Trong hệ thống vận hành ngành đường sắt Việt Nam, Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Sài Gòn (CNĐTVĐS Sài Gòn) là một trong những đơn vị chủ lực tại khu vực phía Nam, đóng vai trò then chốt trong công tác phục vụ hành khách trên các đoàn tàu. Với cơ cấu tổ chức chặt chẽ, sự linh hoạt trong điều hành và đội ngũ nhân sự tận tâm, Chi nhánh đang từng bước khẳng định vị thế trong bối cảnh doanh nghiệp đang chuyển mình mạnh mẽ.
Tiền thân của đơn vị là Đoàn tiếp viên Đường sắt Phương Nam, được thành lập vào ngày 16/01/2015, trực thuộc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn. Đến ngày 01/11/2024, đơn vị chính thức mang tên Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Sài Gòn, trực thuộc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt.
Trụ sở Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Sài Gòn, đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt
Có nhiệm vụ chuyên trách về vận tải hành khách, hành lý bao gửi, phục vụ ăn uống trên các đoàn tàu Thống nhất, tàu khu đoạn và triển khai các dịch vụ hỗ trợ vận tải. Đơn vị hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu đoàn tàu chất lượng cao, góp phần nâng cao thị phần và sự hài lòng của hành khách. Đây cũng là cách CNĐTVĐS Sài Gòn hiện thực hóa khẩu hiệu thi đua: “Kỷ cương – Chất lượng – An toàn – Hiệu quả”.
Có cơ cấu tổ chức đặc thù, trong đó mỗi tổ sản xuất tương ứng với một tổ tàu do Trưởng tàu làm tổ trưởng. Đây là người chịu trách nhiệm điều hành toàn diện mọi hoạt động trên tàu, từ quản lý nhân sự đến giám sát chất lượng phục vụ. Bên dưới là các tiếp viên trực tiếp phục vụ hành khách, cùng với các tổ chuyên biệt phụ trách mảng ăn uống.
Gồm có 2 trạm tiếp viên (Trạm tiếp viên đường sắt Sài Gòn và Trạm tiếp viên đường sắt Đà Nẵng) với khoảng 400 tiếp viên, Chi nhánh tổ chức từ 23 – 28 tổ tàu trong giai đoạn bình thường và có thể tăng lên hơn 30 tổ vào mùa cao điểm. Bên cạnh đó, 12 – 14 tổ phục vụ ăn uống cũng được điều chỉnh theo nhu cầu thực tế. Điểm sáng là tàu SE21/22 tuyến tàu Đà Nẵng – Sài Gòn và ngược lại là tuyến tàu chất lượng cao với tổ tiếp viên và Trưởng tàu được bố trí cố định nhằm đáp ứng tiêu chuẩn dịch vụ khắt khe hơn bình thường.
Ăn uống trên tàu đa dạng và phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu hành khách
Vào các thời điểm như Tết và mùa hè, khi nhu cầu đi lại của hành khách tăng đột biến ngành đường sắt thường phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, Chi nhánh luôn chủ động tuyển dụng và huy động lực lượng từ nhiều nguồn: học sinh, sinh viên ngành đường sắt; cán bộ hưu trí còn sức khỏe; và lao động thời vụ,… Công tác tuyển dụng thường được tiến hành vào cuối tháng 5 và trước Tết để kịp thời đáp ứng mùa cao điểm hè và cuối năm. Việc linh hoạt trong tuyển dụng không chỉ giúp đảm bảo hoạt động vận hành mà còn mở ra cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp cho nhiều lao động trẻ, từ đó tạo nguồn nhân lực kế cận bền vững.
Trao đổi với phóng viên Văn hiến Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Sài Gòn cho biết: “Ngành đường sắt Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ với sự sáp nhập của các công ty chủ quản, mở ra cơ hội phát triển lâu dài. Cùng với đó là sự đầu tư của Nhà nước vào hạ tầng, thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi số toàn diện. Tuy nhiên, thách thức cũng không ít, kỳ vọng từ xã hội ngày càng cao, áp lực từ hành khách ngày càng lớn, trong khi nguồn lực vẫn còn hạn chế và việc đổi mới cần lộ trình rõ ràng. Mùa cao điểm, quy mô vận hành mở rộng, đơn vị phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt xấp xỉ 200 lao động”.
Tiếp viên Lê Thị Duyên (ở giữa), chụp hình cùng hai vợ chồng bác Nguyễn Trọng Tương là hành khách đi từ Ninh Bình đến Sài Gòn dự lễ kỷ niệm 50 năm Giải Phóng miền nam.
Nói về thu nhập của cán bộ công nhân viên đoàn tiếp viên, ông Tuấn chia sẻ: “Thu nhập của người lao động tại Chi nhánh phụ thuộc trực tiếp vào sản lượng vận chuyển, do đó có sự biến động theo mùa. Tuy nhiên, với chính sách bổ sung thu nhập dựa trên kết quả kinh doanh theo quý, người lao động vẫn duy trì mức thu nhập tương đối ổn định. Những năm gần đây, thu nhập của người lao động trong ngành tăng cao hơn năm trước; trong các đợt cao điểm hè Tết mật độ tàu nhiều nhân viên tăng chuyến, kiêm cụm nên cũng có các nhân viên thu nhập tháng trên 15 triệu. Ngoài ra, chế độ phúc lợi được lãnh đạo ngành, công ty và đơn vị quan tâm và bám sát thực hiện, khiến nhiều người gắn bó lâu dài với nghề. Người lao động luôn được tạo điều kiện cải thiện việc làm, chi trả chế độ hỗ trợ xăng xe, điện thoại, du lịch,… và các phúc lợi xã hội khác”.
Trao đổi về chức danh Trưởng tàu, vị trí của sự trưởng thành và bản lĩnh nghề nghiệp, ông Tuấn cho biết: “Trưởng tàu là người đứng đầu tổ tàu, là “người cầm lái” cả một ê-kíp phục vụ, quyết định phần lớn đến trải nghiệm của hành khách. Họ thường đi lên từ các vị trí như tiếp viên, nhân viên an ninh, phó tàu… và phải trải qua quá trình đào tạo, thử thách lâu dài. Không có con đường tắt nào đến vị trí này” – “Một trưởng tàu giỏi cần nắm chắc nghiệp vụ, phản ứng linh hoạt trước mọi tình huống – từ kỹ thuật đến hành vi hành khách, từ sự cố bất ngờ đến các phản hồi nhạy cảm. Thế hệ trưởng tàu trẻ hiện nay đang tiếp nối lớp đi trước với tinh thần học hỏi, tiếp cận công nghệ, sử dụng ngoại ngữ và thậm chí cả trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả điều hành – một sự chuyển mình phù hợp với xu thế hiện đại hóa ngành giao thông vận tải”, ông Tuấn cho biết thêm.
Trưởng tàu Trịnh Văn Hiền, một trong những gương tiêu biểu của Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Sài Gòn
Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Sài Gòn không chỉ là một đơn vị phục vụ, mà còn là hình ảnh đại diện cho tinh thần đổi mới, tận tụy và trách nhiệm trong ngành đường sắt. Với đội ngũ trưởng tàu bản lĩnh, tiếp viên tận tâm và cơ chế vận hành linh hoạt, Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Sài Gòn đang cùng toàn ngành tiến tới một hệ thống vận tải đường sắt hiện đại, thân thiện, đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của hành khách trong giai đoạn mới.
Minh Tâm