Hà Nội trong trang viết Hồ Công Thiết

10:49 | 19/04/2022

…Sau này, hồi tưởng lại những năm tháng chiến tranh, tôi rất muốn viết về đời lính của mình, từ thuở ban đầu lên đường nhập ngũ, được phiên chế về D11 F 320B đóng quân ở Gia Lâm Gia Viễn Ninh Bình.


Tổ ba người của chúng tôi bao gồm ba thằng Hà nội: Lai, công nhân kỹ thuật từ Bungari về, tôi, thư sinh mới tốt nghiệp phổ thông, và Ẩm, ngụ ở ven đê sông Hồng, nhà làm nghề thổi thủy tinh, mà sản phẩm là những cốc bia vại cho người uống bia hơi như Ẩm tự sự. Nói thật khi viết, nhân vât Ẩm thì tôi viết dễ, nhưng cứ đến đoạn tả gia đình anh làm thủy tinh thì tắc tị, đành phải gác bút, vì tôi chẳng hiểu gì công việc này! May thay giữa lúc bí rì rị ấy, tôi được đọc những dòng này: “Cốc bia hồi đấy to hơn bây giờ, đựng được nửa lít bia. Ở ngõ Thông Phong thuộc Hàng Bột có xưởng thủy tinh của ông Ích, sát với bờ hồ Văn của Văn Miếu, nằm ngay sau lưng khách sạn Sao Mai bây giờ, cũng tham gia sản xuất cốc uống bia. Nguyên liệu là những chai lọ mua gom khắp thành phố do các bà đồng nát mang đến, được đập vụn rồi đổ vào chiếc lò đang đỏ lửa. Các ông thợ cầm chiếc ống dài, gạt lớp thủy tinh mới đổ để cuốn một cục thủy tinh đã nóng chảy vào đầu ống, lôi ra chiếc khuôn đặt bên cạnh rồi thổi. Vừa thổi vừa xoay.Thủy tinh đang chờ nguội, các ông đã bẻ ngang đầu ống và thợ phụ dùng con dao dài gọt sát mép khuôn cho tròn thành cốc, rồi tách khuôn dỡ chiếc cốc đã định hình. Ánh lửa lò và có thể thủy tinh vẫn đang nóng rực nên những chiếc cốc lôi ra khỏi khuôn vẫn đỏ rực. Có chiếc lôi ra sớm nên bẹp và méo liền bị quẳng ngay vào đống thủy tinh đang chờ vào lò. Cốc đựng bia hồi đó làm bằng thủy tinh sơ chế thủ công nên có màu sáng bàng bạc vì vẫn còn đầy bọt khí lẫn trong thành cốc. Tận bây giờ, cốc bia hơi dù có loại 330ml hay có hàng ăn gian thửa loại 300ml, họ vẫn yêu cầu chiếc cốc vẫn phải có những bọt khí lẫn trong thành cốc như xưa. Làm được vậy phải có lò thủ công vì lò hiện đại có thiết bị quấy tự động tách hết được bọt khí khỏi thủy tinh nóng chảy”.

Vỗ đùi đến đét một cái vì sướng quá, Ẩm ơi, thế là tôi hiểu nhà cậu ngày xưa thổi thủy tinh như thế nào rồi, vì sao tay cậu hồi mới nhập ngũ nhiều vết sẹo thế, chính là bởi cậu giúp bố đập vụn chai lọ thủy tinh để cho vào lò đang đỏ lửa tôi luyện đây! Thế là bắt đầu cắm cúi viết tiểu thuyết đời lính, và chờ một dịp gặp, xin phép và cảm ơn tác giả đã viết những dòng trên, là anh Hồ Công Thiết, mà thú thật tôi chưa được đọc nhiều của anh, nhưng rất bất ngờ vì anh có một giọng văn rất lôi cuốn, mang nhiều văn phong báo chí, tiết tấu nhanh, ăm ắp những điều ai cũng yêu thích, tò mò mà chưa mấy ai viết ra…

Nhiều đêm dài ở TPHCM hay ở một nơi xa Hà nội nào đấy, tôi thích trò chuyện âm nhạc với Nguyễn Anh Tuấn, nghe Ngọc Tân hát Hà nội mùa chia xa, đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, Lương Ngọc An, Nguyễn Thành Phong, và đọc Hồ Công Thiết… Anh am hiểu Hà nội, hiểu rất chi tiết, kỹ càng, và viết ra cũng chi tiết, kỹ càng, cuốn hút người xem. Anh lại chung với tôi nhiều tình yêu để tôi say mê đọc anh: Tình yêu với con phố Hàng Bột dài như một tiếng hát ( Nhà bố mẹ tôi ở khu Nam Đồng), tình yêu với mái trường cấp ba Đống Đa mà các em tôi Lê Khánh Châu, Hoàng Tuấn Phong, Dư Cao Sơn …học ở đây. (Lại cũng chính nơi này, là trụ sở của trường cấp ba Trưng Vương, mà chúng tôi theo học những năm sơ tán ở xã Hồng Châu Thường Tín Hà Đông). Rồi tình yêu với các văn nghệ sỹ nói chung( Mẹ vợ anh nguyên là Giám đốc Nhà hát cải lương), và các nghệ sỹ đoàn kịch nói công an HN nói riêng…

Nhưng có lẽ tôi được chung với anh nhiều hơn cả là tình yêu thể thao, tình yêu với bóng đá. Nói thật tôi cũng từng viết nhiều về bóng đá, thân với nhiều nhà báo( Ký giả) thể thao thế hệ các anh, như Vũ Mạnh Hải, Trần Kiến Quốc với những trang viết kỹ lưỡng, nồng ấm về Thể Công, Hồ Nguyễn với những trang viết ăm ắp sự kiện về bóng đá Sài gòn, Đặng Gia Mẫn với những trang viết ân tình về Công nghiệp Hà Nam Ninh và Dệt Nam Định, rồi Nguyễn Lưu, Nguyễn Duy Vượng……Nhưng chỉ đọc Hồ Công Thiết mới thấy hết tầm vóc của bóng đá Hà nội, bao gồm cả đỉnh cao, cả phong trào như các đội bóng Đo lường, Xe Ca ( Nơi sản sinh ra ông Mai đức Chung, tục gọi là Chung xe ca”) hay Đại học Bách khoa, Xe Điện… Rồi bóng đá phủi trên sân Xã Đàn ngay sát nhà tôi, rồi bóng đá đỉnh cao, mà “tót vời” chính là đội bóng Công an Hà nội… Không ai nhiều tư liệu như Hồ Công Thiết, không ai viết về hào quang một thuở của bóng đá thủ đô vừa sáng rõ, vừa ấm áp, lại đặc sắc như Hồ Công Thiết. Đặc biệt khi anh viết về các danh thủ ” Vang bóng một thời” . Anh viết về các thế hệ tạo dựng nên đội bóng CAHN hết sức trân trọng: Các ông Lê Nghĩa, Văn Hạc, Tòng cháy, Văn Du.. cùng lớp “hậu sinh” với những danh thủ như Từ Như Hiển , Thành C, Quang B, Điệp ” lùn”, Chi tơ, Đặng” cóc”, Cường Học, Thành spor, Văn Hùng, Tuấn Sơn, Thọ ô mai mơ, Hòa” chó”, Hương ’cốm” …mà những tên tuổi ấy, cùng biệt hiệu đáng yêu của họ, không những đi vào lịch sử bóng đá Hà nội, mà còn in dấu rất sâu đậm trong tâm hồn người yêu bóng đá nước nhà . Làm sống lại những trang sử huy hoàng, cùng tài năng, nhân cách, quá khứ lừng lẫy, hào quang một thời của bóng đá Hà nội, thiết nghĩ chưa thấy ai có thể sánh bằng Hồ Công Thiết. Bởi trước hết anh là người trong cuộc, anh viết bằng tất cả tình yêu với thể thao, với bóng đá, với ngành nghề mà anh tận tụy suốt một đời gắn bó: Ngành Công an, với đội bóng anh cũng từng gắn bó là CAHN- Một đội bóng luôn trong tim bao người hâm mộ, từ Thị trưởng Hà nội Trần Duy Hưng năm xưa, đến đồng chí Bộ trưởng công an Tô Lâm hôm nay, cùng hàng triệu trái tim người dân Thủ đô …

Đấy, tất cả là Hà Nội trong trang viết Hồ Công Thiết. Từ con phố Hàng Bột xưa và nay mang tên Tôn Đức Thắng đã gắn bó với anh, anh rất hiểu, rất yêu, và viết lại rất kỹ lưỡng, rất cảm xúc. Nó vừa là văn phong báo chí, mà nó lại vừa như một bài ca cứ ngân nga lòng ta mãi. Rồi anh mở rộng ra viết về cả Hà Nội Kẻ chợ, rồi lại tập trung ánh sáng vào những tiêu điểm rất cụ thể làm nó lung linh lên, như Miếu nhỏ bên Văn Miếu:” Đoạn tường rào khu di chỉ Văn Miếu góc Tôn Đức Thắng và Nguyễn Thái Học đã từng có một ngôi miếu nhỏ đặt ngay góc. Chờm ra phía ngoài đường. Sự tích ngôi miếu nhỏ này chỉ có trong các câu chuyện của những người quan tâm đến nó chứ không có ghi chép nào trong sử cận đại lẫn đương đại của Hà Nội. Bên cạnh ngôi miếu nhỏ có cây gạo lâu năm. Có một dạo, người dân Hà Nội hay đến khấn bái nơi đó, không cứ rằm hay mùng một. Có một người dân ở khu vực này cùng một số người nơi khác đến xây thành ngôi miếu. Họ đặt bát hương, bán vàng mã và nhận tiền cúng lễ của những người đến xin lộc nơi đây”.

Nhà văn Hồ Công Thiết.

Anh viết về tàu điện Hà Nội: “Tàu điện có từ trước khi tôi sinh ra. Từ tháng 5/1890 đã có Nhà máy xe điện được xây dựng ở đất làng Thụy Khuê. Sau đấy lại xây tiếp nhà điều hành hình tròn, nay bị phá để xây tòa nhà Hàm cá mập ngay góc Đinh Tiên Hoàng – Cầu Gỗ. Tàu điện chạy trên đường ray như xe lửa, thường có hai toa. Toa kéo có hai ghế điều khiển đặt ở hai đầu, mỗi khi xoay chiều chạy, ông lái tàu lại nhấc chiếc cần lái bằng đồng sáng loáng hình chữ Z khỏi cái chốt dẫn động hình vuông to đùng trên bàn lái, mang đến đầu bàn lái bên kia. Ông phụ lái nhảy khỏi tàu, túm dây kéo chiếc cần vẹt đặt giữa nóc tàu, xoay đủ 180 độ rồi ướm đặt cần vẹt tiếp xúc với hàng dây điện bên trên để đảo chiều dòng điện. Những đêm tối trời, có khi ông phải nhấp hai ba lần mới đặt được cái bánh xe tròn đầu cần vẹt áp vào với dây. Những lúc đấy, điện phóng sáng rực như sét đang đánh xuống toa xe điện, trông rất sợ.

Ngày 13/9/1900, tàu điện chính thức chạy trên tuyến Bờ Hồ – Thụy Khuê. Năm sau, có thêm tuyến Bờ Hồ – Ấp Thái Hà, rồi đến năm 1915, tuyến này được kéo dài đến tận bến xe Hà Đông. Năm 1906, khai trương tiếp tuyến Bờ Hồ – Chợ Mơ. Tàu điện dùng nguồn từ ba máy phát điện chạy bằng hơi nước nhãn hiệu Alioth Buise có công suất 250 mã lực. Năm 1925, Nhà máy điện Yên Phụ khánh thành, tàu điện chuyển sang dùng điện lưới và Công ty Xe điện lần lượt mở thêm các tuyến Bờ Hồ – Đại Cồ Việt năm 1929 ( Năm 1943, tuyến này được kéo dài tới cổng Bệnh viện Bạch Mai), rồi tiếp đến tuyến từ Bờ Hồ đến Yên Phụ, Bưởi, Cầu Giấy”.

Phải nói chi tiết, kỹ lưỡng đến thế là cùng.Và đằng sau mỗi con chữ ấy, là tiếng trái tim của anh, một trái tim gắn bó và luôn hòa nhịp đập cùng Hà Nội, yêu đến tận cùng con người, mảnh đất, cảnh vật, tập tục, hương sắc mảnh đất này. Cho nên đọc anh,ai cũng thấy yêu Hà Nội nhiều hơn, người ở xa đi xa cũng như thấy Hà Nội như người yêu luôn ở bên cạnh mình…

Rồi bạn đọc sẽ hỏi: Vậy Hồ Công Thiết là ai? Sao nhà văn yêu và viết về Hà nội kỹ lưỡng, chi tiết và giàu cảm xúc đến thế. Xin được trả lời ngay để chúng ta cùng hiểu anh: Đó là một người Hà Nội, một người cư ngụ từ tuổi thơ đến nay ở con phố Hàng Bột, Hà Nội, hiểu nó đến chân tơ kẽ tóc, yêu nó đến sâu thẳm trái tim, và tới đây sẽ ra mắt chúng ta một tác phẩm văn học dày dặn, xứng đáng, với tên gọi: “Hàng Bột phố – Hà Nội tỉnh”, dẫn dắt người đọc qua nhiều chương mục lý thú:

– Lịch sử phố Hàng Bột

– Các món ngon đặc trưng của Hàng Bột và Hà Nội

– Những con người ở phố Hàng Bột

Những nghề mưu sinh thời bao cấp và thú vị nữa là cho chúng ta “một vé về tuổi thơ”:

-Các trò chơi con trẻ ở Hà Nội.

Mong lắm thay!

Trương Nguyên Việt/ Văn hiến Việt Nam

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc