Hoàng Châu Ký và những công trình nghiên cứu đặc sắc về nghệ thuật tuồng

23:38 | 04/11/2018

Hoàng Châu Ký sinh năm 1921 tại xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn, nhưng quê gốc ở Hội An, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình Nho giáo, được nuôi dưỡng, lớn lên trong chiếc nôi nghệ thuật. Ông đúng là một người Quảng Nam thuần khiết.


Quế Sơn quê ông đều ẩn chứa những đặc điểm của tiểu vùng văn hóa Quảng Nam. Mặc khác, Quế Sơn còn có gánh hát tuồng nổi tiếng Đức Giáo – “Đức Giáo vô địa lập chùy, dĩ xướng ca vi nghệ” là gánh hát hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp sản sinh nhiều nghệ sĩ tuồng tài danh, góp phần cùng với các gánh hát Bầu Toa, Khánh Thọ… khẳng định một dòng tuồng Quảng Nam với những đặc điểm riêng đặc sắc. Thân sinh Giáo sư Hoàng Châu Ký là người có kiến thức sâu rộng về triết học và văn học cổ Trung Hoa, Hoàng Châu Ký học chữ Hán, chữ Nôm từ cha mình, học tiếng Pháp ở nhà trường. Có lẽ vì thế mà ông có điều kiện để có khả năng sử dụng sinh ngữ và am hiểu cả hai nền văn hóa Đông – Tây.

Tắm mình trong truyền thống cách mạng của quê hương, Hoàng Châu Ký đã sớm giác ngộ cách mạng. Ông vào Đảng từ năm 1942, bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hòa Lò năm 1943, sau đó di lí về nhà lao Quảng Nam. Năm 1945, ông đảm đương nhiệm vụ Trưởng ban Bao động cướp chính quyền khu mỏ Nông Sơn và các xã lân cận. Sau khi cướp chính quyền, ông là Phó bí thư rồi Bí thư huyện ủy huyện Quế Sơn kiêm Chủ tịch Việt Minh huyện. Từ năm 1946 đến 1951 ông giữ nhiều chức vụ như: Ủy viên thường vụ ủy ban Việt Minh, Bí thư Huyện ủy huyện Tiên Phước, Bí thư Đặc khu Hoàng Văn Thụ, Phó ban Tuyên huấn tỉnh ủy Quảng Nam, Ủy viên thường vụ Chi hội văn hóa Quảng Nam (thực chất là lãnh đạo tổ chức này)…. Từ năm 1952 đến trước ngày tập kết ra Bắc, ông công tác ở Tiểu ban văn nghệ, báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V… đặc biệt, cuối thời gian này ông được giao nhiệm vụ xây dựng Đoàn Tuồng Liên khu V và sau đó là Đoàn Ca kịch bài chòi liên khu V

Tập kết ra Bắc năm 1954, Hoàng Châu Ký được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Đảng Đoàn và là Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Từ năm 1960 đến 1965, ông là Hiệu trưởng trường Ca kịch dân tộc Việt Nam, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam. Thời gian sau đó, ông đảm đương nhiệm vụ Phó ban nghiên cứu Sân khấu Bộ Văn hóa, Ủy viên thường trực Viện nghiên cứu nghệ thuật. Đến ngày đất nước thống nhất, ông về làm Hiệu trưởng trường Lý luận nghiệp vụ khu vực Trung Trung Bộ rồi lại chuyển ra Hà Nội làm Viện trưởng Viện Sân khấu Việt Nam.

Về hưu, Giáo sư Hoàng Châu Ký trở lại quê hương, vẫn tham gia hoạt động xã hội tích cực, là Phó chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh QN-ĐN, sau khi tách tỉnh là Phó chủ tịch ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử thành phố, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ Nghệ thuật Tuồng cho đến ngày ông mất…

Có thể nói, trọn cuộc đời GS Hoàng Châu Ký là một công dân tâm huyết, gắn bó với quê hương, với đất nước. Ông không từ nan bất cứ nhiệm vụ gì khi tổ chức giao phó. Giáo sư, nhà nghiên cứu Trường Lưu viết: “Hoàng Châu Ký, đấy là con người đầy bản lĩnh và tự tin, tài hoa và tài năng toàn diện… ông để lại cho đời hai bài học đích đáng:

1. Niềm vinh quan lớn nhất của đời người là sự cống hiến hết lòng cho một sự nghiệp và mình đam mê, và chính lòng đam mê đã mang lại thành công cho ông nhiều mặt khi sống thủy chung với nghệ thuật Tuồng.

2. Vượt qua cái thường tình trên bước đường công danh, quyền lực để dấn thân vào sự nghiệp mà mình đam mê từng nếm trải lao tù của thực dân Pháp, từng giữ vai trò quan trọng trong nhiều cấp ủy, nếu không say mê nghệ thuật tuồng, có lẽ Hoàng Châu Ký đã là một nhân vật cấp cao của đất nước. Ấy thế mà con người này từ khá sớm đã chọn con đường tiến thân bằng tâm huyết và tình yêu nghệ thuật Tuồng”.

Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ XX, nghệ thuật sân khấu dân tộc  bước vào giai đoạn hưng thịnh. Với tư cách là Hiệu trưởng của Trường Ca kịch dân tộc, Hoàng Châu Ký đã tổ chức một cuộc chấn hưng rầm rộ. Ông đi khắp các tỉnh, thành, mời các nghệ sĩ nổi tiếng, các bậc thầy sân khấu về Hà Nội. Về Tuồng, có ông cả Tùng, bà Cả Tề, ông Sáu đen, bà Bạch Trà, ông Quang Tốn cùng với một số nghệ sĩ từ trong Nam ra như Đội Tảo, Mười Chương, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Lai, Phó Sơn, Minh Đức, Vĩnh Phô, Tư Bửu, Đinh Quả, Hồ Hữu Có, Võ Sĩ Thừa, Đình Bôi…… Về chèo, có ông Trùm Thịnh, bà Cả Tam, vợ chồng ông Năm Ngũ…. Về cải lương có Ba Du, Tám Danh, Cả Bằng, Năm Bá…

Các tác gia, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ như Phạm Phú Tiết, Tống Phước Phổ, Mịch Quang, Nguyễn Văn Bằng, Lê Yên, Kính Dân, Dũng Hiệp, Đình Phong, Lê Cường, Nguyễn Viết… Một không khí hồ hởi, phấn khởi chưa từng có. Thầy dạy học trò từng vai, từng vở diễn theo lối truyền nghề phương Đông. Ban ngày dạy, ban đêm, mỗi người theo trí nhớ của mình đọc lại, ghi lại từng câu rồi nối lại để khôi phục những kịch bản Tuồng.

Có một sự trùng hợp rất thú vị trong giai đoạn sôi động này của ngành tuồng là nửa sau những năm 60, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất – mùa hè 1967 – Tỉnh ủy Quảng Nam có quyết định thành lập Đoàn tuồng giải phóng Quảng Nam. Một đoàn nghệ thuật, lại là đoàn tuồng ra đời, hoạt động và trưởng thành ngay giữa chiến trường ác liệt và từ đầu những năm 70, đoàn được ra Bắc đào tạo. Được GS Hoàng Châu Ký, các nghệ sĩ bậc thầy của Quảng Nam cùng với Bình Định tận tâm chăm sóc và tham gia xây dựng đoàn.

Có thể nói từ sau năm 1954 là thời kỳ rực rỡ nhất của nghệ thuật sân khấu dân tộc. Xét về bối cảnh xã hội, trước tiên là chủ trương đúng đắn của Đảng và biện pháp triển khai thực hiện có hiệu quả của cơ quan chức năng (Bác Hồ đã nhiều lần cho mời các đoàn tuồng, chèo lên biểu diễn phục vụ công tác đối ngoại: Bộ trưởng Bộ Văn hóa lúc đó ông Hoàng Minh Giám, là một trí thức lớn rất quan tâm tới tuồng…).

