Khi hoàng đế Trung Hoa qua đời, một trong những hủ tục mai táng tàn nhẫn nhất mà đến nay người nghe vẫn thấy rợn người, đó là chôn sống người theo hoàng đế, gọi là “tuẫn táng” hay “bồi táng”.
Hủ tục này ở Trung Hoa xuất phát từ quan niệm tuẫn táng là để đảm bảo rằng khi hoàng đế sang thế giới bên kia vẫn có người hầu kẻ hạ như lúc sinh thời hoặc dùng để trấn yểm.
Theo bằng chứng hiện có, tuẫn táng phổ biến vào thời Thương, Chu. Trong hơn chục ngôi mộ cổ được khai quật ở Ân Khư, di tích kinh đô của nhà Thương (Ân), chỉ tính riêng người bồi táng đã có hơn 5.000 người.
Thời Tần Thủy Hoàng bắt đầu dùng người hầu thay thế cho các phi tần nhưng không có nghĩa là tục tuẫn táng các phi tần dừng lại ở thời điểm này. Đến triều Thanh, khi Hoàng đế Thuận Trị qua đời, chỉ tính riêng phi tần cung nữ bị tuẫn táng đã có hơn 30 người. Nhìn thấy cảnh này, Khang Hi đã ra lệnh bãi bỏ chế độ tuẫn táng.
Ở Trung Quốc cổ đại có hai cách tuẫn táng, thứ nhất là chôn sau khi chết, thứ hai tàn nhẫn hơn, đó là chôn khi những người đó vẫn còn sống.
Nhà văn đời Thanh Viên Mai từng ghi chép lại một phương thức bồi táng tàn nhẫn nhất là người tuẫn táng vẫn còn sống, dùng đinh đóng lên tường, để cho họ chết dần trong lăng mộ (theo Baidu).
Ngoài ra, còn một phương thức khác vô cùng man rợ là trói tay chân người bị tuẫn táng, đặt theo tư thế nhất định, rồi chôn sống.
Khoảng thời gian chờ chết có lẽ rất khủng khiếp, cho nên thường người tuẫn táng yêu cầu được chết trước khi đem chôn.
Câu hỏi đặt ra là, nếu có những người phải chôn sống theo hoàng đế thì rốt cục họ sống được bao lâu trong lăng mộ đó?
Theo Sohu, trong lăng mộ đã bố trí sẵn một số người làm nhiệm vụ “kết liễu” những người bị tuẫn táng khi họ được đưa vào lăng mộ. Cho nên rất hiếm xảy ra tình huống người tuẫn táng ở trong lăng mộ chờ chết.
Cũng có ý kiến cho rằng, nếu có trường hợp người tuẫn táng vẫn còn sống trong lăng mộ và số người tuẫn táng không quá 18 người thì có thể sẽ sống sót khoảng ba ngày, chỉ có điều cuộc sống ba ngày đó không khác gì địa ngục.
Nếu số người tuẫn táng từ 18 đến 56 người, thì trong mộ sẽ thiếu oxy, nên thời gian sống nhiều nhất có lẽ chỉ một ngày.
Nói chung những người bị sắp xếp vào đây thường là nô lệ. Vì địa vị kẻ hầu người hạ khi đó rất thấp. Kẻ cầm quyền gần như không bận tâm đến sự sống cái chết của họ.
Các nhà khảo cổ từng phát hiện một ngôi mộ thời Thương tại An Dương, Hà Nam, Trung Quốc với cảnh tượng trong ngôi mộ có thể nói là vô cùng bi thảm.
Trong ngôi mộ đó, những người tuẫn táng nằm ở dưới đáy, sau đó lấp đất làm nền. Sau khi mọi thứ đã sẵn sàng, mới đem chủ nhân ngôi mộ vào chôn cất.
Một số phi tần cần được chôn theo hoàng đế thì sẽ được thưởng lụa trắng hoặc rượu độc. Cho nên khi hoàng đế băng hà, hậu cung khóc lóc thảm thiết. Không phải họ khóc cho cái chết của hoàng đế, mà khóc cho cái chết của chính mình.
Khi Chu Nguyên Chương qua đời, có đến 46 phi tần bị bồi táng. Tất cả đều được cho chết trước bằng cách đổ thủy ngân rồi mới chôn, vì việc này giữ cho thi hài không bị phân hủy trong thời gian dài.
Chắc hẳn khi xem phim “Diên Hi công lược”, chúng ta cũng ấn tượng sâu sắc với nhân vật Ngụy Anh Lạc. Nguyên mẫu của Ngụy Anh Lạc là Ngụy Giai Thị (mẫu hậu của hoàng đế Gia Khánh), khi còn sống được Càn Long rất sủng ái. Trong vòng 10 năm bà sinh 6 người con. Bà còn là hoàng hậu duy nhất dưới triều Thanh mang dòng máu Hán. Khi bà qua đời, bà được phong Hiếu Nghi hoàng hậu.
Khi vào Thanh Dụ lăng (lăng hoàng đế Càn Long), người ta đã kinh ngạc khi phát hiện ra thi thể của Ngụy Giai Thị gần như nguyên vẹn, chưa bị phân hủy. Điều này cho thấy Lệnh phi đã bị đổ thủy ngân. Nhiều giả thiết cho rằng người hạ độc Lệnh phi chính là hoàng đế Càn Long nhưng sự thật thế nào thì đến nay vẫn còn là bí ẩn.
Theo DanViet