Vì sao 41 sắc phong là di sản văn hoá độc đáo, có ý nghĩa rất quan trọng về khoa học, lịch sử và văn hoá đang được lưu giữ tại Chùa Am, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh là một Di tích Văn hóa cấp Quốc gia đã bị di dời khỏi di tích trái với Luật di sản? Đây là nội dung đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận tại Hà Tĩnh. Để làm rõ hơn những vấn đề bất cập trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tại đây, chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành cùng sự động viên và quan tâm của độc giả để làm rõ vấn đề này…
Chùa Am ngày nay đã khác rất nhiều so với Chùa Am khi được công nhận Di tích cấp Quốc gia (ảnh Trần Hoàng chụp tết 2024}
Để có góc nhìn khách quan trong vụ việc này, chúng tôi đã liên hệ với các cán bộ văn hóa tiền nhiệm – đều là những cán bộ trực tiếp có trách nhiệm trong công tác quản lý văn hoá thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá tại Hà Tĩnh, cũng như có trách nhiệm trực tiếp trong việc giữ gìn và bảo tồn các di sản văn hoá trực tiếp liên quan đến vụ việc “41 sắc phong tại Chùa Am, Hà Tĩnh”.
Ông Trần Hồng Dần, nguyên là Giám đốc bảo tàng Hà Tĩnh, một người rất tâm huyết với văn hóa địa phương. Cũng là người trực tiếp lập hồ sơ về di sản để đề nghị công nhận Chùa Am là Di sản cấp Quốc gia đã trao đổi với phóng viên và ông cho biết rất cụ thể: “Chùa Am có từ lâu đời, tôi sinh ra và lớn lên ở gần ngôi Chùa này nên rất gắn bó và am hiểu khá kĩ càng về Chùa Am. Cơ duyên sau này lại công tác tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh nên có điều kiện để tìm hiểu và sưu tập lập hồ sơ để gửi lên Bộ Văn hóa đề nghị công nhận Chùa là Di tích Văn hóa cấp Quốc gia. Hồ sơ được lập từ năm 1994, trong đó có thống kê danh sách 41 sắc phong của các đời vua cho các Đền, Miếu của các xã vùng lân cận được hợp tự về ngôi Chùa Am. Sau này lý do vì sao các sắc phong này lại được di dời sang một địa điểm khác thì tôi không nắm rõ vì lúc đó tôi đã nghỉ hưu. Tuy nhiên việc di dời các sắc phong đã được thống kê trong hồ sơ công nhận Di tích Văn hóa cấp Quốc gia thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa – Thông tin theo qui định của Luật Di sản” (Bộ Văn hoá – Thông tin sau đổi tên thành Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, viết tắt theo qui định tại Nghị định của Chính phủ là Bộ VHTTDL).
Phong cảnh Chùa Am dịp tết nguyên đán Giáp Thìn hiện nay (ảnh Trần Vũ Hoàng)
Là cán bộ trực tiếp phụ trách công tác bảo tồn di sản thời điểm lúc bấy giờ trên cương vị là Trưởng phòng Di sản của Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh, ông Trí Sơn cho biết: “Năm 1994 Chùa Am được lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tịch Văn hóa cấp Quốc gia. Tại Chùa Am lúc đó có hơn 40 sắc phong của các đời Vua. Đây là các sắc phong trong quá trình hợp tự được tập hợp và lưu giữ tại Chùa. Đến năm 2009, các địa phương có các Đền, Miếu liên quan tới các sắc phong tại Chùa Am có đề xuất di chuyển các sắc phong này về cho địa phương quản lý và lưu trữ. Trong hơn 40 sắc phong đó có khoảng hơn 10 sắc phong có liên quan đến địa phương xã Ân Phú, còn lại thuộc các địa phương khác”. Ông Trí Sơn cũng cho biết thêm: “Sau khi nhận được đề xuất của địa phương, Sở Văn hóa đã làm việc với 2 huyện Đức Thọ và Vũ Quang và thống nhất chuyển giao một số sắc phong liên quan từ Chùa Am về Ân Phú. Sở Văn hóa thời điểm đó có tôi và chị Thư Hiền là Phó Giám đốc chứng kiến việc bàn giao các sắc phong này. Thời điểm đó có biên bản bàn giao giữa các bên liên quan. Số lượng cụ thể bàn giao bao nhiêu sắc phong thì tôi không còn nhớ chính xác nữa”.
Để làm rõ hơn việc bàn giao các sắc phong như ông Trí Sơn đã cung cấp, chúng tôi đã liên hệ với ông Hồ Quốc Tuấn, nguyên là Trưởng phòng Văn hoá huyện Đức Thọ thời điểm giải quyết xử lý việc bàn giao sắc phong. Ông Hồ Quốc Tuấn cho biết: “Khi địa phương đề xuất chuyển các sắc phong ra khỏi chùa để đưa về địa phương quản lý, chúng tôi có nhận được sự chỉ đạo của UBND huyện về việc phối hợp với Sở VHTTDL kiểm tra đánh giá lại các sắc phong tại Chùa Am. Đoàn của Sở VHTTDL về có anh Trí Sơn là Trưởng phòng cùng một chuyên viên biết tiếng Trung đi cùng. Sau đó có việc họp với các xã để tiến hành bàn giao sắc phong từ Chùa Am về Ân Phú. Khi họp để bàn giao tôi đã kiên quyết phản đối không đồng tình vì bàn giao là trái với Luật Di sản, bởi Chùa Am là Di tích Văn hoá cấp Quốc Gia nên di chuyển các hiện vật ra khỏi Chùa phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ VHTT…”.
Bia đặt tại Chùa Am thời gian sau này
Ông Hồ Quốc Tuấn cũng cho biết cụ thể: “Tôi là người chịu trách nhiệm tham mưu về mặt chuyên môn của huyện Đức Thọ, nên tôi đã kiên quyết phản đối. Việc di dời các sắc phong ra khỏi Chùa Am là ngôi Chùa đã được công nhận là Di sản Văn hóa cấp Quốc gia thì bắt buộc phải có ý kiến của Bộ VHTTDL. Mặc dù chịu sức ép từ nhiều phía nhưng tôi vẫn nhất quyết không đồng ý. Tại buổi họp đầu tiên để bàn giao sắc phong đó, Sở VHTTDL lúc đó chỉ có vai trò như là chứng kiến. Khi tôi kiên quyết không đồng ý thì có một ông là giảng viên quê ở Ân Phú cũng là một người có vai trò xây dựng Đền Vại ở Ân Phú, ông ấy rút điện thoại gọi điện cho Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Bình rồi chuyển máy cho tôi. Sau khi nghe tôi báo cáo, Bí thư tỉnh uỷ có kiến chỉ đạo: “Cứ làm theo đúng qui định của pháp luật”. Sau này năm 2009 tôi chuyển công tác nên các sắc phong di dời đi như thế nào tôi không nắm được nữa…”.
Như vậy đã rõ, vào thời điểm các sắc phong tại Chùa Am thực hiện việc di dời thì người đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh lúc đó là Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Bình đã có kiến chỉ đạo: “Cứ làm theo đúng qui định của pháp luật”.
Chuyện “phát hiện, dịch nghĩa và bảo quản” 41 sắc phong tại Hà Tĩnh cho đến nay đã “hé lộ” quá nhiều bất cập, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản. Ví dụ một chi tiết trong vụ việc này, đó là: Cán bộ trực tiếp lập hồ sơ di sản văn hoá là giám đốc bảo tàng đã khẳng định có 41 sắc phong tại Chùa Am. Cán bộ ở vị trí quản lý nhà nước về di sản là trưởng phòng di sản khi đó cho biết chỉ có hơn 10 sắc phong liên quan đến xã Ân Phú? Nguyên chủ tịch UBND xã Ân Phú lúc đó là ông Dương Thế Đạt người đi nhận bàn giao cho biết xã Ân Phú chỉ nhận bàn giao về xã 36 sắc phong chứ không phải 41 sắc phong và khẳng định Chùa Am vẫn giữ một số sắc phong? Xuất hiện một nhóm người cho biết lúc đó Chùa Am có 50 sắc phong.v.v… Còn sư trụ trì Chùa Am đã khẳng định với PV Văn hiến Việt Nam từ khi sư về nhận quản lý Chùa Am từ năm 2019 thì tại Chùa không có bất kì bản sắc phong nào. Khi tìm hiểu, thu thập tài liệu về vụ việc này, trưởng phòng quản lý văn hoá liên quan trực tiếp quản lý di sản tại Hà Tĩnh hiện nay cho rằng: “Việc nhỏ xíu báo chí cứ làm to lên”(?).
NGỌC TRÂM và TRẦN VŨ HOÀNG cùng Nhóm PV Văn phòng VHVN tại Hà Tĩnh