Hoài Linh: ‘Tôi xin lỗi vì chậm giải ngân hơn 13 tỷ đồng’

8:48 | 25/05/2021

Hoài Linh lần đầu xin lỗi vì chậm giải ngân hơn 13 tỷ đồng quyên góp từ khán giả, nói sẽ trao tiền cho người miền Trung khi dịch ổn định.

Trước câu hỏi: “Vì sao giữ hơn 13 tỷ đồng tiền quyên góp từ tháng 10/2020 đến nay vẫn chưa giải ngân như mục đích kêu gọi từ thiện?”, danh hài không trả lời trực tiếp báo giới về kế hoạch, thời gian sử dụng tiền. Thay vào đó, tối 24/5, anh lần đầu trần tình qua video gửi đến VnExpress.net.

Hoài Linh biểu diễn trong một đêm nhạc ủng hộ tuyến đầu chống dịch tháng 8/2020. Ảnh: Sen Vàng.

Nghệ sĩ nói cộng với lãi suất cùng khoản tiền anh chi ra, số tiền hiện tại là hơn 13,7 tỷ đồng. Diễn viên cho biết sẽ không sử dụng sai số tiền cứu trợ này. Ngoài ra, Hoài Linh thông tin thêm khán giả còn gửi anh hơn một tỷ đồng góp quỹ thiện nguyện của Chí Tài. Số tiền này anh tách ra, làm theo ủy thác của gia đình cố danh hài.

Giữa tháng 5 đến nay, khán giả dấy lên nhiều tranh cãi khi Hoài Linh chưa công bố kế hoạch giải ngân tiền từ thiện, đề nghị anh minh bạch.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn – Đoàn luật sư TP HCM, việc Hoài Linh đứng ra vận động tiền gây quỹ từ thiện là không trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, cách nghệ sĩ phân bổ giải ngân số tiền đến người cần hỗ trợ chưa đúng. Bởi từ thời điểm tổ chức quyên góp đến nay, Hoài Linh đã giữ tiền của các nhà hảo tâm hơn sáu tháng mà chưa giải ngân. Trong khi nhu cầu cần hỗ trợ của người vùng thiên tai là rất cấp thiết. Hoài Linh còn vi phạm điều 7 của Nghị định 64 về thời gian phân bổ tiền từ thiện. Theo đó, thời gian phân phối tiền, hàng cứu trợ được thực hiện ngay trong quá trình vận động đóng góp và kết thúc chậm nhất không quá 20 ngày, kể từ ngày kết thúc thời gian vận động đóng góp.

Một thời gian dài, nhiều cá nhân kêu gọi quyên góp ủng hộ người vùng thiên tai, người có hoàn cảnh khó khăn… mà không thông qua Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ hoặc các tổ chức khác. Đồng thời, hoạt động quyên góp từ thiện cứu trợ là hoạt động thường xuyên của nghệ sĩ. Tuy vậy, không ít hoạt động của nghệ sĩ gây tranh cãi về tính minh bạch, cách thức cứu trợ, công khai việc họ sử dụng tiền quyên góp. Hồi tháng 10/2020, ca sĩ Thủy Tiên cũng làm dấy lên tranh cãi về việc cô kêu gọi cứu trợ miền Trung cũng như cách làm từ thiện.

Hiện, Bộ Tài chính được thủ tướng Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 64. Việc các cá nhân đứng nhận tiền đóng góp tự nguyện từ người khác để làm từ thiện thì có thể áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Một số người dân tự nguyện gửi tiền cho các cá nhân có thể hiểu là bên tặng cho tài sản và người được ủng hộ là bên được cho tài sản. Khi đó, các cá nhân vận động quyên góp giữ vai trò trung gian theo “ủy quyền” của người cho tặng. Nếu các cá nhân này không hoàn thành đúng việc người gửi tiền làm từ thiện đã “ủy quyền”, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Trao đổi với báo chí, đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan này đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... Dự thảo được trình Chính phủ vài ngày tới.

Bộ Tài chính đề xuất cá nhân được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Tuy nhiên, các cá nhân muốn vận động nguồn tài trợ phải thông báo với chính quyền nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, cũng như chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để được hướng dẫn, phối hợp phân phối, sử dụng nguồn đóng góp cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội. Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận… để làm từ thiện phải đảm bảo công khai, minh bạch.

Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu. Đại diện cơ quan soạn thảo cho hay chưa có quy định cứng về thời gian phải phân phối số tiền. Đây là vấn đề thỏa thuận giữa người tiếp nhận và bên ủng hộ tiền. Bên tiếp nhận phải thông tin đến người ủng hộ về thời gian giải ngân số tiền hoặc hiện vật, thống nhất việc phân phối thế nào.

Hoài Linh sinh năm 1969, quê ở Quảng Nam. Thập niên 1990, anh gây tiếng vang ở hải ngoại khi đóng kịch hài cùng Vân Sơn. Đầu những năm 2000, anh về nước sống và làm việc. Ngoài diễn kịch, anh làm giám khảo game show, đóng nhiều phim điện ảnh. Hiện Hoài Linh chủ yếu sống ở đền thờ tổ nghiệp tại quận 9, TP HCM.

Theo Vnexpress

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam