Mới đây, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ công tác kiểm định cầu Chương Dương.
Trước đó, Sở GTVT đề xuất phương án phân luồng tổ chức giao thông phục vụ công tác kiểm định cầu Chương Dương, cụ thể: Từ nay đến hết tháng 12, cấm toàn bộ phương tiện di chuyển qua cầu Chương Dương trong suốt quá trình kiểm định từ 0h00 – 4h00.
Sở GTVT yêu cầu lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT phối hợp phân luồng cho các phương tiện ô tô lưu thông qua cầu Nhật Tân và cầu Vĩnh Tuy. Các phương tiện xe máy phân luồng lưu thông qua cầu Long Biên.
Cùng đó, bố trí các chốt phân luồng từ xa tại hai đầu bờ Bắc và Nam cầu Chương Dương. Đối với bờ Nam, bố trí chốt để hướng dẫn phân luồng từ xa và tại chỗ cho các phương tiện đi đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật không nên đi nút giao vòng xuyến; bờ Bắc bố trí chốt để hướng dẫn phân luồng từ xa và tại chỗ cho các phương tiện tại nút giao Hồng Tiến – Nguyễn Văn Cừ hướng cho các phương tiện quay đầu để đi cầu Vĩnh Tuy, Nhật Tân tại hai đầu đê Long Biên – Xuân Quan để hướng dẫn không cho các phương tiện đi lên cầu.
Công ty công trình giao thông Hà Nội đơn vị được giao quản lý cầu Chương Dương thông tin, hiện mỗi ngày cầu này có khoảng 95.000 lượt xe qua, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Đây là nguyên nhân chính khiến mặt cầu và khe co giãn bị xuống cấp nhanh chóng, công tác sửa chữa, duy tu thường xuyên không đáp ứng được với lưu lượng phương tiện qua lại lớn.
Tháng 4/2020 UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương duy tu, sửa chữa tổng thể cầu Chương Dương (cầu dầm thép đã gần 40 năm tuổi). Trong các công việc duy tu, sửa chữa này có hạng mục lắp đặt tấm chống ồn tại hai đầu cầu Chương Dương. Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo thành phố Hà Nội sau đó, Sở GTVT Hà Nội cho biết, vừa qua trong quá trình quản lý cầu Chương Dương, đơn vị duy tu cầu phát hiện, phần kết cấu nhịp dàn thép và dầm thép có hiện tượng xuống cấp.
Cụ thể, các thanh giàn, dầm, bu lông, đinh tán bị hoen gỉ, làm giảm tiết diện của kết cấu chịu lực; bản bê tông mặt cầu và lớp thảm bị bong vỡ, thường xuyên phải trám vá để đảm bảo an toàn giao thông; bê tông gờ lan can bị nứt vỡ, bong tróc lộ cốt thép, tay vịn bị cong vênh gây mất mỹ quan đô thị…
Từ thực tế trên, để đảm bảo việc sửa chữa cầu Chương Dương được đồng bộ, ổn định lâu dài, đồng thời tránh chồng chéo gây lãng phí đầu tư, Sở GTVT đề nghị UBND thành phố cho phép dừng triển khai thực hiện dự án Lắp đặt tấm chống ồn tại phạm vi hai đầu cầu Chương Dương để Sở GTVT triển khai lập dự án sửa chữa cầu Chương Dương sau khi có kết quả kiểm định.
LKLinh