Hà Nội có 727 di tích xuống cấp các hạng mục chính cần nguồn vốn đầu tư tu bổ, tu sửa cấp thiết và chống xuống cấp; trong đó 448 di tích xuống cấp, 279 di tích xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm, có thể sập đổ bất cứ khi nào.
Chùa Báo Ân (thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai) đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: dantri.com.
Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp nhiều năm qua, song tình trạng này chưa cải thiện nhiều. Mới đây, Hà Nội quyết định dành 14.029 tỷ đồng đầu tư tu bổ, tôn tạo 579 di tích, giai đoạn 2021-2025, tạo ra luồng sinh khí mới cho hệ thống di tích trên địa bàn Thủ đô.
* Di tích chờ đầu tư
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, giai đoạn 2013-2020, số lượng di tích trên địa bàn xuống cấp lớn nhưng các địa phương thiếu nguồn lực, kinh phí bảo quản, tu bổ. Tình trạng di tích xuống cấp nhiều tập trung chủ yếu ở các huyện Ứng Hòa, Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thường Tín…, trong đó nhiều di tích xuống cấp trầm trọng.
Điển hình như chùa Tre, thôn Đại Nghiệp, xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào khi hệ thống mái ngói bị vỡ, xô lệch. Người dân gia cố tạm bằng việc phủ bạt để tránh mưa bão dội thẳng xuống khu thờ chính của tam bảo, thậm chí còn treo tấm biển trước cửa chùa để cảnh báo nguy hiểm. Đình Cổ Chế tại thôn Cổ Chế, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên cũng đứng trước nguy cơ đổ sập. Đình đang được quây tạm lại bằng mái che tôn nhằm giảm thiểu tác động của thời tiết. Đình Phương Châu, xã Phú Phương, huyện Ba Vì do đã xuống cấp nên Ban Quản lý đình dựng cột inox để chống đỡ nhưng chỉ là tạm thời. Người dân phải hoãn tổ chức các lễ lớn để đảm bảo an toàn. Đình làng Đông La Thượng, Đông La Hạ, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân cảm thấy lo lắng khi đến đây sinh hoạt…
Trong khi nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích rất khó khăn. Ông Tô Hữu Vịnh, Chủ tịch UBND xã Dương Xá, huyện Gia Lâm bày tỏ tâm tư về thực tế này. Theo ông Vịnh, trong hai năm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc huy động xã hội hóa càng khó khăn hơn. Có những di tích cần huy động xã hội hóa 5 tỷ đồng nhưng chỉ vận động được 1 tỷ đồng. Dù nguồn kinh phí hạn hẹp, các Ban Quản lý di tích và nhân dân vẫn thực hiện tu bổ, tôn tạo và tiếp tục huy động sau.
Nhiều di tích, khi có nguồn vốn đầu tư nhưng thời gian thực hiện thủ tục thỏa thuận, thẩm định, phê duyệt việc tu bổ còn kéo dài, quy trình phức tạp, nhiều chỗ chồng chéo, gây khó khăn cho công tác này và phát huy giá trị di tích tại địa phương. Việc cam kết nguồn vốn đầu tư trong trường hợp sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, cơ cấu nguồn vốn cũng như đảm bảo tính khả thi của việc huy động nguồn vốn xã hội hóa khiến địa phương gặp lúng túng trong triển khai.
* Tổng lực cho cuộc đại tu bổ, tôn tạo
Khi số lượng di tích xuống cấp lớn, nguồn kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo luôn là nỗi trăn trở của người quản lý di tích và đông đảo nhân dân. Mới đây, một tin vui đến với những người quan tâm tới di tích Hà Nội đó là theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ Kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố, Hà Nội đầu tư tổng kinh phí 14.029 tỷ đồng cho 579 di tích cần tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, đầu tư tu bổ di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến là 58 di tích, dự kiến kinh phí 5.676,3 tỷ đồng. Thành phố dự kiến hỗ trợ các huyện, thị xã tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo tổng số 521 di tích (337 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 184 di tích cấp thành phố), tổng kinh phí 8.352,7 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, tu bổ, tôn tạo di tích là một trong ba lĩnh vực thành phố quan tâm đầu tư lớn ở giai đoạn 2021-2025. Thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai bởi việc tu bổ, tôn tạo di tích không đơn thuần là một công trình xây dựng mà nó hàm chứa yếu tố văn hóa, tâm linh nên cần thận trọng. Với khối lượng công việc lớn, thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo về công tác quản lý tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích để tạo sự thống nhất chung, thường xuyên kiểm tra, giám sát, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.
Trước đó, năm 2018, thành phố chi hơn 40,8 tỷ đồng đầu tư tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 50 di tích. Năm 2021, thành phố tiếp tục đầu tư tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho 122 di tích với kinh phí 139,3 tỷ đồng.
Như vậy, với sự đầu tư tổng lực cho việc tu bổ, tôn tạo, di tích Hà Nội sẽ có một luồng sinh khí mới, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc từ hàng trăm năm nay, vừa tạo động lực cho việc phát huy di sản, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, khối lượng công việc lớn và khó, việc triển khai sẽ rất nặng nề đòi hỏi tính khoa học, thận trọng của cả hệ thống chính quyền, các sở, ngành liên quan.
Đinh Thuận (TTXVN)
Nguồn Báo Tin Tức
https://baotintuc.vn/van-hoa/ha-noi-danh-14029-ty-dong-tong-luc-tu-bo-ton-tao-di-tich-20220609165549040.htm