Hai người phụ nữ mặc áo dài xanh ‘đắt giá’ nhất của hội họa Việt Nam

10:07 | 16/12/2021

Thêm một siêu phẩm của Mai Trung Thứ vừa đạt mức giá ấn tượng. Hiện tại, đứng đầu top siêu phẩm hội họa Việt đắt giá nhất trên thị trường đấu giá quốc tế là hai tác phẩm của Mai Trung Thứ.


Chiều 14/12, phiên đấu giá “Mapping Modernities” (Phác họa những nét hiện đại) đã được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông tiến hành.

Trong cuộc đấu giá có 4 bức họa của danh họa Mai Trung Thứ (1906 – 1980) được đem ra rao bán. Sau kỷ lục về giá mà bức “Chân dung Madam Phương” của danh họa Mai Trung Thứ từng xác lập trong năm nay, nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng khi giới thiệu loạt 4 tác phẩm của vị danh họa này.

Các tác phẩm này được thực hiện trong nhiều thời kỳ khác nhau, từ giai đoạn khởi đầu trong sự nghiệp của ông hồi đầu thập niên 1930, cho tới những năm tháng cuối cùng của ông trong sự nghiệp hội họa hồi thập niên 1970.

Những bức tranh này vốn nằm trong một bộ sưu tập tranh tư nhân ở Châu Âu, người chủ của bộ sưu tập vốn có mối quan hệ thân tình với gia đình của danh họa Mai Trung Thứ. Cả 4 bức tranh đều được nhà sưu tầm mua hồi thập niên 1990 một cách trực tiếp từ gia đình của danh họa Mai Trung Thứ.

Bức tranh sơn dầu “Người phụ nữ đội nón đứng bên sông” được thực hiện hồi năm 1937 (Ảnh: Sotheby).

Trong đó, tác phẩm sơn dầu “Người phụ nữ đội nón đứng bên sông” được Mai Trung Thứ thực hiện hồi năm 1937 nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả. Tác phẩm có kích thước 98 x 71 cm. Mức giá ước đoán mà nhà đấu giá đưa ra cho tác phẩm dao động trong khoảng từ 5 triệu – 7 triệu đô la Hồng Kông (tương đương từ 14,6 tỷ đồng – 20,5 tỷ đồng).

Mức giá mà tác phẩm thực sự đạt được đã vượt qua dự đoán của Sotheby, đạt tới 12.275.000 đô la Hồng Kông (tương đương hơn 36 tỷ đồng). Mức giá này khiến tác phẩm ngay lập tức đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng siêu phẩm hội họa Việt đắt giá nhất trên thị trường đấu giá quốc tế. Bức đắt giá đầu bảng hiện nay vẫn là “Chân dung Madam Phương” của danh họa Mai Trung Thứ.

Những bức tranh sơn dầu được danh họa Mai Trung Thứ thực hiện trong giai đoạn đầu của sự nghiệp rất hiếm có, cho tới nay ước tính chỉ có khoảng 7 bức từng xuất hiện tại các cuộc đấu giá.

Bức “Người phụ nữ đội nón đứng bên sông” còn gợi nhắc về bức “Chân dung Madam Phương”. Nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông đánh giá hai bức tranh có nhiều nét tương đồng từ chất liệu thực hiện, cho tới phần hình ảnh. Trong cả hai bức tranh, hai người phụ nữ đều mặc áo dài màu xanh.

Danh họa rất yêu thích hình ảnh chiếc áo dài màu xanh, có ít nhất 5 tác phẩm của ông trong giai đoạn này có khắc họa hình ảnh chiếc áo dài xanh.

Dù vậy, danh tính của người phụ nữ xuất hiện trong bức “Người phụ nữ đội nón đứng bên sông” không được biết đến. Người ta chỉ biết rằng danh họa đã khắc họa một người đẹp mà ông đã gặp trong quãng thời gian ông lưu lại Huế.

3 tác phẩm còn lại cùng xuất hiện trong cuộc đấu giá “Mapping Modernities” cũng đều có mức giá vượt cao hơn ước đoán ban đầu của nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông:

Bức tranh lụa “Giai điệu” được danh họa Mai Trung Thứ thực hiện hồi năm 1966. Tác phẩm có kích thước 36,5 x 79,5 cm. Tác phẩm có mức giá ước đoán từ 1,2 triệu – 1,8 triệu đô la Hồng Kông, tại phiên đấu giá, tác phẩm đạt mức 4.032.000 đô la Hồng Kông (tương đương 11,8 tỷ đồng) (Ảnh: Sotheby).
Bức tranh lụa “Cô gái đang nằm” được Mai Trung Thứ thực hiện hồi năm 1964, tranh có kích thước 23 x 36 cm. Nhà đấu giá ước đoán mức giá trả cho tác phẩm dao động trong khoảng từ 800.000 – 1,5 triệu đô la Hồng Kông, tại phiên đấu giá, tác phẩm đạt mức 1.953.000 đô la Hồng Kông (tương đương 5,7 tỷ đồng) (Ảnh: Sotheby).
Bức tranh lụa “Tĩnh vật” được danh họa Mai Trung Thứ thực hiện hồi năm 1970. Tác phẩm có kích thước 22 x 36,5 cm. Tác phẩm được nhà đấu giá ước tính có giá dao động trong khoảng từ 420.000 tới 650.000 đô la Hồng Kông, tại phiên đấu giá, tác phẩm đạt mức 1.134.000 đô la Hồng Kông (tương đương 3,3 tỷ đồng) (Ảnh: Sotheby).

