“Hoa nhài” là bộ phim tâm huyết lúc cuối đời của tôi

15:52 | 08/02/2022

Nhắc tới Đặng Nhật Minh là nhắc tới những bộ phim xuất sắc của điện ảnh Việt Nam như “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Hà nội Mùa đông 1946”, “Trở về”, “Đừng đốt”… Cùng với các bộ phim, ông đã góp phần không nhỏ vinh danh điện ảnh Việt Nam, giúp khán giả thế giới hiểu hơn về Việt Nam trong chiến tranh và trong hòa bình – một đất nước không chỉ có đạn bom, máu và nước mắt mà còn rất nhiều những khát vọng, sáng tạo, cùng những giá trị văn hóa ngàn đời.

PHIM HAY LÀ DO ĐẠO DIỄN VÀ DỞ CŨNG LÀ DO ĐẠO DIỄN

Xin chào đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh. Hơn 60 năm gắn bó với điện ảnh, sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, nhận nhiều giải thưởng quý giá từ các liên hoan phim trong và ngoài nước, song ở thời điểm này ông quan tâm tới điều gì?

– Năm nay bước sang tuổi 83, nhìn lại chặng đường sáng tác của mình trong điện ảnh, tôi cảm thấy mình tuy có đóng góp nhất định cho điện nước nhà nhưng còn làm hơi ít phim. Tại vì tôi vào nghề muộn, trước đó đi làm phiên dịch chứ không phải được học điện ảnh từ đầu như các anh em khác. Mãi sau mới chuyển sang làm đạo diễn. Tôi làm được hơn 10 phim truyện và một số phim tài liệu. Trong thời khắc hiện tại, tôi chỉ mong bộ phim mà tôi tâm huyết lúc cuối đời có tên “Hoa nhài” sẽ được một công ty sản xuất phim giúp làm hậu kỳ rồi đưa bộ phim đến với khán giả. Hiện nay phim mới xong bản dựng hình, cũng chỉ chiếu cho một số anh em đồng nghiệp thân thiết xem. Có người nhận xét vẫn là phong cách của đạo diễn Đặng Nhật Minh nhưng có khác với những phim trước, qua cách kể chuyện, cách dẫn dắt câu chuyện… Tôi muốn nó tối giản, không cầu kỳ.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng hành trình trải dài theo năm tháng

Trong sáng tạo nghệ thuật, điều tiên quyết không nằm ở số lượng. Nếu để lựa chọn một bộ phim ông cảm thấy ưng ý nhất, hài lòng với bản thân mình nhiều nhất, đó là bộ phim nào?

– Nếu nói hài lòng với mình thì cả hơn mười phim đã làm tôi đều hài lòng. Tại vì có hài lòng mới làm, không hài lòng thì làm làm gì. Hơn nữa đó lại là những phim do tôi tự viết kịch bản. Nhưng dĩ nhiên trong đó có những phim thành công hơn. Ví dụ như phim “Bao giờ đến tháng 10”. Kênh truyền hình CNN của Mỹ đã bình chọn đó là một trong 18 phim hay nhất của điện ảnh châu Á. Cũng có nhiều phim của tôi được giải thưởng ngoài nước. Nhưng đó là những giải ở các liên hoan phim loại B, tầm trung bình chứ không phải là những liên hoan phim lớn như Cannes, Venice, hay Berlin.

Được biết rằng bộ phim còn phải trải qua tới 13 lần duyệt?

– Vâng. Việc kiểm duyệt cũng là chuyện tất nhiên thôi. Phim nào ở Việt Nam mà chẳng phải qua khâu kiểm duyệt. Trước đó những bộ phim về chiến tranh chỉ nói về khía cạnh anh dũng hào hùng của những người ngoài mặt trận, bối cảnh chiến trận. Riêng “Bao giờ cho đến tháng 10” là phim đầu tiên diễn tả sự khắc nghiệt của chiến tranh nhưng lại ở hậu phương, thông qua nhân vật là chị phụ nữ có chồng hy sinh ngoài mặt trận. Nỗi đau của chị là nỗi đau của người ở hậu phương. Do đó phim cũng phải duyệt đi duyệt lại, xem đã đến lúc được nói điều ấy chưa. Cuối cùng thì bộ phim cũng được chấp nhận.

“Bao giờ cho đến tháng 10” là bộ phim điện ảnh thứ hai do NSND Đặng Nhật Minh tự viết kịch bản và đạo diễn. Trước đó ông đã có “Thị xã trong tầm tay” và sau thành công của bộ phim này ông tự tuyên bố với mình rằng chỉ thực hiện những bộ phim mà mình cảm thấy tâm đắc, chỉ thực hiện những bộ phim do ông viết kịch bản. Ông đã trung thành với nguyên tắc làm việc này như thế nào?

– Tôi không phải là người duy nhất. Ở nước ta cũng có nhiều đạo diễn tự viết kịch bản rồi tự mình làm đạo diễn nhưng tôi là người triệt để hơn cả. Lý do tại sao tôi phải làm như vậy? Vì tôi nghĩ một bộ phim phải làm từ cảm xúc của cá nhân, thể hiện dấu ấn cá nhân. Dù trong đoàn làm phim có rất đông người, nhưng đạo diễn bao giờ cũng là người chỉ huy. Các thành phần khác tham gia như những nhạc công thực hiện vai trò nào đó trong dàn nhạc, và dàn nhạc hay hay không là nhờ dấu ấn của người chỉ huy. Vậy nên không có cách nào khác là phải tự viết kịch bản. Tôi có thói quen khi có cảm xúc là trút luôn trên giấy thành truyện ngắn. Nếu viết kịch bản thì lâu lắm, mỗi lần duyệt một kịch bản mất 2-3 năm. Từ những truyện ngắn đó, khi có điều kiện tôi viết thành kịch bản phim. Tôi muốn tất cả những điều tôi viết ra phải được trải nghiệm từ cảm xúc của chính tôi, từ những điều tôi quan sát trong đời sống. Tôi trung thành với cách làm đó đến tận bây giờ, khi làm bộ phim cuối cùng.

Vậy theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, cá tính sáng tạo có ý nghĩa như thế nào với người nghệ sĩ?

– Một bộ phim không phải là biên bản để lấy biểu quyết tập thể. Một bộ phim bao giờ cũng mang dấu ấn riêng của người nghệ sĩ. Và dấu ấn trong bộ phim là dấu ấn đạo diễn. Mặc dù có sự đóng góp của nhiều thành phần như diễn viên, quay phim, họa sỹ… nhưng người đạo diễn quyết định thành bại của bộ phim. Phim hay là do đạo diễn mà dở cũng là do đạo diễn, không thể đổ lỗi cho ai cả. Tôi muốn khi khán giả xem những phim do tôi đạo diễn, họ nhận ra đây là phim của Đặng Nhật Minh.

CẢM XÚC CỦA CHÍNH TÔI DẪN DẮT CHO TÔI LÀM PHIM

Cá tính sáng tạo là phẩm chất đầu tiên và không thể thiếu của một người làm nghệ thuật. Điều ấy có lẽ cũng gây cho ông ít nhiều rắc rối?

– Với người làm nghệ thuật, cá tính rất quan trọng. Làm nghệ thuật mà không có cá tính thì thôi đừng làm. Có thể đi dạy học hoặc làm nghề khác. Tôn trọng cá tính riêng trong nghệ thuật, nên tôi không chấp nhận được những điều trái với cá tính của tôi. Một lời thoại viết cho nhân vật cũng là trăn trở suy nghĩ của tôi rồi mới có lời thoại đó. Do đó đôi khi không tránh được va chạm. Có diễn viên rất cá tính, muốn diễn theo quan điểm của họ. Tất nhiên tôi không đồng ý. Anh đã chấp nhận ngồi vào trong dàn nhạc này thì anh phải theo cây gậy chỉ huy của nhạc trưởng. Có giận tôi cũng đành chịu. Thà tôi chấp nhận bị coi là khó tính còn hơn là mất cá tính sáng tạo và để cho phim nhạt nhòa.

Với người làm nghệ thuật, cá tính rất quan trọng

Trong một thời gian dài, khi nền văn học nghệ thuật nước nhà rất lưu ý tới đề tài và nhiệm vụ phản ánh thì hình như đạo diễn Đặng Nhật Minh không quan tâm lắm tới cái vỏ bề ngoài ấy?

– Vâng. Về điều này thì tôi có quan điểm rất rõ ràng là mình làm cái gì viết cái gì phải xuất phát từ mối quan tâm của mình. Tôi không làm theo sự quan tâm hay yêu cầu của người khác. Thế nên tôi tránh được những phim theo trào lưu. Tôi không bao giờ ngồi tính toán xem hiện nay đang có trào lưu gì, đề tài gì thì ăn khách và được cổ vũ. Có một dạo tất cả đổ xô vào Nam làm phim về thành phố, nhất là sau khi Sài Gòn được giải phóng, với hy vọng bối cảnh đô thị lạ lẫm xa hoa sẽ hấp dẫn lắm. Thế thì tôi ngược lên Lạng Sơn, làm phim “Thị xã trong tầm tay”. Khi người ta làm về thành phố tôi lại làm về nông thôn, như phim “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Thương nhớ đồng quê”. Khi người ta về nông thôn tôi lại ra thành phố, như các phim “Mùa ổi”, Trở về”. Cho nên tôi không bao giờ lặp lại mình, cũng không a dua theo trào lưu nào cả. Cảm xúc của chính tôi dẫn dắt cho tôi làm phim.

Khi xem những bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh, khán giả luôn nhận thấy những nét riêng, ví dụ như chất thơ trong tác phẩm, tính hướng thiện, hướng thượng, khao khát lan tỏa những vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn con người, sự trân trọng nâng niu về quá khứ, những hoài niệm đượm buồn trong sáng.

– Tôi luôn luôn quan niệm làm phim là để khẳng định cái đẹp. Có nói đến mặt tiêu cực là để tôn lên mặt tích cực, đặc biệt là tính nhân ái, tôi rất quan tâm. Trong phim của tôi ít có nhân vật ác, phần nhiều là những người thiện, những người trong sáng cao thượng. Ví dụ như phim “Mùa ổi”, tính cách của ông Hòa là tính cách con người thuần khiết, tượng trưng cho cái thiện, bản năng thiện. Các nhân vật nữ của tôi không có nhân vật nào ác. Tôi quan niệm người phụ nữ hiện thân cho cái thiện, cái đẹp. Nhân vật nữ của tôi dù ăn mặc quần áo giản dị, không phấn son váy áo sang trọng nhưng đều dễ thương, nhuần nhị. Tôi rất ghét những tính cách phô trương.

Kể từ “Thị xã trong tầm tay” – bộ phim đầu tiên do ông viết kịch bản đến bộ phim gần đây nhất, hình như luôn ẩn chứa một thông điệp: Trong câu chuyện phức tạp của đời sống, những điều tốt điều xấu, chiến tranh hay hòa bình thì đáng lo ngại nhất là sự phản bội trong chính con người mình, phản bội niềm tin lý tưởng của mình, phản bội những đồng chí bạn bè mình.

– Nói chung phim nào thì cũng phải có ý tưởng và đều có một thông điệp muốn gửi gắm tới người xem. Thông điệp đó không bao giờ tôi tuyên ngôn trong phim mà để người xem tự nhận ra, mỗi người nhận ra một cách. Còn nếu phim không có thông điệp thì coi như không có tư tưởng, mà tính tư tưởng rất quan trọng. Nhiều phim của chúng ta hiện nay hấp dẫn từ đầu đến cuối, đuổi bắt đứng tim nhưng không có tính tư tưởng. Không có tính tư tưởng là gay lắm. Tính tư tưởng cũng không phải do mình bịa ra được mà phải trải nghiệm, cảm nhận trong đời sống, đúc kết lại, thể hiện qua những hình tượng nghệ thuật.

NHÀ NGOẠI GIAO CON THOI CỦA ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

Hiện nay nhiều người nghiêng về quan niệm một bộ phim là một “sản phẩm điện ảnh”, đặt tiêu chí doanh thu lên hàng đầu. Điều ấy có tạo áp lực cho người làm phim, và người làm nghệ thuật cũng mất đi lý tưởng không, thưa ông?

– Điện ảnh nước ta trải qua rất nhiều thời kỳ: Thời kỳ bao cấp coi trọng ý nghĩa chính trị của bộ phim, thời kỳ kinh tế thị trường thì coi trọng tính giải trí, số doanh thu ở các phòng vé. Và điện ảnh cũng mở ra nhiều con đường, nhiều quan niệm, nhiều khái niệm. Có người quan niệm một bộ phim là một sản phẩm hàng hóa. Có người quan niệm một bộ phim là một tác phẩm nghệ thuật. Tôi cũng biết cả. Nhưng tôi đã hơn 80 tuổi rồi, con đường mà tôi đã chọn tôi cứ đi đến tận cùng, không ân hận gì cả. May thay trên thế giới vẫn còn một khoảnh đất, ở đó người ta vẫn coi phim ảnh là một nghệ thuật, và chỉ có những tác phẩm nghệ thuật có tư tưởng thì họ mới đón nhận. Những phim tôi làm, hầu hết đều được thế giới quan tâm, đều mời chiếu. Tuy không được giải thưởng ở những Liên hoan phim lớn nhưng tôi có một niềm vui là mỗi lần chiếu cho những khán giả nước ngoài xem họ đều cảm tình với đất nước con người Việt Nam chúng ta. Khi “Bao giờ cho đến tháng 10” đem chiếu bên Mỹ, người Mỹ ngạc nhiên: Bấy lâu nay họ hiểu Việt Nam khác, hình dung Việt Nam là một đất nước mà con người ta chỉ biết chiến đấu vì lý tưởng. Hóa ra họ cũng biết đau khổ, cũng có những tình cảm con người như mọi người. Qua những bộ phim, tôi tuyên truyền cho đất nước, thay đổi hẳn nhiều định kiến đối với Việt Nam. Đến những phim sau này, ví như “Đừng đốt” chiếu ở các trường đại học bên Mỹ, các cựu chiến binh Mỹ xem, họ khóc ròng. Họ thấy người Việt Nam đối thủ của họ qua nhân vật bác sỹ Đặng Thùy Trâm sao lại đáng yêu đến thế, tình cảm con người trong sáng đẹp đẽ đến thế! Chứng kiến những giây phút đó, đối với tôi đó là những giây phút hạnh phúc, chứ không phải nhận được giải thưởng Liên hoan phim này liên hoan phim kia. Một vị Đại sứ từng nói với tôi: “Anh đã giúp cho người nước ngoài hiểu hơn về Việt Nam, cảm tình với Việt Nam, tức là anh đã làm ngoại giao”. Một tờ báo Mỹ viết về tôi dưới tựa đề: “Ngoại giao con thoi của Điện ảnh Việt Nam”.

Chứng kiến những tình cảm nồng hậu của khán giả, có lẽ bao nhọc nhằn vất vả, kể cả những điều không được như ý mà ông đã phải trải qua… đều trở nên nhỏ bé?

– Vâng. Tôi rút ra một kết luận: Những gì đi từ trái tim mình thì bao giờ cũng đến được trái tim của người khác. Trái tim mình phải rung động trước thì mới rung động được trái tim của những người khác quốc tịch khác màu da. Mỗi lần như vậy đúng là quên hết mệt nhọc, quên hết mọi phiền muộn. Tôi cũng hy vọng là những người đã từng làm việc với tôi, nếu có gì chưa hài lòng về chuyện này chuyện khác thì cũng xin bỏ qua. Kết quả công sức của mọi người trong một bộ phim mới quan trọng. Tôi là người tự viết kịch bản, khác với đạo diễn làm phim trên kịch bản của người khác. Thế nên từ khi đặt bút viết trên giấy thì bộ phim tương lai đã hình thành trong đầu tôi rõ nét. Tôi chỉ tổ chức hiện thực trước ống kính sao cho nó giống như tôi hình dung. Những gì đã găm trong đầu rồi không thể nào thay được. Một nhà quay phim trẻ nói là mỗi lần làm phim với chú Minh đều phải gồng hết mình lên, căng mình lên, vì chú đòi hỏi rất cao. Cũng vì đòi hỏi cao đó mà nhiều quay phim, diễn viên, họa sĩ khi cộng tác với tôi đều được những giải thưởng cá nhân tại các Liên hoan phim Quốc gia. Trong những năm tháng làm nghề, có rất nhiều người hiểu tôi. Những người không hiểu tôi rất ít.

Mười năm ông làm Tổng thư ký Hội điện ảnh Việt Nam, đó có phải là một giai đoạn mà điện ảnh nước nhà gặp nhiều khó khăn, và ở vị trí quản lý thì bản thân ông đã có những đóng góp như thế nào?

– Vâng. Đó là quãng thời gian điện ảnh Việt có rất nhiều biến động. Phim nhựa coi như mất. Các rạp chuyển sang chiếu phim video. Một dây chuyền sản xuất phim nhựa coi như mất hút. Xưởng phim tan tác. Lúc đó, tôi may mắn được là đại biểu Quốc hội khóa IX. Tôi đã đề nghị Chính phủ một chương trình chấn hưng điện ảnh. Tôi khẳng định thời đó phim truyện nhựa vẫn là cốt lõi của nền điện ảnh, không phải là phim video. Chính phủ đã phê duyệt một ngân sách khá lớn để chấn hưng điện ảnh. Nhưng khi thực hiện thì lại có những quyết sách không chính xác nên không mang lại hiệu quả như mong muốn.

CÒN ĐÓ MỘT BỘ PHIM TRÊN GIẤY

Đạo diễn Đặng Nhật Minh mồ côi mẹ từ khi 7 tuổi và đến khi ông 29 tuổi, cha lại hy sinh ở chiến trường. Ông đã bao giờ có ý định làm một bộ phim về cha của mình – giáo sư Đặng Văn Ngữ?

– Ý định này thì có từ lâu rồi. Đó là món nợ tinh thần của tôi đối với cha tôi. Tôi đã viết xong kịch bản phim truyện có tên là “Huyền nhiệm”. Kịch bản đó nếu thực hiện phải có nhiều kinh phí mới làm được. Nếu mà nói cả cuộc đời cha tôi thì phải có thời gian trước cách mạng ở Huế, sau đó sang Nhật du học rồi tham gia kháng chiến trên Việt Bắc, về tiếp quản thủ đô, sau đó là công cuộc tiêu diệt sốt rét rồi đi B và hy sinh. Rất nhiều hiện thực có liên quan đến bộ phim. Nếu không có nhà nước nhúng tay vào thì khó có thể làm được. Tư nhân thì không ai làm rồi. Tôi đã gửi kịch bản lên Cục Điện ảnh nhưng không được đón nhận. Tôi cứ để đấy thôi. Coi như món nợ tinh thần mình chưa trả được, nhưng ít nhất cũng trút được lên trên giấy – một bộ phim trên giấy.

Nhìn lại hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, ông có tự nhận thấy rằng ông là người may mắn?

– Tôi tự nhận là người may mắn. Tôi được nhiều anh chị em trong nghề giúp đỡ. Tôi nhận ra một điều nữa. Rằng tôi còn được những người thân đã khuất phù hộ rất nhiều, cụ thể là cha mẹ tôi. Khi làm phim “Đừng đốt” tôi tin còn được nữ liệt sỹ Đặng Thùy Trâm phù hộ nữa.

“Hoa nhài” là bộ phim tâm huyết lúc cuối đời của đạo diễn Đặng Nhật Minh

Ông từng viết trong hồi ký rằng ít khi ông xem lại phim của mình, bởi ông luôn cảm thấy có những điều có thể làm tốt hơn nhưng vì lý do chủ quan và khách quan khiến ông cũng không thể.

– Tâm trạng này không phải chỉ của riêng tôi. Nhiều đạo diễn trong nước cũng như ngoài nước đều có cảm giác như vậy. Tuy nhiên nghề đạo diễn Điện ảnh có đặc điểm thế này: Anh chỉ được làm một lần, không như đạo diễn sân khấu. Đạo diễn sân khấu dựng một vở kịch có thể tới lần thứ 100. Mỗi lần dựng anh lại trau chuốt, chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn. Còn đạo diễn điện ảnh, ai có thể nói tôi làm một lần là đã rất hài lòng? Ai cũng cảm thấy chỗ này chỗ kia chưa ưng ý, mà không được làm lại. Tuy nhiên dù có khiếm khuyết này kia, nhưng cái hồn của bộ phim, tư tưởng của bộ phim nếu có, nó sẽ cuốn người xem đi. Những phim tôi làm, tôi nhận thấy nhiều chỗ chưa được như ý, nhưng mình phải chấp nhận. Quan trọng là chúng được người xem quan tâm, không thờ ơ.

Vâng, xin cảm ơn đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh về cuộc trò chuyện này. Chúc ông sức khỏe và cũng rất mong dự án phim “Hoa nhài” của ông sớm ra mắt khán giả.

– Cảm ơn nhà báo. Cũng hy vọng đến cuối năm nay có thể mời nhà báo xem phim “Hoa nhài”. Từ khi quay xong tới giờ, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cho nên khâu hậu kỳ có chậm trễ!

ANH THƯ (THỰC HIỆN)


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình