Đến giờ tôi vẫn còn nhớ tên bức tranh là “Bà già” của hoạ sĩ Mộng Bích, nhưng không nhớ năm bức tranh được trao giải. Chỉ mang máng đó là lần đầu tiên Hội Mĩ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm khu vực, mở đầu định kì hàng năm và có trao giải. Bức tranh được trao giải Nhất. Số tiền bốn triệu vào thời điểm ấy là khá lớn, nhưng cái lớn hơn là sự ghi nhận tinh tường của hội đồng nghệ thuật
Tác phẩm “Bà Già”
Tranh vẽ một bà già nghèo khó, ngồi bệt dưới đất, hai tay đặt trên đùi, đôi mắt buồn xa xăm vô tận. Đôi mắt, dáng ngồi, vẻ xa vắng, bà như muốn gửi một thông điệp rằng mình đã trao cuộc đời cho số phận rồi. Một thân phận đã bất lực hoàn toàn trước cuộc sống. Bức tranh đã nói lên rất rõ điều đó. Vâng, thân phận con người, nhưng không phải con người chung chung mà hẳn là thân phận của lớp người nghèo khó mà họa sĩ đã rất hiểu.
Tôi đã được nghe bà kể về bức tranh triển lãm năm ấy và sự ra đời của nó. Khai mạc triển lãm xong, ai cũng nhận ra ngay là bức tranh đẹp nhưng buồn sâu lắng. Tên tranh là “Bà già”, nhưng bà bảo đó là chân dung một người ăn xin, và kể rằng lần ấy đi ra ngõ bất chợt trông thấy một bà ngồi xệp bên vỉa hè, tựa lưng vào tường ngủ say sưa. Bà bỗng cảm thấy có gì nhói lên trong tim, thế là quay về nhà lấy bút giấy ra kí họa. Bà kể: “May mà khi tôi ra, bà ấy vẫn còn ngủ… Vẽ gần xong thì bà ấy thức dậy”. Sau đấy hai người trò chuyện, bà hỏi han quê quán biết người ăn xin kia quê tận Thanh Hóa xa xôi. Bà lặng lẽ đưa người ăn xin đó về nhà cho ăn. Khi người ăn xin vào nhà con chó hiền lành cứ sủa rát, bà ấy phải bật ra lời thanh minh với nó: “Chủ mày mời tao, chứ tao có tự vào đâu mà mày cứ sủa!” Sau này thỉnh thoảng bà vẫn hỏi thăm người ăn xin và có gì thì lại cho tựa như một người bạn. Mắt bà trùng xuống khi kết thúc câu chuyện: “Mà bà ấy chết mấy năm nay rồi…”
Có lẽ đó là câu chuyện độc nhất vô nhị trong giới mĩ thuật Việt Nam về mối quan hệ của nghệ sĩ với đối tượng sáng tác. Nó đẹp như áng văn đầy tình người của Aimatop trong “Núi đồi và thảo nguyên”, lấp lánh huyền thoại như những câu chuyện cổ tích cho trẻ thơ của văn hào Andersen. Nghe xong khiến người ta cay cay sống mũi…
Tôi nhận ra bà đã vẽ người đàn bà ăn xin với tất cả lòng trắc ẩn. Bà đã đồng cảm với thân phận của mình trong người đàn bà kia, con người quá vất vả với số phận của mình, cuối đời phải sống bằng sự bố thí của người đời. Sự ưu tư đâu đó đang mù mờ nổi chìm sau màu và nét vẽ kia. Những thớ lụa ngọt ngào óng chuốt như có nắng đang ôm ấp và sưởi ấm một thân phận bên lề cuộc đời: nghèo khó đã trao mình cho số phận nhưng vẫn gọn gàng áo quần, không bê tha nhếch nhác để mất đi nhân phẩm…
Có lần nhắc lại chuyện bức tranh được giải ấy, bà cười buồn với tôi: “Sau khi giải được trao, có người lại nói đó là giải thưởng từ thiện. Họ nói thế và nghĩ rằng tôi là họa sĩ nghèo cần được trợ đỡ chứ tranh có hay ho gì!”.
Tôi không tò mò về phát ngôn ấy nhưng hiểu rằng sự đố kị luôn có ở trong một số người, họ không muốn công nhận người khác và kèm theo đó, sẵn sàng đưa ra những lời bình phẩm làm tổn thương người khác dễ như không!
Tác phẩm “Ông già người Chăm”
Trong sáng tác nghệ thuật khá nhiều hiện tượng từng xảy ra: Margaret Mitchell, văn hào Mĩ với “Cuốn theo chiều gió”, Emily Bronte nhà văn Anh với “Đỉnh gió hú”, Henri Charrière nhà văn Pháp với “Papillon, người tù khổ sai”, đó là những nhà văn một tác phẩm, mà là tác phẩm lớn đóng đinh vào lịch sử văn chương thế giới. Những tác giả nói trên, trước đó họ chưa từng viết văn. Nhưng những tác phẩm đó là cuộc sống họ từng trải. Nó là lời tự thuật cuộc đời sâu sắc và tận cùng đến chi tiết những bi kịch và thăng hoa trong cuộc sống. Phải từng trải và năm tháng dằng dặc sống chung với vinh và nhục mới có được những áng văn chương như moi từ gan ruột ra chia sẻ với người đọc như thế.
Xem những bức tranh của Mộng Bích, tôi nhận ra giữa bà với những văn hào kia có gì đó khá giống nhau, có những nét gần nhau trong sáng tác. Đó là sự thấu hiểu nhân vật hiện hình sau từng nét vẽ. Bà vẽ không chân quê, không hào hoa như cụ Nguyễn Phan Chánh (mà bà đã có may mắn được theo học), không đơn giản phô diễn kĩ thuật như Kim Bạch, bạn thân của bà. Tranh bà vẽ khắc nghiệt như những nét khắc lên lụa nhưng vẫn thấm đẫm cảm xúc và tình người. Xem tranh thấy rất rõ điều đó. Bà luôn minh bạch rạch ròi như giữa yêu và ghét. Để đạt được điều đó, bà đã dùng hết độ thắm của màu đặt lên thớ lụa. Nhìn tranh biết bà vẽ rất chậm. Bà chậm rãi đối thoại trên từng nét vẽ với cuộc sống trên tranh cho đến lúc bức tranh hoàn thiện.
Chân dung hoạ sĩ Trần Văn Cẩn
Đến hôm nay tranh bà để lại không nhiều nhưng cũng đủ để nhận ra rằng bà là những người cuối cùng trong số ít ỏi họa sĩ hiểu sâu sắc về lụa và biết “nói chuyện” đến nơi đến chốn với chất liệu này. Càng dài thời gian vẽ, thì tranh của bà càng sâu hơn, càng hay. Người ta đọc được tình cảm dạt dào đằm thắm của bà với nhân vật đọng trên mặt tranh.
Trong đời sống tinh thần xã hội loài người có hai mảng dân gian và bác học luôn song hành. Cùng là nhận thức về cái đẹp, nhà triết học Kant sau bao nhiêu nghiên cứu sách vở đối chiếu với cuộc sống cho ra một nhận định “cái đẹp ở trong mắt kẻ si tình” thì với trực quan cuộc sống, người Mông nói “Mắt mày xấu, mày nhìn cái gì cũng xấu”. Một chân lí được xác định bằng hai cách tiếp cận.
Tác phẩm nghệ thuật cũng vậy. Nó được hình thành bằng cảm xúc nghệ thuật, nhưng ở bước đi ban đầu, có người tiếp cận bằng những lý luận cấu trúc phức tạp. Nhưng có người đi thẳng bằng trực quan. Với Mộng Bích, bà đã đi bằng vế thứ hai, trực quan với chính cảm xúc của mình. Những kí họa bà trực tiếp vẽ không có gì đặc biệt, hình họa có cái ghi cũng xệch xạc, nhưng phần quan trọng hơn đọng trong trí nhớ mà chưa kịp hiện ra nét vẽ bà đã chuyển tải được lên mặt lụa để cho tinh thần nhân vật trở nên sống động khác thường. Đó là tài năng đặc biệt ở bà. Quan sát rất nhiều tranh lụa của bà khi được đặt bên kí họa tư liệu tôi nhận ra ngay điều đó. Tranh luôn giống mẫu gốc ghi chép nhưng tinh thần nhân vật thì chứa chan cảm xúc. Đây là điều rất riêng ở bà, mà tôi chưa từng thấy ở họa sĩ nào có cách đi như vậy.
Là hội viên Hội mĩ thuật Việt Nam, nhưng rất ít người biết đến bà. Bà sống lặng lẽ và hiền hậu, chỉ xuất hiện ở triển lãm bằng tác phẩm. Nhưng thời đại chen lấn, họa sĩ khủng bố nhau bằng đưa những tranh khuôn khổ lớn vào các trưng bày chung thì lời thầm thì của bà trên mặt lụa nhỏ thường mất hút giữa đám lắm lời cao giọng với diện tích đùng đoàng áp chế.
Nhưng tôi thấy bà cũng không quan tâm hay có chút băn khoăn gì về chuyện này. Cuộc sống của bà bây giờ là tha thẩn bên những bức vẽ. Giờ đây bà vẽ chậm rãi, vẽ với bà là để sống cùng tình yêu nghệ thuật. Những vất vả về thể xác và cơ cực về kinh tế xâm chiếm hầu hết thời gian sống của bà thì nay nó đã thành quá khứ… Giờ các con bà đã phương trưởng, bà lui về ngôi nhà giữa làng trên đất Bắc Ninh, ngày ngày vẽ và dành một phần thì giờ đọc sách.
Tuổi Quý Dậu, sinh năm 1933, ở tuổi cần bình yên, bà đã được bình yên sống và làm những công việc mà bà yêu thích. Người ta vẫn bảo trời chẳng cho ai đầy đủ , nhưng cũng chẳng lấy của ai hết cả. Điều này chỉ đúng với bà một phần. Nếu ai biết được bà từ trẻ sẽ thấy rằng trời đã thiếu công bằng với bà, lấy của bà nhiều mà buông ra thì ít. Nhưng bà cũng chẳng oán trách gì, bà vui với những tranh lụa vì cuộc sống của bà là ở đấy.
Một số tuyệt tác lụa khác của hoạ sĩ Mộng Bích
Đây là bài viết giới thiệu về những bức tranh tuyệt tác của làng lụa “như khắc vào lụa” của hoạ sĩ Mộng Bích, do hoạ sĩ Đỗ Đức viết. Toàn bộ ảnh trong bài trích dẫn từ giới thiệu về “Mẹ, những bức tranh và những người bạn của mẹ” do con trai của bà, hoạ sĩ Bùi Hoài Mai giới thiệu.
https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/cay-dai-thu-cua-lang-tranh-lua-656280