Cấp phúc thẩm sửa án, bác yêu cầu khởi kiện khiến hai người kiện đòi vốn góp và lợi nhuận kinh doanh “mất cả chì lẫn chài”.
TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm đã sửa án vụ hai nguyên đơn là ông Huỳnh Văn Chí và bà Huỳnh Thị Hải kiện Công ty TNHH Thương mại Hóa Nông Mùa Vàng đòi vốn góp và lợi nhuận kinh doanh.
Trước đó, xử sơ thẩm, TAND tỉnh Long An chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia lợi nhuận từ vốn góp tính từ tháng 3-2010 mỗi người 440 triệu đồng. Đồng thời, tòa đình chỉ yêu cầu kiện hoàn trả góp vốn cho mỗi nguyên đơn 500 triệu đồng.
HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của Công ty Hóa Nông Mùa Vàng, sửa án, bác cả yêu cầu chia lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cho hai nguyên đơn.
Theo tòa, công ty trên do ông Đỗ Hữu Thành Nhân, ông Nguyễn Thanh Thiện và ông Huỳnh Văn Chí thành lập với vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng. Mỗi thành viên góp 500 triệu, ông Nhân là đại diện theo pháp luật.
Ngày 15-3-2010, công ty được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu. Ngày 20-3-2010, bà Huỳnh Thị Hải có đăng ký góp 500 triệu đồng, nâng vốn điều lệ lên 2 tỉ và thay đổi số thành viên từ ba lên bốn người.
Nguyên đơn ông Chí, bà Hải cho rằng đã góp vốn vào công ty và được cấp giấy chứng nhận.
Trong khi đó, công ty thừa nhận ông Nhân, ông Thiện và ông Chí có thỏa thuận thành lập công ty… Sau đó, bà Hải có đăng ký góp vốn nhưng thực tế chưa góp vốn.
Thời điểm thành lập, công ty có nhu cầu vay vốn ngân hàng để đầu tư kinh doanh. Ông Chí, bà Hải đồng ý dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình làm tài sản bảo đảm cho công ty vay 1 tỉ nhưng không được ngân hàng chấp nhận nên đã trả lại giấy tờ cho cả hai. Do ông Chí, bà Hải không góp vốn nên đến ngày 1-4-2013, công ty triệu tập họp hội đồng thành viên và thống nhất để ông Nhân góp 1,5 tỉ đồng.
Như vậy, nguyên đơn cho rằng có góp vốn vào công ty nhưng không xuất trình được chứng cứ nộp tiền vào. Bị đơn thừa nhận công ty có cấp giấy chứng nhận góp vốn cho ông Chí, bà Hải nhưng thực tế hai người không có góp vốn vào công ty. Công ty chỉ cấp giấy chứng nhận góp vốn để thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, cả bốn thành viên công ty đều có giấy chứng nhận góp vốn nhưng không có góp vốn thực tế.
Theo HĐXX, lời khai của bị đơn là có cơ sở. Bởi lẽ, theo thỏa thuận ban đầu, vốn góp vào công ty của mỗi người là 500 triệu đồng. Hai nguyên đơn đồng ý dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình để cho công ty thế chấp cho ngân hàng để vay 1 tỉ, tương ứng với số tiền mỗi người cần phải góp vào. Tuy nhiên, do không được ngân hàng chấp nhận cho vay nên coi như ông Chí, bà Hải chưa góp tiền vào. Sau đó, do không góp vốn nên số thành viên chỉ còn lại hai thành viên.
Mặt khác, trong thời gian dài là thành viên công ty nhưng ông Chí, bà Hải không quan tâm, không tham gia hoạt động tổ chức, kinh doanh của công ty, không được chia lợi nhuận của công ty. Do đó, có thể thấy cả hai có tên thành viên trong công ty chỉ là trên danh nghĩa, thực tế chưa thực hiện nghĩa vụ của một thành viên công ty theo đúng quy định pháp luật.
Do thực tế, ông Chí, bà Hải không có đóng góp vốn vào công ty như đã nhận định trên nên yêu cầu chia lợi nhuận không được chấp nhận. Án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu chia lợi nhuận của hai nguyên đơn là chưa có căn cứ nên sửa án. Do bị bác yêu cầu, hai nguyên đơn còn phải chịu án phí hơn 38,3 triệu đồng.
Nguyễn Phương (T/h)