Là địa phương sở hữu lượng di sản văn hóa phi vật thể lớn nhất cả nước, thành phố Hà Nội cũng có số lượng nghệ nhân đông đảo và họ luôn bền bỉ, nhiệt tâm gìn giữ, trao truyền di sản. Điều này đặt ra những đòi hỏi về công tác tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, góp phần hỗ trợ, “tiếp lửa” cho những “báu vật nhân văn sống” bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của dân tộc.
Tôn vinh cần đi kèm đãi ngộ
Trong đợt công bố danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” mới đây của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội tiếp tục dẫn đầu với 71 cá nhân được đề nghị xét tặng các danh hiệu, trong tổng số 671 hồ sơ của cả nước. Theo Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, Hà Nội có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể cùng hàng nghìn nghệ nhân đã và đang tích cực bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị các di sản. Để động viên, khích lệ lực lượng này, trong những năm qua, công tác tôn vinh nghệ nhân luôn được thành phố quan tâm, chú trọng.
“Đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba – năm 2021, Hà Nội đã hướng dẫn, hỗ trợ hơn 100 nghệ nhân làm hồ sơ, thủ tục đề nghị xét tặng các danh hiệu, trong đó có 11 hồ sơ đề nghị danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, 60 hồ sơ đề nghị danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” được Hội đồng xét duyệt các cấp thông qua. Đây là sự khích lệ những “báu vật nhân văn sống” tiếp tục phát huy tài năng, trách nhiệm trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, bà Phạm Thị Lan Anh cho biết.
Cùng với công tác tôn vinh, các hoạt động hỗ trợ nghệ nhân nuôi dưỡng tình yêu di sản trong cộng đồng cũng được triển khai tích cực trên địa bàn thành phố Hà Nội, như: Hỗ trợ mở lớp truyền dạy ca trù, hát dô, hát chèo tàu, hát xẩm, múa rối, múa cồng chiêng…, nhân cấy lớp người gìn giữ, thực hành mới; ghi hình, in sách, tư liệu hóa nhiều loại hình di sản làm cơ sở lưu trữ, giảng dạy cũng như tôn vinh, quảng bá di sản tại các sự kiện văn hóa trong và ngoài nước… Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê (huyện Đông Anh) Nguyễn Văn Đạm chia sẻ, việc hỗ trợ truyền dạy di sản đã tiếp sức rất nhiều cho các nghệ nhân ở địa phương cả về kinh phí lẫn kinh nghiệm tổ chức.
Tuy nhiên, hiện công tác quan tâm, chăm sóc nghệ nhân ở Hà Nội vẫn còn những hạn chế cần sớm được khắc phục, trong đó phải kể đến là thiếu chế độ đãi ngộ riêng dành cho lớp người nắm giữ di sản. Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang, số đông nghệ nhân ở Hà Nội đều đã tuổi cao, sức yếu, thu nhập không đủ trang trải sinh hoạt, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Nghị định số 109/ 2015/NĐ-CP (ngày 28-10-2015) của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Để hỗ trợ nghệ nhân, nhiều tỉnh, thành phố như: Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh… đã có cơ chế hỗ trợ riêng, điều còn thiếu ở Thủ đô di sản – thành phố Hà Nội.
Động lực để nghệ nhân gìn giữ, trao truyền di sản
Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là những người nắm giữ và thực hành thành thạo các nghi lễ, diễn xướng dân gian. Họ truyền dạy, bảo tồn những tinh hoa, bản sắc văn hóa của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau, là những báu vật, bảo tàng sống, linh hồn của các di sản văn hóa phi vật thể.
Việc có nguồn hỗ trợ để nghệ nhân đỡ lo toan về đời sống, từ đó có thể toàn tâm, toàn ý cho hoạt động bảo tồn di sản là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe có hạn. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, tình yêu, trách nhiệm của các nghệ nhân là “mạch nguồn” cho sức sống bền bỉ của các di sản văn hóa. Bên cạnh những hoạt động vinh danh, ghi nhận công lao, còn cần có những hỗ trợ thiết thực hơn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lực lượng này gìn giữ, trao truyền vốn di sản văn hóa quý giá của dân tộc.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, ngành Văn hóa Thủ đô cũng đã có những kiến nghị với thành phố về việc xây dựng cơ chế đãi ngộ cho lớp người nắm giữ di sản. Cụ thể, trong dự thảo Kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trình UBND thành phố xem xét, ban hành cuối năm 2021, có nội dung xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
“Nếu được thông qua, chính sách sẽ hỗ trợ rất lớn cho lớp người nắm giữ di sản, qua đó tiếp sức cho di sản mãi trường tồn trong đời sống”, ông Đỗ Đình Hồng nói.
Hànộimới