HÀ TĨNH: Tiếp tục là tấm gương tiêu biểu trong thực hiện Dự án cao tốc đường bộ Bắc – Nam

13:31 | 14/12/2023

Sáng ngày 9/12/2023, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, trong buổi dự lễ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư của tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc lại câu thơ: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau”. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, mỗi con người Việt Nam cũng như khách người nước ngoài khi tới Việt Nam đều muốn đặt chân đến mảnh đất Cà Mau kiên cường – vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc và yêu cầu thông tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam kéo dài tới tận mũi Cà Mau với tiến độ nhanh nhất và bảo đảm nhất về mọi mặt. Qua đó, Thủ tướng một lần nữa khẳng định lại: “Dự án đường bộ Cao tốc Bắc – Nam là công trình trọng điểm của Quốc gia”… 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại Cà Mau ngày 9/12

Đến nay, đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã hoàn thành việc lập, trình thẩm định, phê duyệt. Trong số 108 qui hoạch có qui hoạch đường bộ cao tốc Bắc – Nam đi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, đoạn cao tốc Bắc Nam đi qua địa phận Hà Tĩnh có chiều dài 102km, riêng đoạn đi qua huyện Cẩm Xuyên có tổng chiều dài 30,5 km, để hoàn thành đoạn đường này cần phải khai thác số lượng lớn nguồn nguyên vật liệu, đất, cát, để phục vụ cho thi công dự án. Để phục vụ tiến độ thi công nhanh chóng, đúng tiến độ UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành Quyết định số 1602/QĐ-UBND ngày 06/7/2023 về việc phê duyệt bổ sung khu vực khai thác vật liệu xây dựng không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trong số 11 mỏ vật liệu mới được UBND tỉnh chấp thuận, gồm 8 mỏ đất san lấp và 3 mỏ cát lòng sông thì trong số này có mỏ cát bãi bồi thuộc thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) được khoanh định quy mô là 3,48 ha.

Đường cao tốc Bắc – Nam đi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, khi tiến hành cắm mốc khai thác nguồn vật liệu đã xuất hiện một số bà con, nhân dân bị lôi kéo, kích động, dẫn tới việc tụ tập tại hiện trường gây cản trở việc thực hiện và làm mất an ninh trật tự trong khu vực. Cụ thể, sáng ngày 11/12, một bộ phận người dân thôn Mỹ Yên, trong đó chủ yếu là phụ nữ, đã bất ngờ xuất hiện để phản đối, cản trở việc lực lượng chức năng thi công bắc cầu phao qua sông Ngàn Mọ, rất nhiều người kéo xuống giăng thành hàng dài để giữ cầu, cản trở việc thi công. Từ 6 giờ 30’ sáng kéo dài đến 17 giờ cùng ngày với sự nỗ lực của lực lượng công an và các cơ quan chức năng vừa giải thích, vừa có biện pháp bảo vệ cứng rắn thì đơn vị thi công mới vượt qua cầu để làm nhiệm vụ… Đây là hành vi thiếu kiềm chế, bị kích động, làm mất hình ảnh của miền quê vốn rất trọng thị văn hóa. Mặc dù trước đó, Cấp ủy và chính quyền địa phương tại Cẩm Xuyên đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tích cực thông tin, tuyên truyền, giải thích về chủ trương khai thác mỏ cát tại thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ.

Người dân xã Cẩm Mỹ tụ tập gây cản trở thi công

Về mỏ cát tại thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ nói trên, là mỏ vật liệu xây dựng được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 431 ngày 6/2/2014; đồng thời được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1363 ngày 8/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Được UBND tỉnh phê duyệt bổ sung khu vực khai thác vật liệu xây dựng thông thường vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn Hà Tĩnh tại Quyết định số 1602 ngày 6/7/2023. Với tổng khối lượng khai thác theo phê duyệt là hơn 89.000m3, độ sâu khai thác -0,1m so với đáy sông. Việc khai thác mỏ cát này đã được các cơ quan chức năng (tài nguyên môi trường, xây dựng, nông nghiệp phát triển nông thôn…) đánh giá khoa học tốt, không ảnh hưởng đến hành lang Quốc lộ 8C trong khu vực.

Đại tá Nguyễn Thanh Phương – Phó giám đốc Công anh tỉnh Hà Tĩnh (áo nâu, đeo kính trắng) trực tiếp xuống hiện trường để vận động bà con nhân dân ủng hộ dự án đường cao tốc Bắc – Nam

Từ vụ việc tại xã Cẩm Mỹ, càng thêm khẳng định Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam là một công trình có ý nghĩa lịch sử, có ý nghĩa về nhiều mặt cả về kinh tế – chính trị – xã hội – an ninh và quốc phòng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ của cả đất nước nói chung và của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Dự án này không ảnh hưởng đến mạch nước ngầm sinh hoạt của cộng đồng dân cư; trong khu vực lân cận mỏ cát không có các công trình thuỷ lợi và công trình đê điều nào khác; việc khai thác các mỏ vật liệu trên địa bàn để giải quyết tình trạng thiếu hụt vật liệu san lấp, đáp ứng nguồn vật liệu cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh là điều hết sức cần thiết. Những hành vi cản trở thi công, gây áp lực với các cấp chính quyền, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn là điều không thể chấp nhận.

Chắc chắn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục là gương điển hình về thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam

Trước đây, trong nhiệm kì Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ông Đinh La Thăng đã có lần phát biểu: “Các địa phương nên học tập Hà Tĩnh, dự án làm và nâng cấp đường bộ đi qua tỉnh Hà Tĩnh làm rất tốt, đặc biệt công tác giải phòng mặt bằng ở đây làm rất đồng bộ, rất nhanh chóng, nhân dân rất ủng hộ, họ làm tốt nhất trên cả nước nên các nơi phải học tập cách làm của vùng đất văn hóa cách mạng này”. Đây là một nhận xét đúng, người dân Hà Tĩnh thời kì nào cũng hết lòng phục vụ cho sự nghiệp chung của đất nước. Trong chiến tranh nhân dân Hà Tĩnh sẵn sàng hy sinh, hiến dâng đất đai, ruộng vườn để làm đường, nhiều gia đình dỡ cả nhà để lấy nguyên vật liệu lát nền đường cho xe cơ giới hành quân ra trận tuyến… Ngày nay, thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam là công trình trọng điểm của quốc gia đi qua địa phận Hà Tĩnh cũng vậy, mọi công đoạn đều được triển khai nhanh chóng, nhịp nhàng và bảo đảm đúng tiến độ. Giữ vững truyền thống náy, đề nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương tích cực vận động, giải thích, gương mẫu hơn nữa để việc thi công dự án luôn luôn “thuận buồm, xuôi gió” với “thương hiệu Văn hóa Hà Tĩnh” – nhằm nêu gương tích cực nhất để góp sức cùng cả nước sớm hoàn thành đường bộ cao tốc đến tận Mũi Cà Mau của Tổ quốc.

Cũng tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau ngày 9/12, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc lại về văn hóa trong thực hiện dự án kinh tế tại các địa phương rằng: “Phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo hướng “dân tộc, khoa học, đại chúng”, xác định văn hóa còn là dân tộc còn, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa”. Với truyền thống là miền đất văn hóa và cách mạng, nhất định Dự án cao tốc đường bộ Bắc – Nam đi qua Hà Tĩnh sẽ tiếp tục là tấm gương sáng của nhân dân Hà Tĩnh đồng hành với cả nước để phát triển. 

GIÀNG NHẢ TRẦN

(Bài viết có sử dụng ảnh của các đồng nghiệp tại Hà Tĩnh)

Cùng chuyên mục

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024