Cùng nhìn lại top 14 siêu phẩm hội họa Việt đắt giá nhất trên thị trường đấu giá quốc tế:

Bức “Chân dung Madam Phương” của danh họa Mai Trung Thứ (1906 – 1980) được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra ngày 18/4 năm nay, đạt mức giá 24.375.000 đô la Hồng Kông (tương đương gần 72,5 tỷ đồng). Bức tranh sơn dầu kích thước 135,5 x 80cm được thực hiện vào năm 1930.
Bức “Người phụ nữ đội nón đứng bên sông” của danh họa Mai Trung Thứ được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra ngày 14/12, đạt mức giá 12.275.000 đô la Hồng Kông (tương đương hơn 36 tỷ đồng). Bức tranh sơn dầu kích thước 98 x 71cm được thực hiện vào năm 1937.
Bức “Khỏa thân” của danh họa Lê Phổ (1907-2001) được nhà đấu giá Christie Hồng Kông bán ra ngày 26/5/2019, đạt mức giá 10.925.000 đô la Hồng Kông (tương đương 32,5 tỷ đồng). Bức tranh sơn dầu kích thước 90,5 x 180,5cm được thực hiện hồi năm 1931.
Bức “Tan mộng” của danh họa Tô Ngọc Vân (1906-1954) được nhà đấu giá Christie Hồng Kông bán ra ngày 26/5/2019, đạt mức giá 9.125.000 đô la Hồng Kông (tương đương hơn 27 tỷ đồng). Bức tranh lụa kích thước 92,5 x 57cm được thực hiện hồi năm 1932.
Bức “Đời sống gia đình” của họa sĩ Lê Phổ (1907-2001) được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra ngày 2/4/2017, đạt mức giá 9.100.000 đô la Hồng Kông (tương đương hơn 27 tỷ đồng). Bức tranh lụa có kích thước 82 x 66cm được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1937-1939.
Bức “Thiếu nữ choàng khăn” của họa sĩ Lê Phổ (1907-2001) được nhà đấu giá Christie Hồng Kông bán ra ngày 24/5 vừa qua, đạt mức giá 8.650.000 đô la Hồng Kông (tương đương 25,6 tỷ đồng). Bức tranh lụa có kích thước 59.5 x 48.5 cm, được thực hiện vào khoảng năm 1938.
Bức tranh sơn mài “Cảnh ngôi chùa cổ ở miền bắc Việt Nam” của họa sĩ Phạm Hậu (1903 – 1995) được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra ngày 18/4 vừa qua, đạt mức giá 8.040.000 đô la Hồng Kông (tương đương gần 24 tỷ đồng). Tác phẩm có kích thước 104,5 x 183cm được thực hiện trong thập niên 1930.
Bức “Người phụ nữ bên các con” của họa sĩ Lê Thị Lựu (1911-1988) được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra ngày 18/4 vừa qua, đạt mức giá 6.830.000 đô la Hồng Kông (tương đương 20,2 tỷ đồng). Tác phẩm có kích thước 99 x 74cm được thực hiện vào thập niên 1960.
Bức “Em bé và chú chim” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) được nhà đấu giá Christie Hồng Kông bán ra ngày 27/5/2018, đạt mức giá 6.700.000 đô la Hồng Kông (tương đương gần 20 tỷ đồng). Tác phẩm tranh lụa có kích thước 65 x 50cm được thực hiện năm 1931.
Bức “Nhìn từ đỉnh đồi” của họa sĩ Lê Phổ (1907-2001) được nhà đấu giá Christie Hồng Kông bán ra ngày 22/11/2014, đạt mức giá 6.520.000 đô la Hồng Kông (tương đương 19,3 tỷ đồng). Tác phẩm tranh sơn dầu có kích thước 113 x 192cm được thực hiện năm 1937.
Bức “Cô gái làm thơ” của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 – 1980) được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra ngày 18/4 vừa qua, đạt mức giá 6.225.000 đô la Hồng Kông (tương đương 18,5 tỷ đồng). Tác phẩm tranh lụa có kích thước 73 x 50,3cm được thực hiện hồi năm 1943.
Bức tranh sơn mài “Dân làng” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993) được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra ngày 30/9/2018, đạt mức giá 6.120.000 đô la Hồng Kông (tương đương gần 18,2 tỷ đồng). Tác phẩm có kích thước 99 x 198cm được thực hiện năm 1939.
Bức “Hai người phụ nữ ngắm bể cá vàng” của họa sĩ Lê Phổ (1907-2001) được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra ngày 18/4 vừa qua, đạt mức giá 5.983.000 đô la Hồng Kông (tương đương hơn 17,7 tỷ đồng). Tác phẩm tranh lụa có kích thước 69 x 53cm.
Bức “Gia đình” của họa sĩ Lê Phổ được nhà đấu giá Sotheby Hồng Kông bán ra ngày 30/9/2018, đạt mức giá 5.880.000 đô la Hồng Kông (tương đương 17,4 tỷ đồng). Tác phẩm tranh lụa có kích thước 72 x 59,5cm được thực hiện vào khoảng năm 1935-1940.

 

Theo Sotheby/Christie

Video hay

Cùng chuyên mục

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử