Hỏa trình trên các cung đường xuôi Bắc ngược Nam

9:15 | 17/04/2025

Trong công cuộc phát triển nền kinh tế đất nước hiện nay, lĩnh vực giao thông vận tải đang là một lĩnh vực ngành giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có vị trí bảo đảm công tác vận chuyển cũng như giao thoa nền văn hóa – kinh tế trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Trong đó vận tải hành khách là một trong những nhiệm vụ thiết yếu để phục vụ nhân dân. Cũng theo đó, vận tải hành khách trên các tuyến đường sắt rất cần được đổi mới mạnh mẽ để bắt nhịp cùng với sự phát triển chung của toàn xã hội…

Cảnh đẹp làng quê nhìn từ đoàn tàu (ảnh: PV Tâm)

Ưu điểm của vận tải khách bằng đường sắt không chỉ vận chuyển được số lượng hành khách rất lớn, mật độ khách đông đảo. Mà chi phí cũng rẻ hơn so với các loại hình giao thông khác như đường hàng không hoặc đường bộ. Tính an toàn giao thông luôn được bảo đảm, ít bị rủi ro về người và tài sản. Đi tàu hỏa còn thân thiện với môi trường, trên các đoàn tàu được thoải mái ngắm cảnh đẹp của quê hương đất nước trên mỗi chặng đường khi đoàn tàu đi qua. Đồng thời, hành khách đi đường sắt nhiều sẽ góp phần làm giảm áp lực cho đường bộ và hàng không, giờ giấc của đường sắt luôn thoải mái không bị gò bó. Đặc biệt du khách trên tàu có thể đi lại, giao lưu, ngắm cảnh, thưởng thức những bữa ăn ngon miệng ngay tại toa xe mình sử dụng…

Hành khách trên chuyến tàu SE6 khi đi qua ga Đồng Hới ngày 9/4/2025 đang thư giãn bên ly cafe trên tàu, cảm nhận từng chuyển động của tàu và đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng

Thuận lợi là vậy, nhưng nhiều năm qua ngành đường sắt chậm phát triển, thậm chí còn “ngủ quên trong thế mạnh” sẵn có. Hoạt động thua lỗ nặng nề, đời sống cán bộ công nhân viên rơi vào khó khăn, việc làm đì đẹt lúc có, lúc không. Các ram tàu khách phải “chia nhau” để có việc làm. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, bằng sự nỗ lực của toàn ngành thì công tác vận tải hành khách đang dần được chuyển biến để phục vụ tốt hơn, hiệu suất chạy tàu cũng cao hơn, văn hóa doanh nghiệp trên các chuyến tàu đã được chú trọng, theo đó lượng khách cũng tăng dần, các ga dọc đường từ Bắc đến Nam không còn cảnh đìu hiu như trước đây.

Tàu SE6 về ga Yên Trung tối 9/4

Để vận tải hành khách thực sự phát triển thì hoạt động trên các đoàn tàu đòi hỏi phải không ngừng đổi mới. Yêu tố “Văn hóa doanh nghiệp – Nếp sống văn minh” trên các chuyến tàu khách phải thực sự là yếu tố mang tính quyết định để “níu giữ tình cảm của hành khách” gắn bó với loại hình vận tải này như ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Đồng thời cũng là một trong những điều kiện để bảo đảm an toàn giao thông trên các chuyến tàu vận tải hành khách hiện nay.

Toa tàu SE6 rất sạch đẹp, vệ sinh sạch sẽ…

Nhằm đóng góp cùng ngành đường sắt trong giai đoạn hiện nay, kịp thời phát hiện để tuyên dương những gương tốt, việc tốt trên các chuyến tàu khách Thống nhất; đồng thời cũng kịp thời nhận ra những hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Lãnh đạo Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã phân công “Tổ công tác” gồm 4 phóng viên “trong sứ mệnh” là hành khách đi tàu để thực hiện tuyến đề tài về “Văn hóa giao thông trên các chuyến tàu khách Thống nhất Bắc – Nam”. Chuyến khởi hành đầu tiên của Tổ công tác là đêm 08/4 rạng sáng 09/4/2025 từ ga Vinh tới ga Đồng Hới trên tàu SE11, buổi chiều cùng ngày 09/4/2025 đi từ ga Đồng Hới đến ga Yên Trung (Hà Tĩnh) trên tàu SE6. Chuyến “khởi đầu nan” ngày 8 và 9/4 này do trực tiếp lãnh đạo cơ quan là Nhà báo Trần Đức Thọ – Giám đốc Điều hành Tạp chí Văn hiến Việt Nam kiêm Trưởng Cơ quan Văn phòng Đại diện Miền Trung và Tây Nguyên đi cùng Tổ Phóng viên để vừa thị sát công việc vừa trực tiếp chỉ đạo phóng viên tác nghiệp…