Đối với các nghệ sĩ thì đó là niềm hạnh phúc tột bậc khi họ lại được hành nghề. Còn đối với công chúng, họ đón nhận các đêm diễn với tâm trạng vui sướng sau những ngày không khí có phần nặng nề, u ám… Đây cũng là thời kỳ gắn liền với tên tuổi Hoàng Châu Ký. Công lao của cả một thế hệ tâm huyết, nhiệt huyết, nhưng không thể thừa nhận vai trò hàng đầu, của ông Hoàng Châu Ký là người chủ xướng, là người tập hợp đội ngũ, là nhà tổ chức, là người lãnh đạo được các nghệ sĩ tin tưởng, các đồng nghiệp trân trọng sẵn lòng hợp tác.

Nhưng từ cuối thập niên 1980 trở lại đây, sân khấu dân tộc không còn sáng đèn, một phần vì lý do khách quan, có cả lý do chủ quan, kể cả những lý do nội tại. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mặc dù chủ trương đúng nhưng trước tình hình thực tế hiện nay, tuồng đang lâm vào hoàn cảnh suy thoái, đòi hỏi phải có nhiều biện pháp cấp bách. Nghỉ hưu, về quê ông vận động và sát cánh cùng ông Phạm Đức Nam – nguyên Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành lập Ban nghiên cứu tuồng của tỉnh, Hội bảo trợ nghệ thuật tuồng của tỉnh và thành phố sau này, hỗ trợ đắc lực và có hiệu quả cho nhà hát tuồng cũng như phong trào tuồng của tỉnh, thành phố. Ông và ông Nam kiên trì kiến nghị với lãnh đạo tỉnh quyết định thành lập nhà hát tuồng mang tên Nguyễn Hiển Dĩnh

Sớm nhận thức tuồng là viên ngọc quý, sớm ý thức lẽ thịnh suy, trong phạm vi một cá nhân, Giáo sư Hoàng Châu Ký đã làm hết sức mình để giữ gìn viên ngọc quý này cho dân tộc. Các hoạt động (và thành tựu) đối với tuồng của ông bao gồm những nội dung chủ yếu dưới đây:

1. Trực tiếp thực hiện chủ trương của Khu ủy Khu V khôi phục lại nghệ thuật tuồng vốn đã mai một trong kháng chiến chống Pháp, một mặt do hoàn cảnh chiến tranh, mặt khác do nhận thức sai lệch của không ít cán bộ đảng viên, cho tuồng là sản phẩm phong kiến. Ông là “kiến trúc sư”, là “tổng tư lệnh” trong công cuộc chấn hưng nghệ thuật sân khấu dân tộc (tuồng, chèo, cải lương, ca kịch) trong những năm 60 của thế kỷ trước ở miền Bắc.

2. Về công tác lý luận, với những bài giảng và hàng trăm bài báo, tham luận, ông là người đầu tiên trong lịch sử nước nhà soạn thảo, chủ biên một số công trình có giá trị trong đó có “Tuồng Quảng Nam. Là một Ủy viên Ban sân khấu, Ban Biên tập từ điển Bách khoa Việt Nam, ông trực tiếp tham soạn thảo phần sân khấu, chủ biên Tổng tập văn học Việt Nam, tham gia thực hiện từ điển nghệ thuật hát bộ Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Lộc chủ biên, đúc kết thành những chuyên khảo như nghệ thuật tuồng cung đình, Giá trị của vở tuồng Nghêu Sò Ốc Hến… Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều bút ký được bạn đọc chú ý (tập hồi ký những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, đồng tác giả tập bút ký Đây miền Trung)… Ông cũng là “Người đặt nền móng cho công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu lý luận sân khấu đầu tiên của Việt Nam” (theo Nhà báo Đặng Đức Duy)

3. Với tư cách đạo diễn, Hoàng Châu Ký đã dàn dựng rất nhiều vở tuồng cho các nhà hát, các đoàn tuồng trong cả nước.

4. Là một nhà nghiên cứu, một nhà lý luận, một đạo diễn, một người thầy, một người sáng tác, ông đã viết và chỉnh lý hơn hai chục vở tuồng, soạn thảo nhiều công trình nghiên cứu sân khấu. Riêng về lĩnh vực nghiên cứu, đáng kể nhất là bộ ba tác phẩm.

– Sơ khảo lịch sử nghệ thuật Tuồng (NXB Văn hóa 1973)

– Những quy tắc cơ bản của nghệ thuật biên kịch tuồng (in trong Tuyển tập Hoàng Châu Ký, NXB Đà Nẵng, 2002)

– Những quy tắc cơ bản của nghệ thuật biểu diễn tuồng (in trong Tuyển tập Hoàng Châu Ký, NXB Đà Nẵng, 2002)

SƠ KHẢO LỊCH SỬ NGHỆ THUẬT TUỒNG

“Một người dân có văn hóa không thể không hiểu lịch sử dân tộc mình, một người làm sân khấu cũng không thể không có những ý thức rõ ràng về nguồn gốc nghệ thuật của sân khấu dân tộc”. Suy nghĩ về văn hóa như vậy, Hoàng Châu Ký tự mình cất bước đi tìm cái “bổn lai diện mục” của tuồng Việt Nam. Đây là một hành trình đầy khó khăn, hành trình của một chàng Don Quixote, bởi chính sử, dã sử, các loại “kí”, “lục”, các truyền thuyết, lễ hội dân gian, gia phả… đều hầu như không (hoặc rất ít rất sơ lược) tiếp cận nội dung này.

Thật ra, tiền nhân và vài học giả cùng thời cũng đã đề cập tới tuồng (và chèo) trong đời sống xã hội Việt Nam, hoặc rải rác trong một số bộ sách (Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, kiến văn tiểu lục, Vũ trung tùy bút, Sơ khảo lịch sử Việt Nam, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam…) hoặc trọn vẹn trong một tác phẩm, một chuyên đề nghiên cứu (về nguồn gốc, và lịch sử tuồng, chèo của Trần Quốc Vượng và Đinh Xuân Lâm; Nghệ thuật tuồng của Mịch Quang…)

Tuy nhiên, nhìn chung thì các kiến giải ở các tác phẩm đó ít nhiều còn sơ lược, ít thuyết phục hoặc giả khác biệt nhau. Trần Quốc Vượng và Đinh Xuân Lâm cho rằng, nghệ thuật sân khấu nước ta đã có từ trước thời Lý, Trần và đến Lý, Trần thì đã chuyên nghiệp. Trong khi Mịch Quang lại nhận định rằng, tuồng hình thành và hoàn chỉnh từ thời Lê; còn Hồ Lãng thì cho rằng, tuồng chỉ có thể có từ thế kỷ XVIII; theo Văn Tân “Tuồng là nghệ thuật sân khấu cổ của Trung Quốc truyền vào Việt Nam”….

Trước tình hình phức tạp như vậy, một công trình nghiên cứu như Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng đã tạo nên cột mốc cho lịch sử nghiên cứu tuồng.

NHỮNG QUY TẮC CƠ BẢN CỦA NGHỆ THUẬT TUỒNG

Đây là tác phẩm rất quan trọng, có thể xem như một giáo trình dạy diễn viên tuồng những điểm cốt yếu khi học, khi biểu diễn.

Thành tựu nghệ thuật sân khấu thế giới đương đại gắn liền với hai tên tuổi lớn, cũng là hai trường phái biểu diễn có khuynh hướng đối lập nhau: đó là sân khấu thể nghiệm của Stanilapski và sân khấu gián cách của Bertolt Brecht. Nếu như Stanlapski chủ trương người diễn viên phải nhập vai, phải hóa thân vào vai diễn, thì ngược lại Bertolt Brecht lại yêu cầu người diễn viên phải ý thức mình đang đóng vai kịch, dùng hết khả năng ngoại hình của mình để biểu hiện vai kịch.

