HÀ TĨNH: Kỉ niệm 245 năm ngày sinh và 165 năm ngày mất của Danh nhân Văn hóa Nguyễn Công Trứ

13:35 | 10/12/2023

Tối qua 9/12, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng khai mạc chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 245 năm ngày sinh (19/12/1778 – 19/12/2023) và Tưởng niệm 165 năm ngày mất của Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ (14/11/1858 – 14/11/2023 âm lịch) tại Quảng trường Nguyễn Du, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân; đồng thời Khai mạc giải chạy Half Marathon – Nghi Xuân năm 2023… Tham dự có ông Võ Trọng Hải – Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Tú Anh – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; ông Võ Hồng Hải – Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành và huyện Nghi Xuân.

Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ là nhà chính trị giỏi, nhà quân sự thao lược, nhà kinh tế tài năng và nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Ông thi hương đỗ Giải nguyên, làm quan được thăng Hữu Tham tri bộ Hình, sang chức Dinh điền sứ, được bổ chức Bố chánh sứ Hải Dương, rồi giữ chức Tổng đốc tỉnh Hải Yên, sau được thăng Phủ doãn phủ Thừa Thiên… Lớn lên trong một xã hội đầy biến động, ông đã sớm nuôi chí lớn, quyết tâm đem sức lực, trí tuệ và nhiệt huyết của mình để phục vụ đất nước, Nhân dân với khát vọng: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”.

Là một nhà nho tài tử, tên tuổi của Nguyễn Công Trứ còn lưu danh hậu thế với tài văn chương. Ông chính là người đóng góp rất lớn trong việc đưa các làn điệu ca trù của các giáo phường Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân đến với chốn cung đình và được lưu truyền trong cả nước…

Thấu hiểu nỗi thống khổ của Nhân dân, đồng thời nhận thấy những tiềm năng to lớn của vùng duyên hải Bắc Bộ, ông đã đề nghị triều đình cho phép được tập hợp cư dân khai khẩn các vùng đất hoang hóa. Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ với tài năng, tâm huyết của mình, đã tổ chức cho Nhân dân đắp đê lấn biển, khai hoang lập ấp, biến vùng đất vốn ngập mặn, nghèo đói thành các huyện Kim Sơn – Ninh Bình, Tiền Hải – Thái Bình và nhiều làng xã ở Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh trù phú như ngày nay.

Tưởng nhớ những công lao to lớn, những di sản quý giá của Danh nhân Nguyễn Công Trứ, huyện Nghi Xuân tổ chức chương trình nghệ thuật Uy Viễn Tướng công – danh bất hư truyền, gồm 3 chương: Chương I: Người hát giặm – ca trù; Chương II: Như cây thông giữa trời; Chương III: Vang danh núi sông. Chương trình là dịp để các thế hệ hậu thế tri ân công lao to lớn của Nguyễn Công Trứ đối với quê hương, đất nước. Đồng thời, thông qua chương trình, huyện Nghi Xuân nhằm mở rộng giao lưu văn hóa, quảng bá các giá trị văn hóa với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo môi trường thuận lợi xây dựng và phát triển văn hóa gắn với hành trình di sản, phát triển du lịch trên địa bàn.

Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Võ Hồng Hải về thăm thầy giáo dạy mình nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2023

Nói đến Danh nhân Nguyễn Công Trứ cũng là nói đến Di tích Lịch sử và Văn hóa Nguyễn Công Trứ tại quê nhà Nghi Xuân – Di tích linh thiêng này gắn liền với tên tuổi của Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Võ Hồng Hải, hiện anh là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh, tiến sĩ Võ Hồng Hải đã bằng cả công sức và tâm huyết của mình để huy động, tập trung cho việc tôn tạo di tích Nhà thờ và mộ Danh nhân Nguyễn Công Trứ ngay tại quê ông. Bao nhiêu trăn trở, tâm huyết Ts Võ Hồng Hải đều tập trung vào công trình này. Anh cũng đã cùng nhiều nhà nghiên cứu thảo luận kỹ việc phục dựng một Đình hát Ca trù trong khu di tích, rồi dựng nhà bia, trồng cây Thông – để có được một cây Thông chuyển từ trên đỉnh núi Hồng Lĩnh về trồng còn xanh tốt trong khuôn viên khu di tích cũng là một việc không hề đơn giản…

Ngày đó, địa phương không có nguồn kinh phí, nên Ts Võ Hồng Hải phải tất tả ngược xuôi đi xin vốn chống xuống cấp di tích của TƯ, rồi ngay cả khi dự án đang trong giai đoạn hoàn thành thì xuất hiện cả dư luận “chen ngang” nhằm gây khó khăn cho việc hoàn thành di tích này… Nhưng đến nay, một di tích khang trang, nguy nga, nơi hội tụ văn hóa của cả khu vực Miền Trung thì mọi người đều nhắc đến công lao tâm huyết của Ts Võ Hồng Hải.

Giải chạy Half Marathon – Nghi Xuân năm 2023 với chủ đề “Nghi Xuân bát cảnh” được tổ chức thi đấu và trao giải vào sáng 10/12 với gần 1.400 vận động viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp phong trào trong nước và nước ngoài đăng ký tham gia. Đây là một sân chơi thể thao quy mô, chuyên nghiệp, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân”…

Nhóm P.V (Văn phòng ĐDMTTN tại Hà Tĩnh)

 


Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Đồng Nai: Liên quan biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’ Sở Xây dựng đề xuất 4 phương án bảo tồn

Đồng Nai: Liên quan biệt thự cổ ‘nhà lầu ông Phủ’ Sở Xây dựng đề xuất 4 phương án bảo tồn

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

Tháng tri ân nhớ về một thành trì bất diệt

Tháng tri ân nhớ về một thành trì bất diệt

Di tích Võ Xuân Cẩn được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia

Di tích Võ Xuân Cẩn được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương