Đội ngũ cán bộ, đoàn viên Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ đã tổ chức “Hành trình về nguồn” tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, chương trình diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 20/3/2024 đến 23/3/2024)…
Đây là hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi các hoạt động Chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024), cụ thể hóa Chương trình “Tháng Ba biên giới” được các cấp Bộ, Đoàn phát động.
Đội ngũ cán bộ, đoàn viên Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ tham gia chương trình “Hành trình về nguồn”.
Rèn luyện tinh thần đấu tranh không khuất phục
Vượt đoạn đường hơn 380 km, điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là khu Di tích Lịch sử Quốc gia Nhà Đày Buôn Ma Thuột, tọa lạc tại số 18, đường Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Là một quần thể kiến trúc khép kín có diện tích gần 02 héc ta, bao quanh bởi vọng gác và các bức tường cao, dày là hệ thống xà lim, nhà xưởng, nhà kho, bếp ăn và 06 dãy lao tập thể. Nơi đây được chế độ thực dân, đế quốc giam giữ và đày ải những người yêu nước, Đảng viên Cộng sản bị bắt và bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ, là công cụ đàn áp, khủng bố cách mạng Việt Nam từ những năm 1930 – 1931. Trong hoàn cảnh khốn khổ cùng cực, vượt qua khí hậu khắc nghiệt của vùng Tây Nguyên, vượt qua những trận đòn tra tấn dã man, tàn bạo của quân thù, những chiến sĩ cộng sản, những người con yêu nước vẫn không ngừng rèn luyện, tu dưỡng bản thân về tinh thần đấu tranh không khuất phục. Để rồi trong số nhiều nghìn lượt tù nhân tại Nhà đày, không ít những hạt giống đỏ được tôi luyện trở thành lãnh đạo cốt cán của Đảng và Chính phủ, tiêu biểu như Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu…
Trong chất giọng thuyết minh truyền cảm của đồng chí hướng dẫn viên, chúng tôi, những cán bộ, đoàn viên trẻ của Lực lượng Công an Nhân dân càng cảm nhận sâu sắc hơn về bản lĩnh và tinh thần đấu tranh không khuất phục của các bậc cha anh đi trước. Hình ảnh những người chiến sĩ cộng sản chịu đủ đòn roi, chỉ được mặc những manh áo mỏng ngày không đủ khô, đêm không đủ ấm, ăn cơm trộn lẫn giòi và mốc, phải uống cả nước tiểu của mình nhưng vẫn can trường vượt mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giải phóng dân tộc ở Đắk Lắk hiện lên, gợi cho chúng tôi một sự khâm phục và kính trọng to lớn. Thắp lên nén hương trầm, chúng tôi thành kính cúi đầu trước anh linh các bậc cha anh đã dùng chính máu xương mình để đổi lại độc lập, tự do cho đất nước.
Đoàn công tác đến viếng, dâng hương.
Bước ngoặt trên cao nguyên
“Ngày 18/3/1975, Sư đoàn 10 của ta đuổi theo đánh trận cuối cùng tiêu diệt đại bộ phận Sư đoàn 23 ngụy – sư đoàn kiêu binh với danh hiệu “Bình Nam, tiến Bắc, trấn Cao nguyên” đã bị xóa sổ. Sau 4 ngày đêm với nhiều trận đánh quyết liệt, ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc phản kích của địch để chiếm lại Buôn Ma Thuột” – đây là đoạn thuyết minh gần kết trong chương trình tham quan sa bàn “Chiến thắng Buôn Ma Thuột” mà đoàn chúng tôi được trải nghiệm sau khi rời Nhà đày để đến Bảo tàng Đắk Lắk ở trung tâm thành phố. Tại đây đã tái hiện lại trận đánh ngày 10/3/1975 – trận đánh đi vào lịch sử với vai trò là một trong những chiến thắng tiêu biểu và oanh liệt nhất cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, mở màn cho cuộc tổng tấn công của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chương trình này, kiến thức về “Chiến thắng Buôn Ma Thuột” không còn dừng lại trên những trang sách hoặc những thướt phim tư liệu, mà trở thành một hệ thống trận địa với sự kết hợp của mô hình chuyển động và kỹ xảo âm thanh, ánh sáng. Toàn bộ quá trình trận đánh từ 2 giờ 3 phút sáng ngày 10/3/1975 được dựng lại trên sa bàn cách chúng tôi chưa đầy 2 mét. Không còn là những hình vẽ mũi tên chỉ hướng tiến công hay rút lui đơn điệu, không còn là những đoạn phim súng nổ, pháo rền tráng liệt nhưng thiếu tính bao quát toàn cảnh. Giờ đây toàn bộ quá trình cuộc chiến được bày ra, thật gần mà thật xa, thật quen mà thật lạ, mang lại cho chúng tôi ấn tượng thật khác biệt về cách “kể” lại một câu chuyện lịch sử của địa phương.
Ngoài kiến thức lịch sử, Đoàn được giới thiệu về đặc điểm địa hình, khí hậu, tài nguyên, hệ sinh thái cũng như những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất được mệnh danh là “Thủ phủ” cà phê của đất nước. Câu chuyện về nguồn gốc các địa danh, về tục không cắt lúa do người dân cho rằng bên trong cây lúa có sinh mệnh, về truyền thuyết tình yêu lay động lòng người của nàng H’Lăm và chàng Y Đhin góp phần bảo vệ khu rừng Cư H’lăm đầy huyền bí, ma mị hay một truyền thuyết khác về hai hòn đá có hình dáng như con voi khổng lồ nằm giữa vùng đất tuyệt đẹp gắn với tình yêu của đồng bào bản địa càng gợi lên sự tò mò, thích thú đối với vùng đất này, khép lại một ngày thu hoạch nhiều kiến thức và trông đợi hơn ở các hoạt động tiếp theo.
Cầu vồng sau mưa
Địa điểm tiếp theo của hành trình về nguồn của Đoàn, chúng tôi đến thăm Công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin. Hơn 9 tháng trôi qua sau sự kiện kinh hoàng trên mảnh đất vùng cao, cuộc sống của người dân đã trở lại với nhịp điệu quen thuộc sau những nỗ lực của các lực lượng chức năng cùng với công tác tuyên truyền, trấn an lòng dân của chính quyền địa phương. Công an xã cùng với Công an các cấp đã thực hiện bố trí các điểm chốt có lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ, góp phần mang lại tâm lý an toàn, an tâm cho người dân sinh sống trong khu vực. Đồng chí Phó trưởng Công an xã Ea Ktur phấn khởi cho biết: anh em ở xã quyết tâm bám cơ sở, nâng cao tinh thần cảnh giác, khắc phục khó khăn, tin tưởng sẽ cùng đồng bào xây dựng quê hương phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Ông Trần Viết Thành – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Quốc tế Edugo Miền Nam, đơn vị đồng hành cùng đoàn trong hành trình cho biết, bản thân ông và Công ty vô cùng ủng hộ và tâm huyết với các hoạt động an sinh xã hội cũng như hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự của lực lượng Công an cơ sở. Vốn xuất thân là một người con của núi rừng cao nguyên, ông vinh dự được đóng góp một phần nhỏ vào sự nghiệp phát triển bền vững quê hương thông qua nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Với sự đồng hành của ông Thành, chúng tôi trân trọng gửi tặng 02 đơn vị Công an xã của huyện Cư Kuin 02 phần quà với tổng trị giá 14.000.000 đồng. Những cái bắt tay thân mật vào cuối cuộc gặp thay cho lời chúc đồng đội của chúng tôi “chân cứng đá mềm”, giữ vững tinh thần, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ông Trần Viết Thành – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Quốc tế Edugo Miền Nam, đơn vị đồng hành cùng đoàn trong hành trình về nguồn.
Kết thúc chuyến đi, mỗi thành viên của đoàn lại ngập tràn niềm phấn khởi với những trải nghiệm đầy ấn tượng. Chuyến đi về nguồn không chỉ đưa Đoàn về thăm địa chỉ cách mạng, mà còn mang đến cơ hội giúp Đoàn viên tiếp cận thực tế và thấu hiểu sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân ta.
Và trở về với công việc thường nhật cùng hành trang là kiến thức thu được từ mảnh đất trên cao nguyên, những kỷ niệm về tình đất, tình người nơi đây tin rằng sẽ còn đọng lại trong ký ức mỗi thành viên tham gia cuộc hành trình thêm nhiều năm nữa. Chúng tôi sẽ nhớ hương vị của món gà nướng cơm lam, về lời ca, tiếng hát đặc trưng, đậm chất núi rừng, và trên hết là tình cảm chân thành của người dân trong suốt cuộc hành trình, là tinh thần bền gan, vững chí như núi, như nước, như sâu thẳm đại ngàn trong nghìn năm kiến tạo, xây đắp quê hương, trong suốt chiều dài của cuộc trường chinh vệ quốc của vùng đất bên chân dãy Trường Sơn. Những trải nghiệm đó sẽ trở thành một phần tuổi trẻ. Hẹn Đắk Lắk, sẽ còn gặp lại!
Một số hình ảnh về Hành trình về nguồn
Các thành viên trong đoàn chụp hình lưu niệm.
Sa bàn Chiến thắng Buôn Mê Thuột.
Ng. Đăng – Kiến Văn