Vậy thì, nghệ thuật biểu diển tuồng theo trường phái nào? Hoàng Châu Ký cho rằng, hai trường phái nói trên là hai cực của một chỉnh thể. Nghệ thuật biểu diễn tuồng thuộc loại nghệ thuật biểu hiện, tức là dùng kĩ thuật ngoại hình để biểu hiện nhân vật. Tác phẩm đi sâu phân tích phương thức biểu diễn mô hình hóa của nghệ thuật biểu diễn tuồng. Tuy nhiên, với sân khấu tuồng, không gian và thời gian đều chỉ là ước lệ, do đó có những yêu cầu biểu diễn khá cao đối với diễn viên…

Tóm lại, giống như tác phẩm bàn về biên kịch, đây là cuốn sách mang tính giáo khoa trình bày những kiến thức cơ bản duy nhất về nghệ thuật tuồng mà những người làm nghề, những người quan tâm tới tuồng, tới nghệ thuật sân khấu dân tộc không thể bỏ qua.

Văn phong của hai tác phẩm rất giản dị, không sa vào lý luận, nêu vấn đề thì lập tức dẫn giải lời tuồng, vai diễn để chứng minh.

Hai công trình trên được khởi thảo từ trước, nhưng khi đã ngoài tám mươi, lúc “ quỹ thời gian sắp hết” như cách nói của ông, Hoàng Châu Ký vẫn mệt mài chỉnh sửa. Động lực nào khiến một ông già hai lần tai biến có được ý chí phi thường ấy? Xin thưa, đó là tình yêu văn hóa dân tộc, mà cụ thể ở đây là tuồng. Cố nhà thơ Huy Cận đã cảm thán về ông: : Hạnh phúc cho dân tộc có những người bảo vệ văn hóa dân tộc”. Giáo sư Hoàng Chương gọi ông là “; Người truyền giáo hát bội”, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa Văn hóa, Thể thao và Du lịch gọi ông là “ Cánh chim đầu đàn trên bầu trời nghệ thuật tuồng”, Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Vịnh thì khẳng định ông là “ Cánh chim không mỏi vì sân khấu dân tộc”, nhà nghiên cứu mịch Quang thì chí lí chí tình: “ Tôi nghĩ đóng góp của Hoàng Châu Ký cho nghệ thuật tuồng còn sâu rộng hơn nhiều đóng góp của tiền nhân Nguyễn Hiển Dĩnh, với những hoạt động có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp phục hồi và phát triển nghệ thuật tuồng cả nước trong suốt hơn nửa thế kỉ”…

Tin vào lẽ thịnh suy, Hoàng Châu Ký viết với mục đích duy nhất là để đến hồi thái lai của nghệ thuật tuồng, các thế hệ mai sau có còn căn cứ để làm tuồng. Ngoài các tác phẩm mang tính lý luận, Hoàng Châu Ký còn sáng tác, chỉnh lí trên dưới hai chục vở tuồng. Ngọn lửa Hồng sơn, Sơn Hậu (chung với tuồng Tống Phước Phổ), sáng đèn hàng ngàn đêm, góp phần làm rạng rỡ nghệ thuật bác học tuồng. Những vở do ông sáng tác khi cuối đời có hai điều lạ: một là, nhân vật chính của vở đều là các chí sĩ đất Quảng quê hương (Trần Quý Cáp, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu….); hai là, vấn đề dân chủ được ông đặt ra rất gay gắt, đến mức nhiều người lúc đó nhận xét “ hơi nặng” để bay giờ thừa nhận tác phẩm của ông mang tính dự báo chính xác!

Với tri thức của mình, Hoàng Châu Ký là một trong số ít người của Bộ Văn hóa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Giáo sư đợt đầu tiên (năm 1984) và nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Ông cũng vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng, nhiều huân chương cao quý.

 

NSND Trần Đình Sanh/VHVN

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