Đến nay, có 3 chuyến bay chở người mang hộ chiếu vaccine nhập cảnh Việt Nam qua cảng hàng không Vân Đồn. Hiệu ứng đánh giá của các cơ quan liên quan, của người nhập cảnh với chính sách này rất khả quan.
Chuyến bay thí điểm chở khách có “hộ chiếu vaccine” phòng COVID-19 đầu tiện hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Vân Đồn vào chiều 4.9.2021. Ảnh: CTV
Ngày 1.10, bà Nguyễn Thị Hương Lan – Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao – đơn vị chủ trì triển khai chương trình “Hộ chiếu vaccine” – đã chia sẻ với VOV thông tin liên quan tới thúc đẩy chương trình này.
Bà Hương Lan lưu ý, hộ chiếu vaccine thực tế là một cách gọi khác đối với giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine khi người dân sử dụng giấy này cho mục đích di chuyển, đảm bảo sự an toàn về y tế trong hoạt động đi lại.
Người mang hộ chiếu vaccine được hiểu là đã được tiêm chủng đầy đủ và đang trong thời gian vaccine phát huy hiệu quả – tức là từ 14 ngày đến 12 tháng sau khi tiêm vaccine mũi thứ hai.
Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh, cách ly theo hướng ưu tiên người đã mang “hộ chiếu vaccine”. Và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó.
Hiệu ứng rất khả quan
Theo bà Hương Lan, Bộ Ngoại giao đã nghiên cứu từ sớm kinh nghiệm của các nước về triển khai hộ chiếu vaccine, các tiêu chí, thông tin hiển thị trên loại giấy này, điều kiện để sử dụng cho việc đi lại quốc tế.
Trên cơ sở các nghiên cứu này, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua các tiêu chí về hộ chiếu vaccine của Việt Nam và tiêu chí để công nhận hộ chiếu vaccine nước ngoài mang vào Việt Nam để sử dụng cùng hàng loạt nhiệm vụ để các Ban, bộ, ngành cùng triển khai trong chính sách hộ chiếu vaccine.
Bà cho biết, Bộ Ngoại giao đã xây dựng phương án đàm phán cụ thể với các nước, gọi là Lộ trình đàm phán và công nhận hộ chiếu vaccine nước ngoài tại Việt Nam. Việc trao đổi với các nước được Cục Lãnh sự trực tiếp triển khai theo các hướng khác nhau.
“Một mặt, chúng tôi thông báo cho các nước về chính sách của Việt Nam sẵn sàng trao đổi để công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine, thông báo cho các nước tiêu chí công nhận của ta. Mặt khác, chúng tôi đang tạm thời công nhận một số hộ chiếu vaccine của các nước để triển khai thí điểm hướng dẫn cách ly tập trung 7 ngày đối với người đã được tiêm chủng đầy đủ” – Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, thông tin.
Bà Hương Lan cho biết, tới nay đã có 3 chuyến bay chở người mang hộ chiếu vaccine nhập cảnh Việt Nam qua cảng hàng không Vân Đồn. Hiệu ứng đánh giá của các cơ quan liên quan, của người nhập cảnh với chính sách này rất khả quan.
“Chúng tôi cũng đã trao đổi với từng nước để công nhận lẫn nhau đối với hộ chiếu vaccine (của ta và của đối tác) và áp dụng các biện pháp nhập cảnh, y tế ưu đãi đối với người mang hộ chiếu vaccine từ bên này nhập cảnh bên kia” – bà nói thêm.
Lãnh đạo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng chia sẻ, một trong những khó khăn hiện nay là chưa có mẫu hộ chiếu vaccine thống nhất trên toàn quốc, được cấp bằng phần mềm trên môi trường điện tử và bản giấy, mang mã xác thực điện tử phù hợp với chuẩn quốc tế.
Nội dung bộ tiêu chí công nhận hộ chiếu vaccine
Trong quá trình phát triển hộ chiếu vaccine, một trong những nội dung trọng tâm là việc Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp cùng các Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ tiêu chí công nhận đối với hộ chiếu vaccine của nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam.
Thông tin về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hương Lan lưu ý: “Đến nay, bộ tiêu chí này đã được lãnh đạo Chính phủ thông qua và hiện được sử dụng để làm cơ sở để Việt Nam đàm phán với các quốc gia/vùng lãnh thổ về việc công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau trên cơ sở có đi có lại”.
Bà Hương Lan nêu rõ, bộ tiêu chí bao gồm 4 nội dung cơ bản. Thứ nhất, về loại vaccine: Việt Nam chấp nhận các loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới hoặc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ hoặc Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu hoặc Việt Nam cấp phép sử dụng. Liều cuối cùng tiêm trước ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng kể từ ngày dự kiến nhập cảnh Việt Nam.
Thứ hai, về hình thức: Mẫu hộ chiếu vaccine nên được cấp đồng thời trên môi trường điện tử và bản giấy phải mang mã xác thực (QR code hay hình thức chứng thực điện tử khác), được giới thiệu chính thức cho Việt Nam cùng với hướng dẫn chi tiết về phương thức xác thực điện tử.
Tiêu chí thứ ba là hộ chiếu vaccine được cấp bởi quốc gia/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, tỉ lệ tiêm chủng rộng rãi, có quan hệ hợp tác với Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh, chia sẻ thông tin y tế cũng như các lĩnh vực hợp tác khác.
Tiêu chí cuối cùng cần được xét tới là hộ chiếu vaccine của nước ngoài được công nhận rộng rãi và cho phép sử dụng để đi lại.
An toàn, hiệu quả
Bà Nguyễn Thị Hương Lan cũng cho hay, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã liên tục tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài cũng như theo dõi tình hình dịch trong nước và quốc tế để xây dựng chiến lược “hộ chiếu vaccine” an toàn, hiệu quả và rút ra được một số nội dung cơ bản.
Bà cho biết: “Thứ nhất, ta cần ứng dụng triệt để, sử dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ chế xác thực hộ chiếu vaccine của nước ngoài cũng như hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Cụ thể, trước mắt, ta cần xây dựng mẫu hộ chiếu vaccine chính thức của Việt Nam cũng như cơ chế xác thực giấy tờ này trên một nền tảng đồng bộ và thống nhất.
Thứ hai là việc mở cửa cần được thực hiện theo lộ trình rõ ràng, cụ thể nhưng cũng đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch bệnh với sự phân công rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Cuối cùng, do COVID-19 là cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, các chính sách, chiến lược được đưa ra cần có thời gian để kiểm chứng tác động, hiệu quả. Vì vậy, ta có thể mạnh dạn xây dựng, triển khai các chương trình thí điểm trên quy mô hẹp. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết các chương trình thí điểm đó, các cơ quan chức năng sẽ kiến nghị chính sách toàn diện hơn”.
Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 9.9, trả lời câu hỏi về thời điểm triển khai rộng rãi “hộ chiếu vaccine” sau chuyến bay thí điểm đầu tiên ngày 4.9 (chuyến bay số hiệu VN5311 từ Nhật Bản hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn), Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh: “Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang xúc tiến để có thể sớm triển khai “hộ chiếu vaccine” và điều chỉnh các quy định về xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi hơn nữa cho các chuyên gia, lao động và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nghiên cứu, triển khai chương trình thí điểm du lịch khép kín đối với khách quốc tế đã được tiêm đủ vaccine để vào Việt Nam”.
HẢI ANH
Theo laodong.vn