Nhà báo Trần Đức Thọ – Lãnh đạo tạp chí Văn hiến Việt Nam trò chuyện cùng Trưởng tàu khách SE6 Phạm Hồng Thành (bên trái) và Phó Trưởng tàu khách SE6 Lê Bá Đạt (bên phải)

Tàu SE6 rời khỏi ga Đồng Hới theo hướng Hà Nội chiều 09/4 đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho hành khách. Đoàn tàu với những trang thiết bị còn mới, các toa tàu sạch đẹp, thiết bị vệ sinh sạch sẽ, thiết  bị PCCC gọn gàng, thái độ phục vụ của các tiếp viên khá thân thiện và cởi mở. Di chuyển về vị trí được sắp xếp trên vé, phóng viên ghi nhận được những toa tàu đã mang vóc dáng khá hiện đại, điều hòa mát lạnh, sàn tàu sạch bong, những tấm kính ô cửa sổ sạch sẽ. Phòng vệ sinh và khu rửa mặt được bố trí ngăn nắp, nhân viên thường xuyên lau chùi gọn gàng sạch sẽ, cung ứng đầy đủ vật dụng cần thiết như giấy, xà phòng, nước, máy sấy tay, thùng rác, gương, lavabo sạch bóng. Có bảng thông tin vệ sinh theo giờ, theo ca từng nhân viên, ghi rõ tên nhân viên. Có lẽ, ưu điểm nổi bật nhất của đoàn tàu SE6 này là trang thiết bị, chính những toa tàu đẹp đẽ đã tôn lên vẻ thân thiện của cả đoàn tàu. Khi phương tiện đã đẹp thì con người cả về hành khách lẫn “chủ nhà” cũng đều trở nên văn minh hơn, ứng xử hóa hơn, thoải mái hơn và gắn bó hơn.

Tiếp viên Đoàn Thị Thảo, một tấm gương điển hình trong lao động trên tàu SE6 (Ảnh của: PV Tâm)

Điều nhận thấy của SE6 ngày 09/4 trên khu gian từ Đồng Hới đến Yên Trung đó là thành tích của hai tiếp viên khách vận Đoàn Thị Thảo và Hà Thị Vệ. Nhân viên Đoàn Thị Thảo phụ trách toa xe số 7 còn Hà Thị Vệ phụ trách toa số 8. Cả hai nhân viên đều sở hữu một thái độ thân thiện, nhiệt tình với hành khách, thực hiện tốt các qui trình của ngành đường sắt đề ra đối với tiếp viên khách vận trên tàu khách.

Tiếp viên Đoàn Thị Thảo luôn vệ sinh sạch sẽ toa xe mình phụ trách

Qua tìm hiểu, được biết tiếp viên Đoàn Thị Thảo sinh năm 1986, gia đình sinh sống tại Hà Nội, chị Thảo vào ngành đường sắt từ năm 2009, có chồng làm cùng doanh nghiệp, hiện gia đình Thảo có hai con còn nhỏ. Khi được hỏi về công việc và gia đình, chị cho biết: “Công việc là tiếp viên phục vụ, đón khách, tiễn khách, vệ sinh toa tàu, đảm bảo an toàn sạch sẽ toa mình phụ trách. Do công việc thường xuyên phải di chuyển nên cũng thường phải xa nhà, xa gia đình. Có những năm không có Tết vì trùng lịch đi làm. Các con nhỏ có phần thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, nhưng các cháu được ông bà ngoại chăm sóc, lo cho học hành, nên cũng thấy yên tâm để làm việc. Tuy các con có phần thiệt thòi về tình cảm so với những gia đình khác nhưng ngày nay công nghệ thông tin phát triển nên các cháu hàng ngày vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi học hành với bố mẹ qua zalo nên cũng động viên phần nào để cho cha mẹ yên tâm đi làm việc”.

Tiếp viên Hà Thị Vệ, một trong hai tiếp viên xuất sắc trên tàu SE6 do phóng viên ghi nhận (cùng với Đoàn Thị Thảo).

Còn tiếp viên Hà Thị Vệ cũng sinh năm 1986, chị vào đường sắt cuối năm 2006, quê và gia đình hiện ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Sau mỗi lần xuống ban chị lại di chuyển hàng trăm cây số về với gia đình, đến ngày đi làm lại đi từ đầu tỉnh Phú Thọ xuống Hà Nội để nhận ban. Tuy công việc và cuộc sống có phần vất vả nhưng tiếp viên Hà Thị Vệ luôn yêu công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên đoàn tàu…

Tiếp viên Hà Thị Vệ làm việc trên toa tàu của mình phụ trách

Tại toa số 3, trò chuyện cùng anh Trần Thanh Hải, sinh năm 1978, quê Thanh Hóa, là tiếp viên phụ trách toa. Nói về công việc, anh cho biết đã vào ngành đường sắt được gần 20 năm, cơ duyên đến với nghề là do bố mẹ làm trong ngành nên dẫn dắt anh vào. Lương chỉ đủ nuôi sống gia đình, nhưng vì đam mê, anh đang làm tốt nhiệm vụ và cảm thấy hài lòng với công việc. Anh cho biết: “Nhiệm vụ chính trên tàu là đón khách, tiễn khách và phục vụ các nhu cầu của hành khách, vệ sinh toa mình phụ trách. Khi trực tàu vào đêm thì không ngủ, ngồi ghế trực nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu hành khách, thường xuyên kiểm tra khách nằm đúng chỗ, đúng toa, đi đến đúng nơi, và đảm bảo an toàn cho hành khách. Sau mỗi chuyến đi, tiếp viên trực toa lại thay toàn bộ chăn, ga, gối, dọn dẹp vệ sinh phòng, lau chùi cửa kính, vệ sinh sạch sẽ toilet, bổ sung giấy, xà phòng rửa tay và các vật dụng cần thiết của toa mình phụ trách. Những thiết bị nào hỏng hóc thì báo để kỹ thuật sữa chữa…”.

Tiếp viên Trần Thanh Hải đang chăm lo cho toa tàu mình phụ trách (Ảnh của: PV Tâm)

Trưởng tàu khách SE6 Phạm Hồng Thành, người đã có 25 năm năm hoạt động trong ngành đường sắt, gia đình anh có truyền thống “cha truyền con nối”. Anh vào đường sắt từ năm 2000 đến 2014 thì làm trưởng tàu. Nói về nhiệm vụ phục vụ hành khách, anh cho biết: “Tổ tàu luôn chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ để làm hài lòng hành khách. Trên tàu luôn bố trí một nhân viên chuyên trách vệ sinh xuyên suốt cả quá trình. Tiếp viên luôn làm việc theo nguyên tắc, tàu rời ga, tiếp viên vào giới thiệu tên, phụ trách toa, giới thiệu trang thiết bị, số điện thoại để trên bàn, sẵn sàng phục vụ hành khách khi có nhu cầu. Đặc biệt, hệ thống loa phát thanh ngoài thông báo thông tin hành trình cho hành khách, mở thêm bài tuyên truyền Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất của Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt sau khi sát nhập để cho người dân biết về ngành”.

Tổ trưởng Tổ phục đến từng vị trí hành khách để phục vụ ăn uống

Một điều rất đáng biểu dương nữa trên tổ tàu SE6 – đó là công tác phục vụ ăn uống. Tổ phục trên chuyến SE6 này làm việc rất khoa học, đồ ăn thức uống sạch sẽ, vệ sinh an toàn, nhân viên đến tận từng vị trí của khách để phục vụ chu đáo nên hành khách rất hài lòng…

Thiết bị PCCC các toa tàu SE6 rất gọn gàng (Ảnh của: PV Tâm)

Trước đó, đêm ngày 08/4 rạng sáng ngày 09/4/2025, Tổ Phóng viên đã có mặt trên chuyến tàu SE11 từ ga Vinh vào ga Đồng Hới do Trưởng tàu khách Lê Xuân Hồng phụ trách đoàn tàu. Là trưởng tàu khách lâu năm, Lê Xuân Hồng luôn có kinh nghiệm sát xao với công việc, quán xuyến và đôn đốc tốt các nhiệm vụ trên đoàn tàu của mình phụ trách. Tuy nhiên, đoàn tàu SE11 hôm đó là một đoàn tàu với trang thiết bị cũ, các toa tàu vừa cũ vừa có gam màu rất tối cho nên nhìn các toa lúc nào cũng như “ngâm nước”. Có lẽ vì toa tàu cũ nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý lao động của các tiếp viên khách vận… (!). Tổ Phóng viên đã có kế hoạch sẽ trở lại với Tổ tàu SE11 của Trưởng tàu Lê Xuân Hồng vào một dịp sớm nhất để “kì mục sở thị” rõ nét hơn về công tác phục vụ của tổ tàu.

Khu vệ sinh luôn sạch sẽ

Với thời gian ngắn ngủi, nắm bắt hoạt động trên hai đoàn tàu SE6 và SE11 ngày 09/4/2025 với những cung đường cũng ngắn. Tuy nhiên cũng đã thấy bộc lộ một số hạn chế mà các tổ tiếp viên trên tàu cần khắc phục. Trước hết là nhiệm vụ của nhân viên phát thanh trên tàu cần phải chấn chỉnh. Có thể nói đây là khâu còn rất yếu trên các chuyến tàu. Trong thời đại “Công nghệ số” phát triển, nhân viên phát thanh ngoài việc nhắc nhở về giờ tàu, về nội qui trên tàu,… Thì việc tuyên truyền về ngành đường sắt, tuyên truyền về phong cảnh quê hương đất nước đâu có gì khó khăn (nội dung có thể coop sẵn trong USB hoặc thẻ nhớ)?. Việc sử dụng công nghệ thông tin cho hệ thống phát thanh không chỉ có tác dụng cho khách đi tàu biết về qui định của đường sắt khi đi tàu, mà phát thanh còn làm vui lòng hành khách, giúp cho hành khách hiểu hơn về ĐSVN, cho hành khách biết về các điểm du lịch cần khám phá, biết về văn hóa và lịch của quê hương đất nước và con người Việt Nam.v.v… Nhưng khâu này đang yếu, trên tàu SE11 trưởng tàu vừa nhắc trực tiếp, vừa gọi điện thoại nhắc đến 3 lần mới thấy phát thanh nhưng cũng rất “tiết kiệm và tẻ nhạt”. Tàu SE6 có phát thanh nhưng cũng “rập khuôn” khô cứng, thiếu sự tinh tế để thu hút tình cảm của du khách với đoàn tàu.

Hành khách ngày nay đi tàu hỏa đa dần đông hơn trước (Ảnh của: PV Tâm)

Và nữa là công tác chào đón khách, chào ga tới ga đi… Đây là một nét đẹp văn hóa nhưng có lẽ còn bị bỏ trống. Hoặc có thực hiện cũng chưa tạo ta được môi trường gần gũi thân thiện. Mỗi lần tàu vào ga thì chỉ có Phó tàu khách cầm đèn (hoặc cờ) để tác nghiệp nhìn rất đơn điệu; hoặc khi tàu xuất phát rời ga cũng chỉ có Trực ban chạy tàu phất phất cờ hiệu nhìn cũng đơn điệu… Giá như khi đoàn tàu từ từ dừng tại sân ga thì trên tất cả các cửa ra vào phía cuối toa tàu đều có các tiếp viên khách vận giơ tay vẫy chào đón với nụ cười thân thiện thì có lẽ ĐSVN “mãi đỉnh” – hành khách không tiếc gì tràng pháo tay để cổ vũ cho hành vi văn hóa đẹp này. Và khi tàu rời ga, các nhân viên nhà ga tập trung vẫy tay đưa tiễn sẽ tạo ra một cảm xúc thân thiện và tình nghĩa. Lề nếp văn hóa này vận tải khách hàng không và đường biển đã thực hiện từ lâu và được hành khách yêu quí…

(còn nữa)

ĐỨC LONG TỔ PHÓNG VIÊN VHVN

 

 


Cùng chuyên mục

Hoả trình trên các cung đường Bắc – Nam (Bài 3): Điểm nhấn tàu HĐ

Hoả trình trên các cung đường Bắc – Nam (Bài 3): Điểm nhấn tàu HĐ

HỎA TRÌNH (Bài 2): Hành khách trải lòng trên chuyến tàu SE7

HỎA TRÌNH (Bài 2): Hành khách trải lòng trên chuyến tàu SE7

CSGT Quảng Bình lập nhiều tổ công tác đảm bảo TTATGT sau tinh gọn

CSGT Quảng Bình lập nhiều tổ công tác đảm bảo TTATGT sau tinh gọn

Quảng Bình đề xuất sắp xếp 145 đơn vị hành chính cấp xã còn 23 đơn vị

Quảng Bình đề xuất sắp xếp 145 đơn vị hành chính cấp xã còn 23 đơn vị

Huyền thoại Tứ kiệt và Tứ kiệt Cổ Miếu

Huyền thoại Tứ kiệt và Tứ kiệt Cổ Miếu

Diễn viên Tiến Luật: Tôi không chỉ muốn kinh doanh mà còn mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn

Diễn viên Tiến Luật: Tôi không chỉ muốn kinh doanh mà còn mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng, phục vụ người tiêu dùng tốt hơn

Đại hội Chi bộ Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nhiệm kỳ 2025 – 2027

Đại hội Chi bộ Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nhiệm kỳ 2025 – 2027

Quảng Bình bổ nhiệm các Giám đốc sở sau sáp nhập

Quảng Bình bổ nhiệm các Giám đốc sở sau sáp nhập

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng giúp dân vượt khó, xây dựng biên cương vững mạnh

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng giúp dân vượt khó, xây dựng biên cương vững mạnh