán bộ được bố trí hợp lý, Trung tâm vận hành hiệu quả. Người dân đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự tận tình của đội ngũ tiếp nhận hồ sơ”.

TTPVHCC ở nhiều xã, phường hoạt động chuyên nghiệp

Một ngày thứ 6 cuối tuần, phóng viên có dịp ghi nhận thực tế tại HCC phường Bắc Gianh, tại đây ấn tượng bởi sự đầu tư về cơ sở vật chất và một quyết tâm cải tiến cao của tập thể Trung tâm. Dù sử dụng lại trụ sở cũ của phường  Quảng Thọ cũ, nhưng Trung tâm đã cải tạo, mở rộng không gian và trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết như máy bấm số, màn hình hiển thị, máy scan, máy photocopy,… Hệ thống mạng cũng được nâng cấp để đảm bảo vận hành ổn định.

Bà Trần Ngọc Hương – Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Gianh kiêm Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Mặc dù kinh phí hạn chế, nhưng chúng tôi sẵn sàng ‘mua nợ’ thiết bị để phục vụ tốt nhất cho người dân. Các thủ tục công chứng, chứng thực tôi thường trực tiếp ký tại chỗ, hạn chế tối đa việc để hồ sơ tồn đọng. Trung tâm còn được đánh giá cao nhờ ứng dụng tốt công nghệ, toàn bộ quy trình hành chính được QR hóa, giúp người dân dễ dàng tra cứu và thực hiện thủ tục”.

Bà Trần Ngọc Hương – Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Giang (ngoài cùng bên phải) trao giấy đăng ký kết hôn cho cặp đôi mới làm xong thủ tục tại TTPVHCC phường

Sau nửa tháng hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết hơn 738 lượt hồ sơ, trong đó đã giải quyết được 466 trường hợp và đang giải quyết 272 trường hợp, chủ yếu trong các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, đất đai và chính sách bảo trợ xã hội.”

Còn tại xã Nam Gianh, mặc dù các cán bộ HCC làm việc trong cơ sở vật chất chật hẹp, nhưng với tinh thần làm việc trách nhiệm, thiết bị máy móc đảm bảo, công việc hành chính công tại đây diễn ra thuận lợi, người dân đến giao dịch hài lòng. Thời điểm phóng viên ghi nhận hình ảnh, lúc này là 11h00 ngày 18/07/2025, vẫn còn rất nhiều người dân giao dịch tại Trung tâm.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Viết Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Nam Gianh kiêm Giám đốc HCC cho biết: “Về cơ bản, cơ sở vật chất của trung tâm đã đầy đủ. Tuy nhiên, các máy móc hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu cấu hình cao do tái sử dụng. Trung tâm đang đề xuất thay thế máy mới để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân. Bên cạnh đó, thiết bị chưa đồng bộ; một số lĩnh vực chưa có công chức chuyên trách, dẫn đến cán bộ kiêm nhiệm bị quá tải”.

Ngoài ra, việc người dân còn hạn chế trong việc sử dụng điện thoại thông minh và ứng dụng VNeID gây khó khăn trong một số thủ tục nộp hồ sơ trực tuyến, nhất là với người lớn tuổi. Dù vậy, với tinh thần chủ động, đơn vị vẫn cố gắng sắp xếp nhân sự hợp lý, linh hoạt hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử, đồng thời tận dụng tối đa cơ sở vật chất sẵn có để phục vụ người dân nhanh chóng, hạn chế phát sinh phiền hà” – ông Dũng chia sẻ thêm.

Thực tế tại các Trung tâm HCC cấp xã/phường sau sáp nhập cho thấy một bức tranh nhiều màu sắc, có nơi đã vận hành trơn tru, có nơi còn lúng túng và thiếu thốn. Nhưng điểm chung là sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Để các Trung tâm thực sự phát huy hiệu quả, ngoài nỗ lực từ địa phương, rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ cấp trên về cơ chế, kinh phí đầu tư và hướng dẫn thống nhất. Có như vậy, hành trình cải cách hành chính mới thật sự về đích, ghi dấu ấn của chính quyền 2 cấp sau sát nhập

Minh Tâm


Cùng chuyên mục

Ngân hàng CSXH Cư M’gar ký hợp đồng ủy thác với các Tổ chức chính trị – xã hội

Ngân hàng CSXH Cư M’gar ký hợp đồng ủy thác với các Tổ chức chính trị – xã hội

Tính tất yếu phát huy vai trò của thanh niên quân đội trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội hiện đại

Tính tất yếu phát huy vai trò của thanh niên quân đội trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội hiện đại

Vũng Tàu đón sóng tri thức: Hội nghị Khoa học dược Nhà thuốc TP.HCM mở rộng lần III – 2025

Vũng Tàu đón sóng tri thức: Hội nghị Khoa học dược Nhà thuốc TP.HCM mở rộng lần III – 2025

Làn sóng khởi nghiệp lần thứ hai – Hội tụ Trí tuệ và Kinh nghiệm

Làn sóng khởi nghiệp lần thứ hai – Hội tụ Trí tuệ và Kinh nghiệm

Nhà báo Giàng Nhả Trần – tìm những nẻo đời

Nhà báo Giàng Nhả Trần – tìm những nẻo đời

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Krông Nô: Đảm bảo thông suốt hoạt động tín dụng sau sáp nhập

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Krông Nô: Đảm bảo thông suốt hoạt động tín dụng sau sáp nhập

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk: Tiếp tục khẳng định vai trò “Ngân hàng vì người nghèo” sau sáp nhập

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk: Tiếp tục khẳng định vai trò “Ngân hàng vì người nghèo” sau sáp nhập

Ngày đầu làm việc ở Trung tâm phục vụ Hành chính công xã Hoàng Vân, tỉnh Bắc Ninh: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn

Ngày đầu làm việc ở Trung tâm phục vụ Hành chính công xã Hoàng Vân, tỉnh Bắc Ninh: Gần dân, sát dân để phục vụ tốt hơn

Lạng Sơn: Đón nhận danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn”

Lạng Sơn: Đón nhận danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn”