Hà Tĩnh: Đại đội pháo C45 anh hùng và chứng tích bi tráng đang bị… lãng quên

15:40 | 13/09/2023

Ngày 12/7/1968, trong một trận đánh tại xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), 20 cán bộ chiến sỹ thuộc Đại đội 45 (C45) đã anh dũng hy sinh. Tuy nhiên 55 năm đã trôi qua, vẫn chưa có đài tưởng niệm nào được dựng lên ghi dấu sự kiện lịch sử và tri ân những người đã khuất.


Tấm gương hy sinh anh dũng của 20 cán bộ chiến sỹ thuộc Đại đội 45 (C45)
Nhờ sự giúp đỡ của bà Hà Thị Thịnh – nguyên Xã đội phó Dân quân Xuân Liên ở thôn Lâm Hải Hoa, chúng tôi đã tìm gặp được nhân chứng đầu tiên của sự kiện này là ông Phạm Xuân Quyết (SN 1949), Khẩu đội phó Khẩu đội pháo C45, nguyên Chuyên viên Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ông Quyết xúc động cầm tay tôi, đôi mắt ngấn lệ: Cảm ơn cháu đã quan tâm và tìm đến đây, chuyện lâu quá rồi, buồn và tủi lắm…

Trong hình là một trong những hố bom mà địch đã dội xuống trong trận chiến khốc liệt ở bãi Dừa, thôn Cường Thịnh, xã Xuân Liên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh)

Trong ký ức của người lính già Phạm Xuân Quyết, trước năm 1960, C45 là đại đội pháo bảo vệ bờ biển trực thuộc Khu tuần 2 Hải quân đóng quân tại thành phố cảng Hải Phòng. Năm 1961, đơn vị được điều động về xã Xuân Hội (Nghi Xuân) với mục tiêu bảo vệ vùng biển khu vực Bắc Trung bộ. Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ xảy ra vào ngày 5/8/1964, C45 được chuyển giao cho lực lượng bộ đội địa phương, trực thuộc Tỉnh đội Hà Tĩnh (nay là Bộ CHQS Hà Tĩnh).

Để đảm bảo bí mật, C45 thường xuyên di chuyển tại các trận địa thuộc địa phận các xã Xuân Hội, Xuân Trường, Xuân Yên, Xuân Liên và Cương Gián. Hôm ấy, vào khoảng 14 giờ ngày 12/7/1968, phát hiện tàu chiến Mỹ xâm phạm vùng bờ biển cách 8km, đơn vị C45 đang “chốt” tại khu vực Bãi Dừa thuộc thôn Cương Thịnh, xã Xuân Liên được lệnh nhả đạn. Lúc này, khoảng gần 30 máy bay các loại của địch quần thảo gầm rú trên bầu trời, thi nhau bắn rốc két và phóng tên lửa xuống. Trận địa pháo gồm 4 khẩu tầm xa 105 mm và 4 khẩu 12 ly 7 bị chìm trong biển lửa, cả trận địa bị san phẳng. Cuộc chiến không cân sức kéo dài khoảng 2 giờ khiến 20 cán bộ chiến sỹ C45 hy sinh tại chỗ, nhiều người đã anh dũng hy sinh ngay trên mâm pháo trong trận chiến ác liệt với đế quốc Mỹ.

Trận đánh kết thúc, máy bay địch rút lui, đồng đội và lực lượng dân quân xã Xuân Liên nhanh chóng có mặt để cứu chữa người bị thương và khâm liệm cho người đã khuất. Thi hài các liệt sỹ được an táng tại khu đồi Bồng Bộng xã Xuân Liên.

Ông Lê Văn Thiện, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Liên và bà Hà Thị Thịnh – nguyên Xã đội phó Dân quân Xuân Liên kể về những ký ức không quên, và những câu chuyện thiêng liêng nơi chứng tích bi tráng bãi Dừa

Bà Hà Thị Thịnh kể lại với phóng viên: Cháu biết không, C45 này anh hùng lắm. Đó là đơn vị pháo 105 nòng dài, thuộc Tỉnh đội Hà Tĩnh, cơ động bảo vệ suốt 32 km bờ biển từ Cửa Hội đến Cửa Sót. Những ngày đầu năm 1968, Đế quốc Mỹ ném bom hạn chế từ Nghệ An trở vào nên vùng này vô cùng ác liệt. Bom từ máy bay, pháo từ tàu chiến địch bắn vào suốt ngày đêm.

“Cái đêm bộ đội C45 bắn cháy tàu biệt kích Mỹ – Ngụy, tôi cùng nhiều người dân cũng chạy ra xem. Tàu giặc bốc cháy đùng đùng, sáng rực cả mặt biển. Có bận như ngày 28/2/1966, có hai chiếc khu trục hạm Mỹ chạy vào chỉ cách bờ biển 6-7 km, trung đội pháo 57 li của dân quân xã Xuân Liên với một trung đội 57 li nữa của dân quân xã Cương Gián nổ súng bắn chúng. Bọn khu trục hạm giặc bắn trả. Hỏa lực khu trục hạm của địch ghê gớm lắm! Hoả lực ba trung đội pháo 57 li của dân quân xã không nhằm nhò chi so với địch. May mà có anh em C45 nổ súng chia lửa cho, một tàu giặc trúng đạn bốc cháy. Thế là hai chiếc khu trục hạm của địch kéo nhau tháo chạy. Thật sự hôm đó nếu anh em C45 không chi viện, không chừng cả hai khẩu đội pháo của chúng tôi đã bị chúng nghiền nát rồi”, nguyên Xã đội phó Dân quân Xuân Liên Hà Thị Thịnh kể lại.

Sau trận đánh ngày 12/7/1968, C45 được lệnh về tuyến sau làm nhiệm vụ mở đường. Kể từ đó, khu vực Bãi Dừa dần bị lãng quên, ngày càng trở nên hoang vu và lạnh lẽo…

Điều đau đớn cho những người còn sống không chỉ là sự bi thảm của chiến tranh, mà là cả chuyện chưa làm được trong thời bình. Bởi khi hy sinh, thi thể các liệt sĩ không còn nguyên vẹn. Xương máu của các liệt sĩ đã hòa quyện vào mảnh đất này nhưng việc chưa làm tròn nghĩa vụ với các anh hùng liệt sỹ đã mãi mãi trở thành một “dấu lặng” trong lòng những người ở lại.

Theo những người dân xã Xuân Liên, máu xương không bao giờ là để so sánh, cũng như tri ân không bao giờ là đủ. Họ hy vọng, cùng với thành ý của Đảng bộ và nhân dân xã nhà, một ngày không xa, các cấp chính quyền sẽ quan tâm xây dựng lại miếu thờ để việc tri ân các anh hùng liệt sỹ được đầy đủ, trang nghiêm hơn nữa, để chứng tích này không bao giờ đi vào quên lãng.

Cần sớm có công trình tưởng nhớ 20 chiến sỹ C45 hy sinh ở bãi Dừa!
Năm 1993, UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã cấp 19,2 ha đất tại khu Bãi Dừa cho ông Lê Văn Thiện, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Liên để trồng rừng và quản lý rừng phòng hộ ven biển. Từng là người liên lạc của lực lượng dân quân xã thời kỳ đó, biết rõ sự hy sinh anh dũng của 20 liệt sỹ nên khi thực hiện dự án, ông Thiện đã lập một miếu thờ để thắp hương cho các anh.

Chiến tranh đi qua, nhiều năm sau anh em lính C45 nhớ đồng đội mà tìm về trận địa cũ thắp nén tâm hương nhưng không có bát nhang, các anh đành cắm hương xuống mặt cát trắng, thầm gọi tên đồng đội nên ông Thiện đã lập tạm bệ thờ này để thắp hương.

Trên đường dẫn chúng tôi đến những hố bom của trận địa bi tráng 55 năm về trước, ông Lê Văn Thiện, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Liên kể: Chuyện các anh hy sinh xảy ra vào ngày 12/7/1968, trước 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc đúng 12 ngày. Lúc đó, phát hiện được trận địa pháo của ta, hàng chục máy bay từ A4, AD6, F4 thay nhau quần thảo suốt cả một buổi chiều. Các anh C45 dùng trọng liên 12 ly 7 và súng bộ binh đánh trả quyết liệt, bắn rơi một chiếc F4 nhưng 20 cán bộ, chiến sỹ ta đã hy sinh như những người anh hùng. Thi hài các anh đã được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ huyện, số khác được người thân mang về quê an táng.

Nơi trận địa bi tráng của các anh, cây cối bị bom từ máy bay, pháo từ tàu giặc bắn cho nát nhừ, nhiều năm sau chỉ hoang hoải một màu cát trắng. Cứ nhìn cái màu trắng đến nhức nhối của cát ấy chúng tôi không sao chịu nổi. Thế là hễ trời mưa là dân quân, đoàn thanh niên ra quân trồng lại phi lao trên trận địa. Bây giờ hàng ngàn cây tràm, phi lao đã mọc thành rừng, gió cát, sóng biển, thời gian… đã xóa mờ tất cả vết tích đạn bom, nhưng mỗi khi đến đây tôi vẫn không khỏi bùi ngùi”, ông Thiện nhớ lại.

Mãi sau này, anh em đồng đội C45 và ông Lê Văn Thiện dành dụm mãi mới được số tiền ít ỏi, góp lại để lập miếu thờ có khắc một tấm bia ghi tên các anh, để có nơi cho đồng đội, nhân dân và con cháu tìm đến hương khói.

“Chiến tranh đi qua, tôi nghe nói do yêu cầu nhiệm vụ C45 giải thể. Nhiều năm sau, mỗi khi đến tháng 7, lại thấy những người lính già mang quân phục bạc phếch, tay cầm bó hương đi lại thẫn thờ nơi trận địa ngày ấy. Thì ra đó là anh em lính C45 đã về hưu, phục viên, nhớ đồng đội mà tìm về trận địa cũ thắp nén tâm hương cho anh em. Không có bát nhang, cũng chẳng có bệ thờ, các anh đành cắm hương xuống mặt cát trắng, thầm gọi tên đồng đội, mắt ai cũng nhòe ướt. Nhiều lần thấy thế, lòng đầy xót xa. Những năm tháng ấy, đại tá Nguyễn Viết Đức vốn cũng là chiến sỹ đại đội 45, ngày đó là Chủ tịch Hội CCB huyện Nghi Xuân vẫn thường đến thắp hương cho đồng đội. Tôi và anh Đức bàn bạc với nhau rồi hai chúng tôi nảy ra ý tưởng dựng một tấm bia ghi tên các anh, sắm một bát nhang để đến ngày 12 tháng 7 hàng năm là ngày các anh hy sinh, và những ngày rằm mọi người đến dâng nén hương tri ân các anh để đỡ quạnh vắng”, ông Thiện kể tiếp.

Đến năm 2000, để tái sinh rừng phòng hộ biển, huyện Nghi Xuân có chủ trương cấp đất bãi biển cho người dân tự trồng cây, tự quản. Ông Lê Văn Thiện đăng ký xin nhận đất khu rừng nơi trận địa pháo năm xưa và được huyện cấp sổ đỏ. Có đất rồi sau nhiều lần bàn bạc với ông Nguyễn Viết Đức và một số đồng đội, ông Thiện tình nguyện hiến một khoảng đất hơn 100 mét vuông trên ngọn đồi cao lập một miếu thờ để thắp hương cho các anh. Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày diễn ra trận chiến khốc liệt ở bãi Dừa, thôn Cường Thịnh, xã Xuân Liên, những đồng đội cũ C45 đã kết nối với nhau tìm về nơi đây. Và, một tấm bia khắc ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ những người lính ngã xuống năm xưa được gắn vào miếu thờ.

Cũng từ đó, đồng đội của các anh đã nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền lập đài tưởng niệm. Mãi đến năm 2017, huyện Nghi Xuân mới có Tờ trình số 1216 ngày 17/8/2017 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất “Xin chủ trương quy hoạch và xây dựng công trình khôi phục di tích chiến tranh xã Xuân Liên”. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.

“Anh em đồng đội C45 và tôi về với đời thường, người có sổ lương, người không, hầu hết đã già yếu, thương tật đầy mình. Họ cũng phải vật lộn với cơm áo gạo tiền nên chẳng ai dư giả gì. Nhưng bằng cái tâm với đồng đội đã hy sinh, dù đang gian khó, anh em đồng đội C45 và tôi cũng dành dụm được ít nhiều góp lại để lập miếu thờ tạm, để có nơi cho đồng đội, cho nhân dân, cho con cháu tìm đến hương khói; để đừng ai lãng quên một nơi có trận đánh bi hùng mà cha anh đã anh dũng chiến đấu, anh hùng ngã xuống”, ông Lê Văn Thiện bùi ngùi xúc động nói.

Thi thể các liệt sĩ không còn nguyên vẹn. Xương máu của các liệt sĩ đã hòa quyện vào mảnh đất này nhưng việc chưa làm tròn nghĩa vụ với các anh hùng liệt sỹ đang mãi trở thành một “dấu lặng” trong lòng những người ở lại.

Theo một lãnh đạo xã Xuân Liên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, với những chiến công và sự hy sinh anh dũng của 20 cán bộ chiến sỹ thuộc Đại đội 45 (C45) thì ngôi miếu thờ tạm do ông Lê Văn Thiện và các đồng đội C45 góp sức dựng lên mới chỉ là một nơi hương khói đơn thuần, chứ chưa phải là một công trình để ghi dấu cho những chiến công đã hóa thành bất tử. 20 cán bộ, chiến sỹ thuộc Đại đội 45 (C45) anh dũng hy sinh ở đây rất xứng đáng được dựng tượng đài để việc tri ân các anh hùng liệt sỹ được đầy đủ, trang nghiêm hơn nữa, xứng đáng với tầm vóc lịch sử cũng như tính chất bi tráng của trận địa đặc biệt này.

“Mới đây, ngày 17/8/2023, Thường trực Huyện ủy Nghi Xuân đã có buổi làm việc với xã Xuân Liên về thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023. Theo đó, đồng chí Bí thư Huyện ủy Phan Tấn Linh cũng yêu cầu các phòng ban, đơn vị hỗ trợ UBND xã Xuân Liên trong công tác quy hoạch, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, trong đó có di tích Bãi Dừa – Nơi 20 cán bộ, chiến sỹ thuộc Đại đội 45 (C45) đã anh dũng hy sinh ngày 12/7/1968”, vị lãnh đạo này cho biết.

Qua trao đổi với những người lính C45 đã gần ngoài 70 và người dân xã Xuân Liên, họ đều cho rằng: Lâu nay nhiều báo, đài thường nhắc đến việc các địa phương xây tượng đài, dựng bia tưởng niệm cho cán bộ, chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh trong chiến tranh như: Hang 8 cô ở Quảng Bình, 23 chiến sĩ hy sinh tại Ga núi Gôi (Ý Yên, Nam Định); 13 thanh niên xung phong hy sinh ở Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An); 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); nhà bia – miếu thờ cầu Nhe (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh); Miếu thờ ghi danh 23 liệt sĩ Thanh niên xung phong ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc; Đền thờ liệt sỹ trận địa sân bay Libi tại lòng hồ Kẻ Gỗ ở xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên và nhiều nơi khác…

Mong sao, các cấp chính quyền của tỉnh Hà Tĩnh sớm xây dựng công trình tưởng nhớ 20 chiến sỹ Đại đội 45 hy sinh ở Bãi Dừa xã Xuân Liên. Chí ít cũng nên có tấm bia hay một tượng đài ghi danh, để một chứng tích hào hùng trong chiến tranh không chìm vào quên lãng.

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin./.

Trần Phong

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/ha-tinh-dai-doi-phao-c45-anh-hung-va-chung-tich-bi-trang-dang-bi-lang-quen-post263344.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả