Hà Nội trong hội họa Văn Dương Thành

13:42 | 08/10/2021

Từ Thăng Long đến Hà Nội, pho sử được chép trên những mảng tường, mái ngói rêu phong của thủ đô – đặc biệt được diễn tả trong hai trăm bức tranh của Văn Dương Thành, kết quả của 40 năm cầm bút vẽ về phố cổ Hà Nội. 

Khi mới ba tuổi, Thành lẫm chẫm nắm chặt tay cha bước đi trên cầu Thê Húc lát gỗ, nhìn xuống giữa những thanh gỗ là mặt hồ xanh biếc với gợn nước long lanh. Cô bé sợ lọt chân xuống khe gỗ nên níu lại đòi cha bế. Cha dẫn Thành vào thăm viếng đền Ngọc Sơn với những bức phù điêu sự tích Đức Phật, Đức Thánh, Cụ Rùa và bức tượng nghìn năm tuyệt đẹp. Ngoài sân sau là cây đa cổ thụ và rất nhiều bồ đề, phượng vỹ, lộc vừng xum xuê, thơm ngát. Là nơi đến thăm của tất cả du khách mỗi khi đến với Hà Nội.

Kỷ niệm thời ấu thơ luôn in đậm trong ký ức của Thành và theo suốt hành trình hội họa. Mỗi một mảng tường xanh rêu, những cánh cửa gỗ mộc, những lan can thấp, nhỏ bé với vài chậu cây thủy tiên, hoa lan hoặc vạn niên thanh cũng đủ gợi lên rất nhiều ý tưởng để sáng tác.

Thăng Long – Hà Nội 36 phố phường với những dãy phố – phường đặc trưng, những kiến trúc tinh tế bên cạnh sự đơn sơ mộc mạc nhưng rất tinh túy và duyên dáng, đặc trưng với những nét độc đáo riêng không pha trộn với bất cứ một thành phố nào khác. Những ngôi nhà hai tầng, những cây bàng lá đỏ nghiêng nghiêng bên vỉa hè cũ kỹ, mái nhà rêu phong nhịp nhàng với cánh cửa gỗ và bức tường rêu như minh chứng cho một thời lịch sử.

Hoa Bên Hồ Hoàn Kiếm, sơn dầu trên toan, 90x70cm, 12/01/2019

Bức tranh “Hoa Bên Hồ Hoàn Kiếm” với phong cách Ấn Tượng (Impressionism) ghi lại khoảnh khắc nắng vàng rực rỡ tỏa trên nét mái cong giản dị nhưng rất tinh xảo, cỏ cây hoa lá vươn lên từ những gốc cây cổ thụ rủ bóng mát xuống mặt nước hồ quanh năm xanh biếc. Những bức tường nâu sậm hoặc rêu phong rất nặng nề thường được điểm xuyết bằng những cánh hoa và vòm cây xà cừ cổ thụ quanh Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Nhìn tranh, người xem cảm nhận được không khí trong lành với những hương cỏ cây tạo nên một sự chuyển động phong thủy nhịp nhàng và nhạc tính trong mỗi cung bậc của màu sắc.

Ngôi Nhà Nghệ Sĩ 65 Nguyễn Thái Học, Sơn mài, 100x90cm, 15/01/2021

Hà Nội với rất nhiều kỷ niệm của các văn – nghệ sĩ, cả cuộc đời gắn bó với lịch sử quê hương, trải qua hai cuộc chiến tranh, mà tác phẩm của họ vẫn thăng hoa và mãi mãi rung động người xem. Ngôi nhà trên là một tòa kiến trúc Pháp hơn trăm năm – rộng lớn bốn tầng với những mái cong và nhiều ban công nhỏ vươn ra hứng ánh nắng từ những cây hoa sữa cao ngất. Nơi đây đã sống các bậc thầy hội họa như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, và Mai Văn Hiến, Văn Giáo, Trần Đông Lương, … Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, … Khi còn là học sinh mỹ thuật 17 tuổi, Thành được họa sĩ Bùi Xuân Phái dẫn đến thăm, ngắm tranh và uống trà với các bác. Nhìn những tác phẩm họ vẽ về Hà Nội những năm đầu thế kỉ XX và sau này thật là sâu sắc và mang đậm hồn Việt.

Vì thế, “Ngôi Nhà Nghệ Sĩ 65 Nguyễn Thái Học” này là một địa danh xuất hiện hơn 20 lần trong tranh sơn mài Văn Dương Thành; dưới nắng vàng, dưới ánh trăng xanh, trong mùa xuân, hạ, thu, đông, vừa nhuốm màu thời gian, vừa tưng bừng rực rỡ, có thể nhận ra một ban công của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, góc cửa sổ của họa sĩ Nguyễn Sáng, cánh cửa cao mở rộng của họa sĩ Mai Văn Hiến,… có khi mấy người từ nhà bác Nghiêm uống trà và ngắm sơn mài, rồi kéo nhau xuống phòng của bác Sáng. Căn phòng nhỏ khoảng 12m2, đơn sơ, không có đồ đạc, duy nhất có hai chiếc ghế đẩu mộc thấp để danh họa kê tranh sơn mài và ngồi xổm dưới đất vẽ. 

Với sự ngưỡng mộ và yêu mến với các bậc thầy, ngôi nhà này trở nên thiêng liêng đối với thế hệ sau. 

Thành diễn tả màu thời gian trên bức tường phủ rêu xanh, nắng vàng rực rỡ trên những mái ngói liên kết nhịp nhàng, và trên cùng là những cột điện và dây điện giăng giăng, bầu trời sáng rực, dát bạc và những đám mây vần vũ xa xa để làm nổi bật ánh nắng vàng trên những lớp ngói cũ. Những cánh cửa gỗ lim chắc nịch đã phai màu, có chỗ chạm nổi, càng tăng sự quý giá của tòa nhà. Hình ảnh người đi xích lô, mẹ đội nón dắt các con đứa cuộc sống rộn ràng, là điểm chấm phá cho sự trầm mặc của Hà Nội cũ.

Ký ức Làng Đông Ngạc Hà Nội, Sơn Mài, 90x90cm, 06/12/2020.

Có rất nhiều làng cổ ở Hà Nội, Đông Ngạc là nơi Thành thường lui tới và vẽ hơn 20 bức tranh. Con đường làng sống trâu vẫn còn bên những căn nhà mái thấp, kiến trúc hòa hợp giữa kiểu nhà nông dân và kiến trúc Pháp; vẫn những tam quan, mái cổng vững chắc, nặng nề, tiếp nối nhau với những mái cong thấp trĩu và hành lang giữ mát cho căn nhà. Bể nước mưa, vại, sành, gốc mít vẫn còn lại. Thành dùng nhiều mảng vàng ta, bạc nguyên để tả ánh nắng rực rỡ, những mảng vỏ trai, vỏ trứng để tả những bức tường nặng nề. Dù ở mùa nào, thì cũng có những ánh xanh lá cây tươi tắn của thiên nhiên phủ lên những mái ngói mốc thếch. Căn cổng hơn trăm năm này sau khi Thành vẽ đã không còn tồn tại, nên bức tranh trở thành một nét lịch sử cho các bạn trẻ chiêm nghiệm.

Đối với kiến trúc cổ, Thành dùng nhiều mảng màu đối chọi, giữa màu đỏ rực của hoàng hôn, màu nắng thu vàng cạnh những màu ghi, màu đen được đặt với nhiều cung bậc lên xuống nhịp nhàng, đầy nhạc tính, những nét đen của hội họa dân gian luôn được sử dụng để tả kỹ những chi tiết của mái ngói dẹt, ngói âm dương, cửa sổ, cửa thông gió và những tấm cửa lim mặt tiền có thể ngả ra những tấm chiếu ngựa, thành ra sập hàng giáp với vỉa hè. Ánh sáng và mảng tối luôn là điểm nhấn trong tranh phố cổ với phong cách Biểu Hiệu (Expressionist).

Hà Nội Những Năm 1920, Sơn Mài, 80x60cm, 11/07/2021.

“Hà Nội Những Năm 1920” là bức tranh sơn mài có nhiều mảng màu hơi trừu tượng, nhìn kĩ sẽ thấy những chi tiết mái ngói mũi hài hoặc ngói âm dương phủ rêu và nhiều căn nhà lúp xúp rất duyên dáng dựa bên nhau. Những tán lá cây Bàng già, cây xà cừ cổ thụ trăm năm tuổi bên những chồi non mới xanh biếc, tất cả dưới ánh sáng vàng rực rỡ.

Với bút pháp biểu hiện và trừu tượng có gợi hình; màu sắc đối chọi mạnh mẽ và lộng lẫy cho đến rất nhẹ nhàng, êm ái – Thành ghi lại những cầu thang lộ thiên nhỏ hẹp chạy giữa những bể nước, ống máng nước mưa bằng sành nung; cả quần thể đó nhưng kể câu chuyện của bao mảnh đời, của nhiều thế hệ đã sống qua trong những ngôi nhà cũ kỹ này – chính màu thời gian đã làm nên sự quyến rũ và cái đẹp rất độc đáo, rất thương nhớ, hoài niệm của một Hà Nội xưa.

Thật kỳ thú khi thả bước lang thang trên những vỉa hè nhấp nhô, hai bên là hàng quán, cửa hàng san sát, dòng người chen chúc, rẽ vào một lối nhỏ như số 3 Phùng Khắc Khoan, bỗng cảm động và sững sờ vì đó là một ngôi chùa cổ của Phủ Thọ Xương nghìn năm trước. Thành vội vàng lấy giấy bút ra ghi lại hình ảnh của những mái cong rồng phượng cẩn ghép gốm Bát Tràng, những cột lim già nâng đỡ cả phần mái chùa nặng. Bước vào trong, lòng người hân hoan bởi những Ông Thiện, Ông Ác đứng gác cho các vị Phật. Những pho tượng Phật gỗ mít sơn son, thếp vàng tuyệt vời tinh xảo do bàn tay của người nông dân làng nghề từ trăm năm trước. Đó là những pho sử sống và những tác phẩm điêu khắc, chạm khắc vô cùng quý giá của quê nhà. Văn Dương Thành không bao giờ mệt mỏi khi được đến thăm những vùng đất thiêng liêng này, được cầm bút ghi lại những đường hoa văn, những dải mây bay, những nét mỉm cười thiền trên gương mặt hiền dịu vị tha của các Đức Phật. 

Những tác phẩm trên luôn là người thầy lớn của Văn Dương Thành, học hỏi cả cuộc đời cũng không bao giờ cạn. Nguồn cảm sâu sắc từ đây đồng hành, nâng đỡ và giúp Thành đi tiếp trong hội họa.

Khác với Phố Cổ của danh họa Bùi Xuân Phái (1920 – 1988) – người thầy tinh thần của Thành. Phố Cổ của ông trầm mặc, sâu lắng, rất kiệm màu và vắng người, với nét bút nhẹ nhàng và các gam màu ghi chuyển tông rất tinh tế, phần lớn vẽ trên những mảnh bìa nhỏ bằng bàn tay, ngoại trừ một số tranh trên toan. Những tuyệt phẩm này đang được đấu giá và trưng bày ở nhiều bộ sưu tập quốc tế.

Phố của Văn Dương Thành ghi lại những nét đời thường và hiện tại của Hà Nội mà ở đó, nét cổ kính luôn đi cạnh bên cuộc sống ồn ào náo nhiệt; những kiến trúc thay đổi đến chóng mặt của ngày nay. Tranh của Thành thường được vẽ trên toan khổ rộng từ 1 – 3 m, màu sắc rất mãnh liệt, bút pháp có khi như vũ bão kết hợp với những khoảng lặng màu êm ái để hoài cổ. Dù phố Văn Dương Thành có người hay vắng bóng người thì người xem cũng thấy một Hà Nội rất ồn ào náo nhiệt, nét mới xen nét cũ, đôi bức tranh mang nặng hoài niệm về tuổi thơ và nỗi nhớ nhung cha mẹ. Đôi bức vẽ như ghi lại những giấc mơ, thỉnh thoảng rất nên thơ mà cũng đầy tiếc nuối.

Cổng Làng Yên Phụ Mùa Xuân, Sơn Mài, 60x50cm, 01.05.2021

Nét bút vẩy màu đen rất thanh và động trong tranh của Thành không thể nào tạo lại lần thứ 2, đó cũng là lý do mà hội họa Văn Dương Thành được sưu tập bởi những công trình công cộng như khách sạn D.I.C. Star Hotel, tòa nhà Pacific Place, Vinacapital, TechcomBank, HD Bank, HSBC và tòa nhà Sao Thái Dương mới đây với 40 tác phẩm từ cỡ nhỏ đến 3m2. Galery Piony & Iris và các bạn sưu tập trong và ngoài nước cũng như các nguyên thủ quốc gia.

Văn Dương Thành Bên Hồ Gươm, 2020. Photo: Lê Bích.

Kỷ niệm 67 năm Giải Phóng Thủ Đô 10/10/1954 – 10/10/2021

Bảo Khánh

Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG