Chủ tịch Hồ Chí Minh – người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất, người Cộng sản vĩ đại, người Chiến sĩ lỗi lạc của phong trào Cộng sản Quốc tế. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp Cách mạng của nhân dân ta và nhân dân Thế giới vì Độc lập, Tự do của Dân tộc, vì Hòa bình và công lý trên Thế giới. Dấu chân Người đã in dấu trên mảnh đất quê hương Cách mạng, làm lên những chiến công hiển hách và đi vào lịch sử nhân loại như một chiến thắng vĩ đại.
Trong nhật ký hành trình của chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi bước đi, mỗi giai đoạn hoạt động của Người đều viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Một trong đó là khoảng thời gian Bác gắn bó với Chiến khu Việt Bắc. Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890 – 19/5/2022), những thước phim về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại vang vọng đâu đó, đưa chúng ta trở về những hồi ức xa xưa. Đó là ký ức về một thời gian khổ nhưng quật cường để hôm nay cho đến mai sau nhìn lại, các thế hệ nhân dân Việt Nam không khỏi tự hào.
Ngược dòng thời gian về quá khứ, ngày 8/2/1941, ngay khi đặt chân về nước, Bác Hồ đã chọn hang Cốc Bó, thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng làm nơi sống và làm việc. Từ Cao Bằng, căn cứ địa cách mạng được mở rộng ra các tỉnhBắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang trở thành Chiến khu Việt Bắc huyền thoại một thời. Chiến khu Việt Bắc là nơi rừng núi bạt ngàn hiểm trở, giúp giữ bí mật công tác xây dựng lực lượng cách mạng, trở thành địa bàn thuận lợi cho lực lượng vũ trang đánh du kích lâu dài, tiêu hao lực lượng địch và dễ dàng duy trì, phát triển lực lượng. Căn cứ Việt Bắc còn là nơi có thể liên lạc với phong trào cộng sản quốc tế, tranh thủ được sự giúp đỡ của miền xuôi. Bởi vậy, Bác Hồ từng đánh giá Chiến khu Việt Bắc là nơi “tiến khả dĩ công, thoát khả dĩ thủ”. Chính sự chỉ đạo sáng suốt của Người đã góp phần quan trọng làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử năm 1945 và cả trong giai đoạn trường kỳ kháng chiến từ năm 1946 – 1954.
Không chỉ là các hoạt động cách mạng mà lối sống, tư tưởng, sự lạc quan của Bác trong những ngày tháng làm việc tại Chiến khu Việt Bắc khiến người dân Việt Nam và bạn bè Quốc tế khi nhìn lại vẫn không khỏi thán phục, ngưỡng mộ. Bác và lối sống của Bác trở thành tấm gương, đúc rút nên những bài học quý báu cho các thế hệ mai sau. Mỗi khi đặt chân đến Chiến khu Việt Bắc, tham quan nơi làm việc và sinh sống của Bác làm chúng con nghĩ đến Tức cảnh Pác Bó bác sáng tác năm xưa:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo be, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Mảnh đất Việt Bắc in hằn dấu chân Người. Mỗi nơi Người đi qua đều làm nên lịch sử và Thái Nguyên là một trong những mảnh đất thiêng liêng ấy. Ngày 20/5/1947, Bác Hồ về ATK Định Hóa – Thái Nguyên trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bác Hồ và Trung ương Đảng đã xác định Thái Nguyên là một trong những vị trí chiến lược trong cuộc kháng chiến. Đây là nơi Bác viết bài thơ Cảnh khuya nổi tiếng, viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để chỉ dẫn cho chúng ta về công tác xây dựng Đảng, chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh, khởi nguồn cho sự ra đời Ngày thương binh – liệt sĩ trong toàn quốc.Cũng từ ATK Định Hóa, Bác và Trung ương đã ra nhiều quyết định quan trọng như mở Chiến dịch Biên giới năm 1950, bàn kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953 – 1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Dù chiến tranh đã ngủ yên, đất nước chúng ta đang vững bước trên con đường hội nhập và phát triển nhưng khi nhìn lại những đoạn ký ức ấy, mỗi người con Việt Nam không khỏi nghẹn ngào, nhớ thương và thậm chí là những giọt nước mắt đã rơi. Giọt nước cho sự tự hào, nhớ thương vô vạn đến “người cha già” của dân tộc, những người đã ngã xuống vì độc lập tự do. Những giai thoại về Người – Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về Chiến khu Việt Bắc nói chung và Thái Nguyên nói riêng sẽ sống mãi như một bản hùng ca vang vọng đến muôn đời sau.
Cả cuộc đời vĩ đại của Hồ Chí Minh là tấm gương mãi mãi sáng ngời chí khí Cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập, tự chủ, lòng yêu nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn ngàn năm lịch sử với chân lý ” Không có gì quý hơn Độc lập – Tự do. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ Dân tộc ta, nhân dân ta và non sông, đất nước ta “. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận dân tộc thống nhất. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang như một bản anh hùng ca vang mãi mọi thời đại.
Thùy Dương/Văn Hiến VN